21/09/2014 06:10 GMT+7

​Câu chuyện của ba đứa trẻ Afghanistan

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TT - Những gì ba thiếu niên Afghanistan làm đang giúp thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ ở nước này và giúp họ được đề cử giải Nobel hòa bình 2014.

Nhiều thanh thiếu niên Afghanistan chưa từng nhìn thấy hình ảnh thế giới tròn méo thế nào - Ảnh: Truth Atlas
Nhiều thanh thiếu niên Afghanistan chưa từng nhìn thấy hình ảnh thế giới tròn méo thế nào - Ảnh: Truth Atlas

Tên của họ được giữ bí mật vì lý do an toàn.

“Họ bảo em cho nổ tung mình ở một chốt kiểm soát. Nếu làm vậy, họ sẽ cho em 50 afghanis” - cậu bé Neaz chỉ mới 10 tuổi khi bị dụ dỗ đi đánh bom liều chết kể lại. 50 afghanis chỉ khoảng 1 USD.

Neaz may mắn thoát được lời dụ dỗ nhưng có rất nhiều thiếu niên tuyệt vọng như Neaz sẵn sàng làm công cụ cho các phiến quân cực đoan Taliban.

Năm ngoái, cảnh sát Afghanistan bắt khoảng 48 thiếu niên tấn công cho Taliban, và đây chỉ là con số bề nổi.

Nhưng cũng chính tại đây, ba thiếu niên Afghanistan đang nỗ lực thay đổi điều đó.

Câu chuyện bắt đầu năm 2009 khi ba cậu bé gặp gỡ một phụ nữ Mỹ tên Dina Fesler, lãnh đạo Tổ chức Children’s Culture Connection.

Cũng như nhiều bạn bè khác, cả ba đều thất học và tuyệt vọng nhưng có khao khát mãnh liệt muốn được thay đổi. Dina và các đồng nghiệp dạy các cậu đọc, viết, đưa các cậu đi thăm các di tích lịch sử, bảo tàng và chỉ cho họ thấy thế giới rộng lớn bên ngoài trại tị nạn.

“Gương mặt chúng khi biết thế giới hình tròn thật khó tin” - Dina nhớ lại lần đầu tiên cả ba được xem bản đồ thế giới.

Sau hai năm học tập, thế giới của các cậu thay đổi hoàn toàn. “Chúng không còn thấy mình là nạn nhân nữa mà là những anh hùng - Dina nói - Tiếng nói của chúng trở nên mạnh mẽ hơn và chúng muốn những đứa trẻ khác cũng được học những gì chúng đã được học”.

Nhưng họ phải đối mặt với thực tế khó khăn rằng những chiếc vòi của Taliban bủa vây khắp nơi, lôi kéo các thanh thiếu niên thực hiện các tội ác như đánh bom liều chết hay đặt bom dọc đường... Thế hệ trẻ ở Afghanistan hầu như chưa từng sống trong hòa bình và niềm tin duy nhất của họ là chiến tranh.

Cuối năm ngoái, Dina bắt đầu mở rộng chương trình của mình với tên gọi Bridges Academy và cả ba cậu thiếu niên trở thành những giáo viên. Họ tiếp cận những thiếu niên tham gia chương trình bằng chính câu chuyện thực tế của mình.

Tại một lớp ở khu vực biên giới với Pakistan, thật ngạc nhiên là bài viết cuối khóa của các học sinh không còn ám màu chiến tranh, thay vào đó là những hình ảnh tươi sáng về những lớp học có nhiều máy tính, có nhiều vườn tược hay những bệnh viện mọc lên khắp nơi trên Afghanistan.

Cứ như thế từ khu vực này sang khu vực khác, bộ ba đã giúp nhiều thiếu niên từ bỏ suy nghĩ đánh bom liều chết để bước vào một thế giới mới. Và sau mỗi khóa, một số học viên lại trở thành giáo viên để tiếp tục chuyển tiếp kiến thức cho bạn bè.

“Trước đây tụi em sống trong bóng tối nhưng giờ thì tụi em đã có kế hoạch cho cuộc sống của mình” - một học viên nói. Sau chín tháng, chương trình đã đào tạo cho khoảng 200 thanh thiếu niên và dự kiến nhận thêm hàng trăm người trong vài tháng tới.

Đầu năm nay, Bridges Academy đã được đề cử giải Nobel hòa bình 2014. Tất nhiên cả ba thiếu niên ấy chưa từng nghe đến giải thưởng này.

“Họ có thể không biết giải Nobel hòa bình là gì nhưng họ hiểu ý nghĩa của từ hòa bình, hơn bất kỳ đứa trẻ nào trên hành tinh này. Hòa bình nghĩa là họ có thể bắt đầu cuộc sống của chính mình”- cô Dina nói trên Truth Atlas.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp