15/04/2016 08:15 GMT+7

Câu chuyện hòa bình 4 giữa Tokyo: Ngàn hoa nở quanh ta

QUỲNH NGUYỄN (từ Tokyo, Nhật Bản)
QUỲNH NGUYỄN (từ Tokyo, Nhật Bản)

TTO - Câu chuyện hòa bình số 4 tại Tokyo khép lại bằng hình ảnh đẹp lung linh, tựa cảnh thần tiên với hàng ngàn cánh đào hồng tươi tung bay bên trên và hàng chục đóa sen trắng rực rỡ nhẹ trôi bên dưới sân khấu.

Các nghệ sĩ vẫy tay chào khán giả ở màn kết chương trình. -Ảnh: Trần Tiến Dũng.

“Đã đến giờ nhà hát đóng cửa, rất xin lỗi phải mời mọi người rời sân khấu” - dù MC Hoàng Thảo thông báo đến 2-3 lần và bộ phận kỹ thuật tắt luôn đèn sân khấu nhưng khán giả vẫn không chịu rời khán phòng khi Câu chuyện hòa bình số 4 - Cánh hoa hòa bình kết thúc.

Đêm muộn ngày 14-4, mọi người nán lại khán phòng C của Tokyo International Forum để chúc mừng thành công của chương trình, chụp hình lưu niệm và thăm hỏi lẫn nhau trong tiếng nói cười ríu rít.

*Xem clip quay màn kết thúc Câu chuyện hòa bình 4 tại Tokyo:

(Clip: Phan Đắc)

Rồi ngàn hoa sẽ nở quanh ta...

Chương trình kết thúc bằng hình ảnh đẹp lung linh, tựa cảnh thần tiên với hàng ngàn cánh đào hồng tươi tung bay bên trên và hàng chục đóa sen trắng rực rỡ nhẹ trôi bên dưới sân khấu, khi toàn thể ca sĩ cùng hòa giọng ca khúc Và hoa sẽ nở - Hana wa saku.

“Tất cả chúng tôi đều cố ngăn nước mắt vì hạnh phúc để hoàn tất tiết mục biểu diễn” - ca sĩ Hà Anh Tuấn chia sẻ ngay khi chương trình vừa kết thúc và vỗ tay vào ngực trái thể hiện sự sung sướng khi Cánh hoa hòa bình đã thành công ngoài mong đợi.

Trước khi điệp khúc Rồi hoa và hoa, ngàn hoa sẽ nở quanh ta. Đóa hoa chờ đón em tái sinh trong mùa nắng mới... của ca khúc Và hoa sẽ nở vang lên thật nhiều lần như một tín hiệu báo chương trình sắp kết thúc, Câu chuyện hòa bình số 4 - Cánh hoa hoa bình đưa khán giả qua nhiều cung bậc cảm xúc, trải nghiệm và câu chuyện khác nhau về một Việt Nam luôn trân trọng các giá trị hòa bình.

Thông điệp này ngay từ phút mở màn đã được ông Lê Quốc Phong - ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, bí thư Trung ương Đoàn, chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam - nhắc nhớ:

Câu chuyện hòa bình là một chuỗi các hoạt động hướng đến mục tiêu giáo dục, lan tỏa lòng yêu nước, tình yêu hòa bình cho thanh niên Việt Nam, đặc biệt là sinh viên Việt Nam.

Hôm nay, tại Tokyo, Câu chuyện hòa bình lần đầu tiên ra khỏi phạm vi Việt Nam, đến với bà con kiều bào, các bạn thanh niên, sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản và bạn bè Nhật Bản.

Những câu chuyện về tình yêu, giá trị của hòa bình được kể hôm nay mong sẽ nhận được sự chia sẻ, đồng cảm của quý vị, góp sức truyền đi thông điệp về niềm tin, khát vọng và nỗ lực hành động vì hòa bình của thanh niên, sinh viên Việt Nam, của mọi người Việt Nam dù ở bất cứ nơi đâu”.

Trong phần phát biểu chào mừng, ông Nguyễn Quốc Cường - đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Nhật Bản - nhấn mạnh:

“Đấy cũng chính là ý nghĩa sâu xa và nhân văn của chương trình Cánh hoa hòa bình ngày hôm nay. Với sự kết hợp giữa hình ảnh hoa sen của Việt Nam và hoa anh đào của Nhật Bản, tôi mong muốn bữa tiệc văn hóa ngày hôm nay sẽ góp phần thắt chặt hơn nữa tình cảm thân thiết giữa nhân dân hai nước, giữa thế hệ trẻ hai nước chúng ta”.

Không chỉ các đại biểu Việt Nam mà phía Nhật, ông Tomioka Tsutomu - thứ trưởng thường trực Bộ Giáo dục, văn hóa, thể thao, khoa học và công nghệ Nhật Bản - cũng chia sẻ những câu chuyện rất riêng về tình cảm lâu năm giữa những người dân quê ông và Việt Nam, có từ 400 năm trước với niềm tin:

“Hai dân tộc chúng ta sẽ nắm tay chặt hơn nữa, cùng nhau xây dựng hòa bình, nhân rộng cánh hoa hòa bình ra nhiều quốc gia khác trên thế giới".

Các nghệ sĩ, ca sĩ, tình nguyện viên, du học sinh Việt Nam tại Nhật chụp ảnh lưu niệm sau bài hát Tình yêu hòa bình  - Ảnh: Trần Tiến Dũng
Các nghệ sĩ, ca sĩ, tình nguyện viên, du học sinh Việt Nam tại Nhật chụp ảnh lưu niệm sau bài hát Tình yêu hòa bình - Ảnh: Trần Tiến Dũng

Nhớ mãi Câu chuyện hòa bình

Anh Tsuyoshi Nguyễn - Việt kiều Nhật đến xem chương trình cùng bà xã Thanh Hà - xúc động nói: “Thật sự chúng tôi rất nể khi các bạn làm được một chương trình với những ca khúc Việt Nam tuyệt vời thế này tại Nhật. Một chương trình vô cùng ý nghĩa trong thời điểm hiện tại và thật hay để chúng ta có thể nhớ mãi”.

Khán giả của chương trình bên cạnh các bạn du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản, Việt kiều Nhật còn có rất nhiều bạn Nhật đến xem. Một trong số đó là cô Kazuyo Watanabe - người từng hỗ trợ bệnh nhi ung thư ở Huế qua chương trình Ước mơ của Thúy.

Cô đến thưởng thức cùng vài người bạn Việt và rơm rớm nước mắt nói: “Một chương trình thật hay và chúng tôi lại có thêm động lực để làm tiếp công việc của mình, cùng các bạn làm nên những điều tử tế cho cuộc sống, cho một thế giới hòa bình”.

Cô Seiko Hayama - giám đốc Trường ngôn ngữ Tokyo International Exchange College - bày tỏ lòng cảm kích:

“Khi xem xong chương trình tôi thật cảm động trước những câu chuyện mà các bạn kể, xen lẫn đó là lòng ngưỡng mộ và cảm thông sâu sắc với những nỗ lực cùng khát khao cuộc sống hòa bình ấm no mà các bạn luôn hướng tới.

Chắc chắn chúng tôi sẽ thêm vào phần giảng dạy của mình những câu chuyện mà chúng tôi được xem, được nghe trong tối hôm nay”.

Đó là những câu chuyện thật thi vị về một Việt Nam tươi đẹp qua Hello Viet Nam (Hà Anh Tuấn và Oplus), Bèo dạt mây trôi (Phương Linh), Biển hát chiều nay (Phương Linh - Uyên Linh - Hoàng Quyên) hay Nơi đảo xa (Tấn Minh).

Đất nước đẹp tươi, hiếu khách đó đi qua chiến tranh với nhiều nỗi đau mà Vì sao em chết (Hoàng Quyên), Điệp khúc tình yêu, Tự nguyện (Đoan Trang), Vì giấc mơ trẻ thơ - Enki Wo Dashite (Minh Hiệp), Lời mẹ ru (Hải Triều), Ngủ đi con (Hồng Nhung)... đã phần nào chuyển tải thật ấn tượng.

Dẫu vậy, điều mà người xem sẽ nhớ nhiều nhất chính là những gì đẹp đẽ nhất trong cuộc sống, trong âm nhạc chứ không phải những nỗi đau.

Đó là Diễm xưa (Hồng Nhung) vang danh tại Nhật Bản từ nhiều thập kỷ trước, là những bài ca phản chiến Imagine (Uyên Linh), lên án chủ nghĩa khủng bố (Người), là Trở về Tây nguyên qua phần trình diễn của một “nghệ sĩ đàn t’rưng của Việt Nam” như chính lời cô Oguri Kumiko tự giới thiệu về mình và là những đóa hoa đẹp ngợi ca hòa bình: Hãy là đóa hoa duy nhất - Sekai Ni Hitotsu Dake No Hana (nhóm Oplus), Hana wa saku - Và hoa sẽ nở (tốp ca)...

Ông Tăng Hữu Phong, tổng biên tập báo Tuổi Trẻ (bìa trái), giới thiệu triển lãm ảnh Việt Nam hòa bình trong chương trình Câu chuyện hòa bình cho các vị khách Nhật Bản - Ảnh: T.T.D.
Ông Tăng Hữu Phong, tổng biên tập báo Tuổi Trẻ (bìa trái), giới thiệu triển lãm ảnh Việt Nam hòa bình trong chương trình Câu chuyện hòa bình cho các vị khách Nhật Bản - Ảnh: T.T.D.

Giữ chữ “hòa” cho mai sau

Thầy trụ trì Yoshimizu Daichi (75 tuổi) của chùa Nisshinkustu - cưu mang rất nhiều người Việt tại Nhật - nói:

“Tôi đã đến Việt Nam rất nhiều lần từ thời chiến và cả thời bình, thấu hiểu được những gì người dân Việt Nam đã trải qua cũng như những nỗ lực của người Việt để có được nền hòa bình, độc lập như ngày hôm nay.

Tôi chỉ muốn nói rằng mọi người hãy giữ chữ “hòa” trong cuộc sống, luôn giữ hòa khí trong mọi tình huống sẽ mang đến một cuộc sống bình an và thành công. Và chương trình này đã thể hiện được hòa khí đó”.

Riêng ông Takehisa Akiyama, thành viên ban tổ chức Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản vào tháng 6 tới, đã tìm đến ban tổ chức để chúc mừng và bày tỏ sự tiếc nuối vì chưa kết nối được để chương trình có thể diễn vào đúng dịp lễ hội.

“Nếu biết sớm hơn về chương trình, chúng ta có thể đưa chương trình này vào một phần của lễ hội, tạo nên một sức lan truyền mạnh mẽ hơn” - ông nói.

Tiếc nuối không nhiều nhưng khát khao tổ chức thật nhiều chương trình Câu chuyện hòa bình tại Nhật và các quốc gia khác nữa dâng trào trong trái tim những người yêu mến và gắn bó với chương trình.

Tuổi trẻ Việt Nam - Câu chuyện hòa bình là thương hiệu nghệ thuật cộng đồng của Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam và báo Tuổi Trẻ TP.HCM sáng lập từ năm 2014 với sự cố vấn của ông Phạm Phú Ngọc Trai, Công ty Viet Vision sản xuất.

Đồng hành cùng chương trình Câu chuyện hòa bình số 4 - Cánh hoa hòa bình diễn ra ở Tokyo là Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, Công ty tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu GIBC, báo Mainichi, Công ty Tempo Primo, Tổ chức VYSA cùng các nhà tài trợ VietinBank, Yến sào Khánh Hòa, Suntory Pepsico, Công ty Thái Bình và Vietnam Airlines. Chương trình cũng đã trao tặng 500.000 yen cho Tổ chức Thanh niên và sinh viên Việt Nam tại Nhật (VYSA).

 

Hãy đến với Việt Nam

Trước chương trình Câu chuyện hòa bình, ban tổ chức cũng đã giới thiệu đến khán giả triển lãm ảnh Việt Nam hòa bình với sự tham dự của đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, ông Lê Quốc Phong, ông Phạm Phú Ngọc Trai - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty GIBC - và rất nhiều đại biểu khác.

Triển lãm gồm bốn nội dung: Cảnh đẹp quê hương Việt Nam, Cuộc sống thanh bình và tình hữu nghị Việt - Nhật, Biển đảo quê hương Việt Nam và Cần hòa bình trong thế giới bất an đã thu hút được đông đảo khán giả đến xem chương trình ghé qua thưởng ngoạn để hiểu thêm về Việt Nam của hôm qua và hôm nay.

“Qua câu chuyện kể bằng hình ảnh này, chúng tôi mong muốn bạn bè Nhật Bản hãy đến với Việt Nam để cảm nhận đầy đủ hơn nữa sự nồng nhiệt của một đất nước xinh đẹp, mến khách và đang phát triển mạnh mẽ” - ông Tăng Hữu Phong, tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, phát biểu khai mạc triển lãm ảnh Việt Nam hòa bình.

*Xem hình ảnh phong cảnh Việt Nam tuyệt đẹp tại triển lãm ở Tokyo

QUỲNH NGUYỄN (từ Tokyo, Nhật Bản)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp