Ông Huỳnh Báu đàn những bài nhạc do ông sáng tác gửi đến "người tình trăm năm", bà cho biết lâu rồi bà chưa được nghe tiếng đàn của ông - Ảnh: TUYẾT KIỀU
Ông Huỳnh Văn Báu (88 tuổi) và bà Nguyễn Thị Cúc (78 tuổi) đã đến với cuộc đời nhau một cách tình cờ nhờ sợi dây tơ hồng của ông mai bà mối. Cái duyên bất ngờ đã kết nối cô thợ may xinh đẹp, nết na với chàng trai mê âm nhạc vừa từ chiến trận trở về.
Thời gian êm đềm trôi qua, 3 người con lần lượt ra đời, trưởng thành. Sau khi cưới vợ gả chồng cho các con, ông bà sống lặng lẽ bên nhau trong căn nhà nhỏ giữa vườn sơri, sát bên bờ kinh tại xã Bình Ân, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang.
Từ lúc cưới nhau về, ông bà ít khi nói lời yêu thương nhau, chỉ len lén chăm sóc nhau. Khi bà giặt đồ, ông vo gạo nấu cơm, công việc nhà được chia sẻ cho nhau, ai rảnh thì làm, không tị nạnh ai.
Bà kể ông chỉ biết nấu cơm thôi, có lúc bà có việc phải đi xa dài ngày, ông ở nhà chỉ ăn cơm với nước tương, nước mắm, thấy vừa tội vừa thương.
Ông chỉ biết nấu cơm, nhưng nồi cơm ông nấu rất thơm và ngon, giúp bà được công việc nào là ông vui lắm - Ảnh: TUYẾT KIỀU
Giặt đồ là công việc hàng ngày của bà, trong thau là quần áo của bà và ông, cứ thế hơn nửa thế kỷ bà đã giặt đồ cho ông - Ảnh: TUYẾT KIỀU
Món thịt kho tàu được bà nấu bằng cả tình thương - Ảnh: TUYẾT KIỀU
Một ngày ba bữa, chỉ có hai vợ chồng ăn cùng nhau, cơm ông nấu, thịt kho tàu bà nấu và trái cây chín trong vườn, vậy là hạnh phúc lắm rồi - Ảnh: TUYẾT KIỀU
Ông mê nhạc từ khi còn thanh niên, đó là niềm vui sống và ước mơ của ông. "Huỳnh Báu" là nghệ danh ông sử dụng để viết trên các tác phẩm.
"Chuyến tàu Côn Đảo" là tên tác phẩm tân nhạc đầu tiên ông sáng tác vào năm 1961, bên cạnh đó ông còn sáng tác rất nhiều tác phẩm cổ nhạc.
Bà không biết nhiều về nhạc nhưng bà tôn trọng sở thích của ông. Đối với ông, bà là hậu phương vững chắc để đồng hành cùng ông - người nông dân mê âm nhạc.
Âm nhạc là một người bạn tri kỷ của ông - Ảnh: TUYẾT KIỀU
Hơn nửa thế kỷ bên nhau, ông bà hiểu rõ tính tốt và tính chưa tốt của nhau. Lắm lúc cãi nhau do áp lực cuộc sống, một trong hai sẽ im lặng để sự việc không căng thẳng. Sau khi lấy lại bình tĩnh vợ chồng sẽ ngồi lại trò chuyện với nhau.
Khi được hỏi nếu đến lúc bà không còn nữa, ông sẽ cảm thấy như thế nào. Ông trả lời rằng ông sẽ buồn lắm vì không được nghe bà càm ràm, một căn nhà im lặng vắng bóng người thì hiu quạnh lắm.
Ông bà không sợ mất nhau vì đã sống cho nhau một cách trọn vẹn. Cả đời đã dành cho nhau nên không hối tiếc. Giờ còn ở bên nhau giờ phút nào thì trân quý giờ phút ấy.
Nhà chỉ có hai người lớn tuổi thui thủi ra vào. Lúc nào con cháu về thăm, ông bà vui lắm, bao nhiêu trái cây trong vườn được gói ghém tặng con cháu đem về Sài Gòn.
Vườn nhà bà trồng bưởi da xanh, sơri Gò Công, nhãn, mít, vú sữa…, mỗi lần tưới cây cả hai ông bà cùng nhau làm việc thì mới xong sớm được - Ảnh: TUYẾT KIỀU
Những trái bưởi da xanh nặng trĩu làm quằn cả cành cây, bà đỡ trái bưởi để ông buộc dây kéo cành cây lên - Ảnh: TUYẾT KIỀU
Ông bà cho biết chìa khóa để vợ chồng có thể bên nhau dài lâu là phải tôn trọng nhau, bình đẳng trong chia sẻ công việc nhà và sự nhường nhịn, thương yêu nhau thật lòng. Cuộc sống hôn nhân là cuộc sống của hai người xa lạ tự nguyện chấp nhận nhau, cùng nhau vun vén yêu thương.
"Yêu" là những phút giây phải lòng nhau ban đầu, nhưng "thương" mới là yếu tố quyết định để duyên nợ gắn kết tình nghĩa vợ chồng trong một khoảng thời gian dài. Đừng "yêu vội" mà hãy "yêu nghiêm túc và có trách nhiệm" để cuộc sống hôn nhân được trọn vẹn.
Bệnh tật là kẻ thù ám ảnh tuổi già, thuốc là người bạn đồng hành cùng ông trong cuộc chiến giành thời gian để bên bà nhiều hơn - Ảnh: TUYẾT KIỀU
Đôi bàn tay chai sần đã nhuốm màu thời gian của ông bà nắm chặt nhau, sẽ không buông nhau ra dù có mệt mỏi và vất vả như thế nào đi nữa - Ảnh: TUYẾT KIỀU
Món quà ông tặng bà nhân ngày 14-2 là một đoạn trong bài hát “Ai nỡ xa nhau” được ông phổ nhạc trên các vần thơ Truyện Kiều của Nguyễn Du, ông cảm ơn bà rất nhiều vì đã ở lại với ông, chịu đựng tính cách của ông và thương yêu ông trọn đời - Video: TUYẾT KIỀU
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận