07/09/2016 13:16 GMT+7

Cascadeur - Kỳ 1: Đường vào nghề “đỡ đạn cho thiên hạ”

ĐỖ TRƯỜNG
ĐỖ TRƯỜNG

TTO - Cascadeur - nghề đóng thế diễn viên - không còn xa lạ với dư luận. Trong bối cảnh phim Việt đang ngày một sản xuất với mật độ nhiều hơn, Tuổi Trẻ Online dành nhiều ngày theo chân các cascadeur ra phim trường, chứng kiến những cảnh "dầu sôi máu lửa" của họ.

Hình ảnh cascaduer khi đóng thế cho diễn viên - Ảnh: NVCC
Cascadeur đóng thế cho diễn viên cảnh nhào lộn trên không trong phim trường - Ảnh tư liệu
Chúng tôi lại có dịp lắng nghe cascadeur kể chuyện đời, chuyện nghề, cả chuyện "sinh nghề tử nghiệp" nhiều tủi hờn và vẫn còn bị khinh thường - những câu chuyện thực tế trần trụi, không hề lung linh lộng lẫy như trên phim ảnh hay nơi thảm đỏ.

TP.HCM: cái nôi của cascadeur

Đóng góp không nhỏ vào sự thành công ở phim hành động là anh em cascadeur. Những pha hành động mạo hiểm: nhào lộn, đánh nhau, đấu súng, rượt đuổi, đua xe…, diễn viên hiếm ai dám làm và làm được. Ít ai chịu “đánh cược” thân mình vào cảnh quay như thế. Lúc đó, diễn viên đóng thế vào cuộc.

Cascadeur ở Việt Nam thường được dạy và học theo kiểu truyền nối từ thế hệ trước cho thế hệ sau, không qua trường lớp đào tạo.

Người đứng đầu nhóm cascadeur được thành viên nhóm gọi là “sư phụ”. Sư phụ không chỉ là người truyền dạy nghề mà còn kiêm luôn “bầu” show kiếm việc cho các anh em.

Ở TP.HCM hiện nay có bốn nhóm cascadeur nổi tiếng, uy tín và thường xuyên được đoàn phim mời đóng thế: nhóm lâu đời nhất là Cascadeur Nguyễn Quốc Thịnh (Nguyễn Quốc Thịnh trưởng nhóm); Cascadeur Bảo An (Bùi Văn Hải trưởng nhóm); Cascadeur AXN (Hồ Thiện Hiếu trưởng nhóm); Cascadeur Team X (Nguyễn Anh Tuấn trưởng nhóm). Trung bình mỗi nhóm có 40 - 50 thành viên.

Cascadeur hoạt đông mạnh nhất và dường như là duy nhất ở TP.HCM.

“Ở Hà Nội có một vài nhóm võ lẻ tẻ cũng có đóng phim nhưng chưa được anh em trong nghề công nhận là cascadeur. Vì cascadeur thực thụ là cống hiến những pha mạo hiểm đẹp mắt, đầy nghệ thuật. Ngay cả khi quay phim ở Hà Nội hay bất cứ nơi nào, đạo diễn cũng điều cascadeur ở TP.HCM đi” - cascadeur Nguyễn Tuấn Anh cho hay.

 

Hình ảnh cascaduer khi đóng thế cho diễn viên - Ảnh: NVCC
Cascadeur đóng thế cảnh phi thân trên không cho diễn viên ở bối cảnh ngoài trời - Ảnh tư liệu

Đường đến với nghề nhọc nhằn

Người viết theo chân một nhóm cascadeur ở TP.HCM đang tham gia đóng thế cho một bộ phim hành động khởi quay từ cuối tháng 8-2016. 10g sáng đoàn phim bấm máy cảnh đầu tiên trong ngày. 3g chiều sẽ tới cảnh của cascadeur.

Thế nhưng anh em cascadeur phải tập luyện từ chiều hôm trước và 6g sáng hôm đó đã có mặt tại phim trường để tranh thủ tập thêm.

Cảnh quay nhảy từ trên cao xuống liên tục 3 thành cầu thang phải quay đi quay lại hơn 10 lần. Chúng tôi hỏi Đạt (sinh năm 1988) - cascadeur thực hiện cú nhảy này rằng anh cảm thấy thế nào khi hoàn thành cảnh quay. 

Đạt bảo: “Tôi thấy vui vì mình được hành động, được làm nghề. Cảnh này dạng trung bình, quay lại nhiều lần không phải tôi làm không được, mà phải theo ý đạo diễn: đẹp, mãn nhãn, kịch tích thành ra vậy”.

Niềm hăm hở được vào những pha bay nhảy mạo hiểm của Đạt lớn đến mức giúp anh quên đi những đau đớn do vết hằn đỏ của sợi dây siết chặt vào người để đảm bảo an toàn lúc bay lơ lửng trên không. Đạt cũng thổ lộ anh "không thấy nhọc nhằn dù phải lặp đi lặp lại cú quay nguy hiểm nhiều lần…".

T.B, một chàng cascadeur dạng “lính mới”, kể: “Hồi nhỏ tôi không mê gì ngoài những pha đánh đấm trên tivi. Lớn chút nữa thì theo đàn anh trong xóm tụ lập băng nhóm từng lầm lạc đi phá làng phá xóm. Gia đình cho lên thành phố học nghề, tôi bỏ học năn nỉ sư phụ cho theo nghề cascadeur”.

Với cascadeur Đỗ Hoàng Chiến thì khác, anh là con cưng của gia đình. Từ nhỏ được nuông chiều, nhưng Chiến có niềm say mê với võ cổ truyền Bình Định. Năm năm liền Chiến giành giải nhất thi đấu võ thuật cấp quốc gia.

Năm Chiến 19 tuổi, một ngày tình cờ anh được thầy dạy võ dắt theo gặp cascadeur Nguyễn Quốc Thịnh, kể từ đó Chiến bén duyên với nghề đóng thế.

“Hồi đó mê Thành Long dữ lắm! Trên tivi tập sao là Chiến phải tập y chang. Từ võ chuyển sang cascadeur chỉ trong tích tắt, nhưng chặng đường 12 năm theo nghề cascadeur thì mới đầy gian nan”, Chiến nhớ lại.

Cascadeur Nguyễn Tuấn Anh học chuyên ngành du lịch, thời sinh viên anh làm thêm ở vũ đoàn múa. Một lần theo vũ đoàn, Tuấn Anh thấy anh em cascadeur đánh võ “hăng” quá máu mê đánh đấm trỗi dậy và quyết theo nghề.

“Điều khiến mình gắn bó lâu dài với nghề là cách anh em cascadeur đối xử với nhau. Cascadeur là nghề nguy hiểm, nên anh em lo cho nhau lắm. Tự dưng đang ngồi nói chuyện với nhau bình thường, tí ra phim trường cái không khéo có người máu me đầy mặt. Anh em thương và quý nhau ở chỗ đó”.

* Cascadeur - Kỳ 2: những pha mạo hiểm suýt chết

ĐỖ TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp