17/08/2015 08:49 GMT+7

Cập nhật thông tin xét tuyển đến giờ chót

TRẦN HUỲNH - NGỌC HÀ (quytn@tuoitre.com.vn)
TRẦN HUỲNH - NGỌC HÀ ([email protected])

TT - Theo quy định của Bộ GD-ĐT, ngày 18-8 là đợt cuối cùng để các trường ĐH, CĐ công bố danh sách thí sinh đăng ký xét tuyển.

Nhiều trường hợp đến rút hồ sơ tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM sáng 16-8 Ảnh: HẢI QUÂN
Nhiều trường hợp đến rút hồ sơ tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM sáng 16-8 - Ảnh: HẢI QUÂN

Nhưng nhiều trường sẽ tiếp tục thực hiện việc này vào ngày 18 và 19-8 để thí sinh tham khảo trước khi “đóng sổ” nhận hồ sơ vào ngày 20-8

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, trong hai ngày 15 và 16-8, dù là ngày cuối tuần nhưng rất nhiều trường ĐH vẫn làm việc để giải quyết cho thí sinh nộp, rút hồ sơ đăng ký xét tuyển.

Theo thông tin các trường, các trường sẽ công bố thông tin xét tuyển từng ngày và tạo mọi điều kiện tối đa để thí sinh rút hồ sơ. Tuổi Trẻ sẽ cập nhật thông tin liên tục về số liệu xét tuyển, điểm chuẩn tạm thời trên tuoitre.vn...

Nhiều thí sinh bị đẩy ra khỏi mức an toàn

Ghi nhận ở nhiều trường ĐH cho thấy có nhiều thí sinh dù điểm khá cao (23 - 26 điểm) đã bị đẩy ra khỏi mức an toàn tại các trường đăng ký ban đầu, buộc phải rút hồ sơ sang các trường khác.

GS Nguyễn Quang Dong - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân - dự báo mức điểm chuẩn tạm tính của trường những ngày tới có thể tăng nhẹ khi xuất hiện những thí sinh điểm cao nhưng vẫn chưa đủ điểm trúng tuyển ở những trường sẽ có điểm chuẩn rất cao như Trường ĐH Y Hà Nội, Trường ĐH Dược Hà Nội, Trường ĐH Ngoại thương nên chuyển hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường.

Tại Trường ĐH Kinh tế quốc dân, điểm chuẩn tạm thời tính trên số hồ sơ đăng ký xét tuyển hết ngày 15-8 với ngành cao điểm nhất là ngành kế toán 25,75 điểm và ngành có điểm chuẩn tạm thời thấp nhất cũng đã tăng lên mức 21,75 điểm. Hiện tại có khoảng 5.400 thí sinh tham gia đăng ký xét tuyển/4.800 chỉ tiêu.

Tại Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) tính đến hết ngày 13-8 số thí sinh đã tạm trúng tuyển ở hầu hết các ngành bậc ĐH chương trình đại trà đều bằng hoặc lớn hơn chỉ tiêu.

Các nhóm ngành/ngành đang có mức điểm cụ thể: nhóm ngành máy tính và công nghệ thông tin 25 điểm; nhóm ngành điện - điện tử 24,5 điểm; nhóm ngành cơ khí - cơ điện tử, nhóm ngành kỹ thuật địa chất - dầu khí, nhóm ngành hóa - thực phẩm - sinh học 24,25 điểm; nhóm ngành kỹ thuật giao thông 23,75 điểm; quản lý công nghiệp 23,5 điểm; nhóm ngành xây dựng, kỹ thuật hệ thống công nghiệp 22,75 điểm; nhóm ngành môi trường, nhóm ngành vật lý kỹ thuật - cơ kỹ thuật 22,5 điểm; nhóm ngành dệt - may 22,25 điểm; công nghệ kỹ thuật vật liệu xây dựng 21,25 điểm; kỹ thuật vật liệu 21 điểm; kỹ thuật trắc địa - bản đồ 18 điểm. Riêng ngành kiến trúc đang có mức điểm chuẩn tạm thời là 24,42 (môn toán tính hệ số 2) và vẫn còn vài chỉ tiêu.

Theo danh sách thí sinh đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM vừa cập nhật, ở các ngành trừ ngành tiếng Anh thương mại đã có 4.242 thí sinh đạt 23 điểm trở lên. Trường hợp thí sinh bằng điểm nhau, số thứ tự trong danh sách được sắp xếp theo điểm môn toán giảm dần.

Nếu sắp xếp theo danh sách này ở mức 22,75 điểm trở lên, đến thí sinh có điểm môn toán 7,75 điểm thì tổng số thí sinh là 4.309. Riêng ngành tiếng Anh thương mại có 81 thí sinh đạt từ 33,25 điểm trở lên (môn tiếng Anh nhân hệ số 2, đã cộng điểm ưu tiên). Năm nay tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường là 4.000, dự kiến gọi nhập học 4.400 thí sinh.

“Chúng tôi cam kết sẽ giải quyết cho thí sinh được rút hồ sơ trong ngày không chờ đến hôm sau. Thí sinh cần theo dõi sát danh sách đăng ký xét tuyển nhà trường công bố, nếu thấy điểm của mình dưới ngưỡng an toàn thì cần rút hồ sơ để nộp sang trường khác

ThS TRƯƠNG TIẾN SĨ, phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM

Phá vỡ kỷ lục điểm chuẩn

PGS.TS Lê Thị Thu Thủy - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Ngoại thương - cho biết mức điểm an toàn để nộp hồ sơ vào cơ sở phía Bắc của trường đến thời điểm này đã phá vỡ kỷ lục điểm chuẩn vào trường nhiều năm trở lại đây.

Cụ thể, ngành kinh tế có mức điểm an toàn dành cho thí sinh xét tuyển theo tổ hợp toán - lý - hóa lên đến 27,25 điểm, toán- lý - tiếng Anh: 25,75 điểm và các tổ hợp xét tuyển của khối D cho ngành này dao động từ 24,5 - 25,75 điểm. Ngành luật kinh tế cũng có mức điểm cao với tổ hợp toán - lý - hóa: 25,5 điểm, toán - lý - tiếng Anh và toán - văn - tiếng Anh cùng mức 24 điểm.

Với mức điểm xét tuyển cao, từ nay cho đến ngày 20-8 Trường ĐH Ngoại thương quyết định công bố mức điểm an toàn nộp hồ sơ xét tuyển sau 17g hằng ngày. Bà Thủy cũng cho biết cơ sở phía Bắc của trường có 2.350 chỉ tiêu, nhưng trường dự kiến gọi nhập học 2.700 thí sinh.

Còn ở cơ sở II của trường này tại TP.HCM ngưỡng điểm an toàn nộp hồ sơ đối với khối A01, D01 là 25 điểm; khối A00 là 26,5 điểm (tính đến hết ngày 15-8). Chỉ tiêu tuyển sinh năm nay của trường là 900, dự kiến gọi nhập học 990 sinh viên.

Tại Trường ĐH Y Hà Nội, theo danh sách đăng ký xét tuyển vừa được trường cập nhật, thí sinh đăng ký ngành bác sĩ đa khoa đạt từ 27,25 điểm trở xuống tạm thời không có khả năng trúng tuyển và thí sinh đạt 27,5 điểm tuy có cơ hội nhưng cũng không chắc chắn vì lượng hồ sơ thí sinh điểm cao vẫn tiếp tục đăng ký nộp vào trường. Ngành có điểm chuẩn tạm thời thấp nhất của trường hiện cũng ở mức 21 điểm.

Chiều 16-8, Trường ĐH Y dược TP.HCM công bố thống kê dự kiến trúng tuyển tạm thời ngành bác sĩ đa khoa là 27,75 điểm, có 352 thí sinh (349 chỉ tiêu); ngành bác sĩ răng hàm mặt 27,25 điểm, 95 thí sinh (94 chỉ tiêu); dược sĩ ĐH 26,25 điểm, 267 thí sinh (266 chỉ tiêu); cử nhân xét nghiệm 25 điểm, 52 thí sinh (52 chỉ tiêu); bác sĩ y học cổ truyền 24,5 điểm, 128 thí sinh (128 chỉ tiêu); bác sĩ y học dự phòng 23,75 điểm, 76 thí sinh (74 chỉ tiêu)... Các ngành còn lại có điểm 22,25- 23,5.

2 khối thi cùng ngành: điểm chuẩn tạm thời chênh hơn... 10 điểm

Đây là tình huống được cho là chưa từng có trong tuyển sinh ĐH nhiều năm qua. Trong thông tin tuyển sinh đã công bố cho thí sinh trước kỳ thi THPT quốc gia, Trường ĐH Luật Hà Nội xác định điểm chuẩn ngành luật và luật kinh tế có tỉ lệ trúng tuyển theo khối A là 30%, khối C 30% và khối D 40%.

Thật ra, đây cũng là tỉ lệ trúng tuyển theo khối thi lâu nay trường vẫn áp dụng và mức điểm chuẩn chênh lệch giữa các khối thi trong cùng ngành mọi năm chỉ ở mức 1 - 2 điểm. Tuy nhiên, đến thời điểm này mức điểm chuẩn dự kiến bị chênh lệch lớn giữa các khối thi.

Cụ thể, ngành luật có điểm chuẩn tạm thời với khối A là 22,5 điểm; khối C: 25,75 điểm và khối D1: 15 điểm (kém 10,75 điểm so với điểm chuẩn tạm thời khối C cùng ngành đào tạo).

Tại ngành luật kinh tế, điểm chuẩn tạm thời với thí sinh xét tuyển khối A là 24,5 điểm; khối C: 27,25 điểm và khối D1: 22,75 điểm.

Còn nhiều cơ hội

Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM đã công bố ngưỡng điểm xét tuyển tạm thời tính đến ngày 15-8. Theo đó, nhóm ngành kinh tế là 20,63 điểm; ngành ngôn ngữ Anh là 21,06 điểm; ngành luật kinh tế là 20,75 điểm.

Tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM tính đến nay đã có 7.864 thí sinh trúng tuyển tạm thời vào các ngành bậc ĐH (7.200 chỉ tiêu). Hiện nay ngành công nghệ kỹ thuật ôtô có điểm chuẩn tạm thời cao nhất là 19,75 điểm.

Hầu hết các ngành còn lại có mức điểm từ 17,25 - 19,25 điểm. Hai ngành đang có điểm chuẩn tạm thời thấp nhất là công nghệ kỹ thuật hóa học 16,75 điểm và công nghệ kỹ thuật môi trường 15,75 điểm.

Tương tự Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, Trường ĐH Giao thông vận tải cơ sở II tại TP.HCM, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM... mức điểm trúng tuyển tạm thời nhiều ngành chưa cao, còn khá nhiều cơ hội cho thí sinh không vào được trường tốp trên.

TRẦN HUỲNH - NGỌC HÀ ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp