Đường cao tốc 66 chạy qua tám bang nước Mỹ - Ảnh: Encyclopædia Britannica
Đường cao tốc là một trong những đòn bẩy cực kỳ quan trọng để phát triển kinh tế, xã hội. Có những đường cao tốc được xây dựng là hình mẫu thành công đáng để học hỏi, nhưng cũng có những con đường là hệ quả của sự kém cỏi, trì trệ, tham nhũng bị người dân gọi là "con đường ô nhục".
Mới đây, Bộ Giao thông vận tải Việt Nam đã phê duyệt đầu tư 12 dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, đánh dấu chính thức kết thúc giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự án, chuyển sang giai đoạn thực hiện. Mục tiêu sẽ hoàn thành xây dựng vào năm 2025 để đưa vào khai thác từ năm 2026.
Đường 66 đã trở thành một phần trong kiếp sống lầm than của những người tha phương cầu thực và tô điểm thêm huyền thoại miền Tây hoang dã.
Giáo sư CAROLINE COURBIÈRES
Con đường di dân về miền đất hứa
Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê duyệt vào tháng 9-2021, định hướng đến năm 2050, tổng chiều dài mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam dài khoảng 9.014km và mạng lưới quốc lộ dài khoảng 29.795km.
Trong giai đoạn 2021 - 2025 sẽ phấn đấu hoàn thành khoảng 1.800km, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc đưa vào khai thác lên khoảng 3.000km để góp phần quan trọng phát triển kinh tế, xã hội đất nước...
Nhà nghỉ Wigwam ở Holbrook (bang Arizona) dọc đường 66 được xây dựng trong những năm 1930-1940 - Ảnh: atomicredhead.com
Trên thế giới, từ lâu các nước đã chú trọng phát triển mạng lưới đường cao tốc quốc gia nhằm mục tiêu phát triển kinh tế. Tại Mỹ, đường cao tốc 66 Mỹ (hay còn gọi là đường 66) đã trở thành con đường nổi tiếng thế giới.
Đường 66 không phải là đường cao tốc dài nhất hoặc lâu đời nhất ở Mỹ nhưng quan trọng đáng kể vì là tuyến đường ngắn nhất hoạt động quanh năm nối liền Chicago (bang Illinois) với Los Angeles (bang California). Tuyến đường dài 3.665km chạy qua tám bang (Illinois, Missouri, Kansas, Oklahoma, Texas, New Mexico, Arizona, California) và ba múi giờ.
Ngày xưa đường 66 chỉ là con đường mòn được các thổ dân Mỹ bản địa đi lại. Trong những năm 1850, những người định cư đầu tiên đã đi trên con đường này vào lúc cơn sốt tìm vàng bùng phát. Theo GS Caroline Courbières (Pháp), có thể chia lịch sử hình thành đường 66 làm bốn giai đoạn.
Ngày 11-7-1916, Tổng thống Woodrow Wilson quyết định xây dựng đường bộ đầu tiên xuyên quốc gia nối liền miền Đông và miền Tây thay vì chỉ đi bằng tàu thủy hoặc xe lửa. 10 năm sau, đường 66 ra đời vào ngày 11-11-1926. Đường chưa được trải nhựa hoàn toàn và thật ra chỉ có thể đi lại trên một phần ba tuyến đường.
Năm 1929, đại suy thoái kinh tế bùng nổ ở Mỹ. Nhiều công nhân thất nghiệp tham gia công trường xây dựng khổng lồ trên đường 66. Phải đến năm 1937, toàn bộ chiều dài đường 66 mới được lát bằng các tấm ximăng Portland.
Trong những năm 1930, bão tố và lốc cát tàn phá mùa màng trong khi nông sản lại rớt giá, hàng ngàn gia đình nông dân vùng Trung Tây phải ly hương theo đường 66 bắt đầu hành trình tìm đến miền đất hứa California. Trong số những người tha phương cầu thực có cả các công nhân và công chức đô thị bị ảnh hưởng đại suy thoái.
Hành trình di dân đã trở thành chất liệu để văn hào John Steinbeck viết cuốn tiểu thuyết Chùm nho uất hận xuất bản năm 1939. Steinbeck đặt biệt danh cho đường 66 sau này là "con đường trốn chạy" và "con đường mẹ" (các đường nhánh đều dẫn vào đó).
Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, đường 66 trở thành con đường tiếp cận tốt nhất đến sa mạc Sonoran và sa mạc Mojave sau khi tướng Patton xây dựng các trại huấn luyện quân sự ở đó vào đầu những năm 1940.
Vợ chồng bà Lucille Hamons mua cây xăng này bên đường 66 ở Hydro (bang Oklahoma) năm 1941. Bà được gọi là “mẹ của con đường mẹ” vì bà thường giúp đỡ những người lái xe lỡ bước - Ảnh: twowheelinreporter.wordpress.com
Hồi sinh con đường huyền thoại
Giai đoạn hai là thời điểm những năm 1950 và 1960. Sau chiến tranh, đường 66 tượng trưng cho tinh thần lạc quan mới dẫn dắt nền kinh tế Mỹ hồi phục. Người dân mua xe hơi háo hức tìm hiểu miền Viễn Tây sau khi nghệ sĩ piano jazz Bobby Troup (1918 - 1999) sáng tác bản nhạc (Get Your Kicks on) Route 66 vào năm 1946. Bài hát nhanh chóng trở thành "quốc ca" của dân lữ hành đường 66.
Đường 66 trở thành đầu tàu kinh tế lôi kéo các địa phương. Các nhà nghỉ, nhà hàng, quán bar, cây xăng, thẩm mỹ viện và rạp chiếu phim ngoài trời mọc lên. Đường 66 được chia thành chặng theo tên các khu nghỉ ngơi theo hình thái "phố thương mại chính" của các doanh nghiệp nhỏ. Điểm mốc nhận dạng là các bảng hiệu đèn neon màu phát sáng.
Ông Angel Delgadillo với biệt danh “Thiên thần hộ mệnh đường 66” và con gái Ảnh: The Republic
Theo trang web Bảo tàng quốc gia về lịch sử Mỹ, đến năm 1954 Tổng thống Eisenhower thành lập Ủy ban Cố vấn của tổng thống về chương trình đường cao tốc quốc gia. Hai năm sau ông ký Luật đường cao tốc liên tiểu bang. Các dự án lớn khởi động.
Từ năm 1956 - 1984, năm đường cao tốc với bốn làn xe chạy tránh khu đô thị dần dần thay thế đường 66. Đường 66 chính thức bị loại bỏ trên bản đồ giao thông vào ngày 27-6-1985. Các thị trấn phồn thịnh ngày nào trở thành "thị trấn ma".
Ở giai đoạn ba xuất hiện ông thợ cắt tóc Angel Delgadillo sinh năm 1927 tại thị trấn nhỏ Seligman (bang Arizona). Ông cùng 15 cư dân thành lập Hiệp hội Đường 66 lịch sử bang Arizona nhằm bảo tồn ký ức đoạn đường đi qua bang với hy vọng khôi phục kinh tế địa phương.
Sáng kiến của ông nhanh chóng được tám bang có đường 66 chạy qua ủng hộ. Các hiệp hội tích cực vận động nhằm phục hồi vai trò lịch sử của đường 66.
Cuối cùng đến giai đoạn đường 66 hồi sinh. Năm 1990, Quốc hội Mỹ thông qua Luật chăm sóc đường 66 công nhận đường 66 "trở thành biểu tượng về di sản của người dân Mỹ về hành trình đi lại và quá trình tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn".
Năm 1998, đường 66 được xem như "phố chính của nước Mỹ" sau khi văn phòng giám sát bảo tồn đường 66 ra đời nhằm khôi phục đường 66 như một biểu tượng quốc gia và điểm đến quốc tế. Con đường mang tên gọi mới là "đường cao tốc lịch sử quốc gia 66". Các dấu tích ven đường đã mất như các bảng hiệu đèn neon và các địa điểm biểu tượng được khôi phục.
Nền tảng lịch sử của đường 66 dựa vào ba đặc điểm: 1) Tuyến đường giữ vai trò quan trọng trong lịch sử Mỹ vào thế kỷ 20 với đặc trưng là hành trình di dân về miền Tây và phát triển du lịch; 2) Đây là một trong những tuyến đường sớm nhất trong mạng lưới đường cao tốc; 3) Tuyến đường biểu tượng cho hành trình tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn và được lưu giữ trong văn hóa dân gian.
Đường 66 là ví dụ điển hình nhất cho thấy một chuyến đi không phải là địa điểm sẽ đến mà là con đường bạn đi để đến địa điểm đó.
Ông Cyrus Stevens Avery (1871 - 1963) ở Tulsa (bang Oklahoma), doanh nhân làm giàu từ dầu mỏ được xem là cha đẻ đường 66. Với vai trò chủ tịch Hiệp hội quốc gia về hệ thống cao tốc tiểu bang, chính ông đã đề xuất làm xa lộ nối Chicago với Los Angeles để phát triển kinh tế bang.
Năm 1925, Cục Đường bộ công cộng làm việc với các bang về hệ thống đánh số các tuyến đường chính liên tiểu bang. Hệ thống này quy định đường trục đông-tây mang số chẵn, đường trục bắc-nam mang số lẻ, các đường trục chính mang số 0.
Tuyến Chicago - Los Angeles đúng ra mang số 62 nhưng ông Avery đã đề xuất chọn số 66 còn trống.
***********
Từ ý tưởng của một tỉ phú tài trợ cho giải đua ôtô tại Mỹ, con đường cao tốc đầu tiên trên thế giới đã nên vóc nên hình ở Ý.
>> Kỳ tới: Ai là người đầu tiên sáng chế đường cao tốc
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận