Bữa cơm gia đình là lúc để gia đình đoàn tụ và vui vẻ bên nhau - Ảnh: DUYÊN PHAN
Đó là một trong nhiều đoạn thoại từ nhóm chat của gia đình bạn Nguyễn Văn Cường (24 tuổi, hiện ngụ tại Q. Bình Thạnh, TP.HCM) chia sẻ cùng Tuổi Trẻ Online nhân N (28-6).
Bữa ăn từ mọi miền
Vì công việc, thời gian, khoảng cách địa lý…, những bữa cơm sum vầy với đầy đủ người thân trong các gia đình ở thành thị hay nông thôn thời nay ngày một hiếm.
Gia đình Cường cũng không ngoại lệ, khi quê ở Quảng Trị nhưng TP.HCM mới là nơi Cường chọn để lập nghiệp. Bố thường xuyên công tác dài ngày tại Lào, hai người chị gái đã lập gia đình khiến bữa cơm hằng ngày lại càng vắng bóng hơn.
"Mỗi người một nơi, đó là lý do mình tập cho bố mẹ chơi Facebook rồi lập nên một nhóm chat của gia đình" - Cường lý giải thêm.
Dù tuổi đã trên 50 nhưng bố mẹ Cường lại khá thành thạo với các tính năng như gọi điện, chụp hình… có trên Facebook. Cứ đến mỗi bữa ăn, mọi người lại gửi cho nhau những tấm hình chụp bữa ăn của mình.
Để tạo nên không khí vui tươi, mọi người cũng không ngần ngại dành cho nhau những lời khen "đồ ăn ngon" hay lời chúc ngon miệng. Cứ thế, album thực đơn món ăn của gia đình trong nhóm chat lại cứ dày lên qua từng ngày.
"Khoảng cách về địa lý sẽ được thu hẹp lại khi mọi người liên tục thấy được những nơi mà ta đến, những người mà ta gặp. Cũng nhớ nó mà mọi người lại yên tâm hơn để học tập, công tác…".
Nguyễn Văn Cường
Ngoài ăn gì thì đi đâu, làm gì… cũng được những người thân của Cường thường xuyên cập nhật trong nhóm chat này. Việc gửi cho nhau những cảnh đẹp, địa điểm mới mà mình có dịp ghé thăm cũng là cách giúp những người thân trong gia đình cảm thấy như đang ở cạnh nhau.
Những cuộc gọi "xuyên" biên giới
Tỉnh Fukuoka (Nhật Bản) lại là nơi Trương Thùy Ngân (24 tuổi) chọn để học tập và làm việc. Việc làm khách ở nơi xa xứ trong nhiều năm liền khiến Ngân cũng nghĩ đến việc lập một nhóm chat để có thể gặp gỡ mọi người trong gia đình thường xuyên hơn.
Chia sẻ những cảnh đẹp, những địa điểm mới giúp mọi người gần nhau hơn - Ảnh chụp màn hình
Ngân cho biết vì sự chênh lệch giữa hai múi giờ, công việc… cho đến độ tuổi (bố mẹ đã gần 60) nên nhóm chat cũng chỉ để liên lạc trực tiếp cho nhau bằng tính năng video call có trên messenger của Facebook vào mỗi tối.
Dù nhà ở Quảng Trị, vì công việc bố mẹ Ngân lại thường xuyên có mặt ở các tỉnh như Salavan hay Champasack (Lào). Việc người chị gái đã lập gia đình, cậu em trai đang học ở TP.HCM và Ngân đang ở Nhật Bản cùng lịch học và làm dày đặc khiến khung giờ sinh hoạt của mỗi người đôi khi trái ngược nhau.
Ngân cho biết dù ngược, mọi người vẫn cố thu xếp thời gian để có thể tham gia thường xuyên vào các cuộc trò chuyện xuyên biên giới vào mỗi tối.
"Thường mọi người sẽ gọi cho nhau vào lúc 10g đêm tính theo giờ Việt Nam, còn bên này sẽ là 12g đêm. Dù lịch học bận rộn, lịch làm mệt mỏi nhưng nghĩ về việc tối sẽ được trò chuyện cùng mọi người là lại cảm thấy vui lắm".
Trương Thùy Ngân
Ngày hội Gia đình Việt Nam
Theo thông tin phát ra của Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch ngày 24-6, ngày hội Gia đình Việt Nam năm nay sẽ được tổ chức từ ngày 28 đến 30-6 tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam.
Hoạt động nhằm hưởng ứng và kỷ niệm Ngày gia đình Việt Nam (28-6) cũng là dịp tôn vinh những giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam.
Ngày hội năm nay có chủ đề "Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình", bao gồm nhiều hoạt động ý nghĩa: trưng bày các chuyên đề "Lễ cưới truyền thống của các dân tộc Việt Nam", "Bờ vai ấm áp"; trưng bày tranh cổ động và tài liệu về phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em; giới thiệu các ấn phẩm về văn hóa ứng xử và Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình.
Ngoài các hoạt động trưng bày, ngày hội Gia đình Việt Nam 2019 còn có các hội thảo, tọa đàm, hội thi và giao lưu văn hóa nghệ thuật ý nghĩa tôn vinh gia đình Việt Nam, gồm: hội thảo "Chăm sóc sức khỏe trong gia đình"; tọa đàm "Phát triển dịch vụ gia đình trong bối cảnh thực tiễn hiện nay ở Việt Nam"; hội thi cắm hoa nghệ thuật...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận