Các thành viên tuyển bóng bàn nữ Hàn Quốc - Triều Tiên thống nhất vui vẻ bên lá cờ đặc biệt. Ảnh: REUTERS |
Song hành cùng diễn biến chính trị ngày càng tốt đẹp giữa Hàn Quốc và Triều Tiên là những hình ảnh xúc động của đội tuyển bóng bàn nữ 2 quốc gia này.
Hóa thù thành bạn
Là 2 quyền lực hàng đầu của làng bóng bàn thế giới, cuộc đấu giữa các tay vợt Hàn Quốc và Triều Tiên luôn được chờ đợi sẽ nóng bỏng ở những sân chơi đỉnh cao. Người hâm mộ tưởng chừng đã được chứng kiến một cuộc đấu như vậy khi số phận đưa đẩy 2 đội bóng bàn nữ Hàn Quốc và Triều Tiên chạm trán nhau ở vòng tứ kết. Ở vòng bảng, Triều Tiên xếp hạng nhì bảng C (dưới Romania) rồi đánh bại Nga ở vòng 16 đội; còn Hàn Quốc đứng đầu bảng D, xếp trên cả tuyển Đức và được vào thẳng vòng tứ kết.
Nhưng rồi một cuộc đấu nảy lửa đã không xảy đến, khi đại diện cả 2 đội bất ngờ đưa ra thông báo họ không muốn đối đầu nhau. Thậm chí, 2 đội bóng bàn nữ Hàn Quốc và Triều Tiên còn yêu cầu được nhập thành một để tiến vào bán kết. Đó thực sự là một câu chuyện vô tiền khoáng hậu trong làng thể thao đỉnh cao thế giới. Đầu giải đấu, họ vẫn là 2 đối thủ. Nhưng rồi đến vòng bán kết lại trở thành những người đồng đội.
Điều đáng nói là Liên đoàn Bóng bàn thế giới (ITTF) đã chấp thuận. Trước thềm vòng bán kết diễn ra tối 4-5, ITTF phát ra một thông báo: “Thay vì đối đầu nhau, cả 2 đội đề nghị được sáp nhập trở thành đội tuyển Hàn Quốc - Triều Tiên thống nhất để được cùng thi đấu trong trận bán kết. Quyết định này được tán thành bởi cả 3 bên là tuyển Hàn Quốc, tuyển Triều Tiên và ITTF” - Hãng tin AFP dẫn lời. ITTF còn khẳng định quyết định này được “ủng hộ nhiệt liệt” bởi các đoàn thể thao khác tham dự giải.
Và khuya 4-5, một trận đấu vô cùng đặc biệt diễn ra ở Halmstad Arena, khi các cô gái Hàn Quốc - Triều Tiên ra sân dưới màu cờ thống nhất từng được sử dụng ở Olympic Pyeongchang 2018 đối đầu với Nhật Bản. Ba tay vợt lần lượt xuất trận là Jeon Jihee (Hàn Quốc, hạng 35 thế giới), Kim Song I (Triều Tiên, hạng 49 thế giới) và Yang Haeun (Hàn Quốc, hạng 27 thế giới). Cả 3 không thể nào làm nên bất ngờ khi đối thủ của họ, Kasumi Ishikawa, Miu Hirano hay Mima Ito đều nằm trong top 10 thế giới và chấp nhận thua trắng 0-3. Nhưng không vấn đề gì, bản thân sự kết hợp đó đã trở thành câu chuyện ấn tượng nhất Giải vô địch bóng bàn đồng đội thế giới 2018.
Kỳ vọng từ quá khứ dang dở
Những hình ảnh thân thiết giữa các cô gái Hàn Quốc - Triều Tiên nhanh chóng tràn ngập trên các trang báo phương Tây trong những ngày hôm sau. Đó là khi Suh Hyo Won của Hàn Quốc và Kim Song I của Triều Tiên ôm chầm lấy nhau sau vòng tứ kết, hay toàn đội vui vẻ chụp cùng lá cờ thống nhất sau trận bán kết... Người hâm mộ trên khán đài nhiệt liệt chúc mừng họ, còn chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) Thomas Bach - người đã hoạt động không ngừng nghỉ để mang đến bầu không khí hòa bình cho Olympic Pyeongchang 2018 - thì hiển nhiên vui mừng tột độ.
Hyun (phải) và Li ở Giải vô địch thế giới năm 1991. Ảnh: Bez Cadıları |
“Chúng tôi đã cùng nhau cam kết để đi đến những cuộc đàm phán hòa bình thông qua các hoạt động thể thao. Sẽ còn nhiều động thái mới dành cho Olympic trẻ 2018 (ở Buenos Aires), Olympic Tokyo 2020 và nhiều giải đấu sắp tới nữa” - Hãng tin Reuters dẫn lời ông Bach.
Đây không phải là lần đầu tiên lịch sử thể thao Hàn Quốc và Triều Tiên chứng kiến một sự thống nhất. Trước đó, ở Olympic Pyeongchang, các cô gái tuyển hockey nữ của cả 2 quốc gia đã sát cánh bên nhau. Xa hơn nữa, chính tuyển bóng bàn Hàn Quốc - Triều Tiên trong lần kết hợp ở Giải vô địch thế giới 1991 (tại Nhật) đã gây chấn động làng banh nhựa năm đó khi giành HCV đồng đội, với 2 ngôi sao Hyun Jung Hwa và Li Bun Hui. Đó cũng là lần đầu tiên kể từ cuộc nội chiến giai đoạn 1950-1953, các VĐV Hàn Quốc và Triều Tiên lại cùng khoác chung một màu áo.
Trong lần đầu tiên sát cánh, các tay vợt nữ của Hàn Quốc và Triều Tiên đã lập nên kỳ tích khi hạ bệ đội bóng bàn nữ Trung Quốc - những người thống trị tuyệt đối làng banh nhựa thế giới khi đã giữ ngôi vô địch đồng đội suốt từ năm 1975 (8 giải đấu liên tục). Đội bóng bàn nữ Nam - Bắc Hàn năm đó gồm 4 VĐV, với Hong Cha Ok và Hyun Jung Hwa là người Hàn Quốc, còn Li Bun Hui và Yu Sun Bok đến từ Triều Tiên. Trong số này, Hyun và Li xuất sắc hơn cả và còn là một cặp đôi thân thiết trên sân đấu.
Trước giới truyền thông, Hyun không ngần ngại kể những câu chuyện của mình và Li. “Cô ấy muốn tìm hiểu xem chúng tôi đã trở nên giàu có bằng cách nào, và cách thức kiếm tiền của tôi, đặc biệt là những đồng tiền Mỹ. Tôi đã kể với Li về mọi chuyện, và rồi chúng tôi trở thành bạn. Chúng tôi đã trao đổi với nhau về phương pháp tập luyện bóng bàn, về gia đình và tình yêu” - Hyun kể.
Sau giải đấu năm 1991, Hyun và Li gần như không còn gặp nhau nữa. Tình bạn của họ cuối cùng chỉ đi đến đó, khi những diễn biến chính trị giữa 2 quốc gia ngày càng căng thẳng những năm sau này. Nhưng giờ đây, hi vọng về một đội tuyển bóng bàn thống nhất, xa hơn nữa là đoàn thể thao thống nhất Hàn Quốc - Triều Tiên lại được gửi gắm nơi những cái tên Jeon Jihee, Kim Song I, Yang Haeun...
VN đạt vị trí á quân nhóm 3 Rạng sáng 6-5 (giờ VN), tuyển bóng bàn nam VN đã thua 0-3 trước tuyển Lithuania ở trận chung kết nhóm 3 của Giải bóng bàn vô địch đồng đội thế giới 2018 diễn ra tại Thụy Điển. Xếp á quân nhóm 3 đồng nghĩa tuyển bóng bàn VN đứng hạng 50 thế giới. Thành tích lọt vào chung kết cũng đủ để giúp tuyển bóng bàn VN lên chơi ở nhóm 2 tại giải diễn ra năm 2020. Trong khi đó, tuyển bóng bàn nữ Trung Quốc đã đánh bại Nhật Bản với tỉ số 3-1 trong trận chung kết nhóm 1 để bảo vệ thành công ngôi vô địch của mình. Đây là tấm HCV thứ 21 trong lịch sử của tuyển bóng bàn nữ Trung Quốc. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận