Trong khi nhiều đơn vị khai thác cát chỉ hoạt động cầm chừng, "cát tặc" có phần im ắng để nghe ngóng tình hình. Vì sao có chuyện này?
Các công trình giao thông trọng điểm đang triển khai đồng loạt như các cao tốc đang thiếu cát san lấp, đội giá thành, chậm tiến độ thi công.
Với thủ đoạn ngang nhiên hút trộm cát đêm ngày rồi hợp thức hóa hóa đơn từ các chủ mỏ được phép khai thác, tất nhiên khi nguồn cung cát lậu bị cắt đứt sẽ ảnh hưởng đến giá cả trên thị trường vật liệu xây dựng.
Độ nóng của cát bị thổi lên khi xảy ra tình trạng ghìm hàng, chờ giá hoặc khai thác cầm chừng của các chủ mỏ để gây bất ổn giá cả trên thị trường nhằm hưởng lợi. Vì vậy cùng với cơ quan công an vào cuộc, rất cần chính quyền các địa phương, cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra xử lý; đồng thời khuyến khích, bảo vệ những doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng trong lĩnh vực khai thác cát.
Giải pháp căn cơ, lâu dài cho hoạt động quản lý, khai thác cát chính là việc "vá" lại các "lỗ hổng" quản lý và cách tiếp cận bền vững tài nguyên này.
Từ nhiều năm qua, việc cấp phép khai thác cát cho các chủ mỏ dựa vào bốn điều kiện: có dự án đầu tư; có khảo sát thăm dò, phê duyệt trữ lượng phù hợp quy hoạch; có báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường và chủ sở hữu có ít nhất 30% tổng số vốn đầu tư của dự án đầu tư khai thác cát.
Quy định tưởng chừng chặt chẽ nhưng thực tế việc triển khai chỉ mang tính thủ tục và dễ bị lợi dụng. Vì các chủ mỏ tranh thủ các mối quan hệ, hầu như thuê mướn pháp nhân để thăm dò trữ lượng.
Việc thẩm định, đặc biệt là theo dõi biến động quá trình khai thác của chủ mỏ gần như bỏ trống. Đây là mảnh đất màu mỡ để nuôi dưỡng hoạt động khai thác lậu được hợp thức hóa hóa đơn, chứng từ, định danh nguồn gốc cát, biến giả thành thật.
Cát là của dân, do Nhà nước thống nhất quản lý. Cần tiến hành cuộc tổng kiểm tra, khảo sát, đánh giá trữ lượng cát thực tế chứ không chỉ dựa vào con số báo cáo trên giấy. Nhà nước cần nắm giữ để đảm bảo sự kiểm soát mặt hàng này. Các chủ mỏ phải trả tiền cho ngân sách để được khai thác chứ không thể dựa vào số liệu tự công bố về trữ lượng cát tại các mỏ và trục lợi khi bắt tay nhau làm ăn phi pháp.
Việc truy xuất nguồn gốc cát, lần theo đường đi của những tờ hóa đơn không xuất phát từ các mỏ cát được phép khai thác mà từ các vỏ bọc lợi ích ăn chia, hối lộ từ cát là rất quan trọng. Bên cạnh đó, cần đưa ra các yêu cầu bắt buộc định vị phương tiện khai thác cát, sử dụng triệt để các công nghệ, thiết bị theo dõi, nhận diện và truy nguyên nguồn gốc cát tặc để loại trừ, chống cát tặc.
Câu chuyện cát tặc không chỉ đòi hỏi phải siết chặt quản lý, các biện pháp hành chính như xử phạt nghiêm, xử lý hình sự mà cần các giải pháp đồng bộ. Bên cạnh các giải pháp công trình như chỉnh trị dòng chảy, nạo vét đáy sông nhằm không để dòng chảy áp sát bờ gây sạt lở, người dân phải thay đổi tập quán sống ôm sát bờ sông. Sự tập trung các điểm dân cư đông đúc sát bờ gây tác động quá tải đến khả năng chịu lực của nền địa chất tại chỗ.
Và cũng phải có giải pháp vật liệu thay thế cát và áp dụng tiêu chuẩn "trách nhiệm xã hội, môi trường", cụ thể hóa thành quy chuẩn ngành xây dựng. Khuyến khích phát triển vật liệu xây dựng thay thế cát xây và áp dụng tiêu chí "truy xuất nguồn gốc cát" đối với tất cả các công trình xây dựng có sử dụng cát tự nhiên. Yêu cầu này là bắt buộc trong đấu thầu và với các nhà thầu xây dựng.
Cần "vá" lại "lỗ hổng quản lý" khi đã để xảy ra tình trạng "một khúc sông chục ông quản lý" diễn ra ở nhiều nơi hiện nay. Việc định rõ trách nhiệm khi để xảy ra sai phạm liên quan quản lý cát là điều hiện đang bị bỏ ngỏ.
Mới đây, tại Quảng Ngãi, chủ tịch UBND tỉnh quyết định sẽ tạm đình chỉ chủ tịch UBND cấp huyện nếu để xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép. Đây là một quyết định đúng, nếu làm nghiêm sẽ xác định rõ trách nhiệm và quản lý tốt hơn nguồn cát bị thả nổi đã nhiều năm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận