13/08/2016 00:06 GMT+7

Câu chuyện đẹp đầu năm học mới

HÀ BÌNH - THANH THẢO
HÀ BÌNH - THANH THẢO

TTO - Một cô học trò lớp 8 toan bỏ học vì hoàn cảnh quá ngặt nghèo thì được bà cố nuôi dẫn đến “cầu cứu” cô giáo.

Sau khi đã mua áo, giày, sửa xe đạp..., cô Phương đến nhà dặn dò Ngọc chuẩn bị cho năm học mới. Kế bên, bà Dung chẳng biết gì nhiều nhưng cũng chăm chú lắng nghe rồi thỉnh thoảng nở nụ cười hiền hậu khi cháu được đến trường - Ảnh: HÀ BÌNH
Sau khi đã mua áo, giày, sửa xe đạp..., cô Phương đến nhà dặn dò Ngọc chuẩn bị cho năm học mới. Kế bên, bà Dung chẳng biết gì nhiều nhưng cũng chăm chú lắng nghe rồi thỉnh thoảng nở nụ cười hiền hậu khi cháu được đến trường - Ảnh: HÀ BÌNH

Thông qua cô, một người “vô danh” đã gửi món tiền giúp em đóng học phí, mua áo, giày mới chuẩn bị tựu trường vào ngày 15-8. Người này cũng hứa hỗ trợ tiếp học phí cho em trong những năm sau…

Câu chuyện đẹp đầu năm học mới này vừa diễn ra tại ấp An Bình, xã An Phú, huyện Củ Chi, TP.HCM. Cô học trò tên Võ Thị Kim Ngọc, học sinh Trường THCS An Phú 2 (Củ Chi) và cô giáo Huỳnh Thị Thanh Phương, giáo viên Trường tiểu học An Phú, là cô giáo cũ của Ngọc.

“Có người chỉ đến cô Phương”

Kết thúc năm lớp 7, điểm tổng kết của Ngọc được 8,1, đạt học sinh khá. Nghỉ hè, Ngọc xin đi phụ rửa chén cho quán cơm. Làm từ 9g đến 15g em được trả công 50.000 đồng.

Những buổi Ngọc đi làm, bà cố nuôi Cao Thị Minh Dung (71 tuổi) đi cùng để phụ cháu. “Thật ra thì người ta mướn nó thôi - bà Dung móm mém giải thích - Tui thấy tội nên đi theo nói mấy cái nằng nặng như xoong chảo để bà rửa cho”.

Vì hoàn cảnh gia đình nên Ngọc và em gái là Ánh ở với bà Dung từ nhỏ. Bà cháu rau cháo nuôi nhau với công việc lượm ve chai, bán canh bún và ở trong căn nhà nhỏ cỏ mọc um tùm xung quanh trong ấp. Nhưng nay cháu gái lớn, bà cụ đưa cháu ra ở trong căn lều bạt trống hoác tại một ngã tư ấp An Bình để “đêm hôm xung quanh đông nhà cũng đỡ sợ hơn”.

Sắp đến ngày nhập học, Ngọc nước mắt giàn giụa nói với bà cố: “Hổng có tiền, con hổng đi học được nữa. 15 tây đi học rồi mà giờ sách vở không có, tiền học cũng không có...”. Bà Dung chết lặng. Rồi có người chỉ bà đến gặp cô Phương, cô giáo của Ngọc hồi nhỏ, nhà cách đó mấy trăm mét. “Nghe nói cô có sách vở, quần áo giúp cho người nghèo đi học, nhờ cô giúp hai cháu tôi với” - bà Dung nói khi đến gõ cửa nhà cô Phương.

“Sách vở thì cháu có đây rồi, sẽ tặng cho Ngọc. Còn học phí để cháu... đi xin thử chứ cháu cũng không có mà cho” - cô Phương ân cần nói với bà lão. Nghe cô giáo nói xin cho học phí, chưa biết có được hay không nhưng tia hi vọng lóe lên trong mắt bà Dung.

Bà kể khi ấy bà “mừng còn hơn cái gì nữa”. Hay tin từ cô Phương, một người đã gửi đến tài khoản của cô món tiền rồi nhắn tin cho cô: “Tôi giúp Ngọc đóng học phí vậy thôi chứ không muốn ai biết. Ngọc cố gắng học tốt, năm sau tôi sẽ hỗ trợ thêm cho em...”. Có tiền, cô Phương đến nhà chở Ngọc đi mua hai cái áo trắng mới, đôi giày rồi sửa xe đạp chuẩn bị đi học...

“Tưới nước cho cây non”

Chiều 11-8, khi chúng tôi đến Củ Chi, cô Phương vừa trở về sau khi đi trung tâm thành phố xin học nghề miễn phí cho hai đứa học trò khác của mình. Xong, cô đến nơi ở của bà cháu Ngọc hỏi: “Xe đạp sửa sao rồi?”. Rồi cô Phương dặn Ngọc: “Nay có sách vở, quần áo rồi con phải cố gắng đi học cho giỏi. Có cô kia cho tiền con đóng học phí, khi nào con viết thư cảm ơn rồi đưa cô gửi giùm con”.

Chẳng biết nhiều về chuyện học nhưng ngồi kế bên, gương mặt cả đời khắc khổ của bà Dung cũng nở nụ cười hiền hậu. Hỏi bà có khi nào khó khăn quá, toan cho cháu nghỉ học chưa, bà móm mém: “Hông hông. Nói nào ngay con ơi, thiếu thì đi vay đi mượn đóng tiền học cho cháu.

Quần áo thì mấy người giàu giàu cho về giặt lại. Phải có trình độ chút xíu, ít nhất cũng là... lớp 10, nếu không thì tội nó”. Nghe bà nói, cô học trò nhỏ đưa tay lau nước mắt và cố nén tiếng nấc. Có cảm giác chỉ cần xúc động một chút nữa, cô bé xa cha mẹ từ nhỏ có thể khóc òa.

Năm 2008, cô Phương được phân công về Củ Chi dạy rồi bén duyên tại mảnh đất này. “Khi về thấy đìu hiu, mông quạnh nhưng được cái học trò ngoan hiền lắm. Đi ra chào cô, đi vô chào cô, mình gật đầu muốn... mỏi cả cổ” - cô Phương cười hiền khô.

Thương trò nghèo, cô ở lại gắn bó với nơi đây. Nơi cô ở hầu như dân lao động nhiều nơi đến, cha mẹ phần lớn ít học. Không thể khuyên người lớn cho con đến trường, cô chọn cách riêng của mình bằng cách mở “Không gian đọc Củ Chi - đọc sách miễn phí” tại nhà hai năm nay.

Trong căn nhà nhỏ đơn sơ, sách thiếu nhi do cô Phương chọn lọc, xin được chất đầy trên những kệ rồi “dụ” trẻ em trong ấp, trong xã đến đọc. Điều thú vị là cô để một cuốn sổ to, em nào đến mượn sách tự ghi vô rồi đến trả thì tự gạch đi.

“Mình dạy cho trẻ tính tự giác - cô Phương chia sẻ - Em nào có thích quá lấy đi một vài cuốn cũng chẳng sao, miễn các em đọc là được rồi”. Và cách dạy tính tự giác của cô Phương có tác dụng khi những “độc giả nhí” ghi từng trang riêng cho mình, tự đánh dấu mượn và trả hẳn hoi.

Rồi khi đến lớp, cô Phương cũng chở cả thùng sách theo, giờ ra chơi cô bày ra để “em nào thích đọc thì đọc”.

“Nói người lớn ở đây đọc sách, cho con đọc sách rất khó nên tôi chọn cách tưới nước cho cây non. Trẻ được tiếp xúc sớm với những điều bổ ích từ trang sách thì thế giới của các em sẽ rộng mở hơn và các em khát khao đến trường hơn” - cô Phương tâm sự.

Và khi lũ trẻ đến nhà, hay những giờ dạy ở trường, cô Phương luôn nhắn: “Em nào nhà khó khăn không đi học được thì nói cô, cô sẽ tìm cách giúp”. Từ lời nhắn ấy, có người đã chỉ bà Dung đưa Ngọc đến gặp cô Phương...

“Gió xô cây ngã, mình chụp lại được cây nào thì chụp. Cây nào đứng vững được mình mừng cây đó. Các em còn quá nhỏ, không biết chữ, biết viết rồi các em sẽ làm gì?

Cô Huỳnh Thị Thanh Phương

HÀ BÌNH - THANH THẢO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp