16/05/2019 06:15 GMT+7

Cát tặc 'xâu xé' vùng biển Cần Giờ

LÊ PHAN - QUANG KHẢI  - ĐỨC THẮNG
LÊ PHAN - QUANG KHẢI - ĐỨC THẮNG

TTO - Vùng sông rạch, cửa biển ở Cần Giờ được coi là mỏ cát trong xây dựng, san lấp. Cũng vì thế, huyện miền biển của TP.HCM trở thành nơi "xâu xé" của cát tặc trong nhiều năm qua.

Cát tặc xâu xé vùng biển Cần Giờ - Ảnh 1.

Hệ thống vòi bạch tuộc chằng chịt trên sà lan hút cát bị bắt giữ trên vùng biển Cần Giờ - Ảnh: ĐỨC THẮNG

Hút cát quy mô, bất chấp thủ đoạn của cát tặc từ cửa sông đến đáy biển Cần Giờ đã khiến nhiều khúc sông trở nên tan hoang vì sạt lở, ngư dân lao đao vì tai nạn bất ngờ, nguồn lợi hải sản không còn...

"Ém quân" 3 tháng mới phá được 1 vụ cát tặc

Cát tặc lộng hành, sờ sờ như vậy ở Cần Giờ nhưng để tổ chức bắt quả tang là việc không hề dễ dàng. Suốt dịp lễ 30-4 và những ngày đầu tháng 5, phóng viên Tuổi Trẻ đã nhiều đêm lên tàu đánh cá mà lực lượng biên phòng thuê ngụy trang để "săn" cát tặc trên vùng biển Cồn Ngựa, Cần Giờ.

Sau nhiều lần "săn" hụt, một đêm đầu tháng 5-2019, chúng tôi cùng tổ công tác của đồn biên phòng Long Hòa phát hiện 2 chiếc sà lan đang dùng hàng chục máy hút công suất lớn hút cát từ biển lên. 

Khi phát hiện tổ công tác, sà lan liền tăng tốc bỏ chạy, liên tục bẻ lái tạo sóng lớn, ép ghe gỗ của chúng tôi. 

Lúc này chỉ cần chút sơ sẩy để xảy ra va chạm, ghe chúng tôi có thể chìm xuống biển. Tuy nhiên nhờ tài nghệ của tài công, chiếc ghe gỗ khựng lại né những cú đánh lái của sà lan rồi sau đó tăng tốc vọt lên. 

Khi chiếc ghe cách sà lan chừng 1m, các chiến sĩ biên phòng nhảy qua sà lan khống chế các đối tượng, kết thúc hành trình rượt đuổi vờn nhau trên biển.

Đại úy Đặng Văn Thành - phó đồn trưởng nghiệp vụ đồn biên phòng Long Hòa, huyện Cần Giờ - nhìn nhận: các đối tượng trộm cát đối phó rất tinh vi, chọn đêm khuya hút cát, tinh quái dùng sà lan lớn che cho ghe nhỏ hút bên trong, ống xả máy hút được luồn xuống nước để hạn chế tiếng nổ. 

Lúc nào cũng có hàng chục người cảnh giới, thậm chí cát tặc còn rải lưới để ngăn chặn các phương tiện lạ đi vào khúc sông này lúc hành sự.

Đại úy Thành vẫn nhớ mãi chuyên án ba tháng ròng rã mà đồn từng phá thành công mới đây. Để phá án này, ban ngày các trinh sát dùng vỏ lãi luồn sâu vào rừng đước, bẻ nhánh cây giấu phương tiện. Đến đêm thì cải trang thành người câu cá, bắt cua lần ra khu vực gần bờ sông để quan sát. 

Sau ba tháng ròng rã mật phục, tận dụng trời mưa gió, lực lượng biên phòng quyết định "đánh úp" cát tặc. Hôm đó khoảng 3h sáng, khi cát tặc đã hút đầy hai sà lan lớn cát chuẩn bị rời đi, lập tức vỏ lãi chở lực lượng biên phòng từ chỗ ém quân lao thẳng về phía hiện trường. Nhóm cát tặc chống trả quyết liệt. 

Chúng dùng hai chiếc ghe lao thẳng vào vỏ lãi biên phòng, buộc lòng các chiến sĩ biên phòng phải bắn pháo sáng, đạn cao su để kiểm soát tình hình. Tuy nhiên, lợi dụng lúc hỗn loạn, nhiều đối tượng điều khiển sà lan chở cát chạy về hướng Thiềng Liềng để thoát ra biển.

Cuộc truy đuổi hết sức ngoạn mục. Hai sà lan cát vừa chạy vừa đánh võng chèn ép và tạo sóng để cản trở phương tiện của lực lượng biên phòng. 

Các đối tượng đi trên ghe còn lại thì liên tục quăng lưới xuống để canô, vỏ lãi của biên phòng bị vướng chân vịt. Truy đuổi đến hơn 6km, lực lượng biên phòng mới tiếp cận khống chế được.

Đại úy Biện Văn Tâm (đồn biên phòng Cần Thạnh) cũng cho biết khác với trộm cát trên sông, ở trên biển các đối tượng thường dùng sà lan loại lớn, trang bị hàng chục vòi hút công suất lớn, trong vòng hơn 1 giờ có thể hút hàng trăm mét khối cát. 

Dù vậy, nếu không bắt được quả tang thì chỉ có thể xử lý hành chính hành vi vận chuyển khoáng sản không rõ nguồn gốc. 

Nhiều đối tượng "cù nhầy" chống đối, thả trôi sà lan trên biển để lực lượng biên phòng tự áp tải phương tiện về trong điều kiện hết sức khó khăn.

Nông dân mất đất, ngư dân mất cá

Từ đường Rừng Sác quẹo vào đường Bà Xán hướng về UBND xã Tam Thôn Hiệp, vừa qua cầu Tắc Tây Đen bờ sông Lòng Tàu giờ trở nên nham nhở; bần, mắm, dừa nước nhô ra xa lòng sông, những doi đất bị sạt lở đến sát bờ... 

Bà Trần Thị Xinh, sống lâu năm ở đây, cho biết: "Trước đây phía ngoài bờ kè là đất bồi; bần, mắm mọc um tùm mở rộng ra phía sông khoảng 60m, nay thì không còn gì. Ban đêm nhiều ghe tàu tụ tập hút cát ầm ầm không ngủ được". 

Chỉ tay về hai bụi dừa nước bị "hụp" xuống sông chỉ còn lú đọt trên mặt nước, bà Xinh nói sạt lở vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Cát tặc xâu xé vùng biển Cần Giờ - Ảnh 2.

Một khu đất bị sạt lở nham nhở dọc sông Lòng Tàu, xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ do ảnh hưởng của nạn khai thác cát trái phép Ảnh: QUANG KHẢI

Cha xứ nhà thờ thánh Giuse Tam Thôn Hiệp Hoàng Văn Hinh thì nói nhìn cảnh từng mảng đất của nhà thờ bị sạt xuống sông Lòng Tàu rất đau lòng nhưng không làm gì được. 

Diện tích nhà thờ trước đây hơn 11.000m2 nhưng hiện tại chỉ còn 9.000m2, nhiều hàng quán dọc bờ sông cũng không còn nữa. 

Ai có tiền xây kè kiên cố thì giữ lại được đất, còn không phải chịu "hà bá" ăn dần. Theo cha Hinh, nạn hút cát trộm đã làm đất mất chân, thay đổi dòng chảy tạo ra tình trạng sạt lở.

Trên sông cát tặc gây sạt lở khiến dân mất đất, còn trên biển thì vừa làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản vừa gây nguy hiểm đến tính mạng cho ngư dân. 

Bà Lê Thị Ánh (quê Tiền Giang), đóng đáy tại khu vực biển Cồn Ngựa, huyện Cần Giờ, cho hay trước đây khu vực biển Cồn Ngựa cá tôm hà rầm, giờ tôm cá đi hết vì chịu không nổi với tàu hút cát sục biển ngày đêm. 

Việc hút cát còn khiến nhiều người bị sập giàn đáy nhiều lần chán nản bỏ nghề. "Những người đóng đáy cứ nhờ tui làm đơn cầu cứu cơ quan chức năng nhưng tui không biết gửi tới đâu" - bà Ánh kể.

Gặp chúng tôi trên vùng biển Cồn Ngựa, chị Tô Ngọc Tuyền (quê Tiền Giang) bức xúc khi giàn đáy của chị bị sà lan hút cát đâm sập cách đây vài ngày. Chị phải tốn gần 200 triệu đồng sửa chữa lại. 

"Cũng may mới thu hoạch xong đang phơi lưới, không có người ở lại trên đáy chứ không thì chết. Ghe hút trộm cát ban đêm thường tắt đèn để chạy nên rất dễ gây tai nạn" - chị Huyền bức xúc.

Ông Nguyễn Bá Trường - chủ tịch UBND xã Long Hòa - cho biết chuyện cát tặc ở địa phương rất nhức nhối, xã phải lập 4 tổ tàu thuyền tự quản, khi gặp cát tặc sẽ thông báo về xã hoặc đồn biên phòng gần nhất để vây bắt. 

Ngoài ra, các thành viên còn tham gia hỗ trợ lực lượng chức năng ra khơi, mật phục bằng ghe ngư dân để tránh bị theo dõi, cảnh giới. Thế nhưng ruộng vuờn, lưới đáy của dân vẫn trôi sạt theo những vòi hút cát hung hãn của cát tặc.

Liên Hiệp Quốc cảnh báo nạn khai thác cát

Liên Hiệp Quốc vừa có báo cáo tình trạng sử dụng cát trên toàn cầu. Theo đó, xét trên đơn vị thể tích, cát hiện là nguồn tài nguyên con người sử dụng nhiều thứ hai trên thế giới chỉ sau nước. Dự báo đến năm 2060, nhu cầu cát trên thế giới sẽ lên đến 82 tỉ tấn.

Khi số lượng cát khai thác vượt ngưỡng chịu đựng của thiên nhiên, môi trường lập tức chịu tác động tiêu cực như sông ngòi thay đổi dòng chảy, đất đai sạt lở, sinh vật dưới nước ít dần...

Liên Hiệp Quốc yêu cầu các quốc gia đưa ra những chính sách mạnh mẽ hơn để hạn chế tình trạng khai thác cát trái phép hiện nay. Trong khi đó, nhà địa chất học Minik Rosing từ ĐH Copenhagen (Đan Mạch) nói: "Cát là nguồn tài nguyên xuyên quốc gia và khai thác cát quá bừa bãi sẽ để lại những ảnh hưởng xuyên quốc gia".

TRỌNG NHÂN

Sạt lở, hủy hoại hệ sinh thái

Tất cả dòng chảy thuộc sông, suối, kênh rạch, khu vực cửa sông và cửa biển được hình thành theo quy luật tự nhiên, luôn có bên lở và bên bồi. Khi con người tác động vào quy luật đó như khai thác cát, ngăn dòng chảy, đặc biệt là khai thác cát ồ ạt bằng các thiết bị bơm công suất lớn, hút lên khối lượng cát khổng lồ dưới đáy sông và cửa biển sẽ làm mất cân bằng quy luật tự nhiên của dòng chảy.

Khi lượng cát ở tầng đáy mất đi thì phát sinh chuyện sạt lở bờ sông và cửa biển để bù đắp. Không chỉ xảy ra sạt lở tại khu vực khai thác, mà còn sạt lở những nơi khác do dòng chảy thay đổi.

Ngoài ra, việc khai thác cát là một hệ lụy về ô nhiễm môi trường khi làm tăng ô nhiễm tạp chất và giảm lượng oxy trong nước, hủy hoại hệ sinh thái xung quanh, tạp chất ô nhiễm này có thể theo dòng chảy di chuyển gây ảnh hưởng những nơi khác.

TS Phạm Viết Thuận - (Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường TP.HCM)

Phát triển Cần Giờ, tài nguyên văn hóa phải được gìn giữ

TTO - Nêu 5 hướng phát triển Cần Giờ, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nói 'tài nguyên văn hóa phải được gìn giữ'.

LÊ PHAN - QUANG KHẢI - ĐỨC THẮNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp