Lê Tấn An đang làm việc ở xưởng chế tác - Ảnh: TRẦN QUỚI
Cơ sở sản xuất, chế tác đá mỹ nghệ Tấn An nằm ven quốc lộ 1, An Phú, tỉnh Phú Yên, rất dễ nhận biết bởi những sản phẩm tượng đá trong một không gian xanh bởi cây cối.
Bỏ học vào đời
"Ông chủ" kiêm thợ cả của cơ sở Lê Tấn An có vóc người mảnh khảnh, thư sinh nhưng bên trong là cả một nội lực mạnh mẽ với niềm đam mê điêu khắc. Câu chuyện anh bỏ học phổ thông từ năm lớp 10 để học nghề sớm vô cùng thú vị.
Chuyến nghỉ hè vào nhà người quen ở TP.HCM chơi cuối năm học lớp 10 là chuyến đi quyết định cả tương lai của cậu học trò quê xã Xuân Sơn Nam (huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên). Lần đó, An được tham quan một xưởng điêu khắc đá mỹ nghệ.
Ngay lập tức cậu bé bị thu hút bởi nghệ thuật điêu khắc, và nhận ra đây chính là niềm đam mê của mình. Đó là năm 2002. Lê Tấn An quyết định ở lại TP.HCM học nghề, không về quê tiếp tục học phổ thông, mặc cho cha mẹ phản đối gay gắt.
Ra nghề năm 2004, An quyết định về quê lập nghiệp. Nói về sự dang dở học vấn của mình, An có chút tiếc nuối: "Hồi bỏ học phổ thông thấy không sao, giờ nghĩ lại cũng tiếc, nhưng tôi vẫn thấy mình quyết định đúng. Con đường thành công không chỉ dành cho những người học hành bài bản, mà là cơ hội cho tất cả mọi người".
Theo nghiệp đam mê
Về quê, từ Đồng Xuân, Lê Tấn An xuống Gành Đỏ (Sông Cầu), hỏi nhà người quen xin thuê khoảnh đất trống mặt tiền quốc lộ mở xưởng. Có được ít vốn để dành khi còn học nghề, anh An "mua vài khối đá để có mà làm".
Ngày dựng xưởng, trong tay không còn đồng nào. Rất may, An phát hiện tờ vé số cũ trong túi trúng giải bảy được vài chục nghìn đồng. Anh liền dùng tiền ấy mua vài cây tre, bạt che và một mâm đồ lễ đơn sơ cúng xưởng.
Thương chàng trai đầy quyết tâm, bà chủ cho thuê đất chẳng những không lấy tiền tháng, mà mỗi lần đi chợ về còn kín đáo cho miếng thịt, con cá qua ngày. Ngày đẹp trời nọ, một vị khách xuất hiện. Nhìn thấy những tượng Phật quá đẹp, ông quyết định thỉnh một tượng với giá 4 triệu đồng thời điểm đó.
"Cầm tiền trên tay mà vừa run vừa khóc. Sau này, có những bức tượng nhận thanh toán đến gần cả tỉ bạc mà mình vẫn không có cảm giác như hồi bán được sản phẩm đầu tiên" - Lê Tấn An hiền lành nói.
Cơ sở đá mỹ nghệ Lê Tấn An dần ổn định và phát triển, với những đơn hàng lớn. Từ hai bàn tay trắng, trải qua nhiều gian khó, Lê Tấn An đã khởi nghiệp thành công với việc thành lập được doanh nghiệp, đầu tư mua một khu đất rộng để làm xưởng chế tác với gần 20 công nhân cơ hữu, lương bình quân trên 6 triệu đồng/tháng/người.
Không chỉ vậy, trong suốt 15 năm làm nghề, nghệ nhân trẻ Lê Tấn An đã đào tạo hơn 20 học trò điêu khắc. Trong số họ, có người ở lại xưởng, có người đi đầu quân ở thành phố lớn, cũng có người ra riêng khởi nghiệp, bắt đầu một hành trình mới.
Bản thân anh được công nhận những danh hiệu cao quý của người làm thợ: Giải thưởng Lương Định Của, Bàn tay vàng cuộc thi tay nghề trẻ giỏi toàn quốc, sản phẩm nông thôn tiêu biểu... cùng thương hiệu Đá mỹ nghệ Tấn An.
Không có vẻ ngoài của một ông chủ, hằng ngày Lê Tấn An vẫn tay búa tay đục cùng anh em bạn thợ, thời gian còn lại anh dành cho việc học. Giờ đây anh tự học qua sách, báo chuyên về điêu khắc, học quản trị doanh nghiệp và ứng xử với cuộc sống.
Dòng sản phẩm chính của cơ sở điêu khắc đá mỹ nghệ Tấn An là tượng chân dung cho các ngôi chùa, nơi thờ tự, cơ quan, công viên...
Anh đang hướng đến dòng sản phẩm mỹ nghệ nhỏ xinh phục vụ khách du lịch. Khách đến cơ sở Tấn An có thể tham quan quy trình chế tác, mua sản phẩm và thư giãn cùng vườn tượng trong một không gian sinh thái xanh mát.
Sản phẩm điêu khắc đá rất có hồn, tinh tế
KTS Lê Trọng Cường, phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp Phú Yên, nhận xét: "Các sản phẩm tượng điêu khắc đá của Lê Tấn An rất có hồn, tinh tế. Nếu như tôi bất ngờ về chất lượng sản phẩm một, thì càng bất ngờ hơn nhiều lần khi biết về tác giả làm ra nó. Lê Tấn An đã quyết định từ bỏ con đường dẫn tới giảng đường đại học để học nghề, theo sở thích đam mê, và đã thành công trên con đường riêng của mình".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận