Đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương giờ thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải - Ảnh: T.ĐẠM
Đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, đường cao tốc đầu tiên của cả nước, vốn là niềm tự hào của ngành cầu đường, giờ đã kẹt xe nghiêm trọng.
Tôi có vinh dự được qua đường cao tốc này khi vừa khánh thành, nhiều người cứ tấm tắc khen to đẹp hoành tráng. Nhưng không ít người đã thấy tiếc vì đường nhỏ quá! Đường nhỏ, đông xe thành ra mau xuống cấp.
Nay lại thêm cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và cầu Rạch Miễu (Bến Tre - Tiền Giang) và chắc chắn sẽ còn nhiều tuyến đường khác nữa cùng cảnh ngộ. Nhiều công trình giao thông thường thấy giai đoạn một, giai đoạn hai, có lẽ do kinh phí hạn hẹp nhưng việc này có thể phát sinh chi phí rất lớn bởi đất đai ngày một đắt đỏ cộng với nhiều lý do khác (không loại trừ yếu tố tiêu cực) nên càng thêm tốn kém.
Ông cha ta có câu làm đi không bằng làm lại, sửa sang bao giờ cũng tốn kém. Đi khắp các đô thị, rất dễ thấy những con đường mới mở bề ngang quá nhỏ, không bao lâu thành quá tải. Không khéo ít thời gian nữa thôi, điệp khúc kẹt xe mở rộng đền bù giải tỏa lại diễn ra.
Vậy theo tôi để không phát sinh những hệ lụy về sau, cầu đường cứ mở cho to cho rộng. Cao tốc nào cũng là đường huyết mạch, làm bé quá chẳng mấy chốc phát sinh vấn đề quá tải, tổn thọ công trình.
Đường dự kiến sẽ mở lớn về sau nên giải tỏa rộng từ đầu, khi làm đường có thể làm hai đường riêng, chừa khoảng trống ở giữa, giờ trồng cây trồng hoa, sau này dễ mở rộng hơn, giảm chi phí và thời gian cho khâu đền bù giải tỏa, vấn đề hết sức gay gắt nhạy cảm hiện nay.
Vì vậy mọi công trình giao thông khi thiết kế cũng nên tính đến việc sử dụng hiệu quả cho vài chục năm, thậm chí là trăm năm. Có được như vậy chúng ta mới có những công trình sử dụng lâu dài cho đời con đời cháu và cả trong tương lai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận