Phóng to |
Ca sĩ Quang Dũng - người có một số bài hát thu băng lọt lưới kiểm duyệt |
Trong khi đó, Hội đồng thẩm định ca khúc của Sở VHTT TPHCM tăng tốc kiểm soát các chương trình băng đĩa nhạc. Tuy nhiên, tình trạng nhiều chương trình album bị buộc phải "đục" (bỏ bớt những ca khúc mà hội đồng duyệt không thuận) lại tạo ra một sức ép cho một số hãng băng đĩa.
Họ cho rằng sở chỉ nắm người có tóc, để lọt kẻ trọc đầu. Khi phải chỉnh sửa, "đục" bài, tiến trình phát hành đĩa bị chậm lại, ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu và lại bị những kẻ đầu cơ băng đĩa lậu lấn át, thậm chí, "nẫng" luôn cả những bài bị cấm phát hành phổ biến khắp nơi.
Biện pháp quản lý tưởng chặt, nhưng vẫn tỏ ra lỏng lẻo, vì những sản phẩm "hạ cấp" vẫn tràn lan, không kiểm soát được... Thậm chí, trên nhiều đài địa phương, các ca sĩ tha hồ hát những bài với ca từ nhem nhuốc mà chả lo sợ bị biên tập hay "được" mời ra khỏi phòng thu của đài.
Nỗi sợ... tiếng Anh
Gần đây, hội đồng tẩy chay không duyệt những tác phẩm "thịt ba rọi" - tức nửa tiếng Anh, nửa tiếng Việt hát lẫn nhau. Đĩa hát My way của Ngô Thanh Vân đã phải bỏ bớt một số bài vì hội đồng không duyệt phần tiếng Anh.
Song điều này gây nên một dư luận không hay trong giới sản xuất: Trong thời đại hội nhập, tiếng Anh trở thành ngôn ngữ quốc tế, mà hội đồng nói "không" là sao? Hãng Lạc Hồng đã phải xin đi xin lại nhiều lần rất khổ sở mới có thể bắn 2 chữ "Mr.Dam" lên album thứ 7 của Đàm Vĩnh Hưng, và được giải thích là lần này sở "du di" để xuất sản phẩm ra nước ngoài.
Nhiều hãng cũng thắc mắc về tình trạng bắn chữ tiếng Anh lên bìa đĩa, vì sao phải cấm và đây liệu là quy định của Sở VHTT TPHCM hay của bộ? Cụ thể là quy định nào? Cũng có người cho rằng, với tỉ lệ tiếng Anh 1/3 trên bìa băng đĩa (xem như một dạng quảng cáo) thì những trường hợp như thế cũng chưa thể xem là vi phạm.
Chặt mà vẫn lỏng
Một số tác giả trẻ thường bị "bắt bẻ" ở từng câu chữ trong ca từ, nhưng lại được bỏ qua ở những tình tiết lớn hơn. Chẳng hạn, tác giả T.K với tiêu đề bài hát Lụy tình chưa dứt thì không bị Hội đồng thẩm định để ý, chỉ phải sửa những câu kiểu như Tình anh chấp nhận yêu trái tim em hai người, song lý do mà họ đưa ra chưa thể thuyết phục.
Thà nói rằng cách thể hiện ấy hơi sáo mòn, đây lại giải thích kiểu như văn hoá VN không chấp nhận tình yêu kiểu trên... Trong khi đó, một số bài mà ca sĩ trẻ Ư.H.P hay hát thì cả tựa lẫn ca từ đều... kinh khủng mà vẫn được duyệt.
Hoặc như trường hợp của ca sĩ Mỹ Lệ, bài Yêu của Văn Phụng cô từng hát nhiều nơi, nhưng khi đưa vào làm album thì không được chấp nhận vì lý do nhạc thời tiền chiến chưa xin phép dù trước đây, Hồng Nhung và Thanh Lam từng thu bài hát này ở Hãng Trẻ. Trong khi TP.HCM cấm, thì ca sĩ Hồ Ngọc Hà ở Hà Nội lại vẫn được phép phát hành đĩa có ca khúc trên.
Cuối cùng, biện pháp tốt nhất mà các ca sĩ thường làm khi bị cắt bài là "tặng" cho những người làm đĩa lậu. Đó là trường hợp M.L, Đ.V.H, Đ.T... Tương tự, đối với băng đĩa tấu hài, những cái tựa như "Rượu và mồi" cũng bị buộc phải đổi tên khác, mà tên khác có khi còn dở hơn, như "Xác chết trong tủ lạnh"!
Nhìn chung, một số người làm chương trình cho rằng, hiện nay cách duyệt của Hội đồng thẩm định thuộc Sở VHTT TPHCM vẫn thiếu tính khoa học, gây ách tắc cho không ít sản phẩm băng đĩa. Việc quản lý ở tầm vĩ mô chưa thấy, mà thường sa vào những chi tiết nhỏ nhặt. Quan trọng là để người làm băng đĩa hay ca sĩ nhận thức được nên tránh những điều gì.
Cũng có người cho rằng, do quản không xuể, nên người ta phải "bóp" lại cho an toàn. Lúc nào cũng sợ ca khúc "yêu đương nhiều quá, chia tay nhiều quá, buồn quá", nhưng lại chưa theo sát được tình hình âm nhạc, các xu hướng mới. Nên chăng, sở nên tổ chức những cuộc hội thảo, mời ca sĩ, nhạc sĩ, biên tập, các nhà sản xuất lại để phổ biến những quy chế cũng như giải thích những thắc mắc của họ?
Ý kiến người quản lý Ông Võ Trọng Nam - Trưởng phòng Quản lý nghệ thuật Sở VHTT TPHCM: Việc quản lý nhà nước đối với các TT băng đĩa nhạc hiện nay rất chặt chẽ. Chúng tôi vẫn tổ chức giao ban thường kỳ với các đơn vị sản xuất 3 tháng 1 lần. Về hội đồng nghệ thuật của Sở VHTT, phải khẳng định đó là những người có trình độ, có nghề và không phải quá thiếu nhân lực như một số lời đồn. TPHCM là một thị trường lớn, nên khó kiểm soát được tình trạng nhiều chương trình không được duyệt, nhưng lại có thể lọt cửa ở sở VHTT các tỉnh. Cũng có chương trình sản xuất một nơi, xin phép ở nơi khác và phát hành ở TP. Còn các trường hợp cụ thể, chúng tôi xin trả lời như sau: Đối với nhạc sĩ VN viết lời một tiếng Việt, lời hai tiếng Anh; hoặc cả bài hát bằng tiếng Anh thì không sao, nhưng không chấp nhận tình trạng hát nửa Anh nửa Việt trong cùng một bài hát, câu này xọ câu kia. Trên tinh thần đó, một số bài trong đĩa "My way" không được chấp nhận là như thế. Còn các trường hợp đổi tên ca khúc, chúng tôi không đồng tình với các kiểu tựa như "Hip hop buồn" vì không gần với chủ đề ca khúc, lại chêm từ tiếng Anh vào. Hip hop là loại nhạc mới vào VN, phải qua một thời gian chiêm nghiệm, định hướng. Đạo diễn Trần Minh Ngọc - thành viên Hội đồng Nghệ thuật sân khấu: Trong lĩnh vực sân khấu, ít xảy ra trường hợp có vở nào bị cấm không cho ra mắt khán giả. Chúng tôi thường góp ý, tư vấn cho đạo diễn hoàn thiện vở diễn. Chỉ có một trường hợp vở Bí mật vườn Lệ Chi không được lên truyền hình phát sóng trực tiếp, vì theo ý nhiều người, vở hư cấu một nhân vật lịch sử không đúng như trên thực tế. Chúng tôi chỉ sợ cho ra những vở tuy không có vấn đề gì vì tác giả tự kiểm duyệt mình rồi, nhưng lại là những vở làng nhàng, nhạt như nước ốc mà thôi. Hiện nay, sân khấu kịch đa số là những vở như thế. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận