Nếu không có chiến lược thay đổi sớm, sẽ thiệt thòi cho du lịch Việt. Nên miễn thị thực khách Âu đến 30 ngày.
Ngành du lịch đang đóng góp đáng kể cho GDP Việt Nam và được nhận định có nhiều tiềm năng có thể đạt được những mục tiêu cao hơn.
Nhưng hiện nay, dù cấp visa điện tử được triển khai cho du khách, nhưng chúng tôi vẫn khá băn khoăn khi e-visa của Việt Nam chưa mở với nhiều quốc gia.
Việt Nam hiện miễn thị thực cho 24 quốc gia, ít hơn nhiều so với một số quốc gia khác tại ASEAN. Chính sách visa du lịch của Việt Nam chỉ cho du khách vào một tháng, muốn kéo dài phải làm lại thủ tục.
Thực tế, rất nhiều du khách châu Âu muốn ở từ 30-90 ngày, nhất là người hưu trí. Họ thích Việt Nam nhưng có quá ít chính sách visa để lựa chọn. Việt Nam đang miễn giảm thị thực 15 ngày, ngắn hơn nhiều so với nhiều nước ASEAN, thường 30 ngày trở lên.
Điều này không hấp dẫn du khách từ châu Âu. Vì sao? Các chuyến bay từ châu Âu trung bình cần 12 giờ và thường là qua đêm, thành ra thời gian miễn thị thực tại Việt Nam của khách châu Âu chỉ còn 13 ngày.
Chúng tôi khuyến nghị tăng thời gian miễn thị thực cho du khách châu Âu lên 30 ngày, có thêm loại hình visa 3 tháng, 6 tháng cho khách từ một số quốc gia.
Sân bay cần nhanh và thân thiện hơn
Việc cần sắp xếp lại một cách hợp lý, khoa học và thân thiện hơn ngay khu vực nhập cảnh của sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất là cấp bách.
Chúng tôi nhận được nhiều phản ảnh từ các thành viên trong hiệp hội là họ phải xếp hàng chờ đợi nhiều giờ dù họ là doanh nhân, khách hạng C, khách có con nhỏ hay nhóm gia đình.
Thử tưởng tượng một hành khách có con nhỏ vài tháng tuổi, phụ nữ mang thai... phải đợi hàng giờ để nhập cảnh vào Việt Nam. Chúng ta có quầy riêng dành cho người đi xe lăn, khuyết tật nhưng như vậy là chưa đủ.
Phải sắp xếp tổ chức lại việc phân luồng khách làm thủ tục khoa học, nhân văn hơn.
Con người thân thiện, cảnh đẹp, đồ ăn ngon... nhưng sức hấp dẫn sẽ giảm dần nếu chính sách thiếu thân thiện. Cần cải thiện dịch vụ ở sân bay Tân Sơn Nhất.
Trông chờ hồi phục du lịch
Nếu chính sách visa của Việt Nam vẫn cứng nhắc như hiện nay thì đầu tiên, tốc độ hồi phục của ngành du lịch, khách sạn sẽ bị kéo chậm lại so với các nước. Điều đó có nghĩa chúng ta mất nguồn thu, công ăn việc làm cũng như giảm đi cơ hội để du lịch Việt Nam bứt phá sau dịch COVID-19 so với những điểm đến cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam như Thái Lan, Bali (Indonesia) hay Singapore.
Ngay cả Campuchia cũng đang rất nỗ lực và hiện họ đã điều chỉnh mục tiêu đón khách quốc tế trong năm 2023 bằng với mục tiêu của Việt Nam là 8 triệu khách.
Thái Lan đã chủ động mở cửa và họ làm rất tốt. Nếu Việt Nam trễ hơn, đó không phải là tin tốt cho doanh nghiệp du lịch.
Dọc các bãi biển Nha Trang, Phú Yên... thấy cảnh vắng vẻ, công suất khách sạn nhiều khi rất thấp.
Mong được nhập cảnh nhanh hơn
Nhiều khi du khách đông nhưng các quầy thủ tục nhập cảnh không phải lúc nào cũng mở hết. Nhiều du khách phản ảnh với chúng tôi họ phải xếp hàng dài nhưng chỉ có 1/2 quầy mở cửa.
Có những hãng hàng không lớn mà sân bay Việt Nam có thể đề nghị thu thêm phí để khách làm thủ tục nhanh hơn. Tôi biết những hãng bay như Qatar Airways hay Emirates... có mong muốn này vì khách của họ là những thương gia. Hiện nay sự sắp xếp theo đối tượng khách nhập cảnh ở Tân Sơn Nhất rất không rõ ràng và làm cho nhiều nhà đầu tư cảm thấy không được chào đón. Cần xem đó là cửa ngõ, là hình ảnh đầu tiên mà du khách có được với Việt Nam để khách cảm thấy sự thân thiện, chào đón và được giúp đỡ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận