10/05/2018 14:31 GMT+7

Câu chuyện nơi đầu sóng ngọn gió Trường Sa

HÀ THANH
HÀ THANH

TTO - Con tàu KN290 đưa 200 đại biểu đoàn hành trình “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương” năm thứ 10 đặt chân đến Đá Lớn C, Sơn Ca, Sinh Tồn Đông, Len Đao, Tốc Tan B, Phan Vinh A, Trường Sa Đông, Đá Tây B, Đá Lát, nhà giàn DK1...

Câu chuyện nơi đầu sóng ngọn gió Trường Sa - Ảnh 1.

Gương mặt đen nhẻm vì nắng gió , nhưng nụ cười luôn thường trực trên môi chiến sĩ Nguyễn Trung Thu - Ảnh: HÀ THANH

Đến với các đảo, đoàn đại biểu nhìn thấy những chàng trai trẻ chỉ mới mười tám, đôi mươi khát khao cầm chắc tay súng nơi thân yêu.

Sau chuyến đi, các đại biểu sẽ chia sẻ với mọi người về ý nghĩa của biển đảo và sự nghiệp bảo vệ biển đảo đối với quốc phòng - an ninh và phát triển kinh tế biển, vươn ra biển và làm giàu từ biển

Anh BÙI QUANG HUY (bí thư Trung ương Đoàn)

Khát khao canh giữ biển trời

Thấy chiếc canô của đoàn tiến đến gần, chiến sĩ Nguyễn Trung Thu (nhân viên thông tin tín hiệu, quê ở Đồng Nai) tay giơ cao hai lá cờ làm nhiệm vụ hướng dẫn cho chiếc canô đi vào đúng luồng lạch. Nụ cười luôn thường trực trên môi, Thu không giấu được vui mừng đón đoàn đại biểu đến thăm và động viên các chiến sĩ tại đảo Đá Lớn C.

Thu nhớ rất rõ khoảnh khắc được gọi ra Trường Sa, năm đó mới 18 tuổi, cậu tình nguyện viết đơn lên đường nhập ngũ. "Tôi muốn trải nghiệm cuộc sống quân đội, ban đầu nghĩ chắc đi bộ binh, nhưng không ngờ được đi ra Trường Sa. Ra đây giữ biển đảo Tổ quốc, vui lắm" - Thu chia sẻ.

Ở nơi đảo xa, có nhiều chàng trai tuổi mười tám, đôi mươi như Thu đều mang trong mình một khát khao cháy bỏng được canh giữ biển trời quê hương.

Câu chuyện nơi đầu sóng ngọn gió Trường Sa - Ảnh 3.

Những người lính đảo kiên trung đang ngày đêm cầm chắc tay súng canh giữ biển trời quê hương - Ảnh: HÀ THANH

22 tuổi, vừa tốt nghiệp đại học, chiến sĩ Trần Đại Hản (quê ở Khánh Hòa) xin ra đảo, nay đã tròn 3 tháng, cái nắng, cái gió Trường Sa đã ngấm vào da thịt.

"Ngẫu nhiên chọn hải quân, không có bất kỳ mối liên kết nào với ngành mình học, nhưng nhờ các anh em trên đảo hướng dẫn tận tình giúp mình thích nghi được với môi trường. Ở đảo xa, nhớ người thân, người yêu lắm, nhưng có nhớ cũng gác qua một bên để hoàn thành nhiệm vụ đơn vị giao cho" - Hản tâm tình.

Chiến sĩ Dương Trung Hiếu (24 tuổi, TP.HCM) đặt chân lên tàu rời đất liền ra làm nhiệm vụ ở đảo Phan Vinh A. Tròn ba tháng làm nhiệm vụ tại đảo, Hiếu nói Trường Sa đã khiến con người cậu thay đổi.

Đảo thiếu nước ngọt, thiếu rau xanh, nhưng chàng lính trẻ biết khắc phục khó khăn, biết sử dụng nước ngọt tiết kiệm với chỉ tiêu 10 lít nước/ngày.

"Ra Trường Sa, tôi được trải nghiệm cuộc sống ở đảo, biết sắp xếp công việc, giữ gìn nề nếp người lính đảo. Anh em sống với nhau đoàn kết, và vẻ đẹp của biển càng khiến tôi gắn bó, yêu đảo hơn" - Hiếu nói.

Câu chuyện nơi đầu sóng ngọn gió Trường Sa - Ảnh 4.

Hành trình “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương” năm thứ 10 gửi tặng các chiến sĩ món quà đặc biệt là những thước phim ngắn về gia đình và nhắn nhủ của người thân đến các chiến sĩ - Ảnh: HÀ THANH

Hạt giống nảy mầm trên đảo xa

Hành trình 10 ngày đầy cảm xúc, 200 đại biểu đã mang những món quà ý nghĩa như trao tặng máy lọc nước biển thành nước ngọt, máy vi tính, máy làm rau mầm... cho Trường Sa.

Đến mỗi điểm đảo, đại biểu Phan Thanh Sang (chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt) đều dành tặng chậu hoa lan hồ điệp với mong mỏi hoa lan sẽ góp phần tô thắm Trường Sa, giúp các chiến sĩ có những giây phút thư giãn khi nhìn ngắm hoa lan khoe sắc.

Tại mười điểm đảo và nhà giàn DK1 mà hành trình đến thăm, anh đã gửi tặng các chiến sĩ ở đảo những gói hạt giống như rau muống, cải xanh, cà pháo, mướp, bí... và giá thể dớn trắng tiết kiệm nước, kèm theo bảng hướng dẫn gieo trồng với mong muốn xây dựng một Trường Sa xanh.

Trung úy Lê Đình Trọng (ở đảo Trường Sa) là người thường xuyên trao đổi, liên lạc với anh Phan Thanh Sang về mô hình rau xanh trên đảo.

"Chuyến đi này tôi thấy vui hơn vì hạt giống đã nảy mầm trên đảo. Đợt tới, ở các đảo cần khắc phục, rửa mặn thêm và dùng phân hữu cơ bón. Sau chuyến này chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi anh em chuẩn bị hạt giống, đất trồng ra Trường Sa" - anh Sang chia sẻ.

Theo anh Sang, ở Trường Sa cần xây dựng một quy trình chăm sóc rau an toàn, hướng dẫn trồng từng loại rau thế nào, cách trồng rau ngoài trời hay nhà kính hay trồng rau trong mùa mưa, mùa khô ra sao.

Tùy theo điều kiện ở đảo nổi hay đảo chìm có thể thiết kế vườn rau có tường gạch bao quanh hay làm nhà kính trồng rau có hệ thống che xung quanh di động để trồng rau an toàn.

Câu chuyện nơi đầu sóng ngọn gió Trường Sa - Ảnh 5.

Anh Phan Thanh Sang (bìa trái) trao tặng cho các điểm đảo hạt giống với mong muốn phủ xanh Trường Sa - Ảnh: HÀ THANH

Mang tiếng hát ra đảo xa

Chị Nguyễn Thị Kim Ngân (28 tuổi, phó bí thư chi đoàn Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Long An) khiến nhiều đại biểu và chiến sĩ cảm động bởi hành động đẹp: nhận những bức thư của chiến sĩ gửi về đất liền.

"Tôi xúc động mạnh khi lên đảo Sơn Ca, tôi hỏi các chiến sĩ ai có nhu cầu gửi bưu thiếp về nhà không thì lúc ra bến tàu, các chiến sĩ chạy ào ra, càng ngày càng đông. Chỉ còn vài phút nữa thôi, họ đua nhau lấy bút viết.

Đến bây giờ, cứ nghĩ đến hình ảnh đó là tôi xúc động. Từ hình ảnh đó, sau khi trở về, tôi sẽ làm hoạt động liên kết đến thăm gia đình của các chiến sĩ mà tôi đã nhận thư" - chị Ngân chia sẻ.

Ngoài việc gửi những lá thư của các chiến sĩ, chị còn mong muốn hằng năm sẽ vận động quyên góp các đặc sản ở tỉnh Long An như thanh long, khoai mỡ, ổi... và thông qua kênh của Trung ương Đoàn gửi ra Trường Sa.

Đồng thời, đề xuất thành lập đội thí điểm tuyên truyền về Trường Sa, lựa chọn người tuyên truyền phù hợp để truyền cảm hứng yêu biển đảo cho thế hệ trẻ, vận động, gắn kết đất liền với Trường Sa.

Câu chuyện nơi đầu sóng ngọn gió Trường Sa - Ảnh 6.

Trong hành trình năm thứ 10, anh Bùi Quang Huy, Bí thư Trung ương Đoàn trao tặng huy hiệu Đoàn cho các chiến sĩ trẻ - Ảnh: HÀ THANH

Câu chuyện nơi đầu sóng ngọn gió Trường Sa - Ảnh 7.

Những gương mặt dạn dày nắng gió Trường Sa nở nụ cười rạng rỡ - Ảnh: HÀ THANH

Câu chuyện nơi đầu sóng ngọn gió Trường Sa - Ảnh 8.

“Mong ba mẹ đừng lo lắng, con ở ngoài đây công tác tốt”, là lời gửi gắm của chiến sĩ Trường Sa về đất liền - Ảnh: HÀ THANH

Câu chuyện nơi đầu sóng ngọn gió Trường Sa - Ảnh 9.

Anh Bùi Quang Huy, Bí thư Trung ương Đoàn (thứ hai từ phảiqua) chia sẻ, động viên chiến sĩ Nguyễn Trung Thu ở đảo Đá Lớn C - Ảnh: HÀ THANH

Sáng tác ca khúc ngay trên đảo

Đến mỗi điểm đảo, ca sĩ Đông Triều (trưởng đoàn ca, Nhà hát ca múa nhạc Bông Sen, Sở Văn hóa - thể thao TP.HCM) - một trong 14 thanh niên tiêu biểu được Trung ương Đoàn lựa chọn ra Trường Sa - mang trong mình chất giọng đầy nội lực dành tặng lời ca, tiếng hát cho các chiến sĩ Trường Sa.

"Trường Sa sức sống căng tràn, bao lớp người đi canh giữ biên thùy/Gạc Ma đất thiêng oai hùng, mẹ đã sinh ra những người con kiên trung.../Hỡi chiến sĩ khơi xa có chúng tôi ở đây cùng nắm tay, cùng hát vang/Việt Nam".

Đây là những giai điệu trong ca khúc Đến đảo xa cùng KN290 mà ca sĩ Đông Triều vừa sáng tác ngay trên chuyến hành trình "Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương" năm thứ 10.

Sau chuyến hành trình đầy ý nghĩa, Đông Triều mong muốn thông điệp, tình yêu biển đảo mà chàng ca sĩ gửi gắm qua bài hát này lan tỏa rộng rãi đến các bạn trẻ Việt Nam.

"Đến Trường Sa, đến những đảo chìm, đảo nổi thật sự nắng cháy da người. Đặt chân lên đến Trường Sa mới hiểu được sự khổ cực của các chiến sĩ đã cống hiến cho Tổ quốc" - ca sĩ Đông Triều bày tỏ.

Chuyển 1.800 cây xanh ra quần đảo Trường Sa

TTO - Sáng 3-5, hơn 270 cán bộ, chiến sĩ và nhiều thành viên báo Tuổi Trẻ đã chuyển 1.800 cây xanh và 500 bao cát ra quần đảo Trường Sa.

HÀ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp