Nỗi lo lớn nhất của bà Điểu là khi bà không còn, Nhật lại phải theo các anh chị đi làm thuê - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Một chiều hè tháng 6, chúng tôi tìm đến nhà em Đoàn Phát Nhật (12 tuổi), ở miền biển Triệu Lăng, Quảng Trị. Học giỏi mà chịu khó, ngoan ngoãn là những gì người dân trong làng nhắc về em.
Trong căn nhà nhỏ nằm sát biển, hai bóng già lom khom ngồi cạnh mâm cơm đang đậy kín vung. Nhật không có ở nhà, ông bà ngoại đang đợi em về cơm tối.
"Thằng Nhật đi thắp nhang cho ba hắn" - bà Lê Thị Điểu (82 tuổi), bà ngoại của Nhật, nói vọng ra.
Chúng tôi cùng người hàng xóm của em đến căn nhà cũ, nơi thờ di ảnh người cha đã mất của Nhật.
Căn nhà hoang vắng cách nhà ngoại em chừng nửa cây số. Ngày trước, cả nhà 6 người hạnh phúc quây quần ở đây. Giờ đây chỉ mình Nhật, đứa con út của gia đình đặt hộp bánh lên bàn thờ ba. Cúi mình thắp nén nhang cho ba, mặt Nhật buồn rười rượi.
Ba Nhật mất từ ngày em còn rất nhỏ. Nhưng điều mọi người ngạc nhiên là từ khi biết tự đi học, không cần ai đưa đón thì ngày nào Nhật cũng đạp xe về nhà cũ thắp nhang cho ba.
Cậu bé hiếu thảo hằng ngày về lại căn nhà cũ thắp nhang cho người cha đã mất - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Ba Nhật mất vì căn bệnh ung thư năm em lên 6. Mẹ Nhật dứt ruột gửi đứa con út cho ông bà ngoại, dắt ba đứa lớn vào Sài Gòn làm thuê. Đứa lớn nhất khi ấy chỉ mới học lớp 9.
Rồi không lâu sau, bà đổ bệnh. Mọi người giấu Nhật chuyện bác sĩ bảo mẹ em không còn sống được bao lâu.
Bà con nơi đây kể lại, bệnh suy tim nặng kéo theo mấy bệnh nan y hành hạ người phụ nữ ấy khiến bà giờ đây chỉ còn da bọc xương. Khuôn mặt bà cháy sạm quá một nửa. Mỗi lần bà về thăm Nhật, cu cậu lại khóc ré vì sợ.
Mỗi năm nhiều nhất em chỉ gặp mẹ 1 lần, đôi ba ngày bà về giỗ chồng. Rồi bà lại đi biền biệt.
Nhật lớn lên trong sự cưu mang của ông bà ngoại. Mắm muối qua ngày, thân hình đen nhẻm nhưng Nhật luôn có nụ cười rạng rỡ.
Mới 12 tuổi, Nhật có suy nghĩ khá trưởng thành. Giờ đây em đã biết thương mẹ, chăm sóc ông bà đã ngoài 80 tuổi, và chẳng ai bảo nhưng cứ đều đặn trước giờ cơm tối, Nhật tìm về nhà cũ thắp nhang cho ba, người mà em chỉ hình dung khuôn mặt qua di ảnh.
Tuổi nhỏ nhưng ngoài giờ học, Nhật phụ ông bà đủ việc, từ thu hoạch mùa màng quanh vườn, tưới cây, nhổ cỏ.
Lớn lên trong sự thiếu thốn tình cảm gia đình, Nhật luôn ngoan ngoãn, lễ phép với mọi người và đặc biệt em học rất giỏi.
Hôm chúng tôi đến, bà ngoại Nhật đưa tờ giấy khen của cháu ra khoe. "Nó học giỏi, cô giáo khen dữ lắm. Học về bỏ cặp là phụ mệ (bà) mần việc chứ không chạy đi chơi như mấy đứa khác mô" - bà Điểu nhìn đứa cháu nhỏ hạnh phúc nói.
Nhật làm nhiều việc trong nhà, ngoài nương đỡ đần bà - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Hỏi về ước mơ của Nhật, cậu bé cúi gầm mặt, nghĩ hồi lâu, rồi nói: "Em không ước mơ làm nghề gì, mà ước được sống cùng ba mẹ, các anh chị có được không?".
Bà Điểu nắm bàn tay gầy guộc của cháu, ôm nó nép vào vai mình. Bà lảng đi chuyện khác, chuyện Nhật sau này sẽ làm bác sĩ, làm chú công an.
100 suất học bổng Đèn Đom Đóm
Từ ngày 10-6 đến 30-8, Tuổi Trẻ Online sẽ giới thiệu 100 gương học sinh vượt khó vươn lên trong học tập. Mỗi tấm gương hiếu học sẽ nhận một suất học bổng Đèn đom đóm trị giá 3 triệu đồng. Chương trình do Công ty FrieslandCampina Việt Nam phối hợp cùng báo Tuổi Trẻtổ chức.
Theo ông Trần Quốc Huân - phó tổng giám đốc Công ty FrieslandCampina Việt Nam, quỹ khuyến học Đèn đom đóm ra đời từ năm 2002 với sứ mệnh thắp lên ước mơ đến trường cho hàng ngàn trẻ em Việt Nam.
Đến nay, chương trình đã trao tặng 25.500 suất học bổng và xây mới, sửa chữa 21 trường học từ Nam ra Bắc. Quỹ Đèn đom đóm muốn lan tỏa tinh thần hiếu học, đem đến động lực học tập và niềm tin vào cuộc sống cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận