Người dân đang trông chờ cầu Đại Ngãi được xây dựng để không còn cảnh "lụy phà" - Ảnh: ANH THÀNH
Rất nhiều người dân than trời: "Không biết đến bao giờ cầu Đại Ngãi mới được xây dựng để chúng tui hết cảnh qua sông lụy phà".
Người dân sao phải mãi đợi?
Vào tháng 12-2015, tại buổi lễ khởi động dự án xây dựng cầu Đại Ngãi, một lãnh đạo từ trung ương về dự, phát biểu: "Xây dựng cầu Đại Ngãi nhằm tháo gỡ nút thắt cuối cùng, thông toàn tuyến quốc lộ 60 nối liền các tỉnh duyên hải phía đông Tây Nam Bộ. Đây là niềm ao ước bấy lâu nay của đồng bào Tây Nam Bộ, đặc biệt là hai tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh".
Thế nhưng suốt 3 năm rưỡi qua, dự án vẫn chưa thi công vì chưa xác định được nhà đầu tư dự án và chưa xác định nguồn vốn đầu tư dự án.
Tháng 7-2015, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây cầu Đại Ngãi bằng hai nguồn vốn đầu tư, gồm vốn hợp phần 1 là đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng, kinh doanh và chuyển giao) và vốn hợp phần 2 là ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên trong báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào tháng 8-2016, Bộ GTVT cho biết đối với vốn hợp phần 1 có liên danh nhà đầu tư là Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Tuấn Lộc và Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh tham gia, nhưng qua xét tuyển hồ sơ dự sơ tuyển thì liên danh nhà đầu tư này không đạt yêu cầu.
Theo Bộ GTVT, đối với hợp phần 2, nguồn vốn thực hiện do ngân sách nhà nước trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020 rất khó khăn. Vì vậy, sau khi thẩm định hồ sơ dự án, Bộ Kế hoạch và đầu tư đề xuất sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ để đầu tư hợp phần 2. Nhưng chủ trương phát hành trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016-2020 chưa được Quốc hội thông qua nên chưa có cơ sở để thẩm định nguồn vốn này.
Vì vậy, Bộ GTVT khẳng định cả hai hợp phần dự án đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nên không thể tiếp tục thực hiện dự án trên. Từ đây, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng cho phép chuyển đổi phương thức đầu tư dự án xây dựng cầu Đại Ngãi sang sử dụng vốn vay ODA của nhà tài trợ nước ngoài.
Dự án cầu Đại Ngãi trên quốc lộ 60 nối Sóc Trăng và Trà Vinh - Đồ họa: T.ĐẠT
Hướng mở ODA
Ông Nguyễn Chung Khánh, tổng giám đốc Ban quản lý dự án 7 (Bộ GTVT) - đơn vị đề xuất đầu tư dự án cầu Đại Ngãi, cho rằng việc đầu tư dự án trong hợp phần 1 theo hình thức BOT là không khả thi.
Bởi vì hiện nay trên tuyến quốc lộ 60 dài 116km đã có đến 2 trạm thu phí BOT là trạm cầu Rạch Miễu, cầu Cổ Chiên. Nếu có thêm trạm BOT cầu Đại Ngãi là bất hợp lý vì khoảng cách giữa các trạm thu phí quá gần và không đạt quy định khoảng cách phải trên 70km mới đặt trạm thu phí.
Hơn nữa, việc thực hiện dự án đầu tư theo hình thức BOT là không khả thi do thời gian thu phí kéo dài hơn 20 năm, trong khi vốn vay ODA có chi phí đồng vốn thấp, có thể đầu tư hoàn chỉnh đồng bộ hơn phương án BOT.
Cũng theo ông Khánh, để sớm triển khai đầu tư dự án xây dựng cầu Đại Ngãi, Ban quản lý dự án 7 đã trình Bộ GTVT báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản.
Mới đây, ngày 25-1-2019, Bộ Kế hoạch và đầu tư vừa trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, trong đó có dự án xây dựng cầu Đại Ngãi.
Tiếp đó, Bộ GTVT gửi Bộ Kế hoạch và đầu tư cập nhật tiến độ dự án, xác định nhu cầu vốn và các nội dung liên quan dự án cầu Đại Ngãi.
"Trước đó, tháng 3-2017, Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đồng ý đề xuất sử dụng ODA vốn vay Nhật Bản về xây dựng cầu Đại Ngãi.
Tiếp đó, trong phiên họp thường kỳ tháng 1-2019, Chính phủ ban hành nghị quyết đồng ý với nguyên tắc thẩm định vốn, khả năng cân đối vốn và thứ tự các dự án vay ODA của Bộ Kế hoạch và đầu tư.
Do đó, cấp thẩm quyền đang chờ ý kiến báo cáo của Bộ Kế hoạch và đầu tư để tiến hành xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư xây cầu Đại Ngãi" - ông Khánh giải thích thêm.
Theo Ban quản lý dự án 7, mới đây Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã có thông báo gửi Bộ GTVT về việc khởi động nhóm tư vấn thực hiện công tác khảo sát thu thập số liệu về công nghiệp và logistics khu vực ven biển ĐBSCL.
Đây là công tác nhằm phục vụ nghiên cứu dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên quốc lộ 60. Từ thông báo này, Bộ GTVT cũng đề nghị các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau phối hợp thực hiện việc khảo sát, thu thập số liệu trên.
Mới đây, đơn vị tư vấn Nhật Bản đã có báo cáo gửi cho JICA và Chính phủ Nhật Bản để xem xét, quyết định đầu tư dự án xây dựng cầu Đại Ngãi. Do đó người dân tại các tỉnh ven biển ĐBSCL có thể hi vọng dự án cầu Đại Ngãi sẽ sớm khởi động trở lại.
Cầu Đại Ngãi rút ngắn 80km từ Cà Mau về TP.HCM
Hiện nay trên tuyến quốc lộ 60 đã hoàn thành đưa vào khai thác 3/4 cầu lớn gồm cầu Rạch Miễu, cầu Hàm Luông và cầu Cổ Chiên. Vì vậy, cầu Đại Ngãi là nút thắt cuối cùng trên tuyến quốc lộ này. Hiện tại người dân và các phương tiện phải di chuyển bằng phà Đại Ngãi và phà Cầu Quan với thời gian 2,5 giờ/lượt nên hạn chế phương tiện đi theo tuyến quốc lộ 60 về TP.HCM. Đây cũng là lý do làm tăng áp lực giao thông lên tuyến quốc lộ 1 đang bị quá tải.
Nếu cầu Đại Ngãi hoàn thành sẽ khai thông toàn tuyến giao thông quốc lộ 60. Từ đây nâng cao năng lực vận tải cho vùng ĐBSCL và tạo sự kết nối giao thông thuận tiện giữa các tỉnh duyên hải phía Nam với TP.HCM, bởi khi đó đi từ Cà Mau về TP.HCM sẽ gần hơn 80km so với di chuyển theo tuyến quốc lộ 1 như hiện nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận