01/12/2024 05:35 GMT+7

Cắt cơn nghiện game online: Đã có 'bài thuốc'

Nghị định 147 (có hiệu lực từ 25-12-2024) đang được xem là công cụ hiệu quả giúp trẻ thoát khỏi nguy cơ nghiện game online. Nhưng để đảm bảo hiệu quả cần sự chung tay của nhiều bên.

Đã có 'thuốc' cắt cơn nghiện game online - Ảnh 1.

Một chương trình “vắc xin số” nhằm nâng cao kiến thức bảo vệ trẻ em trên không gian mạng - Ảnh: Đ.THIỆN

Biết con mình sa vào việc chơi game, chơi game bất kể khi nào được phép dùng thiết bị kết nối mạng, nhiều phụ huynh lo lắng việc con có thể bị nghiện game.

Phụ huynh đang dùng nhiều biện pháp, từ quy định giờ giấc cho đến phần mềm quản lý cài đặt trên thiết bị của con, nhưng vẫn không dễ kiểm soát vì cha mẹ không thể theo dõi trực tiếp con 24/7, trong khi trẻ lại luôn tìm cách "né" sự quản lý của cha mẹ.

Ủng hộ nhưng vẫn lo

Khi biết đến các quy định của nghị định 147 sắp có hiệu lực, chị Bích Ly (ở TP Thủ Đức, TP.HCM, có con thích chơi game) bày tỏ: "Tôi rất ủng hộ đưa luật vào để hỗ trợ phát triển sức khỏe tinh thần cho trẻ em chứ giờ thấy tụi nhỏ giao tiếp phải thông qua game là ưu tiên đầu tiên. Độ tuổi chơi game của trẻ giờ quá sớm so với khuyến cáo của nhà sản xuất.

Tôi thấy độ tuổi mầm non và tiểu học nên bị cấm chơi game hết cho tâm hồn tụi nhỏ đỡ bị đầu độc. Lợi thì ít mà hại thì nhiều nên thà không có thì tốt hơn".

Chị Phương Trang (phụ huynh có hai con ở TP.HCM) cũng cho rằng: "Trẻ tiếp cận Internet quá sớm nhưng chưa thể kiểm soát được thời gian lên mạng, đặc biệt là thời gian chơi game. Tôi hoàn toàn ủng hộ quy định mới và sẽ đăng ký cho trẻ".

"Những game bạo lực hoặc chưa phù hợp với lứa tuổi thì cần có sự sàng lọc kỹ, đó là những game có đăng ký. Còn với những game trôi nổi hoặc có nguồn gốc từ nước ngoài, vốn không được kiểm soát thì như thế nào?", chị Trang đặt vấn đề.

Nghi ngại hơn về hiệu quả của các công cụ kiểm soát, quản lý, chị Tô Giang, giám đốc điều hành Công ty tư vấn Renaissance, cho rằng: "Các công cụ hay phần mềm có thể quản lý được trẻ dưới 10 tuổi nhưng sẽ không dễ áp dụng với trẻ lớn hơn. Trẻ luôn có cách lách mà các bậc phụ huynh thậm chí còn không biết con đã làm như thế nào!".

Phần lớn các bậc cha mẹ không thể theo sát con cái khi trẻ lên mạng. Trong khi đó, game trên mạng thì hằng hà sa số và có tốc độ ra mắt chóng mặt, phụ huynh ít tìm hiểu kỹ "hướng dẫn sử dụng" trước khi cho con chơi. Khi con có biểu hiện nghiện game, phụ huynh cuống cuồng lên và… cấm.

"Mục đích game là để chơi và giải trí. Nhưng cần phải có sự hỗ trợ kiểm soát và giúp đỡ của ba mẹ để dần dần con mới hiểu được chơi như thế nào là lành mạnh", chị Thảo Phương (quận Bình Thạnh, TP.HCM) chia sẻ.

Không chỉ trông chờ hết vào luật

Nhiều chuyên gia công nghệ và an ninh mạng đánh giá cao nghị định 147 là một trong những nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước trong bối cảnh công nghệ phát triển rất nhanh như hiện nay.

Các quy định của nghị định sẽ góp phần quan trọng trong việc ngăn ngừa, giảm thiểu được tình trạng nghiện game, nghiện mạng xã hội, những rủi ro, nguy cơ từ không gian mạng với trẻ em khi đã luật hóa được các quy định về bảo vệ trẻ em đối với các nhà cung cấp dịch vụ.

Tuy nhiên, "chúng ta không thể kỳ vọng các quy định này có thể ngăn ngừa tuyệt đối tình trạng này" - ông Ngô Tuấn Anh, giám đốc Công ty an ninh mạng SCS, nhận định.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Tuấn Anh dẫn chứng "quy định quản lý thời gian chơi game của trẻ không quá 60 phút/ngày/trò và không quá 180 phút/ngày nhưng là với các trò chơi của một nhà cung cấp. Trẻ có thể lách bằng cách chơi của nhiều nhà cung cấp dịch vụ khác nhau, hoặc có thể chơi các game offline (không nối mạng Internet)".

Ông Tuấn Anh cho rằng điều quan trọng vẫn phải xuất phát từ phía người dùng. Cụ thể theo nghị định là những nội dung có đề cập rõ ràng hơn đến trách nhiệm của cha mẹ hoặc người giám sát có trách nhiệm giám sát, quản lý nội dung trẻ em truy cập, đăng tải và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội.

Tương tự, theo ông Vũ Ngọc Sơn, giám đốc công nghệ Công ty an ninh mạng NCS, nghị định 147 đã có các quy định nhằm hạn chế thời gian chơi game của trẻ em, nhưng các nguy cơ khác khi trẻ em lên mạng vẫn tồn tại, bao gồm tiếp xúc với nội dung bạo lực hoặc không phù hợp, nghiện game ảnh hưởng đến sức khỏe và học tập, bị lừa đảo trực tuyến hoặc quấy rối bởi các đối tượng xấu…

Do đó phụ huynh cần giám sát nội dung trẻ chơi game, thời gian chơi, cũng như sử dụng các công cụ kiểm soát trên thiết bị, giúp trẻ nhận biết nội dung an toàn và nguy hiểm.

Đã có 'thuốc' cắt cơn nghiện game online - Ảnh 2.

Trẻ em chơi game tương tác tại một triển lãm công nghệ vào tháng 7-2024 - Ảnh: Đ.TH

Chung tay quản lý trẻ em chơi game

Ông Lã Xuân Thắng, giám đốc phát hành trò chơi trực tuyến tại Việt Nam, VNGGames, đánh giá quy định mới là một bước tiến mới, thể hiện sự quan tâm, sâu sát của cơ quan quản lý trong hoạt động phát hành game tại Việt Nam. 

"Hệ thống của VNGGames đã và đang đáp ứng đầy đủ quy định về thời gian chơi này, sẽ cấu hình lại hệ thống để đảm bảo tuân thủ đúng quy định", ông Thắng cho biết.

"Các doanh nghiệp game cần tích cực phát triển nội dung lành mạnh, cài đặt giới hạn giờ chơi. Cơ quan quản lý nhà nước nên giám sát chặt chẽ nội dung game cùng các nền tảng trực tuyến để đảm bảo môi trường mạng an toàn hơn cho trẻ em…", ông Vũ Ngọc Sơn đề xuất thêm.

Ngoài ra, các chuyên gia an ninh mạng cũng khuyến cáo các bậc cha mẹ cần quan tâm và chủ động tìm cách quản lý và bảo vệ an toàn cho con em mình. Đã có một số doanh nghiệp cung cấp các giải pháp quản lý, bảo vệ an toàn Internet dành cho các gia đình, như Kaspersky, VNPT, SafeGate…

Mới đây Hiệp hội An toàn thông tin (VNISA) cũng đã ban hành một bộ tiêu chuẩn về "Yêu cầu kỹ thuật đối với sản phẩm, dịch vụ bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng".

Tấn công mạng nhắm vào game thủ trẻ tăng 30%

Theo thông tin do đội ngũ chuyên gia Hãng bảo mật Kaspersky chia sẻ, trong nửa đầu năm 2024, số lượng người dùng bị tội phạm mạng nhắm đến, sử dụng mồi nhử là các trò chơi phổ biến dành cho trẻ em, đã tăng 30% so với nửa cuối năm 2023.

Trong khoảng thời gian từ 1-7-2023 đến 30-6-2024, các giải pháp bảo mật của Kaspersky đã phát hiện hơn 6,6 triệu vụ tấn công sử dụng thương hiệu trò chơi trẻ em làm mồi nhử. Các nhà nghiên cứu phát hiện hơn 132.000 người dùng đã trở thành mục tiêu của tội phạm mạng.

Trong số 18 trò chơi được chọn để nghiên cứu, phần lớn các cuộc tấn công liên quan đến các tựa game quen thuộc Minecraft, Roblox và Among Us.

Theo thống kê của Kaspersky, trong khoảng thời gian được lựa chọn để nghiên cứu, hơn 3 triệu cuộc tấn công đã được thực hiện dưới lớp "vỏ bọc ngụy trang" Minecraft. Sự phổ biến của Minecraft khiến tựa game này trở thành công cụ tấn công hấp dẫn cho tội phạm mạng.

Các chuyên gia cho rằng tội phạm mạng đang ngày càng trở nên tinh vi hơn. Mặt khác, tội phạm mạng ngày càng sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nhiều hơn để tự động tấn công lừa đảo, dễ dàng đánh lừa các game thủ trẻ.

Từ ngày 25-12-2024, tất cả người chơi game trên mạng tại Việt Nam đều phải được xác thực bằng số điện thoại di động (tại Việt Nam) mới được tham gia trò chơi. Người dưới 16 tuổi khi đăng ký chơi game phải đăng ký tài khoản bằng thông tin của cha, mẹ hoặc người giám hộ. Phụ huynh có trách nhiệm giám sát và quản lý việc truy cập, thời gian chơi.

Người chơi dưới 18 tuổi chỉ được chơi 1 game không quá 60 phút và tổng thời gian chơi trong ngày không quá 180 phút. Các doanh nghiệp liên quan phải phối hợp triển khai giải pháp bảo vệ trẻ dưới 18 tuổi trên môi trường mạng.

Đây là những nội dung chính về hoạt động cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng của nghị định số 147 về việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Đã có 'thuốc' cắt cơn nghiện game online - Ảnh 3.Cảnh báo trẻ nghiện game online trong hè

Với hình ảnh sinh động, nội dung đa dạng và liên tục cải tiến, game online thu hút nhiều người chơi, từ người lớn tới trẻ em.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp