18/05/2015 11:47 GMT+7

Cầu đã thông, chờ “đường” thoáng

ĐỨC TUYÊN ghi
ĐỨC TUYÊN ghi

TT - Cầu Cổ Chiên vừa thông xe. Trước đó cầu Rạch Miễu rồi cầu Hàm Luông (Bến Tre) đã hoàn thành. Cầu Đại Ngãi sẽ được lập dự án xây dựng trong năm nay.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng lãnh đạo các bộ, ngành tại lễ thông xe cầu Cổ Chiên - Ảnh: Thanh Tú

Khi đó quốc lộ 60 sẽ được nối liền mạch từ Sóc Trăng về Tiền Giang để lên TP.HCM cũng như các tỉnh miền Đông Nam bộ. 

Giao thông các tỉnh ven biển ĐBSCL ngày càng hoàn thiện, mở ra cơ hội để nhiều tỉnh như Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng có điều kiện phát triển về kinh tế - xã hội.

Trước đây khi chưa có cầu Rạch Miễu, Bến Tre được xem như “vùng ốc đảo", "góc kẹt”. Thế nhưng từ khi cầu Rạch Miễu rồi cầu Hàm Luông được đưa vào sử dụng, tỉnh Bến Tre thay đổi rất nhiều.

Giao thông thuận lợi đã tạo điều kiện cho Bến Tre thu hút nhiều khách du lịch, thuận lợi hơn khi hút vốn đầu tư. Lúa gạo, thủy sản, trái cây người dân Bến Tre làm ra đến tay người tiêu dùng nhanh hơn.

So với trước đây khoảng 10 năm, hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL đã phát triển nhanh, mạnh trong những năm qua, trong đó dấu nhấn là cầu Mỹ Thuận và cầu Cần Thơ.

Ở chiều ngược lại, khi các cây cầu được đưa vào sử dụng thì hàng hóa, người dân các tỉnh thành khu vực Đông Nam bộ, TP.HCM, Long An, Tiền Giang... cũng có điều kiện tốt để xuôi về miền Tây.

Thế nhưng cầu đã thông nhưng “đường” chưa thoáng. Trên quốc lộ 1 hiện nay chúng ta mới có được đoạn đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương và sắp tới là Trung Lương - Mỹ Thuận.

Nếu đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận làm xong cũng chỉ mới giải quyết được phần nào việc mở rộng, cải tạo hệ thống quốc lộ 1.

Còn tuyến đường từ Mỹ Thuận về Cần Thơ rồi kéo dài xuống tận Cà Mau hiện nay còn chật hẹp, nhiều nơi đã hư hỏng cần được cải tạo và mở rộng.

Ngay như tuyến quốc lộ 60 hiện nay, dù cầu Cổ Chiên đã thông nhưng một số khu vực trên tuyến đường này còn quá hẹp, chỉ mới đáp ứng được việc đi lại bình thường của người dân chứ chưa đủ điều kiện để các xe tải lớn, xe container vận chuyển hàng hóa lưu thông dễ dàng.

Do đó cần phải mở rộng, cải tạo những tuyến quốc lộ để khai thác hiệu quả các công trình cầu ngàn tỉ đã đầu tư.

Một “con đường” khác cũng cần được khơi thông là hệ thống logistics - các dịch vụ hậu cần cho việc trung chuyển, giao nhận, kho bãi... để hàng hóa lưu thông thuận lợi nhất.

Khi có được hệ thống logistics tốt mới khai thác hết được những lợi thế mà hệ thống giao thông đã có, tạo điều kiện cho hàng hóa đầu vào đến đầu ra có đường đi thông thoáng, tốt nhất.

Những cảng biển, hệ thống logistics nếu được xây dựng tại các tỉnh thành, nhất là các tỉnh duyên hải khu vực ĐBSCL, sẽ làm giảm áp lực hàng hóa bị ứ đọng tại các cảng khu vực miền Đông Nam bộ và TP.HCM.

Việc lưu thông hàng hóa cho cả vùng ĐBSCL từ đó sẽ thuận lợi hơn, giảm chi phí và nâng cao giá trị kinh tế, lợi nhuận nhiều hơn.

Để xây dựng được hệ thống cảng, hệ thống logistics thì chỉ có Chính phủ cùng các bộ ngành, các nhà hoạch định chính sách, chiến lược mới giải quyết được, chứ đơn lẻ từng tỉnh thành trong khu vực không thể làm được việc này.

Ngoài ra, “con đường chính sách” cũng cần thông thoáng, rõ ràng hơn mới mong thu hút được nhà đầu tư như doanh nghiệp tham gia.

Thông cầu mới chỉ là khởi đầu, phải bắt tay làm ngay các “con đường” khác mới giúp ĐBSCL bật dậy nhanh chóng, tạo sinh khí mới cho một vùng kinh tế đầy tiềm năng phát triển.

 TS VÕ HÙNG DŨNG 

ĐỨC TUYÊN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp