22/05/2023 08:30 GMT+7

Cấp bách tiếp sức cho doanh nghiệp

Cần Quốc hội đưa ra những chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thực chất và hiệu quả hơn, mang tính dài hơn và bền vững để ngăn tình trạng giải thể, phá sản và làn sóng 'bán mình' của doanh nghiệp có nguy cơ lan rộng.

Cấp bách tiếp sức cho doanh nghiệp - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp ngành dệt may bị sụt giảm về đơn hàng, mong muốn giảm lãi vay và tiếp cận các khoản vay mới với lãi suất thấp. Trong ảnh: công nhân làm việc tại Công ty TNHH Việt Thắng Jean, TP Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Hôm nay 22-5, kỳ họp thứ 5 (Quốc hội khóa XV) khai mạc trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội đang đối diện với những thách thức to lớn trước tác động của suy thoái kinh tế thế giới, lạm phát tăng cao và cầu tiêu dùng suy giảm.

Thủ tướng đã có công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ dứt điểm khó khăn, vướng mắc trong PCCC và đăng kiểm nhưng đến nay chuyển biến chậm. DN đang rất nóng ruột khi kinh tế đã khó khăn, nay lại phải đóng cửa, treo xe chờ thông các thủ tục.
Ông Nguyễn Đình Tuệ (giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM)

Ngăn làn sóng "bán mình" của doanh nghiệp

Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội thẳng thắn nhìn nhận bên cạnh những kết quả đạt được, tăng trưởng kinh tế đạt thấp hơn mục tiêu, hàng loạt các ngành sản xuất chủ lực đang đối diện với khó khăn. Bài toán này cần có lời giải cấp bách để vực dậy kinh tế, tiếp sức cho doanh nghiệp.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Mạc Quốc Anh - phó chủ tịch thường trực kiêm tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội - cho biết doanh nghiệp đang đứng trước bài toán sống còn. Khó khăn lớn nhất là khó vay vốn để duy trì hoạt động. 

Ngoài ra, đơn hàng và sản xuất đều thu hẹp, phương án kinh doanh để vay vốn thiếu khả thi. Trong khi các chi phí nhập khẩu nguyên liệu đầu vào đều tăng, còn sức mua của người dân giảm khiến lượng hàng tồn kho tăng, đơn hàng mới suy giảm từ quý 4-2022 đến nay.

Không chỉ doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó, cả những doanh nghiệp lớn, đa ngành, đa lĩnh vực cũng đều vướng mắc.

"Hàng tồn kho của nhiều ngành sản xuất chủ lực như da giày, dệt may, điện tử, sắt thép, xi măng tăng. Nhiều doanh nghiệp thiếu vốn, không đủ tiền vận hành. Không ít doanh nghiệp phải bán tài sản, thậm chí bán doanh nghiệp giá rẻ", ông Quốc Anh nêu và nhận định nếu các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hồi sức cấp cứu cho doanh nghiệp không đi vào thực chất, từ nay đến năm 2025, làn sóng mua bán - sáp nhập (M&A) sẽ diễn ra nhiều hơn.

Điều đáng lo, theo ông Quốc Anh, làn sóng "bán mình" của doanh nghiệp sẽ để lại hệ lụy lớn tới hàng chục năm. Bởi phải mất nhiều năm mới gây dựng được một thế hệ doanh nghiệp của người Việt. Trong khi đó, các doanh nghiệp FDI đầu tư ở Việt Nam, bên cạnh những mặt tốt, còn nhiều vấn đề đặt ra liên quan đến chuyển giá, trốn thuế, khai thác thị trường nội địa, thay đổi thương hiệu sau khi thôn tính thương hiệu Việt...

Ông đề nghị tập trung tháo gỡ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hấp thụ vốn, giảm lãi suất hoặc ổn định mặt bằng lãi vay. Theo ông, vừa qua ngân hàng đã giảm lãi suất ở mức 0,5 - 1%, nên cố gắng giữ nguyên mức này đến cuối năm 2023, tránh tình trạng "lãi suất thả nổi". Ngoài ra, nên kéo dài việc giảm thuế VAT tới tháng 6-2024, thay sáu tháng để tạo ra tính lan tỏa thiết thực.

Cấp bách tiếp sức cho doanh nghiệp - Ảnh 3.

Cần những chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thực chất và hiệu quả hơn. Trong ảnh: công nhân làm việc tại Công ty TNHH MTV công nghệ cao Điện Quang, TP Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Gỡ vướng thực chất để doanh nghiệp làm ăn

Ngoài những khó khăn chung, theo ông Nguyễn Đình Tuệ (giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM), thủ tục thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy (PCCC) và đăng kiểm xe cơ giới ách tắc vừa nổi lên khiến doanh nghiệp đã khó càng khó.

Ông dẫn chứng về PCCC, chỉ riêng một huyện Hóc Môn đã đình chỉ hơn 40 doanh nghiệp không đủ điều kiện. Nhiều doanh nghiệp đều gặp khó trong xin thẩm định, phê duyệt các công trình. Vướng mắc lớn nhất vẫn là do các tiêu chuẩn đưa ra quá cao, không phù hợp với thực tế ở nước ta.

Ví dụ, quy định về thể tích hồ nước chữa cháy, quy định hiện tăng lên gấp hai, ba lần so với quy định cũ. "Doanh nghiệp đồng tình với việc các cơ sở phải đảm bảo các điều kiện về an toàn PCCC để bảo vệ tính mạng, tài sản. Nhưng các tiêu chuẩn đưa ra phải phù hợp và đảm bảo thủ tục thông thoáng", ông Tuệ nói.

Hay vấn đề về đăng kiểm xe cơ giới, theo ông Tuệ, sau động thái khởi tố của cơ quan công an, nhiều trung tâm đăng kiểm không bố trí đủ nhân lực, quá tải. Doanh nghiệp có xe gặp khó khăn khi đi đăng kiểm, nhiều xe phải bỏ kho chờ đăng kiểm. 

Bối cảnh này rất cần động thái chỉ đạo biện pháp tạm thời của Chính phủ có thể miễn kiểm tra đăng kiểm cho các loại xe trong một khoảng thời gian ba tháng, sáu tháng..., đến khi việc đăng kiểm trở lại bình thường sẽ áp dụng lại quy định.

"DN rất cần đại biểu, các ủy ban của Quốc hội có tiếng nói để các ban, bộ, ngành của Chính phủ đẩy nhanh hơn việc tháo gỡ hai khó khăn trước mắt này", ông Tuệ kiến nghị.

Với bất động sản, ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), nhìn nhận trung ương thấu hiểu khó khăn nhất của các doanh nghiệp bất động sản là vướng mắc về pháp lý. HoREA đánh giá pháp lý chiếm đến 70% tổng vướng mắc. 

"Toàn bộ 156 dự án đang được UBND TP.HCM gỡ vướng đều ách tắc về pháp lý. Trong đó nổi lên hai vướng mắc về luật rất cần Quốc hội có tiếng nói để Chính phủ xem xét trình sửa luật", ông Châu nói.

Theo ông Châu, quy định doanh nghiệp có đất không phải đất ở không được làm dự án rất vô lý, bởi khi nhận chuyển nhượng đất, họ đã lựa chọn khu vực phù hợp quy hoạch phù hợp để làm dự án. Nếu không tháo gỡ, hàng loạt dự án không được phê duyệt, doanh nghiệp ôm đất thiệt hại nặng.

Một vướng mắc nữa là quy định buộc chủ đầu tư phải có sổ đỏ và hoàn thành nghĩa vụ tài chính mới được chuyển nhượng dự án. Quy định này khiến khó chuyển nhượng một số dự án để cơ cấu lại kinh doanh. 

Trong khi đó, trong nghị quyết 142 năm 2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (được gia hạn đến năm 2025) lại cho cơ chế chuyển nhượng dự án kể cả chưa có sổ và chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính.

Ông đề xuất cho các chủ đầu tư tự do chuyển nhượng dự án theo thỏa thuận sau khi có quyết định giao đất (thuê đất) mà không yêu cầu phải có sổ đỏ và không yêu cầu phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính. 

Được vậy, các doanh nghiệp sẽ tạo được thanh khoản, dòng tiền và dự án sẽ được giải cứu. Đơn vị nhận chuyển nhượng khởi động làm dự án, nền kinh tế có lợi, không phải nặng đầu lo nguồn vốn tín dụng cho doanh nghiệp bất động sản. Thị trường bất động sản cũng bớt phụ thuộc nguồn vốn trái phiếu, tín dụng.

Cấp bách tiếp sức cho doanh nghiệp - Ảnh 4.

Nhiều doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Cát Lái (TP Thủ Đức) thu hẹp sản xuất, cho thuê nhà xưởng, kho bãi nhưng từ nhiều tháng nay vẫn chưa có khách hàng (ảnh chụp sáng 14-5) - Ảnh: TỰ TRUNG

Tình hình có thể khó khăn hơn trong thời gian tới

Báo cáo Chính phủ cũng nhìn nhận thực trạng đơn hàng giảm, tồn kho có xu hướng tăng tại nhiều doanh nghiệp trong các ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực. Doanh nghiệp thiếu vốn nhưng có thể phải vay lãi suất cao.

Chính phủ đánh giá thực trạng này đã và đang làm gia tăng thêm áp lực đối với doanh nghiệp để duy trì hoạt động. Số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động bốn tháng giảm 2% so với cùng kỳ 2022 (gần 78.900 doanh nghiệp), trong khi doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 25,1% (77.000).

Chính phủ nhận định tình hình này có thể tiếp tục diễn biến phức tạp, khó khăn hơn trong thời gian tới. Đặc biệt, có việc một số doanh nghiệp lớn hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực phải bán tài sản với giá trị thấp, bị mua lại hoặc sáp nhập để duy trì sản xuất, kinh doanh.

Trong các giải pháp, Chính phủ nhấn mạnh sẽ tiếp tục xem xét hạ lãi suất, ổn định mặt bằng lãi suất cho vay; điều hành tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và động lực tăng trưởng, có giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn.

Bên cạnh đó, sẽ ban hành các chính sách tài khóa, nhất là về thuế, phí, lệ phí... chính sách tiền tệ cũng như các chính sách vĩ mô khác để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, nền kinh tế, người lao động, bảo đảm an sinh xã hội...

Nghiên cứu, đề xuất cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và tiếp tục đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh; trong đó có vướng mắc về PCCC. Tiếp tục giải quyết dứt điểm vấn đề kiểm định xe cơ giới, cũng như tháo gỡ và thúc đẩy phát triển lành mạnh các thị trường tài chính, bất động sản...

Cấp bách tiếp sức cho doanh nghiệp - Ảnh 6.

Gần đây người dân, doanh nghiệp phản ảnh nhiều bất cập liên quan về đăng kiểm - Ảnh: T.T.D.

Cần tổng rà soát các "giấy phép con"

Vài năm gần đây, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành thêm nhiều quy định. Việc này thể hiện tư duy quản lý siết chặt trong điều hành nền kinh tế nhưng nếu quy định mới không phù hợp có thể gây ra các thủ tục rườm rà, đi ngược với quy luật chung của nền kinh tế hiện đại.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Nguyễn Văn Đáng (giảng viên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) nhận định như trên. Ông nói:

Các quy định vốn rất "kém linh hoạt" trước thực tế luôn biến động, có thể dẫn đến phát sinh rất nhiều thủ tục, tạo gánh nặng với người dân, doanh nghiệp.

Sớm lập các "tổ đặc nhiệm"

Sự phát sinh nhiều quy định mới sẽ làm gia tăng thời gian cho việc hoàn thiện thủ tục các dự án đầu tư ở địa phương hoặc cản trở hoạt động của doanh nghiệp. Chẳng hạn, gần đây có nhiều phản ánh liên quan đến những bất cập về đăng kiểm cũng như quy định PCCC. Phổ biến nhất như những quy định về diện tích, xây dựng cầu thang thoát hiểm, vật liệu xây dựng và sơn chống cháy...

Không ít doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đã phải tạm dừng hoạt động, thậm chí tính đến phương án đóng cửa vì khó có thể thực hiện theo được các quy định chưa phù hợp thực tế.

Việc tăng cường các quy chuẩn PCCC, giảm thiểu rủi ro là cần thiết. Nhưng nếu không tính toán kỹ, cứ ban hành và thực hiện một cách máy móc sẽ làm phát sinh thêm các thủ tục, "giấy phép con", "trói buộc" rất lớn. Trạng thái này sẽ gây ra tốn kém thời gian, nguồn lực, thậm chí khiến họ nản chí, làm giảm động lực sản xuất kinh doanh, gây trì trệ cho nền kinh tế.

Do vậy, cần triển khai ngay một đợt tổng rà soát các "giấy phép con" trên cả nước. Trong đó, từ nay đến cuối năm 2023, Quốc hội, Thủ tướng nên xem xét, thành lập các "tổ đặc nhiệm" xử lý những thủ tục không phù hợp.

Đây là những tổ công tác liên ngành phối hợp với các cơ quan trung ương và địa phương để rà soát xem những văn bản nào đang "đẻ ra các thủ tục" gây phiền hà. Đồng thời, họ cần được giao quyền có thể yêu cầu bãi bỏ, hủy ngay những "giấy phép con". Phải thực sự quyết liệt, mạnh tay và cần làm ngay thì mới có thể sớm cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất và kinh doanh.

Không thể chỉ trông chờ vào đột phá cá nhân

Hiện chưa có nghiên cứu quy mô để chỉ ra những nguyên nhân chính xác của tình trạng trì trệ trong bộ máy công quyền ở nước ta. Song hiện tượng trì trệ, "an phận, làm việc cầm chừng..." có thể bắt nguồn từ những tính toán lợi ích cá nhân thiển cận, bất cập của chính sách, thể chế.

Để giải quyết vấn đề này cần tổng thể các giải pháp. Cần khuyến khích, bảo vệ cá nhân dám đột phá. Song về lâu dài, không thể chỉ trông chờ vào đột phá cá nhân cho những chuyển động của cả hệ thống công quyền. Một người có thể sáng tạo, đột phá nhưng bên cạnh lại có 3 - 5 người an phận thì cá nhân đó cũng không thể làm gì được. Thay vào đó, cần hướng đến một nền hành chính công vụ duy lý, hiện đại, vận hành theo pháp luật và được bảo vệ bởi pháp luật.

Kèm theo đó, cần tiếp tục tinh giản biên chế, thu hẹp phạm vi chức năng và nhiệm vụ của hệ thống công quyền... Nâng cao thu nhập cho cán bộ, công chức bằng cách tiến hành nhanh hơn nữa để sớm thực hiện chính sách trả lương theo vị trí việc làm. Sẽ không thể tạo động lực cho cán bộ năng động, sáng tạo nếu vẫn áp dụng chính sách lương cào bằng, chưa giúp đảm bảo cuộc sống tối thiểu.

Bệnh sợ trách nhiệm, không chỉ cần chỉ thị, công điện

Trong hai năm qua, trừ khi bị kỷ luật vì các vi phạm cụ thể còn chưa thấy cán bộ bị thay thế do sợ trách nhiệm, không dám làm. Cần rõ ràng quan điểm sẵn sàng thay thế ngay những cán bộ, nhất là người đứng đầu khi đủ cơ sở khẳng định họ né tránh trách nhiệm, không dám làm. Rất cần "nói đi đôi với làm". Nếu chỉ kêu gọi, ra công điện, chỉ thị đốc thúc nhưng không mạnh tay xử lý sẽ không có sức ép, rất khó thoát ra khỏi trạng thái trì trệ.

THÀNH CHUNG

Cấp bách tiếp sức cho doanh nghiệp - Ảnh 9.

Nhiều doanh nghiệp cho hay lãi suất cho vay cao khiến họ khó tiếp cận nguồn vốn - Ảnh: Q.Đ.

Đại biểu NGUYỄN QUANG HUÂN (đoàn Bình Dương, chủ tịch HĐQT Công ty CP Halcom Việt Nam):

Lãi suất cho vay chỉ giảm trên danh nghĩa

Hiện nay các doanh nghiệp rất gay. Với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu, khó nhất chính là chuỗi cung ứng đứt gãy, thị trường các nước nhập khẩu bị co hẹp... Với các doanh nghiệp liên quan phát triển năng lượng tái tạo lại khó về việc quy hoạch điện 8 dù đã được duyệt nhưng chưa có văn bản hướng dẫn thi hành.

Thứ hai, việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn. Dù phía ngân hàng thông tin lãi suất giảm nhưng thực tế không phải vậy. Bởi ngân hàng thương mại có giảm lãi suất trên danh nghĩa song lại yêu cầu làm dịch vụ khác, cuối cùng lãi suất không xuống.

Bất động sản chững lại, đầu tư công chậm dẫn đến khối doanh nghiệp xây dựng phải làm việc cầm chừng...

Doanh nghiệp đã sử dụng các nguồn lực tích trữ, huy động nguồn tài chính khác để ứng phó. Song việc duy trì quá lâu, trong khi khó khăn đơn hàng, họ không còn chịu được, phải cắt giảm công nhân.

Rất mong Quốc hội, Chính phủ có những biện pháp mạnh mẽ để tháo gỡ, đặc biệt với điều hành kinh tế vĩ mô. Bất động sản cần "hâm nóng", làm sôi động hơn. Với các doanh nghiệp liên quan năng lượng tái tạo, không thể để tình trạng thiếu điện xảy ra nhưng lại nói không thể đấu nối.

Liên quan đầu tư công cũng phải làm rõ nguyên nhân xem vì sao lại giải ngân chậm, là lỗi do cơ chế, chính sách hay do một bộ phận cán bộ không dám làm... để từ đó có biện pháp cụ thể.

Ông KHÚC HỮU THANH HẢI (giám đốc Công ty cổ phần vận tải thương mại và dịch vụ Đất Cảng):

Có những quy định "như trên trời rơi xuống"

Hiện nay với doanh nghiệp, điều khó khăn nhất chính là tiếp cận nguồn tín dụng. Dù ngân hàng đã thông tin giảm lãi suất nhưng thực tế việc giảm này mới chỉ trên góc độ truyền thông là chính. Lãi suất huy động có giảm nhưng lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại với doanh nghiệp vẫn chưa giảm.

Doanh nghiệp của tôi kinh doanh trong lĩnh vực vận tải, theo chủ trương sẽ được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ ngành, nghề bị ảnh hưởng do dịch COVID-19. Song cho đến nay vẫn chưa thấy triển khai hiệu quả. Gói hỗ trợ lãi suất 2% dù được đưa ra từ rất lâu, sắp hết thời hạn nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa thấy được triển khai gì. Chúng tôi vẫn nói với nhau những chính sách hỗ trợ rõ ràng, đơn giản như vậy còn chưa được triển khai thì nói gì đến cái khác.

Đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần có các giải pháp mạnh mẽ để hỗ trợ doanh nghiệp một cách thực chất, hiệu quả.

Đăng kiểm hiện đang rất khó khăn. Ngoài việc chặt chẽ thì có những quy định "như trên trời rơi xuống", thêm khó cho doanh nghiệp. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần có những chỉ đạo mạnh nhằm tháo gỡ.

TIẾN LONG ghi

Sáng nay 22-5, Quốc hội khai mạc kỳ họp thứ 5, quyết định nhân sự cấp caoSáng nay 22-5, Quốc hội khai mạc kỳ họp thứ 5, quyết định nhân sự cấp cao

Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV khai mạc sáng 22-5 dự kiến sẽ họp trong 22 ngày, chia làm 2 đợt. Tại kỳ họp sẽ xem xét nhiều nội dung quan trọng, trong đó có công tác nhân sự.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp