06/07/2020 07:59 GMT+7

Cáp quang biển đứt liên tục, Internet chậm, nhà mạng tính cước sao?

ĐỨC THIỆN
ĐỨC THIỆN

TTO - Cáp quang biển đứt liên tục, tốc độ Internet chập chờn thời gian gần đây khiến nhiều người dùng bức xúc vì công việc, nhu cầu liên lạc, giải trí bị ảnh hưởng nặng nề. Thế nhưng người dùng vẫn phải nộp cước hằng tháng đầy đủ.

Cáp quang biển đứt liên tục, Internet chậm, nhà mạng tính cước sao? - Ảnh 1.

Người dùng điên đầu vì Internet liên tục chập chờn thời gian qua - Ảnh: QUANG ĐỊNH

"Tôi sử dụng mạng Internet của nhà mạng Viettel từ 2 năm nay, khoảng 1 tháng trở lại đây tốc độ truy cập rất chậm so với trước đó. Gần đây tôi có kiểm tra thử tốc độ bằng dịch vụ SpeedTest thì thấy tốc độ truy cập giảm mất 1/3, thậm chí 1/2 so với trước đây" - anh Trung (H.Bình Chánh, TP.HCM) nói.

Mạng vậy sao mà "số hóa"!?

Anh Trung cho biết trước đây, tốc độ tải các tập tin có dung lượng lớn rất nhanh, tuy nhiên gần đây phải chờ đợi khá lâu mới tải được hết. Hình ảnh hay video phải chờ đợi rất lâu mới hiển thị, xem video hay bị đứng hình... 

"Tôi dùng gói cước có tốc độ 30Mbps, nhưng nhiều khi tốc độ đo được chỉ còn 10 - 12Mbps. Tôi gần như không thể xử lý được công việc ở nhà do mạng quá tệ! Thúc đẩy làm việc từ xa nhưng tốc độ mạng kiểu này thì chết chắc" - anh Trung bức xúc.

Tương tự, anh Thanh Sang (Q.Bình Thạnh) - phụ trách lập trình và kỹ thuật mạng cho một công ty công nghệ - cho biết thường xuyên phải làm việc buổi tối, nhưng mạng khoảng 1 tháng trở lại đây quá chán, không thể làm được gì. "Tôi dùng dịch vụ Internet của VNPT. Cáp đứt liên tục, chất lượng không tốt nhưng cước vẫn phải đóng đầy đủ".

Internet chập chờn còn khiến nhiều doanh nghiệp mất hợp đồng làm ăn. Ông Huỳnh - giám đốc một công ty truyền thông có trụ sở ở Q.1 - cho biết vừa mất một hợp đồng với công ty nước ngoài do hai bên không thể hiểu nhau sau một cuộc họp trực tuyến... với tín hiệu mạng cà giật. 

"Họ hẹn họp trực tuyến với chúng tôi để thống nhất một số khúc mắc. Tuy nhiên, cuộc họp đã diễn ra với chất lượng rất tệ dù chúng tôi thuê đường truyền Internet tốc độ rất cao. Hình ảnh và âm thanh cứ đá lộn lẫn nhau, gây bực bội. Kết quả chúng tôi mất hợp đồng" - ông Huỳnh chia sẻ.

Giám đốc một công ty lập trình ở TP.HCM nhận làm gia công, phát triển ứng dụng cho đối tác ở Singapore (đề nghị không nêu tên) cho hay đã phải lùi thời điểm ra mắt ứng dụng do chất lượng mạng. "Thiệt hại cho các chi phí chuẩn bị trước đó không hề nhỏ" - vị giám đốc này nói.

Nhà mạng ca mãi điệp khúc "bất khả kháng"

Được biết, nguyên nhân chính của tình trạng tốc độ Internet ở Việt Nam bị chậm, chập chờn trong thời gian qua là do các sự cố xảy ra liên tục trên các tuyến cáp quang biển AAG, AAE-1 và APG.

Khi Tuổi Trẻ đặt câu hỏi về chất lượng mạng và khả năng đền bù hoặc chia sẻ cho khách hàng, các nhà mạng hoặc đổ thừa do sự cố bất khả kháng hoặc phủ nhận chuyện khách hàng mình bị ảnh hưởng. 

Đại diện Viettel cho biết: "Mặc dù các sự cố cáp biển xảy ra liên tiếp nhưng mức độ ảnh hưởng của Viettel là không đáng kể". Lý do Viettel đưa ra là họ "đã chủ động quy hoạch, định tuyến, phân bổ, bổ sung dung lượng (bao gồm cả dung lượng dự phòng) trên các tuyến cáp khác, bao gồm cả tuyến cáp biển và tuyến cáp đất liền"...

Đại diện FPT Telecom cho biết: "Việc đứt liên tiếp hai tuyến cáp quang biển là sự cố bất khả kháng. FPT Telecom đã bổ sung lưu lượng dự phòng để khôi phục dịch vụ cho phần lớn các khách hàng bị ảnh hưởng và vẫn tiếp tục bổ sung trong thời gian tới".

Các nhà mạng đều đưa ra cách giải quyết tương tự mỗi khi xảy ra sự cố đứt cáp quang biển. Họ đều "làm việc với các đối tác quốc tế nhằm đảm bảo dự phòng, khi mất thêm dung lượng thì có thể thiết lập kết nối và bổ sung ngay dung lượng quốc tế" nhưng không hề nhắc gì đến chuyện đền bù, chia sẻ tiền cước với khách hàng.

Nên sòng phẳng

Những người dùng đăng ký các gói cước tốc độ càng cao vẫn bức xúc. Chị Thanh Trúc (đường Lê Văn Thọ, Q.Gò Vấp) cho biết: "Nhà tôi đăng ký gói dung lượng cao của doanh nghiệp nhỏ là 100Mbps. Vừa rồi nhận được thông báo nâng cấp miễn phí lên 200Mbps nhưng gần như không tải nổi cho nhu cầu sử dụng. Tôi có biết về chuyện cáp quang đứt, nhưng liệu những ngày không làm việc được thì phía nhà cung cấp có cắt khoản phí tương ứng không? Tôi thấy đó là điều cần thiết và sòng phẳng với khách hàng".

Nhiều ý kiến người dân, chuyên gia cũng cho rằng nguyên lý chất lượng không đảm bảo, nhà cung cấp phải đổi trả, giảm giá, thậm chí đền bù. Ông Ngô Trần Vũ - giám đốc Công ty NTS - cho rằng trong hợp đồng cung cấp dịch vụ truy cập Internet cáp, các nhà mạng rất khôn khéo khi buộc người dùng phải ký một mẫu hợp đồng soạn sẵn với những điều khoản khá mơ hồ về trách nhiệm của bên cung cấp dịch vụ. 

Chẳng hạn trong phần nói về tốc độ truy cập, các nhà mạng thường chỉ ghi "sử dụng đường truyền cáp quang, đường truyền ổn định với tốc độ download/upload lên đến 75Mbps".

"Rất nhiều khách hàng đang phải chịu đựng kiểu thu đủ tiền mà chất lượng phập phù, chập chờn. Theo tôi, nên có điều khoản cam kết rõ ràng của nhà cung cấp Internet. Nên bổ sung điều khoản đền bù vào hợp đồng mẫu của các nhà mạng" - ông Vũ nói.

Luật sư Vũ Quang Đức - Đoàn luật sư TP.HCM - cho hay theo quy định của Bộ luật dân sự, người dùng muốn kiện các nhà mạng phải chứng minh được thiệt hại. Điều này không dễ. Nhưng theo ông Đức, các nhà mạng có thể biến sự cố thành cơ hội để tạo niềm tin với khách hàng bằng cách miễn giảm cước hoặc tặng thêm dịch vụ để chia sẻ với khách hàng...

Xem clip, lướt "phây" cũng khó

Theo phản ảnh của nhiều người dùng, đợt đứt cáp vừa qua, ngay cả đến nhu cầu cơ bản nhất là giải trí cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chị Hà Châu (Q.7, TP.HCM) cho biết: "Nhà tôi dùng dịch vụ của FPT. Tôi chủ yếu dùng mạng ở nhà vào buổi tối. Mấy hôm nay mạng WiFi lúc được lúc không. Nhiều khi tôi phải mở 4G nếu có việc gấp".

Trong khi đó, mặc dù sử dụng gói cước hơn 250.000 đồng/tháng nhưng tốc độ mạng tại nhà chị Thạch Thảo (chung cư Mỹ Phước, Q.Bình Thạnh) có lúc chỉ đạt 5,91Mbps. "Có nhiều thời gian, mạng nhà tôi xem một video YouTube 3 phút mà mất đến khoảng 20 phút. Facebook thì truy cập được nhưng lướt không được..." - chị Thảo phản ảnh.

* Ông Huỳnh Thanh Phi (giám đốc Công ty truyền thông Leo Brothers):

Không thể "sự cố bất khả kháng" mãi

Gần như 100% doanh nghiệp đang tiến hành số hóa, chuyển đổi các hoạt động kinh doanh và tiếp thị lên nền tảng trực tuyến. Việc gián đoạn kết nối dù chỉ trong vài phút có thể gây thiệt hại lớn, như rớt lưu lượng truy cập, gián đoạn trong báo cáo và cập nhật số liệu cho đối tác, chậm trễ tiến độ dự án...

Tôi cho rằng cần phải có điều khoản ràng buộc các nhà cung cấp dịch vụ với người dùng, quy định về việc đền bù trong trường hợp cung cấp dịch vụ với chất lượng không đúng theo thỏa thuận ban đầu. Họ không thể đưa các sự cố như đứt cáp vào trường hợp bất khả kháng mãi được, trong khi vẫn thu tiền cước khách hàng đầy đủ.

Ngân hàng kêu nhà mạng Ngân hàng kêu nhà mạng 'ăn dày'

TTO - Các ngân hàng đang đua nhau giảm phí để khuyến khích khách hàng chuyển sang giao dịch online, trong lúc dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và Việt Nam đang thực hiện cách ly xã hội.

ĐỨC THIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp