06/06/2023 09:34 GMT+7

Cắt điện liên tục, sản xuất ngưng trệ

Tình trạng cắt điện luân phiên diễn ra cả ở nhiều khu dân cư lẫn các khu công nghiệp. Từ đó người dân khổ, doanh nghiệp lãnh đủ vì phải ngưng trệ sản xuất.

Cắt điện liên tục, sản xuất ngưng trệ - Ảnh 1.

Ngày 5-6, một công ty ở Khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh) cho công nhân nghỉ làm vì bị cắt điện, nhóm công nhân về khu nhà trọ cũng bị mất điện nên “giải nhiệt” bên hành lang xóm trọ (ảnh lớn). Công ty Hi Viet Food đóng cửa vì mất điện (ảnh nhỏ trên) và công nhân một công ty bê tông ra về vì mất điện (ảnh nhỏ dưới) - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Theo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), hệ thống điện được đánh giá đang trong tình trạng "cực kỳ khẩn cấp".

Báo cáo gần đây nhất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) gửi Chính phủ về tình hình cung ứng điện cho hay nguồn cung ứng điện ở miền Bắc có thể thiếu hụt 8.000MW.

Đây là mức cao hơn nhiều so với dự báo trước đó là 5.000MW, và cao hơn cả báo cáo tháng 3-2022 khi công suất thiếu hụt chỉ là 1.300MW.

Mất điện 24 giờ, khu công nghiệp im lìm

Ngày 4-6, nhiều doanh nghiệp tại Bắc Ninh nhận được kế hoạch cắt giảm điện luân phiên do thiếu nguồn của Trung tâm điều khiển xa Công ty Điện lực Bắc Ninh.

Cơ quan điện lực sẽ cắt điện luân phiên ở các khu công nghiệp Yên Phong, Đại Đồng Hoàn Sơn, Tân Hồng và một số phụ tải lớn khác.

Thời gian cắt điện 24 tiếng từ 5h ngày 5-6 đến 5h ngày 6-6. Còn Khu công nghiệp Tiên Sơn, Khu công nghiệp Quế Võ, Khu công nghiệp Quế Võ mở rộng, thời gian cắt 24 tiếng, từ 8h ngày 5-6 đến 8h ngày 6-6.

Ngành điện lý giải việc cắt điện do nắng nóng bất thường, hệ thống điện quốc gia không đủ công suất cấp, nhu cầu phụ tải tăng cao đột biến.

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ vào ngày 5-6, tại Khu công nghiệp Tiên Sơn, hàng loạt công ty đông công nhân phải nghỉ làm như Canon, Sumitomo, THK Manufacturing of Vietnam... 

So với ngày thường, phần lớn hoạt động sản xuất phải dừng hoàn toàn, khu công nghiệp im ắng lạ thường.

Tương tự, tại Khu công nghiệp Yên Phong, dù là thứ hai đầu tuần song hàng loạt công ty "im lặng như tờ" vì mất điện. Công nhân được thông báo nghỉ hoặc làm bù sau. 

Một số công ty dù mất điện nhưng cố gắng hoạt động một số bộ phận bằng máy phát điện dự phòng.

Một nhân viên tại công ty sản xuất các linh kiện cơ khí thuộc Khu công nghiệp Yên Phong cho biết công ty có khoảng 300 công nhân. Tuy nhiên, toàn bộ công nhân nghỉ làm trong 24 tiếng từ 8h sáng 5-6.

"Hiện công ty phải dùng máy phát điện để mở cổng ra vào cho các xe vào bốc hàng xuất đi. Nếu mất điện kéo dài thì sẽ ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành đơn hàng, thậm chí là trì trệ việc xuất khẩu", người này nói.

Trong khi đó, một công ty chuyên chế biến thực phẩm ở Khu công nghiệp Yên Phong vẫn hoạt động cầm chừng bằng máy phát điện.

"Vì mất điện, công ty phải thuê máy phát để chạy kho lạnh. Hơn 30 công nhân vẫn đi làm. Chi phí thuê máy phát điện 11 triệu đồng/ngày và khoảng 100 lít dầu chạy cho 10 tiếng.

Theo đại diện một doanh nghiệp sản xuất điện tử tại Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh, công ty này đã lên kế hoạch thuê máy phát tương tự như một số công ty tại Bắc Giang dù thuộc khu công nghiệp ưu tiên.

Theo vị này, vừa qua công ty bị cắt điện do sự cố đột xuất từ 8h - 12h đêm. Việc này dẫn tới một bộ phận công nhân vẫn tới công ty chờ việc, ảnh hưởng đến việc quản lý cũng như đảm bảo trả lương ngày làm đó cho người lao động.

Cắt điện liên tục, sản xuất ngưng trệ - Ảnh 3.

Nhiều doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh) dừng hoạt động ngày 5-6 vì mất điện - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Cúp điện, công nhân lo ngay ngáy

Không có điện, doanh nghiệp ngưng sản xuất, công nhân nghỉ ngồi ngáp ruồi ngóng việc. Ghi nhận tại nhiều dãy trọ xung quanh Khu công nghiệp Tiên Sơn, các nhà để xe chật cứng xe máy.

Chị N.T.N., công nhân làm việc tại Công ty THK Manufacturing of VietNam, cho biết nhận được thông báo ngày 5-6 toàn công ty lại tiếp tục nghỉ do mất điện.

"Hôm nay hầu hết các công ty tại đây đều nghỉ làm đột xuất vì cắt điện. Thời gian gần đây việc cũng ít hơn, thêm việc thiếu điện, tôi rất lo đơn hàng của công ty bị ảnh hưởng, từ đó công nhân cũng bị giảm lương", chị N. bộc bạch.

Tương tự, chị Tô Thị Thơm, công nhân một công ty ở Khu công nghiệp Đại Đồng, bộc bạch: Hai vợ chồng làm khác công ty, nhưng hôm nay đều được nghỉ vì lý do chung là "mất điện".

"Công ty tôi có khoảng 500 công nhân, nay là buổi thứ hai tất cả công nhân phải nghỉ vì mất điện. Khi nghỉ công ty vẫn trả lương, nhưng nếu thiếu điện cứ kéo dài thì tôi rất lo lắng bởi thu nhập, đời sống chắc chắn bị đảo lộn", chị Thơm nói.

Trước tình trạng thiếu điện cho sản xuất, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn đã yêu cầu Sở Công Thương và Công ty Điện lực Bắc Ninh xây dựng kịch bản, biểu đồ chi tiết để hạn chế tối đa cắt điện đối với các doanh nghiệp sản xuất.

Trong đó ông Tuấn lưu ý những ngành nghề liên quan công nghệ cao, chế biến thực phẩm và việc công bố công khai lộ trình cắt điện. Đồng thời, bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh đề nghị các doanh nghiệp bố trí các ca kíp sản xuất phù hợp, không để gián đoạn hoạt động sản xuất.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cũng cho biết tỉnh đã có chỉ đạo các giải pháp tăng cường tiết kiệm điện. Các cơ sở công nghiệp, cơ sở sản xuất được khuyến cáo tắt hoặc giảm 50% công suất hệ thống chiếu sáng hành lang, bãi giữ xe, khuôn viên.

Một phần hoạt động sản xuất được chuyển sau 22h. Đồng thời, tỉnh khuyến cáo doanh nghiệp tham gia các chương trình điều chỉnh phụ tải khi có đề nghị từ Công ty Điện lực Bắc Giang. Trong trường hợp bất khả kháng, các công ty có thể sử dụng máy phát điện dự phòng để duy trì sản xuất, kinh doanh.

Cắt điện liên tục, sản xuất ngưng trệ - Ảnh 5.

Mất điện, một bảo vệ công ty tại Hoài Đức (Hà Nội) phải làm việc trong căn phòng nhỏ “nóng như lò” chỉ có chiếc quạt tay chống nóng - Ảnh: PHẠM TUẤN

Đại biểu Quốc hội ĐỖ THỊ LAN (đoàn Quảng Ninh):

Lo thiếu điện ảnh hưởng phát triển kinh tế

Vấn đề thiếu điện và đảm bảo cung ứng điện đã được tôi nêu ra tại phiên thảo luận trả lời kiến nghị cử tri. Tôi băn khoăn về kế hoạch cung ứng điện đáp ứng nhu cầu cho phát triển kinh tế - xã hội hay chưa? Và thực tế điều này cho đến bây giờ thể hiện rõ những lo lắng đặt ra là đúng.

Mới bắt đầu vào mùa nóng, kinh tế đã có phục hồi nhưng vẫn có nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng, doanh nghiệp bị thiếu đơn hàng, một số lĩnh vực có khó khăn trong sản xuất kinh doanh, nhưng điện thiếu trầm trọng như vậy cũng rất là lo.

Cắt điện không phải chỉ luân phiên 1-2 tiếng, cắt cả ngày cả đêm nên ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến đời sống nhân dân, kinh tế - xã hội.

Thực tế này đặt ra vấn đề chiến lược và kế hoạch đáp ứng điện cho phát triển đất nước hiện tại và tương lai thế nào.

Quy hoạch điện 8 đã được phê duyệt, nhưng kế hoạch hành động đang được xây dựng thì triển khai sẽ ra sao để khắc phục tình trạng này trong ngắn hạn và dài hạn. Chúng tôi cũng mong muốn có kế hoạch đầy đủ và tính khả thi của Chính phủ, trong đó Bộ Công Thương với vai trò đầu mối cần chủ động.

Tôi đề nghị Chính phủ có đánh giá lại toàn diện về công tác thực hiện kế hoạch chiến lược cung cầu điện cho sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, giải pháp cụ thể khắc phục tình trạng thiếu điện.

NGỌC AN

Thiếu điện đã được báo trước, sao vẫn bị động?

Theo Bộ Công Thương, cơ cấu nguồn điện miền Bắc chủ yếu là thủy điện và nhiệt điện với tỉ lệ tương ứng là 46% và 51%.

Miền Bắc có tốc độ tăng trưởng phụ tải cao nhất cả nước, tốc độ bình quân 9,3%/năm trong các năm 2016 - 2020, tương ứng mức tăng gần 6.000MW, trong khi tăng trưởng nguồn điện chỉ đạt 4.600MW, tương ứng mức tăng trưởng là 4,7%.

Bộ Công Thương đánh giá các nguồn điện lớn chậm tiến độ kéo dài, gây thiếu nguồn điện chạy nền cho hệ thống, có nguy cơ thiếu hụt cấp điện trong trung và dài hạn. Trường hợp nếu tăng trưởng kinh tế phục hồi nhanh, miền Bắc có thể thiếu điện từ năm 2022, miền Nam thiếu điện từ năm 2024 - 2025.

Vấn đề đặt ra là tại sao đã có nhiều báo cáo, dự báo nhưng tình hình cung ứng điện vẫn bị động? Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Anh Thái, giám đốc Công ty Vietnam PRP (đầu tư và quản lý nguồn điện), cho rằng mặc dù nguồn điện toàn hệ thống lên tới 81.000MW, nhưng khả năng huy động còn phụ thuộc nhiều yếu tố.

Ví dụ thủy điện là nguồn chiếm tỉ trọng lớn nhưng huy động chỉ được 50% do nhiều hồ về mực nước chết, hoặc nhiệt điện than các nhà máy gặp sự cố nên chỉ huy động được một nửa.

Trong khi đó, các nguồn năng lượng tái tạo chỉ dồi dào vào ban ngày nên việc huy động bị hạn chế dù đã tối ưu nguồn này. Do đó, việc nâng cao tính dự báo sát thực tiễn, chủ động hơn trong các kịch bản huy động nguồn điện để tăng tính chủ động cho hệ thống cao nhất là cần thiết.

NGỌC AN

Cắt điện liên tục, sản xuất ngưng trệ - Ảnh 8.

Công nhân sửa chữa đường điện ven quốc lộ 20, thuộc địa phận xã Phú Túc, huyện Định Quán, Đồng Nai - Ảnh: THẨM HẰNG

Miền Nam: ngành điện cung cấp ổn định

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 5-6, ông Lê Mai Hữu Lâm - giám đốc Công ty Cát Vạn Lợi - cho biết mặc dù thời gian qua nhà máy của doanh nghiệp này đặt trong Khu công nghiệp Cơ khí ô tô TP.HCM (huyện Củ Chi) nhưng chưa rơi vào thế bị cắt điện.

Ông Bùi Trung Kiên - phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM - cho biết đến ngày 5-6 ngành điện vẫn cung cấp điện ổn định cho mọi khách hàng, trong đó có điện sinh hoạt lẫn sản xuất tại TP.HCM.

Theo ông Kiên, đến nay ngành điện TP đã thỏa thuận với hơn 630 khách hàng tiêu thụ điện từ 1 triệu kWh/năm để tiết giảm điện giờ cao điểm qua chương trình điều chỉnh phụ tải điện tự nguyện (DR).

Thực tế cho thấy có đến 2/3 doanh nghiệp tham gia chương trình DR đã giảm tiêu thụ điện thời gian qua. Đồng thời, ngành điện đã thỏa thuận với 160 khách hàng có máy phát điện dự phòng (tổng công suất 150MVA) để hỗ trợ phát điện, chủ động nguồn cung trong trường hợp khẩn cấp.

Tương tự, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSCP) cũng cho biết đến nay ngành điện vẫn cung cấp điện ổn định cho 21 tỉnh thành phía Nam, các nguồn cung điện trong khu vực vẫn đảm bảo. Theo EVNSPC, từ ngày 15-5 đến 3-6, toàn EVNSPC có gần 4.600 khách hàng tham gia chương trình DR với tổng công suất tiết giảm được gần 869MW, toàn tổng công ty tiết kiệm 37.827 triệu kWh.

NGỌC HIỂN

Đồng Nai: điều chỉnh sản xuất để tiết kiệm điện

UBND tỉnh Đồng Nai cho hay trong mùa khô tỉnh đã chỉ đạo ngành điện không đưa ra chỉ tiêu tiết giảm điện đối với nhóm khách hàng sản xuất công nghiệp, xây dựng vì lo ảnh hưởng đến đơn hàng, kế hoạch sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và ảnh hưởng đến đời sống, việc làm của công nhân. Tỉnh kêu gọi doanh nghiệp dịch chuyển một phần sản xuất sang sau 22h.

Với cách làm trên, Công ty TNHH một thành viên Điện lực Đồng Nai cho biết doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước... đã thực hiện việc tiết kiệm được trên 9,2 triệu kWh điện thương phẩm. Vì vậy, ngành điện mới cung cấp đủ điện cho khách hàng.

"Đến nay, nguồn điện cung ứng đủ cho hơn 6.100 doanh nghiệp lớn ở các khu công nghiệp và khoảng 1 triệu khách hàng. Đồng Nai không xảy ra tình trạng thiếu điện", một lãnh đạo Điện lực Đồng Nai nói.

H.MI

Bà Rịa - Vũng Tàu: không cắt điện luân phiên

Chiều 5-6, ông Trần Thanh Hải, phó giám đốc Công ty Điện lực Bà Rịa - Vũng Tàu, khẳng định tỉnh này không có việc cắt điện luân phiên.

Lý giải về việc không phải cắt điện luân phiên, ông Hải cho hay các tỉnh phía Nam không nằm trong kế hoạch cắt điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam mà chỉ yêu cầu phải thực hiện tiết kiệm tối đa.

Ngoài ra, các nguồn cung cấp điện ở phía Nam cũng dồi dào, nhiều nguồn năng lượng tái tạo, trong khi ở phía Bắc phụ thuộc vào thủy điện.

ĐÔNG HÀ

Đến Hạ Long nghỉ mát, gặp ngay Đến Hạ Long nghỉ mát, gặp ngay 'cúp điện khẩn cấp' nên khách trả phòng luôn

Nhu cầu sử dụng điện tăng cao, Công ty Điện lực Quảng Ninh buộc phải cúp điện khẩn cấp, giảm công suất theo lệnh của Trung tâm Điều độ hệ thống điện miền Bắc.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp