Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Tô Đức, cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), cho biết việc cấp gạo cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt 2024 nhằm giúp bà con có hoàn cảnh khó khăn và đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo đều được vui xuân, đón Tết.
15 tỉnh đề nghị hỗ trợ gạo
Đến ngày 15-1, có ít nhất 15 tỉnh gặp khó khăn đề nghị trung ương hỗ trợ trên 14.100 tấn gạo cho hơn 181.000 hộ với khoảng 935.000 nhân khẩu. Trong đó, số gạo hỗ trợ Tết này lên đến trên 11.500 tấn gạo, tương ứng khoảng 770.000 nhân khẩu.
Theo ông Tô Đức, việc cấp gạo cho bà con nhằm hướng tới nhóm người không tham gia sản xuất, gặp khó khăn, không có khả năng lao động được như người cao tuổi không nơi nương tựa, người khuyết tật đặc biệt nặng, người tâm thần... với tiêu chuẩn 15kg gạo/tháng. Ngoài ra, một số vùng gặp thiên tai, bão lũ, người dân mất việc làm thực sự cũng cần hỗ trợ từ Nhà nước để vượt khó.
Số gạo hỗ trợ này lấy từ kho dự trữ quốc gia, không phải gạo sản xuất được chia đều ngay ở địa phương. Do vậy, mới có câu chuyện một số địa phương sản xuất gạo như Bạc Liêu, Nghệ An vẫn cần gạo từ trung ương.
"Lúa gạo do người dân sản xuất nhưng không phải ai cũng sản xuất được. Do đó, việc hỗ trợ gạo hướng tới những người không có khả năng lao động, không thể tự chăm lo được cho cuộc sống, khó khăn dẫn tới nguy cơ thiếu đói", ông Đức nhắc lại.
Ông Đức cho hay tùy tình hình thực tế, các địa phương đã đề nghị trung ương cấp gạo. "Từ chỉ thị của Ban Bí thư, Thủ tướng, Bộ LĐ-TB&XH đã có công văn gửi các địa phương để rà soát, đánh giá, tổng hợp số người dân có nguy cơ thiếu đói và huy động nguồn lực từ ngân sách, xã hội để kịp thời hỗ trợ, đảm bảo không có người dân nào bị đói, không có Tết", ông Tô Đức nhấn mạnh.
Bộ LĐ-TB&XH đã tổng hợp, trình Thủ tướng xem xét xuất cấp gạo cứu đói cho các địa phương trên. Trước khi quyết định, Bộ Tài chính sẽ thẩm định và bố trí nguồn gạo phù hợp. "Các địa phương cũng xây dựng kế hoạch, chủ động bố trí ngân sách địa phương và nguồn xã hội hóa để hỗ trợ trên 1.000 tấn gạo cho các hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn", ông Đức nói.
Người dân thiếu đói có xu hướng giảm
Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An Vi Ngọc Quỳnh cho biết đến đầu năm 2024, toàn tỉnh Nghệ An vẫn còn hơn 45.300 hộ nghèo và hơn 50.000 hộ cận nghèo. Những năm gần đây, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh chuyển biến tích cực, song Nghệ An vẫn chưa cân đối được thu chi.
Năm 2023, thu ngân sách của tỉnh cả năm hơn 20.250 tỉ đồng nhưng chi ngân sách hơn 35.660 tỉ đồng. Do vậy, tỉnh vẫn nhận khoảng 1.200 - 1.800 tấn gạo cứu đói hằng năm. Tết Nguyên đán 2024, tỉnh đã trình Chính phủ xin hỗ trợ hơn 1.080 tấn gạo cứu đói cho 16.469 hộ với hơn 72.000 nhân khẩu.
"Tỉnh Nghệ An còn bốn huyện nghèo miền núi Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu - nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn. Điều kiện canh tác đất đai ít, người dân thiếu việc làm, thiên tai mưa lũ nên hằng năm tỉnh phải trình Chính phủ hỗ trợ gạo cứu đói giáp hạt cho người dân", ông Quỳnh nói.
Trong khi đó, bà Lô Thị Nguyệt, phó chủ tịch UBND huyện Quế Phong, cho hay xóa đói giảm nghèo luôn được địa phương quan tâm song tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo của huyện vẫn còn hơn 60%. Một phần do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hàng ngàn lao động mất việc về quê. "Về lâu dài, để giúp các hộ nghèo không bị thiếu đói trong giáp hạt, chúng ta cần có các cơ chế chính sách ưu tiên cho hộ nghèo phát triển kinh tế gia đình", bà Nguyệt đề nghị.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Giang cũng cho biết tỉnh đã có tờ trình đề nghị hỗ trợ gạo cứu đói cho bà con. Nguyên nhân do năm 2023 thời tiết khô hanh ảnh hưởng tới việc trồng cấy, nhiều hộ có người mất việc làm và thu nhập, cá biệt có hộ ốm đau, già yếu, đông nhân khẩu ăn theo, không có đất canh tác, bị thiên tai, dịch bệnh...
"Đây là những nguyên nhân phổ biến, tương tự các năm trước, khiến nhiều người thiếu lương thực vào dịp Tết Nguyên đán", vị này cho hay.
Vừa qua, UBND tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các ngành, UBND huyện, thành phố rà soát các hộ thiếu đói để đề nghị Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Tài chính trình Chính phủ hỗ trợ. Dự kiến khoảng 20 đến 25 Tết, tỉnh sẽ có số liệu huy động nguồn lực hỗ trợ bà con. Sơ bộ, tình hình khó khăn có vơi bớt so với năm 2023 do nhiều hộ bớt khó khăn, hệ quả của dịch COVID-19 dần được khắc phục...
Sóc Trăng: Trên tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau!
Ông Võ Thanh Quang, giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Sóc Trăng, xác nhận có đề nghị Bộ LĐ-TB&XH cấp hơn 3.500 tấn gạo cứu đói dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và giáp hạt năm 2024. Theo ông Quang, thường thì trung ương sẽ cấp đúng số gạo tỉnh đề nghị.
"Sau khi nhận được gạo cấp cứu đói, chúng tôi sẽ tiến hành trao cho 236.000 nhân khẩu thuộc các hộ nghèo, hộ cận nghèo, công nhân gặp khó khăn và các đối tượng bảo trợ xã hội trước Tết Nguyên đán, để người dân vui xuân ấm áp", ông Quang nói và cho biết thêm tỉnh Sóc Trăng cũng thường xuyên đề nghị cấp gạo cứu đói cho người dân. Như "đợt dịch COVID-19 vừa qua, Sóc Trăng có đề nghị và được trung ương hỗ trợ".
Lý giải thêm, ông Quang cho rằng do Sóc Trăng còn nhiều hộ nghèo, việc xin cấp gạo thể hiện sự quan tâm của Chính phủ và xuất phát trên tinh thần tương thân tương ái.
"Những hộ khá, giàu thì vài ký gạo không là gì. Tuy nhiên với nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo..., bà con rất cần gạo để ăn trong những ngày Tết. Trên tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau, mình lo cho bà con được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Hơn nữa, số tiền mua trên 3.500 tấn gạo khá lớn, khoảng 60 - 70 tỉ đồng, trong khi nguồn lực của tỉnh có hạn. Năm nay doanh nghiệp làm ăn khó khăn, việc huy động xã hội để chung tay chăm lo cho người nghèo cũng hạn chế", ông Quang nói.
Theo UBND tỉnh Sóc Trăng, năm 2023 tỉnh đã tích cực triển khai nhiều chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Kết quả đã giảm tỉ lệ hộ nghèo là 2%, trong đó giảm tỉ lệ hộ nghèo đối với bà con người Khmer là 3%.
Theo một lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng, ngoài hỗ trợ của trung ương, năm 2023 tỉnh đã triển khai nhiều chính sách chăm lo cho người nghèo, nhất là vào dịp Tết. Tuy kinh tế có phát triển, đời sống được nâng cao nhưng vẫn còn một bộ phận người dân còn khó khăn, rất cần sự hỗ trợ.
Trao hàng chục ngàn phần quà Tết cho người lao động
Tại Đồng Nai, dù khó khăn nhưng các doanh nghiệp lớn vẫn cố gắng duy trì tiền thưởng Tết cho người lao động. Điển hình như Công ty TNHH Pousung Việt Nam (huyện Trảng Bom) dành trên 300 tỉ đồng thưởng Tết cho hơn 18.000 lao động của công ty. Trong đó, mức thưởng thấp nhất là một tháng lương/người, cao nhất là 1,98 tháng lương/người tùy thâm niên.
Tương tự, Công ty cổ phần TKG Taekwang Vina (TP Biên Hòa) dành hơn 500 tỉ đồng thưởng Tết cho hơn 31.000 công nhân lao động. Công đoàn cơ sở phối hợp cũng tổ chức các hoạt động chăm lo Tết, tặng quà hỗ trợ cho 1.200 lao động có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ vé xe cả hai chiều cho công nhân về quê đón Tết...
"Kinh tế khó khăn, không chỉ doanh nghiệp mà công nhân lao động cũng khó, do đó càng phải chăm lo cho người lao động nhiều hơn" - ông Đinh Sỹ Phúc, chủ tịch công đoàn công ty, chia sẻ.
Trong khi đó, Công ty TNHH Pouchen Việt Nam (TP Biên Hòa) sẽ hỗ trợ 100% vé xe cho công nhân lao động về quê đón Tết và quay lại làm việc đúng ngày. Ngoài ra, công nhân có nhà xa hơn 500km sẽ được nghỉ thêm hai ngày...
Theo Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai, do tình hình kinh tế khó khăn, lương thưởng giảm nên dự kiến năm nay lượng công nhân lao động ở lại Đồng Nai đón Tết đông hơn các năm trước. Với phương châm "tất cả đoàn viên, người lao động đều có Tết", ngay từ tháng 11-2023, Liên đoàn Lao động cũng như công đoàn các cấp đã triển khai kế hoạch chăm lo Tết và chủ động bố trí nguồn kinh phí lớn để thăm, tặng quà, chúc Tết đoàn viên, người lao động.
Cụ thể, trong dịp Tết Nguyên đán 2024, Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai sẽ trao 2.000 vé xe, 350 vé tàu miễn phí cho công nhân lao động về quê đón Tết cùng gia đình. Đồng thời hỗ trợ 1.000 đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn suất quà trị giá 1 triệu đồng. Ngoài ra, công đoàn các cấp cũng hỗ trợ khoảng 70.000 suất quà tặng cho công nhân lao động (mỗi suất trị giá 500.000 đồng).
Song song đó, UBND tỉnh Đồng Nai cũng chi tiền hỗ trợ 30.000 lao động khó khăn, mất việc làm, mắc bệnh hiểm nghèo mỗi người một phần quà trị giá 1 triệu đồng.
Ngoài các chương trình Tết sum vầy - Xuân chia sẻ, họp mặt gia đình công nhân có hoàn cảnh khó khăn, thăm chúc Tết công nhân lao động ở các khu trọ..., năm nay Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai tổ chức chương trình thi gói, nấu bánh chưng và bánh tét cổ truyền. Những chiếc bánh cổ truyền này sẽ được trao tặng cho công nhân lao động với mong ước mang lại không khí ngày Tết vui tươi, ấm cúng.
Cần trung ương hỗ trợ để dân nghèo vui xuân đón Tết đầm ấm
Hầu hết các tỉnh đề nghị trung ương hỗ trợ cấp gạo cho bà con trước Tết Nguyên đán và giáp hạt 2024 đều cho rằng do ngân sách địa phương còn gặp nhiều khó khăn.
Do đó các tỉnh rất cần trung ương hỗ trợ nhằm lo cho người dân nghèo có cái Tết đầm ấm.
Bạc Liêu: Giúp cho người dân ổn định cuộc sống, vui xuân
Tại Bạc Liêu, lãnh đạo UBND tỉnh cũng cho biết tỉnh đã có đề xuất Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính về hỗ trợ gạo cho người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, công nhân và người lao động, đối tượng bảo trợ xã hội dịp Tết Nguyên đán năm nay.
Qua rà soát, tỉnh Bạc Liêu có 483.735 người dân gặp khó khăn có nhu cầu hỗ trợ gạo trong dịp Tết. Trong đó có 9.656 người thuộc hộ nghèo và 15.564 người thuộc hộ cận nghèo; 1.925 công nhân, người lao động và 5.104 đối tượng bảo trợ xã hội.
Theo lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu, sở dĩ có đề xuất trên là do tình hình ngân sách của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn nên chưa thể đảm bảo việc hỗ trợ gạo cho người dân. Để giúp tỉnh tháo gỡ những khó khăn trên và giúp người dân ổn định cuộc sống, vui xuân đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, UBND tỉnh đề xuất hỗ trợ cho tỉnh 483.735kg gạo (tương đương 32.249 nhân khẩu x 15kg gạo/tháng) để hỗ trợ cho những đối tượng nêu trên.
Theo kế hoạch, sau khi nhận được hỗ trợ, số gạo này sẽ được phát cho người dân thuộc diện nêu trên, chủ yếu tại ba huyện Hòa Bình, Vĩnh Lợi và Phước Long.
Cà Mau: Còn nhận hơn 50% ngân sách từ trung ương
Là địa phương khác ở miền Tây có đề nghị hỗ trợ gạo, bà Nguyễn Thu Tư, phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau, cho biết thời gian qua trên địa bàn tỉnh thường xuyên xảy ra tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở làm ảnh hưởng nhiều đến đời sống người dân, đặc biệt là các hộ dân nghèo, cận nghèo, hộ bị ảnh hưởng bởi thiên tai có nguy cơ bị thiếu đói.
Trên cơ sở rà soát đánh giá về nhu cầu hỗ trợ gạo của địa phương, tỉnh Cà Mau có hơn 18.000 hộ với hơn 69.000 người có nhu cầu hỗ trợ về gạo. Trong đó, hơn 27.800 người nghèo; hơn 20.300 người cận nghèo; hơn 1.400 người bị ảnh hưởng bởi thiên tai, sạt lở đất; hơn 19.500 người đang gặp khó khăn trong cuộc sống cần trợ giúp.
Nếu Cà Mau được phê duyệt nguồn gạo hỗ trợ sẽ giúp người dân của tám huyện trong tỉnh vượt qua khó khăn lúc cận Tết. Số gạo tỉnh Cà Mau xin hỗ trợ lên đến hơn 1.037 tấn.
"Cà Mau là tỉnh có kinh tế còn khó khăn, nhận hơn 50% ngân sách từ trung ương hỗ trợ nên những chính sách hiện hành không đủ nguồn để cấp thêm cho người dân gặp cảnh khó khăn. Nếu được nguồn hỗ trợ thì sẽ giúp đỡ gạo cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Đa phần các hộ này đều là những hộ ít hoặc không có đất sản xuất, đất trồng lúa nên nguy cơ họ không có gạo ăn rất cao.
Thời điểm giáp Tết, một số hộ rất khó khăn do một số doanh nghiệp ngưng hoạt động, đa phần dân nghèo đi làm thuê bấp bênh nên ít có việc làm vào thời điểm này. 15kg gạo đối với nhiều người có điều kiện thì không vấn đề gì nhưng đối với người nghèo thì số gạo này rất quan trọng đối với họ", bà Tư chia sẻ.
Bình Phước: Huy động các nguồn lực, ngân sách để hỗ trợ người dân
UBND tỉnh Bình Phước cho biết đã gửi văn bản kiến nghị trung ương hỗ trợ gạo cứu đói cho người dân khó khăn trong dịp Tết Nguyên đán 2024. Cụ thể, Bình Phước đề nghị trung ương hỗ trợ tổng cộng hơn 476 tấn gạo cho 9.153 hộ dân với hơn 31.000 nhân khẩu thuộc sáu huyện gồm Bù Gia Mập, Bù Đăng, Bù Đốp, Đồng Phú, Phú Riềng và Lộc Ninh. Trong đó, Bù Đăng và Phú Riềng là hai địa phương cần hỗ trợ nhiều nhất, lần lượt là 2.378 hộ và 2.252 hộ với tổng số gần 18.000 nhân khẩu.
Lý giải về việc này, UBND tỉnh Bình Phước cho hay để đảm bảo không có người dân nào trên địa bàn bị thiếu đói trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, các đơn vị chức năng đã rà soát, chủ động huy động các nguồn lực, ngân sách của địa phương để hỗ trợ cho người dân có nguy cơ thiếu đói.
Tuy nhiên, Bình Phước là tỉnh còn khó khăn nên việc huy động các nguồn lực cũng như bố trí ngân sách của địa phương để hỗ trợ người dân còn hạn chế. Do đó, UBND tỉnh Bình Phước có văn bản đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ cho tỉnh hơn 476 tấn gạo để hỗ trợ người dân.
Cũng theo UBND tỉnh Bình Phước, sau khi Chính phủ phê duyệt, tỉnh sẽ tổ chức cấp phát ngay cho người dân trước Tết. Trong năm 2023, toàn tỉnh Bình Phước có 2.200 hộ thoát nghèo, vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Bình Phước hiện còn khoảng 1.121 hộ nghèo, chiếm 0,4% tổng số hộ dân. Trong đó, 574 hộ nghèo là dân tộc thiểu số, chiếm 51,2% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận