Thiếu tá Phan Minh Thu chữa trị cho các bệnh nhân người Campuchia tại đồn biên phòng Long Bình (An Giang) - Ảnh: Sơn Lâm |
Khi đặt ống nghe lên tai, nghe nhịp thở của bệnh nhân, quân y biên phòng không phân biệt người bệnh đến từ bên này hay bên kia biên giới.
Một ca phỏng điện đến từ bên kia
Trời chạng vạng tối, các chiến sĩ đồn biên phòng Long Bình (An Phú, An Giang) đang chuẩn bị dùng cơm thì ngoài chốt canh một chiếc xe ba gác trờ tới, thắng gấp.
Trên chiếc ba gác, anh Pan Chan Thou, người đàn ông Campuchia, bị phỏng nặng, sạm đen cả tay chân mặt mũi. Hai người nhà của anh dùng vốn tiếng Việt chưa sõi nói với lính gác của đồn xin bác sĩ biên phòng Việt Nam cứu giúp vì người thân của họ vừa bị phỏng điện.
Nhà Pan Chan Thou ở huyện Kothum (tỉnh Kandal), một huyện nghèo giáp Việt Nam, ở quá xa Bệnh viện Kandal nên gia đình phải đưa nạn nhân đi bằng xe ba gác, vượt chuyến phà cây từ bến Chray Thon (sông Bình Dy) sang đồn biên phòng Long Bình cầu cứu.
Ngay lập tức, y sĩ - thiếu tá Phan Minh Thu, trạm phó quân dân y Long Bình, khẩn cấp đưa anh Pan Chan Thou vào buồng cấp cứu, băng bó vết thương, cho bệnh nhân thở máy và thực hiện các biện pháp cấp cứu.
Ngay sau đó, một cuộc điện thoại được gọi đến Hội Chữ thập đỏ thị trấn Long Bình và chưa đầy 15 phút sau, xe cấp cứu trờ tới đưa nạn nhân người Campuchia tiến nhanh về Bệnh viện Đa khoa Châu Đốc.
Ca cấp cứu ấy diễn ra từ hai năm trước, nhờ được cấp cứu kịp thời ở trạm quân dân y Long Bình, anh Pan Chan Thou đã được tiếp thêm cơ hội sống sót và tiếp tục được các bác sĩ tuyến trên của Bệnh viện đa khoa Châu Đốc chữa trị thành công.
Và đó chỉ là một trong rất nhiều ca cấp cứu xuyên biên giới mà trạm quân dân y của đồn biên phòng Long Bình là điểm kết nối ngay trên mé đường biên.
Thiếu tá Phan Minh Thu cho biết trạm quân dân y Long Bình được xây dựng từ năm 2011, biết “một cây làm chẳng nên non” nên trạm đã liên lạc với trạm y tế và Hội Chữ thập đỏ thị trấn Long Bình và các xã lân cận như Khánh An, Khánh Bình, Đồng Ky để lập ra một hội cấp cứu 24/24 giờ cho bà con cả hai bên biên giới.
“Hội liên hiệp y tế” này có sẵn đội ngũ xe cấp cứu miễn phí để sẵn sàng chở bệnh nhân chuyển lên tuyến trên nhanh chóng. Số điện thoại trạm quân y và đội xe cấp cứu cũng được dán khắp các bến đò, bến phà qua lại biên giới nhằm giúp người dân khi cần.
Ba năm hoạt động, mỗi ngày hơn chục ca bệnh từ Campuchia đổ về khám đều được các cán bộ quân y ở đồn đáp ứng kịp thời.
Dù hoạt động với hình thức tự thu, tự chi, có bảng giá quy định tiền viện phí, thuốc men hẳn hoi nhưng thiếu tá Thu thừa nhận phòng khám này luôn... lỗ.
Bởi đa số bệnh nhân vào đây đều được chữa bệnh trước khi hỏi tiền điều trị, thuốc men. Sau khi lành bệnh, ai có tiền bao nhiêu thì trả bấy nhiêu.
Thiếu tá Thu chia sẻ: “Dân ở biên giới, nhất là phía bạn Campuchia đều nghèo. Nên tháng nào cũng phải có các mạnh thường quân bù lỗ mới đủ thuốc men, điều kiện trị bệnh cho bà con”.
Như hồi cấp cứu cho nạn nhân người Campuchia bị điện giật, gần hai tháng sau bệnh nhân xuất viện, người nhà tới trạm quân y và nói rằng đã hết tiền để trả. Khi nghe biên phòng Việt Nam nói không phải trả tiền, người nhà mừng muốn khóc.
“Họ ra chợ Long Bình mua một bọc cam và mấy chiếc chiếu đem tới, nói để đóng góp cho bà con nghèo khác. Lâu lâu lưới được con cá lớn họ lại chạy qua biếu anh em trong đồn. Họ thương biên phòng không khác gì bà con người Việt mình” - thiếu tá Phan Minh Thu kể.
Thượng úy Nguyễn Duy Thuần khám bệnh cho bé Phích Cuông Kia, con trai chị Xôm Phích ở xã Crua, huyện Svay Chrum, tỉnh Svay Rieng (Campuchia) - Ảnh: Sơn Lâm |
Học tiếng Khmer để chữa bệnh
12g trưa 20-7, trạm biên phòng Cả Trốt, xã Khánh Hưng (Vĩnh Hưng, Long An) đang im ắng trong giờ nghỉ trưa thì nghe tiếng xe máy bình bịch chạy vào.
Thượng úy Nguyễn Duy Thuần đang chợp mắt nghỉ trưa tại phòng riêng, liền bật dậy khi nghe tiếng xe máy quen thuộc của Xôm Phích, người mẹ trẻ ở xã Crua, huyện Svay Chrum, Svay Rieng, Campuchia.
Vừa dựng xe, Xôm Phích ẵm ngay bé Phích Cuông Kia chạy thẳng vào căn phòng phía ngoài cùng, dùng làm phòng khám bệnh quân y của trạm biên phòng Cả Trốt. Thằng bé Cuông Kia nhỏ thó, đen nhẻm như mẹ nó, khóc ngặt nghẽo.
Lúc này anh Thuần nhanh tay đỡ lấy và trao đổi liền một hồi tiếng Khmer với Xôm Phích, rồi kẹp nhiệt kế vào nách Cuông Kia, dỗ bé và quay qua Xôm Phích nói tiếp mấy câu tiếng Khmer.
Quay sang chúng tôi, anh Thuần nói: “Cháu Cuông Kia mới 2 tuổi, lại lên cơn sốt. Từ lúc sinh ra đến giờ nó cứ ốm miết. Mỗi lần như thế mẹ nó lại tất tả chạy qua đây, mình quen luôn tiếng xe của Xôm Phích”.
Dường như biết chúng tôi sẽ tiếp tục thắc mắc chuyện một anh quân y dân Thanh Hóa, lại có thể nói tiếng Khmer như người Campuchia, anh Thuần cười: “Mình về công tác ở trạm này chín năm rồi, mỗi ngày học một ít của bà con thì biết”.
Đó là lời tự nhận định của anh Thuần, còn trước đó ông Nguyễn Văn Quan - chính ủy Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh Long An - đã mách với chúng tôi: “Thuần là một trong những người rành tiếng Khmer nhất của đơn vị”.
Anh Nguyễn Văn Hóa - trưởng trạm Cả Trốt - còn kể có lần anh Thuần đi công tác ở Campuchia, mấy người dân Phnom Penh nghe anh Thuần nói thì hỏi ngay anh ấy có phải là người vùng Svay Rieng không.
40 tuổi, với nước da ngăm đen, quả thật nếu chỉ nghe anh Thuần nói tiếng Khmer thì hẳn ai cũng tưởng anh là người Campuchia. Sau khi học Trường Quân y 2 ở TP.HCM thì anh Thuần về Long An, ban đầu công tác ở đồn khác.
Chỉ khi được phân công về trực phòng khám quân y ở trạm Cả Trốt này, anh Thuần mới tiếp xúc nhiều với người dân Campuchia. “Chữa bệnh mà không thể trao đổi với bệnh nhân thì rất khó” - anh Thuần nói.
Bắt đầu từ những cái khua chân múa tay với từng từ đơn giản, chỉ trong vòng hơn một năm, anh Thuần đã có thể hỏi các triệu chứng bệnh tình của bà con nước bạn.
“Cứ mạnh dạn nói với bà con thì sẽ được hết. Hơn nữa bà con cũng biết mình học tiếng họ nên chỉ dẫn tận tình lắm” - anh Thuần kể về quá trình học ngoại ngữ của mình.
Từ ngày anh Thuần biết tiếng Khmer, bệnh nhân của anh ngày càng đông hơn. Có lẽ cũng vì có thầy thuốc rành tiếng Khmer mà bà con xã Crua mấy năm nay mỗi khi chớm bệnh đã ghé thẳng vào phòng khám của anh Thuần, thay vì cứ đổ xô vào các phòng khám lớn ở thị xã Kiến Tường cách đó hơn 40km.
Anh Thuần thừa nhận: “Bà con vùng biên giới này rất nghèo, không có đủ tiền nên mỗi lần bệnh lặt vặt họ hoặc là cố mà vượt qua hoặc chờ đến khi trở nặng mới vay mượn vào thị xã khám. Mình trao đổi với họ được, họ tin tưởng mình hơn nên không còn ngại ngần mỗi khi chớm bệnh nữa”.
Theo lời anh em biên phòng, xã Crua bên kia đất Campuchia chỉ có một y sĩ và lượng thuốc men ở đó cũng rất thiếu thốn.
Phòng khám bệnh trạm Cả Trốt khám bệnh và cho thuốc bà con hoàn toàn miễn phí, theo đúng số thuốc được cấp và các mạnh thường quân tài trợ.
“Từ ngày anh Thuần nói rành tiếng Khmer, thuốc ở trạm... hết nhanh hơn” - anh Nguyễn Văn Hóa nói về công việc của trạm quân dân y như một niềm vui của trạm mình.
_________
Kỳ tới: Đưa “cần câu cơm” qua biên giới
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận