Cận cảnh chiếc máy cuốc lấy đất mặt ruộng đưa lên sà lan tại khu vực ấp Láng Cơm, xã Bình Giang, huyện Hòn Đất, Kiên Giang - Ảnh: BỬU ĐẤU
Tuổi Trẻ Online ghi nhận vào đầu tháng 5 tại khu vực ấp Láng Cơm, xã Bình Giang, huyện Hòn Đất, Kiên Giang có hàng chục máy Kobe (máy cuốc) đang múc đất ven bờ kênh ranh (giáp ranh xã Vĩnh Phước, huyện Tri Tôn, An Giang).
Nhiều máy Kobe hì hục múc đất ruộng đưa lên các sà lan đang đậu dày đặc hơn 2km ở đoạn kênh ranh, để "chờ tài" vào chở đất đưa đi khắp nơi làm gạch.
Hiện trường khu vực khai thác đất mặt ruộng này nằm sâu giữa đồng vắng giáp ranh An Giang và Kiên Giang. Để vào được nơi này, chúng tôi phải vượt qua nhiều tuyến đường lầy lội do đường chưa được láng nhựa và khu vực này rất vắng người qua lại.
Ông H., ngụ xã Vĩnh Phước, huyện Tri Tôn, An Giang (có đất canh tác gần khu vực hiện trường khai thác đất mặt ruộng), cho biết nhóm người này đã khai thác đất mặt ruộng hơn 6 tháng nay.
Ước tổng số trên 12ha đất nông nghiệp khu vực ấp Láng Cơm, xã Bình Giang đã bị nhóm múc đất mặt. Mỗi hầm có độ sâu từ 5-6m và khu vực này có hàng chục hầm như thế.
"Họ cạp đất mặt ruộng đưa lên các sà lan chờ gần đó để di chuyển khắp nơi. Khu vực này bị họ lấy đất nay đã thành hầm hố hết, chỉ có thể nuôi cá chứ không thể nào phục hồi được. Khi nào có người lạ đến thì họ dừng một thời gian, sau đó họ làm tiếp. Họ làm suốt ngày vì khu vực này rất ít người qua lại", ông H. nói.
Ngày 9-5, trao đổi qua điện thoại, ông Nguyễn Thanh Nhàn - phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - xác nhận: "Sau khi nhận thông tin của PV Tuổi Trẻ, chúng tôi đã chỉ đạo kiểm tra thì đúng là có vụ này.
Hiện tại tôi đã chỉ đạo chủ tịch UBND huyện Hòn Đất phối hợp cùng các ngành chức năng sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để sớm xử lý vụ việc này. Nếu cần thông tin cụ thể có thể liên hệ huyện Hòn Đất".
Nhiều sà lan đậu nối đuôi nhau chờ lấy đất mặt ruộng, còn bên kia ruộng lúa đã bị băm nát thành những ao, hồ sâu hoắm - Ảnh: BỬU ĐẤU
Để hiểu rõ hơn vì sao có tình trạng "biến đất ruộng thành ao" với quy mô lớn, Tuổi Trẻ Online đã nhiều lần điện thoại liên hệ với ông Quách Văn Toàn - phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Kiên Giang - thì ông Toàn kêu gửi câu hỏi.
Tuy nhiên, sau khi gửi xong câu hỏi và đến tận trụ sở nơi làm việc thì ông Toàn nói bận họp và giao chánh văn phòng sở để… ghi nhận lại vụ việc.
Nhiều sà lan đậu dày đặc đoạn kênh ranh giáp giữa An Giang và Kiên Giang để chờ lấy đất - Ảnh: BỬU ĐẤU
Lấy đất mặt ruộng trái phép là vi phạm pháp luật
Đất ruộng là một cách nói phổ biến trong dân gian thay cho cụm từ đất nông nghiệp. Theo quy định tại Điểm a khoản 1 điều 10 Luật đất đai 2013, đất ruộng là loại đất trồng cây hàng năm (gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác) thuộc nhóm đất nông nghiệp.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 12 Luật Đất đai 2013, hủy hoại đất là một trong những hành vi bị nghiêm cấm, theo đó:
"Hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình hoặc làm suy giảm chất lượng đất hoặc gây ô nhiễm đất mà làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định, trong đó:
a) Làm biến dạng địa hình trong các trường hợp: thay đổi độ dốc bề mặt đất; hạ thấp bề mặt đất do lấy đất mặt dùng vào việc khác hoặc làm cho bề mặt đất thấp hơn so với thửa đất liền kề; san lấp đất có mặt nước chuyên dùng, kênh, mương tưới, tiêu nước hoặc san lấp nâng cao bề mặt của đất sản xuất nông nghiệp so với các thửa đất liền kề; trừ trường hợp cải tạo đất nông nghiệp thành ruộng bậc thang và hình thức cải tạo đất khác phù hợp với mục đích sử dụng đất được giao, được thuê hoặc phù hợp với dự án đầu tư đã được UBND cấp có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất phê duyệt hoặc chấp thuận;
b) Làm suy giảm chất lượng đất trong các trường hợp: làm mất hoặc giảm độ dầy tầng đất đang canh tác; làm thay đổi lớp mặt của đất sản xuất nông nghiệp bằng các loại vật liệu, chất thải hoặc đất lẫn sỏi, đá hay loại đất có thành phần khác với loại đất đang sử dụng; gây xói mòn, rửa trôi đất nông nghiệp;
c) Gây ô nhiễm đất là trường hợp đưa vào trong đất các chất độc hại hoặc vi sinh vật, ký sinh trùng có hại cho cây trồng, vật nuôi, con người;
d) Làm mất khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định là trường hợp sau khi thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản này mà dẫn đến không sử dụng đất được theo mục đích được Nhà nước giao, cho thuê, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất;
đ) Làm giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định là trường hợp sau khi thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản này mà phải đầu tư cải tạo đất mới có thể sử dụng đất theo mục đích đã được Nhà nước giao, cho thuê, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất." (Khoản 3 Điều 3 Nghị định 91/2019/NĐ-CP)
Từ những định nghĩa và quy định nêu trên, có thể thấy hành vi san lấp đất ruộng trực tiếp dẫn đến thay đổi độ dốc bề mặt đất, làm bề mặt đất thấp hơn/ nâng cao hơn so với thửa đất liền kề (nếu không được sự cho phép từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền) được coi là hành vi hủy hoại đất và bị pháp luật nghiêm cấm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận