Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng trả lời báo chí - Ảnh: NGỌC HÀ
Ngày 26-3, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Nội vụ, ông Nguyễn Tiến Thành - chánh văn phòng Bộ Nội vụ - cho biết theo dự thảo nghị định thay thế nghị định 24 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cơ cấu tổ chức cấp sở có nhiều đổi mới.
Hiện tại, cả nước đang có 17 sở được tổ chức thống nhất ở tất cả các tỉnh, thành. Tuy nhiên, ở dự thảo mới, 17 sở này sẽ được chia làm ba nhóm.
Trong đó nhóm 1 (nhóm các sở được tổ chức thống nhất trong phạm vi cả nước) gồm 7 sở: nội vụ, tư pháp, tài nguyên - môi trường, lao động - thương binh và xã hội, y tế, thanh tra, văn phòng UBND cấp tỉnh.
Riêng văn phòng UBND cấp tỉnh nếu thực hiện thí điểm hợp nhất với văn phòng HĐND cấp tỉnh và Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội thành một văn phòng tham mưu, giúp việc chung thì đổi tên thành Văn phòng chính quyền địa phương cấp tỉnh.
10 sở còn lại sẽ được chia làm hai nhóm: một nhóm gồm các sở được quy định theo hướng giao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp giữ ổn định hoặc hợp nhất (kèm theo điều chỉnh về tên gọi); và một nhóm các sở được quy định theo hướng giao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp giữ ổn định hoặc sáp nhập.
Riêng đối với 4 sở đặc thù (không tổ chức thống nhất giữa các địa phương gồm: sở quy hoạch và kiến trúc thuộc UBND TP Hà Nội, TP.HCM; ban dân tộc, sở ngoại vụ, sở du lịch) giao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp giữ ổn định hoặc sáp nhập, thành lập hoặc không thành lập.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Lượng, phó vụ trưởng Vụ Tổ chức - biên chế, cho biết những đổi mới này nhằm thực hiện nghị quyết 18 Hội nghị trung ương 6, đồng thời phù hợp với Luật tổ chức chính quyền địa phương và Luật tổ chức Chính phủ năm 2015.
Ông Lượng giải thích thêm với dự thảo mới, bên cạnh các sở bắt buộc phải có trong tất cả chính quyền địa phương (tức 7 sở) thì các sở còn lại sẽ do UBND tỉnh trình HĐND cùng cấp quyết định.
"Sẽ không có quy định cứng bắt buộc sở nào phải sáp nhập với sở nào, mà nghị định chỉ đưa ra gợi ý, hướng dẫn, còn các tỉnh sẽ quyết định thành lập hoặc không thành lập, sáp nhập hoặc không sáp nhập, miễn là đảm bảo nằm trong khung số lượng sở cụ thể sẽ được quy định trong nghị định" - ông Lượng nói.
Ngoài ra, Bộ Nội vụ cũng đang xây dựng khung số lượng biên chế tối thiểu để thành lập phòng, quy định số lượng phó trưởng phòng chuyên môn cấp sở cũng như khung số lượng phòng chuyên môn.
Trong đó, dự kiến số lượng biên chế tối thiểu để thành lập phòng phải từ 7 người trở lên.
Còn ông Nguyễn Duy Thăng - thứ trưởng Bộ Nội vụ - cũng cho biết thêm để thực hiện mục tiêu đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, sắp tới một loạt nghị định khác của Chính phủ cũng sẽ phải sửa đổi như nghị định 123 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ; nghị định 10 quy định về cơ quan thuộc Chính phủ...
Theo đó, sẽ quy định rõ cơ cấu tổ chức bên trong các cục, vụ; các tiêu chí để thành lập các cục, vụ, tổng cục; quy rõ biên chế tối thiểu...
Theo kế hoạch, dự thảo nghị định sẽ được đưa lên mạng để lấy ý kiến rộng rãi thời gian tới.
Trên cơ sở lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương..., Bộ Nội vụ sẽ hoàn thiện dự thảo và trình Chính phủ trong quý 2-2018.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận