Thái Bình dừng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 kể từ 12h ngày 20-5
Trước diễn biến mới của dịch, tỉnh Thái Bình thống nhất sẽ kết thúc thực hiện giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng kể từ 12h ngày 20-5- Ảnh: KHÁNH LINH
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Thái Bình ngày 19-5, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh này cho biết tính từ ngày 6 đến 19-5, toàn tỉnh ghi nhận 17 ca mắc COVID-19.
Hiện tất cả các ca mắc đều nằm trong tầm kiểm soát, nắm rõ được nguồn lây. Tất cả 7 ổ dịch xuất hiện các ca dương tính với SARS-CoV-2 tại 5 huyện, thành phố (gồm các huyện Thái Thụy, Kiến Xương, Quỳnh Phụ, Vũ Thư và TP Thái Bình) và 2 bệnh viện là Bệnh viện Phổi và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình được giám sát, quản lý chặt.
Sau khi nghe các báo cáo và đánh giá cụ thể tình hình, ông Nguyễn Khắc Thận - chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh - thống nhất việc địa phương này sẽ bỏ thực hiện giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh kể từ 12h ngày 20-5.
Để đảm bảo an toàn, tỉnh Thái Bình tiếp tục tạm dừng hoạt động tập trung đông người không cần thiết, dừng các hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, hoạt động vui chơi giải trí, cơ sở làm đẹp, karaoke, massage, xông hơi....
Tạm dừng các hoạt động thể dục thể thao, thể hình tại phòng tập gym, aerobic, yoga; tạm dừng hoạt động, đóng cửa các khu, điểm du lịch, các di tích lịch sử, cơ sở tôn giáo tín ngưỡng trên địa bàn. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, dịch vụ giải khát chỉ được bán cho khách mang về, nghiêm cấm bán hàng trên vỉa hè.
Tiến Thắng - Khánh Linh
TP Bắc Giang thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19 - Ảnh: HÀ QUÂN
Thành phố Bắc Giang giãn cách xã hội từ 15h ngày 19-5
Vùng cách ly y tế bao gồm một phần thôn Yên Khê, một phần thôn Song Khê 1 và một phần thôn Liêm Xuyên (xã Song Khê), một phần tổ dân phố Dân Chủ, một phần tổ dân phố Lê Lợi, một phần tổ dân phố Nghĩa Long (phường Lê Lợi) thuộc thành phố Bắc Giang.
Bên cạnh đó, TP Bắc Giang thực hiện giãn cách xã hội toàn theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Thời gian thực hiện từ 15h ngày 19-5 đến khi có thông báo mới.
Tỉnh Bắc Giang cũng giao chủ tịch UBND thành phố Bắc Giang tổ chức triển khai các hoạt động cách ly y tế và giãn cách xã hội.
Thủ trưởng các sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố căn cứ theo Quyết định để thi hành.
Bộ Y tế cho biết đến trưa 19-5, Bắc Giang có 10 ca mắc mới ghi nhận. Đó là các ca bệnh BN4570 - BN4579. Đây là các F1 liên quan các khu công nghiệp Quang Châu, Vân Trung, đã được cách ly trước đó (1 F1 trong khu phong tỏa). Kết quả xét nghiệm ngày 17 và 18-5 dương tính với SARS-CoV-2
Theo Chỉ thị 15, thủ tướng yêu cầu chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ đạo áp dụng biện pháp hạn chế tụ tập đông người, bao gồm dừng dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người trong 1 phòng; không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người tại các địa điểm công cộng. Tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn, trừ các cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu…
Tối 18-5, chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cũng đã quyết định thực hiện cách ly xã hội 3 huyện Yên Dũng, Lạng Giang, Lục Nam theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng từ 0h ngày 19-5 đến khi có thông báo mới.
Hà Quân
Nhân viên y tế chuẩn bị lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại TP.HCM - Ảnh: THU HIẾN
Bệnh nhân chỉ chuyển ở TP.HCM tuyến khi âm tính COVID-19
Sở Y tế TP.HCM vừa có văn bản khẩn gửi đến các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn TP.HCM.
Sở Y tế đề nghị các bệnh viện tuyến cuối chỉ chuyển bệnh nhân về tuyến dưới hoặc chuyển các bệnh viện khác khám chữa bệnh theo chuyên khoa khi có kết quả âm tính với COVID-19.
Trong trường hợp bệnh viện tiếp nhận người bệnh cấp cứu từ tuyến dưới chuyển lên, không yêu cầu kết quả xét nghiệm COVID-19, khẩn trương chuyển người bệnh vào buồng cấp cứu sàng lọc để thực hiện hồi sức cấp cứu, đồng thời sàng lọc kỹ các yếu tố nguy cơ liên quan đến COVID-19.
Nếu không phải trường hợp cấp cứu, bệnh viện phải khai thác kỹ yếu tố dịch tễ, nếu nghi ngờ hoặc có yếu tố dịch tễ, cần lấy mẫu xét nghiệm COVID-19.
Các bệnh viện tuyến dưới hạn chế chuyển lên tuyến trên, chỉ chuyển lên tuyến trên hoặc chuyển tuyến điều trị chuyên khoa các trường hợp có diễn biến nặng, bệnh phức tạp vượt quá khả năng chuyên.
Trước khi chuyển phải khai thác kỹ yếu tố dịch tễ, thông báo và thống nhất với bệnh viện dự kiến tiếp nhận. Trong trường hợp nghi ngờ, phải cách ly ngay tại bệnh viện tuyến dưới, lấy mẫu xét nghiệm COVID-19, và chỉ chuyển tuyến khi kết quả xét nghiệm âm tính.
Các bệnh viện tăng cường hội chẩn trực tuyến giữa các bệnh viện nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh giảm tình trạng quá tải cho bệnh viện tuyến cuối và đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh.
Cùng ngày Sở Y tế đề nghị các bệnh viện khẩn trương thành lập các đội lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tương ứng với quy mô bệnh viện (ít nhất 1 đội lấy mẫu xét nghiệm cho mỗi 50 giường bệnh), mỗi đội có ít nhất 3 nhân viên y tế.
Chủ động tổ chức tập huấn về kỹ thuật lấy mẫu xét nghiệm, đóng gói, vận chuyển mẫu xét nghiệm... cho các thành viên của các đội lấy mẫu xét nghiệm nhằm đảm bảo lấy mẫu xét nghiệm đúng kỹ thuật, an toàn và hiệu quả.
Lập danh sách các đội lấy mẫu xét nghiệm của đơn vị, xây dựng lịch trực, các đội phải thường trực, sẵn sàng để khi cần có thể huy động được tối thiểu 50% số đội lấy mẫu hiện có của đơn vị.
THU HIẾN
Ca mắc COVID-19 tại TP.HCM từng thăm thân tại Hải Phòng
Nhiều trường hợp F1 liên quan ca bệnh là giáo viên Trường THPT Ngô Quyền, TP Hải Phòng âm tính lần 1 với COVID-19 - Ảnh: HỒNG NHUNG
Qua truy vết, ngành y tế xác định bệnh nhân Đ.T.T.M., sinh sống và làm việc tại TP.HCM, từng bay ra Hải Phòng để thăm thân.
Ngày 19-5, Sở Y tế TP Hải Phòng cho biết thông tin mới nhận từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết chiều 18-5, địa phương này ghi nhận thêm một ca mắc COVID-19 là chị Đ.T.T.M. (34 tuổi, sinh sống và làm việc tại TP.HCM), hiện đang được cách ly, điều trị tại khu cách ly tập trung quận 7.
Trước đó, vào ngày 24-4, chị M. bay từ TP.HCM ra sân bay Cát Bi - Hải Phòng trên chuyến bay VN1180, sau đó gọi Grab ra bến xe Cầu Rào để bắt xe buýt Thịnh Hưng về nhà mẹ tại khu tập thể 5 tầng, ngã 75 Lý Thánh Tông, phường Vạn Sơn, quận Đồ Sơn, Hải Phòng.
Chị M. ở nhà mẹ đến ngày 1-5 thì đi xe buýt Thịnh Hưng qua nhà em Th. tại thôn Thái Lai, xã Cao Nhân, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng ở khoảng 2 ngày. Tại nhà, có nhiều bà con hàng xóm xung quanh đến chơi.
Ngày 3-5, em gái chở chị M. về lại nhà mẹ ở đến ngày 5-5 thì chị M. đặt Grab từ nhà mẹ ra sân bay (mã Grab: IOS-XV4XESUWWG87) để về lại TP.HCM trên chuyến bay VN1179 lúc 16h30, số ghế 19G.
Sở Y tế Hải Phòng đề nghị những người từng tiếp xúc với bệnh nhân cần liên hệ ngay số điện thoại đường dây nóng của Sở Y tế Hải Phòng: 0978.789.499, 0902.210.218 hoặc liên hệ trạm y tế nơi cư trú để được hướng dẫn.
Liên quan đến ca bệnh là giáo viên Trường THPT Ngô Quyền có địa chỉ tại đường Phan Chu Trinh, quận Hồng Bàng, ngành y tế Hải Phòng truy vết được 36 trường hợp F1 đưa đi cách ly tập trung, 34/36 trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính (trong đó có chồng, con gái, con trai, bố đẻ, mẹ đẻ, bà giúp việc). 2 mẫu mới lấy đang làm xét nghiệm.
249 trường hợp F2 hiện đang cách ly tại nhà đều có kết quả xét nghiệm âm tính. 489/498 trường hợp liên quan cũng có kết quả xét nghiệm âm tính (bao gồm giáo viên, học sinh).
TIẾN THẮNG
2 F1 của bệnh nhân COVID-19 ở Thủ Đức về Cần Thơ đã có kết quả âm tính
Sáng 19-5, tại cuộc họp Ban chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 TP Cần Thơ, ông Phạm Phú Trường Giang - phó giám đốc Sở Y tế - thông tin 2 trường hợp F1 của bệnh nhân 4514 (ở Thủ Đức, TP.HCM) đến Cần Thơ đã có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1.
Theo báo cáo giám sát dịch tễ của ngành y tế, hai trường hợp F1 có tiếp xúc với bệnh nhân 4514 đến Cần Thơ trưa 18-5 và ở tại một khách sạn trên địa bàn quận Ninh Kiều.
Ông Huỳnh Minh Trúc - giám đốc CDC Cần Thơ - xin chủ trương cho giãn cách cấm tụ tập trên 20 người nơi công cộng tại Cần Thơ - Ảnh: T.LŨY
Ngay khi nhận được thông tin về ca bệnh từ HCDC và từ nguồn tự khai báo y tế về hai F1 là ông V.L.T. (địa chỉ thường trú tại Bình Dương) và Đ.Q.M. (địa chỉ TP.HCM), cả hai cùng đi công tác bằng xe khách từ TP.HCM đến Cần Thơ tối 17-5 và lưu trú tại khách sạn, sau đó có đi ăn và đến một số địa điểm đến khi có thông tin khai báo y tế vào trưa 18-5.
Hiện tại CDC Cần Thơ và các đội truy vết cộng đồng đã lấy mẫu xét nghiệm hai ca F1, kết quả âm tính lần 1 với SARS-CoV-2 và đưa đi cách ly tập trung, đang tiếp tục truy vết lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp F2.
Tại buổi họp, đại diện ngành y tế TP Cần Thơ cho biết hiện đã kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng dịch để truy vết các trường hợp liên quan đến từ vùng dịch, F1, F2 liên quan COVID-19 đến địa bàn. Yêu cầu thành viên của 2.833 tổ COVID-19 cộng đồng giữ liên lạc 24/24 giờ để sẵn sàng nhận nhiệm vụ…
Ông Huỳnh Minh Trúc - giám đốc CDC Cần Thơ - thông tin qua thực tế nhận thấy đợt dịch này có khoảng 60% người mắc COVID-19 không có triệu chứng, biện pháp đo nhiệt độ hay lập chốt đo trên đường nhận thấy chưa thật sự cần thiết.
CDC đang đẩy mạnh công tác lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng, yêu cầu các nhà thuốc báo cáo kịp các trường hợp đến mua thuốc có triệu chứng sốt, ho để CDC kịp thời lấy mẫu xét nghiệm.
Đồng thời các cơ sở xét nghiệm trên địa bàn đang khẩn trương xét nghiệm gộp mẫu cho khoảng 18.000 người là thành viên các điểm bầu cử trên địa bàn; tổ chức phun xịt sát khuẩn tại tất cả các điểm bầu cử… Hiện năng lực xét nghiệm của các cơ sở tại Cần Thơ có thể đạt 6.000 mẫu gộp/ngày
"Trước tình hình các ca mắc cộng đồng tại TP.HCM đang khá phức tạp trong khi tình hình giao thương đi lại giữa Cần Thơ và TP.HCM rất lớn, ngoài việc kiểm soát tại các bến xe, sân bay, khai báo y tế… CDC Cần Thơ đề nghị TP cho chủ trương cấm tụ tập (ngoài phạm vi công sở) trên 20 người để đảm bảo thực hiện các biện pháp chống dịch" - ông Trúc nói.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Lê Quang Mạnh - bí thư Thành ủy Cần Thơ - chỉ đạo các địa phương, quận huyện cần nghiên cứu khảo sát lại các địa điểm cách ly trên địa bàn. Hiện mới chỉ có 2 điểm cách ly với khoảng 450 người (có thể nâng lên 900 người khi cần) là chưa đủ, khu cách ly phải đảm bảo an toàn và xa khu dân cư.
Đồng thời phải củng cố lại công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 tại 4 bệnh viện được phân công, trước khi làm bệnh viện dã chiến; cụ thể về máy thở, phân luồng giãn cách bệnh nhân phải thật cụ thể, chứ như hiện nay chưa đảm bảo.
"Chúng ta phải chặt chẽ đến từng vị trí, không thể lơ là chểnh mảng, phải chuẩn bị tình huống xấu nhất xảy ra vì TP.HCM ở sát ngay chúng ta và lưu lượng đi lại giữa 2 địa phương rất lớn" - ông Mạnh nói.
T. LŨY
2 ca COVID-19 ở Bắc Ninh đang phải thở máy, 1 người lọc máu liên tục
Sáng 19-5, Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 tỉnh Bắc Ninh cho biết toàn tỉnh đã ghi nhận 336 ca mắc COVID-19. Trong đó có 39 ca mắc mới, đều là những trường hợp đã được cách ly.
Hiện đã rà soát được 3.191 trường hợp F1, 27.081 trường hợp F2.
Người dân khai báo y tế tại chốt kiểm soát dịch COVID-19 của tỉnh Bắc Ninh đoạn giáp ranh với tỉnh Bắc Giang - Ảnh: CHÍ TUỆ
Tổng số mẫu lấy xét nghiệm là 197.427 mẫu (trong ngày 18-5 lấy tổng số 36.441 mẫu, trong đó 890 mẫu làm test nhanh và 35.551 mẫu làm PCR). Hiện 174.945 mẫu đã có kết quả, 22.482 mẫu đang chờ kết quả.
Ngày 18-5, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận bệnh nhân 3207 (ở huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) được chẩn đoán viêm phổi nặng, suy hô hấp COVID-19, béo phì.
Hiện có 24 bệnh nhân nặng đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, trong đó có 2 bệnh nhân thở máy, 1 bệnh nhân lọc máu liên tục.
Bệnh nhân 2515 (58 tuổi, ở xã Mão Điền, huyện Thuận Thành) được chuyển từ Bệnh viện Dã chiến số 2 lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh từ ngày 16-5. Bệnh nhân được chẩn đoán viêm phổi nặng, suy hô hấp COVID-19.
Bệnh nhân 3760 (67 tuổi, ở xã Nghĩa Đạo, huyện Thuận Thành) vào viện ngày 14-5, có biểu hiện ho, sốt. Hiện bệnh nhân đang viêm phổi nặng do COVID-19, suy hô hấp, suy giáp, suy thượng thận.
Bệnh nhân 4154 (63 tuổi, ở huyện Thuận Thành) vào viện ngày 17-5, có ho, sốt. Hiện đang viêm phổi do COVID-19.
CHÍ TUỆ
Đà Nẵng kiến nghị giảm giá điện cho doanh nghiệp và người dân khó khăn do dịch COVID-19
Ngày 19-5, bà Lê Thị Kim Phương - giám đốc Sở Công thương TP Đà Nẵng - cho biết vừa có văn bản gửi Bộ Công thương đề xuất giảm tiền điện cho người dân và doanh nghiệp TP.
Theo bà Phương, từ đầu tháng 5-2021 đến nay, dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại trên cả nước và tại TP Đà Nẵng, gây những ảnh hưởng nặng nề. Dự báo sẽ tiếp tục khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đời sống sinh hoạt của người dân trên địa bàn TP.
Trước khó khăn do dịch COVID-19, Sở Công thương Đà Nẵng kiến nghị Bộ Công thương giảm giá điện cho người dân, doanh nghiệp - Ảnh: C.P.C.
Trước tình hình đó, Hội Khách sạn Đà Nẵng đã có kiến nghị Sở Công thương báo cáo, đề xuất Bộ Công thương hỗ trợ giảm tiền điện và chuyển đổi từ giá điện dịch vụ thương mại sang giá điện sản xuất cho doanh nghiệp du lịch do ảnh hưởng của dịch trong năm 2021.
Theo các khách sạn, thời gian vừa qua và hiện nay chủ yếu sử dụng điện để duy trì vận hành hoạt động tối thiểu, bảo trì, bảo dưỡng máy móc, thiết bị chứ không phục vụ hoạt động kinh doanh.
Đồng thời các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng hiện nay cũng đang rất quan tâm và mong muốn được Chính phủ, Bộ Công thương tiếp tục có những chính sách hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện do ảnh hưởng của đợt dịch COVID-19 lần này.
Theo bà Phương, nếu kiến nghị được chấp thuận sẽ tháo gỡ một phần khó khăn cho người dân và doanh nghiệp TP.
Thông tin từ Sở Kế hoạch - đầu tư TP Đà Nẵng, trong 4 tháng đầu năm 2021 có 310 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc hoàn tất thủ tục giải thể, 1.542 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc tạm ngừng hoạt động. So với cùng kỳ 2020, số doanh nghiệp giải thể tăng 21,1% và tạm ngưng hoạt động tăng 44%.
TẤN LỰC
29 ca COVID-19 mới tại Việt Nam liên quan chủng virus từ Ấn Độ
Theo đó, để phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19, đặc biệt việc xác định nguồn gốc các biến thể của virus SARS-CoV-2, thời gian qua bộ trưởng Bộ Y tế đã chỉ đạo Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương giải trình tự gene các mẫu do các địa phương gửi về ở những bệnh nhân đã mắc COVID-19.
Bệnh viện K (cơ sở Tân Triều) - nơi có 5 bệnh nhân nhiễm chủng virus SARS-CoV-2 từ Ấn Độ - Ảnh: NAM TRẦN
Kết quả giải trình tự gene các mẫu sáng 19-5 do các tỉnh gửi về cho thấy có 29 mẫu thuộc biến thể B.1.617.2, thuộc biến chủng lần đầu tiên được tìm thấy ở Ấn Độ.
Trong đó có 10 bệnh nhân ở Hà Nội, 5 bệnh nhân tại Bệnh viện K, 9 bệnh nhân ở Bắc Giang, 2 bệnh nhân ở Bắc Ninh, 2 bệnh nhân ở Vĩnh Phúc, 1 bệnh nhân ở Hải Phòng.
Còn lại là 2 mẫu thuộc biến thể B.1.1.7 thuộc biến chủng của Anh tại Hải Dương.
Cũng theo Bộ Y tế, kết quả xét nghiệm tới thời điểm hiện tại chủng biến thể virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ Ấn Độ chiếm tỉ lệ cao nhất, dù chủng virus này mới xuất hiện tại Việt Nam từ ngày 18-4.
B.NGỌC
Chủ tịch Bắc Giang đề nghị các tỉnh cho xe vận chuyển nông sản lưu thông
Trong văn bản vừa gửi tới UBND các tỉnh, thành phố, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cho biết hiện các phương tiện vận tải chở nông sản, hàng thiết yếu, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất kinh doanh từ Bắc Giang đến các tỉnh, thành phố đều bị các chốt kiểm soát chặn lại, không cho lưu thông.
Ngược lại, các phương tiện vận tải của các tỉnh, thành phố vận chuyển hàng hóa đến Bắc Giang khi trở về địa phương lái xe đều phải đi cách ly tập trung 21 ngày.
180.000 tấn vải thiều Bắc Giang đang nằm chờ tiêu thụ - Ảnh: CHÍ TUỆ
Vì vậy, tỉnh Bắc Giang đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ nông sản, cung cấp, đảm bảo hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân và nguyên vật liệu phục vụ sản xuất cho các nhà máy, doanh nghiệp.
Để đảm bảo thực hiện "mục tiêu kép" - vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, đảm bảo hoạt động sản xuất của người dân và doanh nghiệp, UBND tỉnh Bắc Giang đề nghị các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương cho phép các phương tiện vận chuyển nông sản, hàng hóa thiết yếu, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất của tỉnh Bắc Giang được lưu thông vào, qua các tỉnh, thành phố.
Đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn các lái xe đến tỉnh Bắc Giang khi trở về địa phương thực hiện các biện pháp an toàn phòng dịch.
UBND tỉnh Bắc Giang cam kết yêu cầu các doanh nghiệp, các đơn vị vận tải, chủ xe, lái xe khi vận chuyển nông sản, hàng hóa, nguyên vật liệu từ Bắc Giang đến, qua các tỉnh, thành phố và từ các tỉnh, thành phố đến Bắc Giang phải tuân thủ, chấp hành nghiêm các quy định về phòng chống dịch COVID-19.
B. NGỌC
Bắc Ninh phong tỏa thêm huyện Yên Phong - Xét nghiệm ngay cho công nhân công ty Hosiden
Trưa 19-5, ông Vương Quốc Tuấn - phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh - ký quyết định cách ly xã hội theo chỉ thị 16 của Thủ tướng từ 14h ngày 19-5 đến 24h ngày 21-5, tuy theo diễn biến tình hình dịch bệnh sẽ quyết định kéo dài thời gian cụ thể.
Theo ông Tuấn, dịch bệnh COVID-19 đang hết sức căng thẳng, diễn biến theo chiều hướng xấu, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng, ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội.
Chốt kiểm soát dịch ra vào địa bàn TP Bắc Ninh - Ảnh: K. LỰC
Như vậy, hiện tỉnh Bắc Ninh có huyện Thuận Thành, TP Bắc Ninh, Yên Phong đã cách ly theo chỉ thị 16. Các huyện Lương Tài, Tiên Du, Quế Võ, thị xã Từ Sơn giãn cách theo chỉ thị 15.
Đến trưa 19-5, toàn tỉnh Bắc Ninh đã ghi nhận 346 ca mắc COVID-19, trong đó có 10 ca mắc mới so với sáng cùng ngày.
Hiện có 24 bệnh nhân nặng đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, trong đó có 2 bệnh nhân thở máy, 1 bệnh nhân lọc máu liên tục.
Công ty Hosiden Việt Nam ở khu công nghiệp Quang Châu - Ảnh: CHÍ TUỆ
Trưa 19-5, ông Từ Quốc Hiệu - phó trưởng ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 tỉnh Bắc Giang - vừa có văn bản hỏa tốc gửi các thành phố, huyện về việc khẩn trương rà soát, xét nghiệm cho công nhân, người lao động của công ty Hosiden Việt Nam (khu công nghiệp Quang Châu, huyện Việt Yên)
Theo ông Hiệu, hiện nay các mẫu bệnh phẩm xét nghiệm do CDC Bắc Giang thực hiện đối với công nhân, người lao động tại công ty Hosiden Việt Nam có tỷ lệ dương tính với SARS-CoV-2 khá cao, đặt biệt là xưởng 4.
Đến hết ngày 18-5 tại ổ dịch Công ty Hosiden đã có 238 F0, 2.583 F1 và 8.631 trường hợp F2.
Trước tình hình hết sức cấp bách, nguy hiểm, ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 tỉnh Bắc Giang yêu cầu các huyện, thành phố lập tức tổ chức lấy mẫu xét nghiệm ngay cho tất cả công nhân, người lao động của Công ty TNHH Hosiden Việt Nam đang cách ly tại nhà và đang cách ly tập trung.
Cách ly nghiêm ngặt khu riêng biệt đối với công nhân, người lao động của Công ty TNHH Hosiden Việt Nam.
Truy xét kỹ không được để sót công nhân, người lao động của Công ty TNHH Hosiden Việt Nam và các F1, F2, thông báo rộng rãi trên các phương tiện truyền thông để nhân dân giám sát.
CHÍ TUỆ
Quảng Nam siết chặt quản lí đối với chuyên gia nước ngoài cùng người nhà khi nhập cảnh
Ngày 19-5, ông Trần Văn Tân - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - vừa ký ban hành văn bản về việc quản lý các trường hợp chuyên gia nước ngoài và người thân xin phép nhập cảnh vào làm việc trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các sở ban ngành, địa phương có liên quan hướng dẫn các đơn vị lập hồ sơ cho chuyên gia và người thân nhập cảnh vào làm việc tại tỉnh theo đúng quy định và thực hiện cách ly tập trung để phòng chống dịch.
Xem xét nhu cầu của các doanh nghiệp trên địa bàn khi mời, đón, sử dụng người nước ngoài vào làm việc có đảm bảo phù hợp, đúng theo quy định, chỉ đạo của trung ương hay không.
Công dân Việt Nam từ Đài Loan về hoàn thành cách ly ở Quảng Nam năm 2020 - Ảnh: LÊ TRUNG
Các sở, ban ngành phải tham mưu cho UBND tỉnh trước 5-7 ngày, khi có đề nghị từ các doanh nghiệp xin phép cho các chuyên gia nước ngoài nhập cảnh.
UBND tỉnh yêu cầu Sở Lao động - thương binh và xã hội tỉnh phối hợp với lực lượng công an thường xuyên kiểm tra hồ sơ, giấy phép lao động đối với các lao động người nước ngoài để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các dấu hiệu vi phạm, làm giả hồ sơ, ngăn chặn triệt để tình trạng chuyên gia nước ngoài nhập cảnh trái phép, không đúng đối tượng.
Giao Sở Y tế tỉnh kiểm tra, giám sát việc tiếp nhận, cách ly người nhập cảnh. Hướng dẫn các doanh nghiệp, chuyên gia nước ngoài và thân nhân phải tuân thủ các biện pháp, yêu cầu phòng dịch trước, trong và sau khi nhập cảnh.
Đồng thời, phối hợp với sở, ban, ngành, các địa phương cập nhật, bổ sung, điều chỉnh quy trình tiếp đón và cách ly các chuyên gia, người lao động, nhà quản lý nước ngoài nhập cảnh vào làm việc trên địa bàn tỉnh.
ĐỨC TÀI
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận