Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) góp ý về dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi, băn khoăn về biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước theo dự thảo luật. Đại biểu cho biết cắt điện, nước với tính chất là biện pháp cưỡng chế hành chính lần đầu tiên được quy định trong nghị định 180/2007 hướng dẫn thi hành chi tiết Luật Xây dựng, đã hết hiệu lực.
Năm 2020, Quốc hội ban hành Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng không quy định cắt điện nước là một biện pháp cưỡng chế hành chính, mặc dù rất nhiều bộ ngành, cơ quan đề nghị áp dụng biện pháp này.
"Luật Xử lý vi phạm hành chính không thừa nhận biện pháp này là hợp lý. Bởi thừa nhận biện pháp này sẽ gây ảnh hưởng đến quyền cơ bản của công dân. Việc này cũng ảnh hưởng đến đời sống của những người không vi phạm hành chính" - ông Bình nói.
Đại biểu Bình phân tích ví dụ cắt điện nước ở nhà chung cư trong khi chủ thể vi phạm là chủ đầu tư, người dân là người có lợi ích liên quan. Biện pháp cắt điện nước cũng không phải là biện pháp mang tính nhân văn vì rất dễ ảnh hưởng đến những quyền cơ bản của con người...
Theo thiên hướng tìm kiếm lợi nhuận, nếu áp dụng biện pháp cắt điện nước tại một bộ phận nhà xưởng, hoàn toàn có thể xảy ra tình trạng người sử dụng lao động dồn người lao động về một khu nhà xưởng không bị cắt điện nước. Nếu cắt điện nước toàn bộ nhà xưởng có thể xảy ra tình trạng câu điện lậu, nguy cơ cháy nổ lại hiện hữu...
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đề nghị thủ đô phát triển mô hình đô thị TOD không chỉ với các đô thị mới mà cả với những khu vực tái thiết đô thị, cải tạo chung cư cũ, nhà ở cũ xây dựng tự phát trong khu vực nội đô.
Qua đó để khai thác không gian ngầm cho phát triển thương mại dịch vụ, không gian trên cao cho phát triển nhà ở và tái định cư người dân tại chỗ. Còn không gian mặt đất dành cho cây xanh và các công trình công cộng.
"Do vậy thành phố không nên dành tiền để xây dựng những con đường đắt nhất hành tinh, mà nên dành ngân sách đó để đầu tư cho những dự án TOD trong khu vực nội đô" - ông Cường đề nghị.
Đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng) cho rằng việc phát triển theo mô hình TOD là cơ hội để Hà Nội phát triển, góp phần giảm tắc đường, là hướng ra, giải quyết bài toán khó về phát triển đô thị.
Tuy nhiên, với mô hình phát triển đô thị TOD chưa từng có tại Việt Nam sẽ không tránh khỏi tình trạng xuất hiện hàng loạt mối quan hệ và các xung đột lợi ích của nhiều bên có thể nằm ngoài năng lực vận hành của thiết chế hiện tại.
Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ mô hình TOD trong dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi có sự khác biệt nào so với quy định trong dự thảo Luật Đường bộ và dự thảo Luật Đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ?
Đồng thời, với mô hình này cần có thiết kế nào để có thể đảm bảo đầy đủ hơn cơ sở pháp lý điều chỉnh các mối quan hệ mới, đảm bảo năng lực quản lý tốt mô hình TOD.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết sẽ tổ chức hội nghị đại biểu chuyên trách góp ý về dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi trước khi trình Quốc hội xem xét tại các kỳ họp sau.
Quy định về cắt điện nước trong dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi
Điều 34 dự thảo luật quy định về "biện pháp bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thủ đô".
Theo đó, dự thảo có quy định "áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm trong các lĩnh vực đất đai, nhà ở, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy đã bị lập biên bản vi phạm hành chính".
Hoặc với công trình đã bị xử phạt vi phạm hành chính trong các trường hợp áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính được quy định tại dự thảo luật.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận