Ngoài lúa, cây lương thực chủ yếu của Triều Tiên là ngô, cao lương và các loại đậu - Ảnh: THÁI LỘC |
Chừng đó là khá ổn đối với mỗi người Triều Tiên. Thế nhưng càng tìm hiểu chúng tôi càng nhận ra vấn đề lương thực là cả câu chuyện dài đối với đất nước này...
Sống ở Bình Nhưỡng là một đặc ân
Ở Triều Tiên đang duy trì việc cấp lương thực và các loại nhu yếu phẩm cho người dân theo chế độ tem phiếu.
Cựu đại sứ VN tại Triều Tiên Lê Quảng Ba (giai đoạn năm 2011-2014) kể: “Tôi từng nhìn thấy nhiều loại tem phiếu của họ, trông qua cũng kiểu be bé như tem phiếu của mình thời bao cấp ngày xưa, không có cái nào khổ lớn quá con tem thông thường.
Họ có từng loại phiếu thực phẩm, phiếu chất đốt. Còn lương thực thì có cuốn sổ mua riêng, kiểu như sổ gạo ở Việt Nam trước đây. Có cửa hàng phân phối lương thực thực phẩm và các loại nhu yếu phẩm theo từng loại tem phiếu!”.
PGS.KTS Nguyễn Quốc Thông, phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, qua Bình Nhưỡng tháng 8 năm nay, kể: “Từ rất sớm, tôi đi ngang ngã tư thấy nhiều người ăn mặc rất bình dân, nhiều người màu áo quân đội xếp hàng trước một cửa hàng, họ nói chuyện với nhau, bên cạnh mỗi người hoặc là cái túi, hoặc balô.
Tôi đoán họ xếp hàng mua thực phẩm bằng tem phiếu. Đi thêm đoạn nữa tôi cũng thấy cảnh tương tự ở một cửa hàng khác. Dự đoán của tôi được một cán bộ ngoại giao xác nhận chính xác, đó là khi đến kỳ người dân xếp hàng từ sớm để mua lương thực, thực phẩm... bằng tem phiếu!”.
Theo cựu đại sứ Dương Chính Thức, khoảng giữa thập niên 1990 thì Triều Tiên cơ bản không quá thiếu lương thực. “Thời kỳ tôi ở đấy lương thực chưa đến mức khó khăn. Cơm thì đầy đủ, họ không ăn độn. Người Triều Tiên chế độ lương thực mỗi tháng 13,5kg như kiểu VN thời bao cấp. Họ dồi dào hơn, nhưng sau đó vì cấm vận nên khó khăn dần!”.
Các nhà ngoại giao cho rằng có thể tin được đồng chí Choe không nói quá về chế độ lương thực của mình vì Choe là công dân Bình Nhưỡng.
Chưa tính đến các loại thực phẩm và nhu yếu phẩm khác, chế độ như vậy về cơ bản là đáp ứng “định mức khuây khỏa” mà các tổ chức quốc tế đưa ra.
“Có thể người dân ở Bình Nhưỡng có chế độ như thế thật. Sống ở Bình Nhưỡng là một đặc ân. Triều Tiên xem Bình Nhưỡng là thành trì của XHCN, là thành trì của đất nước nên ai được sống ở Bình Nhưỡng đều được ưu tiên về mọi mặt”, một vị cán bộ ngoại giao cho biết.
Vì Bình Nhưỡng được xem là một khu vực đặc biệt, cho nên theo một vị cán bộ ngoại giao: “Trên các con đường ra hoặc vào Bình Nhưỡng đều có các trạm kiểm soát. Ai mang hàng hóa ra hoặc vào thủ đô đều bị kiểm soát chặt chẽ”.
Chăn gia súc ngoài đồng ruộng ở tỉnh Bình An Nam - Ảnh: THÁI LỘC |
Và nông thôn không hề tươi tắn
Ông Phạm Ngọc Cảnh đến học ở TP Hàm Hưng, Triều Tiên từ năm 1967, kể rằng hồi đó mới sang có ngay suy nghĩ: “Ước mơ ngày nào đó nông thôn Việt Nam được như Triều Tiên”.
Lúc ấy Triều Tiên thực hiện điện khí hóa nông thôn nên 90% nông thôn nước này có điện.
Công nghiệp thì phát triển khá mạnh dựa trên hạ tầng do Nhật Bản để lại; Triều Tiên sản xuất hầu hết các loại máy móc nông nghiệp, đủ các khâu làm đất, cày cấy, sản xuất và thu hoạch...
Cho đến gần đây, cựu đại sứ Lê Quảng Ba nhớ mãi cảnh ông cùng phu nhân đến thăm Nông trường Mi Cốc cách Bình Nhưỡng chừng 50km.
“Các khâu họ đều làm máy cả. Khi cấy, tôi ngồi trên máy lái suốt buổi, còn phu nhân thì ngồi bỏ mạ vào rọ máy cấy. Gặt cũng thế, nó như máy gặt đập liên hợp của mình vậy...”, ông Ba kể.
Dù cơ giới hóa hầu hết nền nông nghiệp, nhưng với địa hình toàn đồi núi xen kẽ những đồng bằng hẹp, rất ít đất nông nghiệp cộng với khí hậu hàn đới chỉ làm được một vụ/năm, lại hay mất mùa nên Triều Tiên thiếu lương thực triền miên.
Theo cựu đại sứ Dương Chính Thức, từ cuối thập niên 1980 trở đi, Triều Tiên liên tục mất mùa, trong điều kiện bị bao vây cấm vận nên lương thực năm nào cũng thiếu.
Ông Thức nói: “Không hiểu tại sao thiên nhiên cũng khắc nghiệt với người Triều Tiên. Họ bị thế giới bao vây cấm vận là thế.
Nhưng thiên nhiên cũng không chiều lòng người, bị mất mùa liên tục có khi mấy năm liền. Nông nghiệp Triều Tiên chủ yếu làm một vụ vì mùa còn lại tuyết phủ nên mất một mùa là mất hết!”.
Cựu đại sứ Lê Quảng Ba cho biết nếu tính mức bình quân cần thiết gần 300kg/đầu người/năm, với dân số gần 25 triệu thì Triều Tiên cần hơn 7 triệu tấn lương thực mới đủ.
Tuy nhiên, năm được mùa nhất ở Triều Tiên cũng chưa đến 6 triệu tấn, do đó: “Họ thiếu lương thực triền miên, thiếu từ 500.000 tấn cho đến 1 triệu tấn”.
Sự thiếu hụt triền miên ấy, trong khi phải ưu tiên cho cư dân Bình Nhưỡng (và có thể ưu tiên thêm cho một số thành phố khác) nên cuộc sống ở nông thôn không hề “tươi tắn”.
Ông Lê Quảng Ba nói: “Tôi từng vào các gia đình ở Triều Tiên, nhà nào tôi cũng giở “sổ gạo” ra và chỉ thấy nhận toàn ngô, nhiều loại sắp mốc, khoai lang và khoai tây củ nhỏ như khoai bi của mình. Có tháng thấy họ nhận đến 10kg hai loại này rồi chứ chưa thấy nhận gạo”...
Kỳ tới: Giáo dục miễn phí
Số liệu của FAO Theo báo cáo của Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc (FAO), năm 2015 do hạn hán và nóng bức kéo dài, tổng lượng lương thực Triều Tiên giảm 9%, đạt khoảng 5,4 triệu tấn so với 5,9 triệu tấn của 2014. Đây là lần sụt giảm đầu tiên kể từ năm 2010, và được dự đoán tình hình an ninh lương thực sẽ xấu đi. Trong đó, lương thực quan trọng nhất là lúa, còn 1,9 triệu tấn, giảm đến 26%. Kế đến là ngô, lương thực quan trọng thứ hai, còn 2,29 triệu tấn, giảm 3%. Trong khi đó, một số loại cây chịu được hạn và nóng lại tăng sản lượng, trong đó đậu nành đạt 220.000 tấn, tăng 37%; các loại ngũ cốc như lúa miến, kê và kiều mạch đạt 156.000 tấn, tăng gấp ba lần năm trước. FAO ước tính nhu cầu nhập khẩu ngũ cốc cho mùa vụ 2015-2016 ở Triều Tiên là 694.000 tấn, tuy nhiên chính phủ nước này chỉ nhập khẩu 300.000 tấn và số còn lại là thiếu hụt. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận