Đứng nhìn gần nửa đám mè (vừng) biến mất sau vài đêm, bà Trần Thị Lạc (tổ 1, thôn Giáng Nam 2) nói như khóc: “Mới vài ngày trước tôi xuống thăm ruộng mè vẫn chưa bị sứt mẻ, vậy mà bây giờ bọn nó đã hút bay một phần đất của nhà tôi”.
Bà Lạc cho biết trước đây lề đất canh tác nhà bà cách mặt sông một đoạn khá xa do bãi bồi. Từ đầu năm đến nay dải đất này liên tục bị “ăn” dần vì cát tặc. Vừa xót xa với phần đất giờ đã biến thành sông, bà Lạc vừa lo lắng trước việc mép đất bị khai thác trộm để lại kiểu hàm ếch đang sụp dần dưới tác động của nước.
Tương tự bà Lạc, phần đất của ông Đình Thiên (tổ 3, thôn Giáng Nam 2) kế bên cũng vừa bị bay mất hơn 20m2 trong vòng chưa đầy một tháng. Chỉ tay vào tấm bảng cấm khai thác cát chỉ cách lề sông hơn 3m, ông Thiên nói: “Trước đây việc khai thác cát chỉ thỉnh thoảng diễn ra ở lòng sông, nhưng từ sau tết đến nay cứ đêm đến là các loại ghe tầm 20m3 đun vòi vào khai thác cát. Tui với mấy người nuôi vịt ở đoạn này ra đẩy đuổi nhưng không đủ sức, làm sao theo miết được, họ trộm cát chủ yếu vào đêm khuya, không tài gì canh nổi”.
Theo ghi nhận, có một số ghe nhỏ luôn lén lút khai thác cát ở đoạn sông quanh thôn Giáng Nam 2. Khi thấy có động, các ghe này lập tức bỏ chạy về phía cầu Tứ Câu, địa phận Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Một hộ dân ở đây cho biết các ghe này chạy cách chừng 10m rồi đưa vòi vào hút, cách nơi ghe hút cát không xa là một ghe đánh cá nhỏ làm nhiệm vụ canh chừng lực lượng chức năng.
Ông Dương Ngọc Đức, trưởng Công an xã Hòa Phước, cho biết do đoạn sông này nằm tiếp giáp với hai địa bàn xã Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn) - phường Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) nên việc quản lý, truy đuổi gặp khó khăn.
“Mấy năm nay, mỗi đợt ra quân phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành của huyện chúng tôi đều bắt được vài ba trường hợp khai thác cát trái phép. Chúng tôi cũng đề nghị huyện ra quyết định xử phạt mỗi ghe hơn cả chục triệu đồng, nhưng tình hình vẫn phức tạp. Mấy đợt cao điểm anh em bố trí tổ trực ở đoạn này, khi rút đi thì cát tặc lại lén lút hoạt động, không cách chi quản nổi” - ông Đức nói.
Ông Nguyễn Tấn Khoa, trưởng Phòng Tài nguyên và môi trường huyện Hòa Vang, cho biết hiện nay việc khai thác cát dưới sông bị cấm trên toàn huyện. Các chủ ghe trước đây làm nghề khai thác cát cũng đều được hỗ trợ kinh phí chuyển đổi ngành nghề và ký cam kết không khai thác cát trái phép.
“Những trường hợp cát tặc bị bắt trước đây chỉ dám khai thác cát ở dưới lòng sông chứ chưa thấy có trường hợp nào dám hút vào đất của dân. Tôi sẽ kiến nghị huyện sớm ra quân xử lý vấn đề này” - ông Khoa nói.
Trung tá Ngô Đình Hiệp, đội phó đội CSGT đường thủy - Công an TP Đà Nẵng, lại nói đoạn sông này nằm trong kế hoạch tuần tra hằng tuần của đơn vị, tuy nhiên chưa phát hiện trường hợp khai thác cát lậu ở đây.
“Do khoảng cách từ đơn vị chúng tôi đến khúc sông Tứ Câu giáp Quảng Nam dài hơn 10km, mỗi lần có người báo tin, chúng tôi chạy cũng mất hơn 35 lít xăng, đến hiện trường thì không phát hiện ghe khai thác cát lậu đâu cả” - trung tá Hiệp phân trần.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận