Không bỏ qua cơn đau
Lúc 3g sáng 9-12, đang ngủ say anh Q. bị đánh thức vì đột ngột đau dữ dội vùng bìu bên trái. Cơn đau kéo dài liên tục, lan lên dọc theo bẹn và vùng bụng dưới bên trái. Anh Q. ráng chịu đau vì trước đây anh có bị đau một lần tương tự nhưng đau ít hơn và vài giờ sau thì hết. Đến chiều cùng ngày, vì vẫn còn đau nhiều anh Q. tự đi siêu âm ở một phòng siêu âm địa phương. Vì ngại và khai bệnh không kỹ (anh Q. chỉ nói là đi siêu âm vì đau bụng) nên bác sĩ ở phòng siêu âm chỉ làm siêu âm ở vùng bụng mà không chú ý đến vùng bìu. Tất nhiên kết quả siêu âm bụng lúc đó là bình thường.
Đến sáng 11 -12, không chịu nổi đau anh Q. mới tới khám tại phòng khám nam khoa Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, tức sau hơn 48 giờ bị đau. Lúc đó thì bìu anh đã bị sưng nhiều và da bìu đã có dấu hiệu viêm đỏ, đây là dấu hiệu cho thấy nếu đúng là bị xoắn tinh hoàn thì đã ở giai đoạn trễ: tinh hoàn đã hoại tử và bắt đầu gây phản ứng viêm. Kết quả mổ thì đúng như vậy, tinh hoàn bên trái đã hoại tử tím đen và mủn ra gây tụ dịch và viêm mô kế cận, lúc này các bác sĩ đành phải cắt bỏ tinh hoàn hoại tử vì không thể giữ tinh hoàn được.
Cấp cứu nhanh
Xoắn tinh hoàn xảy ra do tinh hoàn xoay quanh thừng tinh (cuống tinh hoàn) làm tắc nghẽn mạch máu nuôi tinh hoàn. Khoảng một nửa trường hợp xoắn tinh hoàn xảy ra trong lúc ngủ. Triệu chứng điển hình của xoắn tinh hoàn là đau đột ngột và dữ dội ở một bên tinh hoàn, có thể kèm buồn nôn, đau có thể lan lên bẹn, hố chậu. Tinh hoàn xoay qua nằm ngang, bị kéo lên trên và rất đau khi sờ chạm. Nếu không được điều trị cấp cứu (trong vòng 4-6 giờ từ khi bắt đầu đau) tinh hoàn sẽ thiếu máu và hoại tử. Xoắn tinh hoàn gặp nhiều nhất ở độ tuổi 10-20. Tuy nhiên có thể gặp ở nam giới bất kỳ độ tuổi nào.
Một phần ba số bệnh nhân trước đây có bị đau bìu tương tự nhưng không kéo dài lâu rồi tự hết. Chính điều này làm bệnh nhân chủ quan không đến bệnh viện sớm vì nghĩ rằng cơn đau có thể tự hết như lần trước.
Tuy đau bìu cấp còn có thể do những nguyên nhân khác như viêm mào tinh, xoắn mấu phụ tinh hoàn… nhưng chẩn đoán xoắn tinh hoàn phải được nghĩ tới đầu tiên để có hướng chẩn đoán và xử trí kịp thời.
Phóng to |
Hình vẽ tinh hoàn bị xoắn |
Tóm lại, người bệnh khi bị đau cấp tính ở bìu, tinh hoàn nên đi khám ngay trong vòng 4-6 giờ để giữ gìn cơ quan “quý tộc” này.
Ngoài ra, một số bệnh nhân lại có cảm giác đau ở vùng bụng nhiều hơn ở bìu nên chỉ khai đau ở bụng. Không khám kỹ lưỡng sẽ bỏ sót bệnh. Vì vậy có một nguyên tắc mà các giáo sư dặn dò sinh viên y khoa và các bác sĩ trẻ cần nhớ kỹ là: “Một bệnh nhân nam chưa được khám đầy đủ nếu chưa được khám hai tinh hoàn”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận