Sinh viên Lê Thuý Nga, con gái ông Thủy, người viết thư tay gửi Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, nói ngôi nhà đã xập xệ, xuống cấp nghiêm trọng, gia đình chỉ mong được sửa lại để ổn định cuộc sống - Ảnh Nguyễn Khánh |
Sinh viên Lê Thúy Nga (Học viện Quản lý giáo dục) đã gửi thư cầu cứu tới Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, phản ánh hoàn cảnh cả gia đình ở địa chỉ 123 Nguyễn Văn Cừ (Long Biên, Hà Nội) phải sống trong căn nhà cấp 4 dột nát, sắp sập, nhiều lần xin phép sửa nhà nhưng UBND quận Long Biên gây khó dễ, không cấp phép.
“Chúng tôi bệnh ung thư, họ lấy đất bán đấu giá”
Căn nhà của gia đình sinh viên Nga, có bố và mẹ bị bệnh ung thư, nằm ở vị trí mặt tiền phố Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên), nhưng hoàn toàn lạc lõng trong tuyến phố sầm uất, khang trang này. Suốt cả dãy phố đều nhà cao tầng, nguy nga, lộng lẫy, chỉ có căn nhà cấp 4 số 123 nằm lọt thỏm, xập xệ.
Trong ngôi nhà còn xập xệ, tềnh toàn, nguy hiểm hơn khi các thanh xà gỗ chống chọi với ngôi nhà xuống cấp đã mục ruỗng.
Giữa những chồng lớn hồ sơ, ông Lê Phúc Thủy, bố của sinh viên Nga, bộc bạch, “con tôi nó thương bố mẹ nên mới đây đã viết thư cầu cứu tới Chủ tịch thành phố. Tôi hy vọng những lời cầu cứu đó thấu tới Chủ tịch, còn những cơ quan ở dưới vợ chồng tôi cũng gõ cửa cả rồi nhưng không ai thấu nỗi khổ của gia đình”.
Ông Thủy kể, gia đình ông sử dụng mảnh đất tại 123 Nguyễn Văn Cừ từ những năm trước 1992, có phần lấn chiếm cả ao và đến năm 1992 thì xây nhà cấp 4, lúc đó bên công an có kiểm tra và lập biên bản.
“Từ đó đến nay gia đình tôi vẫn sinh sống trên mảnh đất này, nhưng ở thời điểm năm 2009 cả gia đình té ngửa khi biết mảnh đất mình đang sử dụng bị UBND quận Long Biên bán cho người khác từ năm 2007, những uất ức cũng chồng chất từ đó”-ông Thủy nói.
Phân trần đúng sai, ông Thủy nêu lại nhiều nội dung tòa đã phân xử trước việc ông khởi kiện UBND quận Long Biên khi ban hành quyết định thu hồi đất, quyết định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, quyết định cưỡng chế… với gia đình ông.
“Về căn cứ thu hồi đất, tòa đã nêu rõ, đối chiếu trong các trường hợp cụ thể này thì diện tích 90m2 mà gia đình tôi đang sử dụng không thuộc các trường hợp mà UBND quận Long Biên viện dẫn để thu hồi đất. Về trình tự thu hồi đất, Tòa án nhân dân tối cao cũng nêu rõ, “có căn cứ xác định diện tích đất này đã được UBND quận Long Biên bán cho bà C.T.M từ ngày 13-1-2007 với giá 2,87 tỉ đồng. Tức là, UBND quận Long Biên đã bán đấu giá diện tích đất do ông Thủy là người đang sử dụng cho người khác trước khi ra quyết định thu hồi đất đó. Ông Thủy là người đang trực tiếp quản lý, sử dụng đất nhưng không biết việc này”, ông Thủy dẫn chứng.
“Bán xong đất của gia đình đến ngày 22-12-2009, tức là gần 3 năm sau UBND quận mới ban hành quyết định thu hồi đất của gia đình” - ông Thủy kể lại.
Chưa hết, theo ông Thủy, ngay việc xác định nguồn gốc đất của gia đình cũng bị các cơ quan chức năng phản ánh sai. “Cơ quan chức năng xác định đất của gia đình có nguồn gốc sử dụng không hợp pháp, thời điểm tự xây nhà ở năm 2000, nhưng việc xác định này đã được Tòa án nhân dân tối cao phân xử rõ là không phản ánh đúng thực tế việc lấn chiếm đất, xây dựng nhà trên đất lấn chiếm của gia đình tôi. Tòa nêu rõ những nội dung này được thực hiện trước ngày 4-1-1993. Hội đồng xét xử cũng nêu rõ có căn cứ xác định gia đình tôi đã sử dụng diện tích đất này trước ngày 15-10-1993”, ông Thủy dẫn chứng.
Ông Thủy khẳng định, bản án ghi rõ, “việc UBND quận Long Biên đã ban hành quyết định thu hồi đất… không đúng trình tự, không thuộc thẩm quyền, không phải sử dụng đất thu hồi vào mục đích “quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế”.
“Tòa đã xử hủy quyết định thu hồi đất, hủy quyết định bồi thường, hủy các quyết định cưỡng chế thu hồi đất của UBND quận Long Biên…. Nhưng từ sau tháng 6-2013 đến nay phía quận Long Biên không chịu thi hành án, không giải quyết việc cấp sổ đỏ, không cấp phép cho xây dựng, sửa chữa nhà” - ông Thủy bức xúc.
Gõ cửa nhiều nơi nhưng chưa đâu thấu
Ông Lê Phúc Thuỷ chỉ tay nên trần nhà của gia đình đã bị xuống cấp nghiêm trọng , ông Thuỷ cho biết ngôi nhà được xây dựng từ năm 1992 giờ đã xuống cấp nghiêm trọng… nhưng được được cấp phép sửa chữa - Ảnh Nguyễn Khánh |
Sáng 3-3, trao đổi với Tuổi Trẻ, sinh viên Lê Thúy Nga (Học viện Quản lý giáo dục) bộc bạch, “vì thương bố mẹ bệnh, vất vả gõ cửa khắp nơi mà không được giải quyết nên mới viết thư tới Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội”.
Thư cầu cứu của sinh viên Nga viết, “hiện cả bố mẹ cháu đều mắc bệnh ung thư. Gia đình cháu sống nhờ vào quán nước chè của mẹ cháu và bố cháu thì sửa chữa xe máy trước cửa nhà. Gia đình cháu ở trong ngôi nhà cấp 4 xây dựng từ năm 1992 đã sập xệ, tường nứt lớn, những thanh gỗ đã mục nát, khiến nó có thể sụp đổ bất cứ lúc nào…
Thế nhưng, gia đình cháu nhiều lần xin phép sửa nhà nhưng UBND quận Long Biên gây khó dễ, không cấp phép dù nhà cháu đủ điều kiện. Không được sửa chữa, xây dựng thì nhà cháu mãi mãi sống trong lo lắng và tuyệt vọng”.
Sinh viên Nga cho biết, đã gửi thư qua đường bưu điện, hình thức gửi thư đảm bảo từ ngày 25-2, nhưng chưa biết thư đã tới tay Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội hay chưa, vì chưa nhận được hồi âm.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông Lê Phúc Thủy cho biết: “Ngày 29-12, UBND thành phố Hà Nội có văn bản gửi Chánh Thanh tra Thành phố xác minh, kết luận nội dung tôi nêu. Sau đó đến ngày 18-1-2016, Thanh tra thành phố có giấy mời chuyển đến gia đình tôi mời lên giải quyết. Dù chưa bao giờ mời chúng tôi lên làm việc, nhưng giấy mời ngày 18-1-2016 lại ghi là mời lần thứ ba. Đến giờ, bản án cũng chưa được thực thi, mọi nỗ lực xin cấp sổ đỏ, sửa chữa nhà vẫn vô vọng".
Theo ông Thủy, trong khi mọi nguyện vọng chính đáng của gia đình chưa được giải quyết, ngày 25-4-2014 UBND quận Long Biên lại cấp “sổ đỏ” cho gia đình bà C.T.M trên mảnh đất gia đình đang sử dụng mà UBND quận đã bán đấu giá năm 2007.
“Thực sự đến giờ chúng tôi rất mệt mỏi và không biết bao giờ những quyền lợi mình kiến nghị mới được giải quyết”, ông Thủy nói.
UBND quận đã báo cáo Chủ tịch UBND thành phố Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 3-3, ông Đàm Văn Huân, Chánh văn phòng UBND quận Long Biên (Hà Nội) nói, “Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội (Nguyễn Đức Chung-PV) đã có yêu cầu UBND quận báo cáo toàn bộ sự việc này”. Ông Huân cho biết, sau khi Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo, UBND quận Long Biên đã có báo cáo gửi Chủ tịch UBND thành phố. Về hướng nội dung đã báo cáo Chủ tịch UBND thành, ông Huân cho biết, vụ việc này do Phòng Tài nguyên-Môi trường của quận thụ lý, giải quyết từ đầu nên phòng đó sẽ thông tin. Liên hệ với ông Trịnh Quốc Huy, Trưởng phòng Tài nguyên-Môi trường quận Long Biên, ông Huy cho biết, “Phòng Tài nguyên - Môi trường đã chuẩn bị đầy đủ nội dung, đã tham mưu báo cáo gửi Chủ tịch UBND thành phố là chưa đủ cơ sở xem xét cấp “sổ đỏ” cho gia đình ông Lê Phúc Thủy”. Ông Huy cho biết thêm, “sau khi có bản án phúc thẩm của Tòa án nhân dân tối cao thì UBND quận Long Biên đã có đơn gửi Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, trong đó kiến nghị xem xét phúc thẩm lại bản án ngày 21-6-2013 của Tòa án nhân dân tối cao”. Theo ông Huy, từ khi gửi đơn đến nay vân chưa nhận phản hồi của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nên UBND quận vẫn đang chờ. “Đúng là trong bản án của Tòa án nhân dân tối cao tuyên hủy quyết định thu hồi đất của UBND quận. Tuy nhiên phần diện tích của ông Lê Phúc Thủy vẫn đang nằm trong quyết định thu hồi đất của UBND thành phố. Đến nay quyết định này của UBND thành phố cũng chưa điều chỉnh, chưa hủy và cũng chưa có văn bản nào xác định tách phần diện tích của ông Thủy ra khỏi quyết định thu hồi đất của UBND thành phố, nên việc ông Thủy đề nghị cấp sổ đỏ đã được UBND quận báo cáo Chủ tịch UBND thành phố là chưa có cơ sở xem xét”, ông Huy cho hay. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận