Ông Lê Minh Trí tiếp thu ý kiến và trả lời thắc mắc của cử tri - Ảnh: TUYẾT MAI
Sáng 2-12, tổ đại biểu Quốc hội đơn vị 4 gồm các đại biểu: ông Lê Minh Trí (viện trưởng Viện KSND tối cao); ông Huỳnh Thành Đạt (giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM) và ông Phạm Phú Quốc (phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM) đã có buổi tiếp xúc cử tri tại quận 5, TP.HCM.
Tại buổi tiếp xúc, một số cử tri phản ảnh tình trạng thực thi pháp luật chưa nghiêm. Cụ thể, một cử tri tại phường 12 nêu ra ví dụ về việc thu phí xe ra vào sân bay. "Thủ tướng đã chỉ đạo không thu nữa nhưng đến giờ vẫn chưa áp dụng, tình trạng sân bay lún nhưng bao nhiêu năm nay hạ tầng cơ sở vẫn không thay đổi". Vấn đề an ninh mạng vẫn tồn tại nhiều bất cập khi có nhiều tin nhắn làm bằng giả giao tận nhà được gửi cho người dân... Cử tri đề nghị đưa các vấn đề này vào chương trình giám sát.
Bên cạnh đó, cử tri Lê Nghiệp nêu sau khi cấp căn cước công dân (CCCD) 12 số thì tất cả các giấy tờ như sổ đỏ, sổ tiết kiệm… phải điều chỉnh theo. Trước đây, người dân chỉ dùng 1 giấy CMND thì nay có đến 3 loại giấy tờ cùng tồn tại là CMND, CCCD và giấy chứng nhận của cơ quan công an cấp, gây phiền toái cho người dân.
Cử tri cũng kiến nghị khắc phục bất cập này bằng cách bổ sung vào điều 18 Luật CCCD, nghị định 173 về việc ghi chú số CMND đã cấp. Đồng thời đề nghị người dân chưa vội làm thủ tục cấp, đổi CCCD khi CMND vẫn còn giá trị sử dụng theo quy định của pháp luật.
Thay mặt tổ đại biểu trả lời thắc mắc của cử tri, ông Lê Minh Trí ghi nhận ý kiến của cử tri về tính thực thi pháp luật chưa nghiêm. Ông Trí thông tin rằng so với trước đây thì hiện nay đã và đang có chuyển biến tốt. "Chúng ta quan tâm, giám sát, đánh giá và có sơ kết, tổng kết ở cấp địa phương lẫn cấp ban hành pháp luật để xem xét, có chỉ đạo kịp thời. Phải làm sao để tính thực thi, đi vào cuộc sống của pháp luật ngày càng khẩn trương hơn, nếu phát hiện không đúng thì phải chỉnh sửa kịp thời" - ông Trí nêu.
Về vấn đề CCCD, ông Trí cho biết hiện nay là thời kỳ "quá độ" để vươn tới việc phù hợp với xu thế, hội nhập, quản lý. Ai đã được cấp, đổi CCCD thì dùng CCCD, người nào còn CMND vẫn dùng bình thường.
Trong lộ trình cấp đổi CMND sẽ được thay thế bằng CCCD. Còn việc sửa luật cần phải có kế hoạch. Do đó, tổ đại biểu ghi nhận ý kiến của cử tri và sẽ phản ánh với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận