25/10/2023 06:03 GMT+7

Nguy cơ rình rập trên cao tốc

Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an, vừa phối hợp với các cục nghiệp vụ của Bộ Giao thông vận tải cùng các địa phương khảo sát 11 tuyến, đoạn cao tốc trên cả nước.

Một đoạn tôn hộ lan trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây được nhà thầu tháo ra để xe cộ thi công ra vào tuyến chính với đường gom dân sinh nhưng không có vật cảnh báo - Ảnh: ĐỨC TRONG

Một đoạn tôn hộ lan trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây được nhà thầu tháo ra để xe cộ thi công ra vào tuyến chính với đường gom dân sinh nhưng không có vật cảnh báo - Ảnh: ĐỨC TRONG

Các tuyến, đoạn cao tốc được đưa vào khai thác thời gian qua đã phát huy hiệu quả, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình khai thác, các cao tốc này bộc lộ nhiều bất cập, nguy cơ tai nạn giao thông rình rập...

Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an, vừa phối hợp với các cục nghiệp vụ của Bộ GTVT cùng các địa phương khảo sát 11 tuyến, đoạn cao tốc trên cả nước, phát hiện nhiều bất hợp lý ngay từ khi xây dựng cao tốc.

Cao tốc nhưng không chuẩn cao tốc

Kết quả khảo sát cho thấy có 7 đoạn, tuyến cao tốc không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn như không có dải phân cách cứng, không có làn dừng khẩn cấp hoặc có nhưng chưa đủ bề rộng, không đảm bảo hệ thống chiếu sáng ban đêm, tầm nhìn hạn chế... 

Trên các tuyến, đoạn cao tốc này từng xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, cùng nhiều vụ va chạm khác, nhất là một số tuyến mới đưa vào khai thác.

Điển hình như tuyến Nội Bài - Lào Cai (đoạn từ km123 đến km262) chỉ có hai làn xe chạy, hai làn dừng khẩn cấp nhưng không có dải phân cách giữa, chỉ bố trí các đoạn vượt. Trong khi lưu lượng xe qua lại khoảng 33.000 lượt/ngày, đêm. Các đoạn Cao Bồ - Mai Sơn - quốc lộ 45 (từ km259 đến nút giao quốc lộ 45), tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận (từ km39+750 đến km 1001+126), tuyến Vĩnh Hảo - Phan Thiết, tuyến Nha Trang - Cam Lâm có bốn làn xe chạy, có dải phân cách giữa nhưng không có làn dừng khẩn cấp.

Cứ khoảng từ 4 - 5km là bố trí một điểm dừng xe khẩn cấp. Trong đó, đoạn Cao Bồ - Mai Sơn - quốc lộ 45 có lưu lượng xe qua lại rất lớn, khoảng 60.000 lượt/ngày, đêm. Với tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận là khoảng 38.000 lượt/ngày đêm, Nha Trang - Cam Lâm khoảng 1.500 lượt/ngày đêm... Đoạn Hà Nội - Thái Nguyên (từ km26+100 đến km62+200) có bề rộng làn đường xe chạy chỉ 3,5m, làn dừng khẩn cấp là 1,5m, không đảm bảo theo tiêu chuẩn cao tốc.

Theo tiêu chuẩn đối với cao tốc cho phép chạy tối đa 100km/h, làn xe chạy phải là 3,75m, làn dừng khẩn cấp phải tối thiểu 3m. Lưu lượng xe cộ qua lại đoạn này khoảng 10.000 lượt/ngày đêm. 

Đặc biệt, đoạn La Sơn - Cam Lộ (thuộc dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía đông) chỉ có hai làn xe chạy, bề rộng mặt đường 23m, không có dải phân cách giữa, không có làn dừng khẩn cấp, cứ 10km là bố trí một điểm vượt. Cao tốc này chỉ tương đương đường cấp 3 đồng bằng.

Việc tổ chức giao thông trên các tuyến cao tốc này còn nhiều tồn tại như thiếu người trực chốt, hệ thống hàng rào chưa khép kín nên còn tình trạng người dân tự ý đi bộ vào, xe ba gác, gia súc đi trên cao tốc... 

Có đoạn xảy ra tình trạng rào thép bị cắt bỏ, người dân trèo lên cao tốc để đón xe khách (tuyến Pháp Vân - Mai Sơn, Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên). Cá biệt, tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây từng xảy ra ngập sâu do mưa (ngày 29-7), xe cộ không qua lại được, ùn tắc kéo dài...

Xe vượt lấn hai vạch liền (không có dải phân cách giữa) qua luôn bên phân đường ngược lại trên cao tốc Hà Nội - Lào Cai -  Ảnh: T.T.D

Xe vượt lấn hai vạch liền (không có dải phân cách giữa) qua luôn bên phân đường ngược lại trên cao tốc Hà Nội - Lào Cai - Ảnh: T.T.D

Nguy cơ bủa vây khách đi xe

Ngoài những bất cập trên, đoàn khảo sát còn phát hiện một số tuyến cao tốc khi đưa vào khai thác đã xuống cấp, hằn lún, xe chạy không êm thuận, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. 

Các bất cập này chậm được khắc phục, sửa chữa như ở các tuyến, đoạn: Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên, La Sơn - Cam Lộ. Riêng tuyến Hà Nội - Lào Cai đã đưa vào khai thác, thu phí gần 10 năm trước, lưu lượng xe cộ tăng cao nhưng đến nay vẫn chưa đầu tư mở rộng từ 4 - 6 làn xe theo phê duyệt (đoạn Yên Bái - Lào Cai).

Những tuyến, đoạn không có dải phân cách cứng ở giữa luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Một số tuyến cao tốc chưa bố trí trạm dừng nghỉ cho tài xế, trụ sở làm việc, bãi giữ phương tiện, xử lý vi phạm... gây khó khăn cho lực lượng cảnh sát giao thông tuần tra. 

Với những tuyến, đoạn không có làn dừng khẩn cấp, khi xảy ra sự cố hoặc tai nạn, lực lượng chức năng khó tiếp cận để xử lý sớm, có nguy cơ xảy ra tai nạn liên hoàn và ùn tắc kéo dài.

Điển hình là vụ tai nạn giao thông xảy ra vào sáng 6-8 trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết. Cụ thể, tại km199+100, chiếc xe tải do tài xế Đoàn Minh Thành (25 tuổi) cầm lái chạy theo hướng Vĩnh Hảo vào Phan Thiết đã tông vào đuôi xe tải gắn cần cẩu đang dừng lại để sữa chữa ngay trên đoạn cao tốc không có điểm dừng khẩn cấp. Cú tông khiến phần đầu bên phải xe tải do tài xế Thành lái găm chặt vào đuôi xe tải gắn cần cẩu, người đàn ông ngồi bên ghế phụ tử vong tại chỗ.

Kết quả khảo sát phát hiện 132 mục tồn tại bất hợp lý trên các tuyến, đoạn cao tốc. Theo Bộ Công an, những tồn tại, bất cập trên ảnh hưởng trực tiếp đến công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, tai nạn xảy ra nhiều, trong đó có một số vụ đặc biệt nghiêm trọng. Do đó, Bộ Công an đề nghị Bộ GTVT khẩn trương khắc phục những bất cập này, có lộ trình nâng cấp, cải tạo bảy tuyến cao tốc chưa đạt chuẩn an toàn đường cao tốc.

Trước đó, báo Tuổi Trẻ cũng từng phản ánh nhiều điểm tréo ngoe trên các tuyến cao tốc mới. Đơn cử như cao tốc từ Vĩnh Hảo - Dầu Giây dài 200km nhưng không có một trạm dừng nghỉ, gây bất tiện và nguy hiểm cao độ cho tài xế. Người dân phải dựng "nhà vệ sinh 0 đồng" bên hông cao tốc để người đi xe giải quyết cấp bách. Nhiều đoạn trên cao tốc mất sóng điện thoại, một khi xảy ra sự cố không biết xoay xở thế nào...

Số liệu các vụ tai nạn giao thông đối với bảy cao tốc không đảm bảo tiêu chuẩn - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Số liệu các vụ tai nạn giao thông đối với bảy cao tốc không đảm bảo tiêu chuẩn - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Nghiên cứu hạ cấp đoạn Cam Lộ - La Sơn

Bộ Công an đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu hạ cấp khai thác tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn đảm bảo đúng quy định. Trên thực tế, tuyến Cam Lộ - La Sơn và La Sơn - Túy Loan có kết cấu hạ tầng, hệ thống tổ chức giao thông giống nhau nhưng công bố khai thác khác nhau, gây khó khăn trong công tác đảm bảo an toàn giao thông. Nhiều hành vi vi phạm được quy định xử phạt mức cao đối với đường cao tốc nhưng không đúng với đường cấp 3 đồng bằng, dễ gây khiếu kiện. Phương án tổ chức giao thông tạm thời đối với tuyến này đã hết thời hạn (30-6-2023), nhưng vẫn chưa có phương án thay thế.

Theo Bộ Công An trong lúc chờ Bộ GTVT xây dựng trung tâm quản lý, điều hành đối với các tuyến đang khai thác Bộ GTVT phải bố trí ngay bãi tạm giữ phương tiện và nhà làm việc của lực lượng tuần tra trên cao tốc.

Nhiều nút giao vẫn đang thi công ngổn ngang

Theo ghi nhận của chúng tôi trên hai tuyến cao tốc mới từ Vĩnh Hảo - Dầu Giây (khoảng 200km), nhiều bất cập, tồn tại vẫn chưa được chủ đầu tư và nhà thầu khắc phục. Ngoài nút giao từ quốc lộ 1 dẫn vào cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết cơ bản hoàn thiện, hàng loạt nút giao khác như: Chợ Lầu, Đại Ninh, Ma Lâm, Ba Bàu, Sông Phan, tỉnh lộ 720 (Bình Thuận); quốc lộ 1, tỉnh lộ 715, quốc lộ 56 (Đồng Nai) vẫn đang ngổn ngang.

Các nút giao vẫn chưa có điện chiếu sáng, tài xế rất khó quan sát ra vào cao tốc với các đường nhánh vào ban đêm. Do chưa có trạm dừng nghỉ nên vào ban đêm, tài xế cho đậu vào làn dừng khẩn cấp ở các nút giao để ngủ, rất nguy hiểm. Tại nút giao Ba Bàu (huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận), ngay từ khi đưa vào khai thác đã xảy ra "xung đột" giữa hai luồng xe ra vào cao tốc, luôn trong tư thế "đối đầu", gây ra tình trạng ùn tắc cục bộ, chưa kể nhiều vụ va chạm giao thông đã xảy ra.

Trên tuyến chính cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, nhiều điểm nhà thầu mở tôn hộ lan nhưng không cảnh báo, đất cát rơi vãi. Nhiều đoạn bị cỏ cây hai bên che khuất cọc tiêu phản quang, tôn hộ lan. Sau vài cơn mưa, nhiều đoạn trên cao tốc này có mái ta luy xói lở, trôi đất cát ngập hết rảnh thoát nước. Nhiều khoảnh đất trống từ hàng rào dân sinh đến tuyến chính của cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, người dân vô tư chăn thả gia súc.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, tài xế Nguyễn Thành Vương cho biết từng bị đá văng vỡ kính trước khi đang chạy ô tô con với tốc độ cao trên tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Không ít ô tô bị vật sắt nhọn đâm thủng lớp, nhưng gọi cho cứu hộ rất khó khăn và tốn kém.

* TS.KTS Nguyễn Bảo Thành (chuyên gia ngành xây dựng):

Chọn nhà đầu tư có năng lực, hạn chế đầu tư "cuốn chiếu"

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chưa có làn dừng khẩn cấp (ảnh chụp chiều 19-7) - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chưa có làn dừng khẩn cấp (ảnh chụp chiều 19-7) - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Thực tế có một số tuyến cao tốc đã hoạt động nhưng không có làn dừng khẩn cấp hoặc không đảm bảo hệ thống chiếu sáng, có dấu hiệu xuống cấp, gây mất an toàn giao thông, dễ ùn tắc giao thông vào những ngày cao điểm...

Một số tuyến cao tốc như Trung Lương - Mỹ Thuận không có làn dừng khẩn cấp gây khó khăn cho người dân đi lại, vận tải hàng hóa. Một số tuyến khác cũng thiếu làn dừng khẩn cấp hoặc có nhưng chưa đủ chất lượng. Khi xảy ra sự cố giao thông, lực lượng chức năng khó tiếp cận xử lý ngay. Nguyên nhân xuất phát từ nguồn vốn đầu tư hạn hẹp, việc mở rộng đường và thêm làn khẩn cấp thường được bố trí vào giai đoạn 2.

Trong khi đó, nếu các tuyến cao tốc được đầu tư đầy đủ, đúng các quy chuẩn kỹ thuật đồng bộ sẽ giảm nguy cơ ùn tắc và tai nạn có thể xảy ra, chưa kể việc đi lại của người dân sẽ thuận lợi, thúc đẩy liên kết vùng, phát triển kinh tế - xã hội nhanh. Để làm được điều này, câu chuyện về vốn cần được giải quyết đầu tiên. Từ giai đoạn ban đầu, ngành giao thông cần xác định bám sát quy hoạch dài hơi, khơi thông nguồn lực đầu tư đảm bảo nguồn vốn triển khai không bị manh mún, "cuốn chiếu".

Quá trình xây dựng phải tuân thủ quy chuẩn đường cao tốc bao gồm các làn, làn khẩn cấp, trạm dừng nghỉ, điều kiện chiếu sáng, kết cấu đường... Căn cứ vào nguồn vốn, chúng ta có thể rút ngắn số km đảm bảo chất lượng giai đoạn 1 và tiếp tục nối dài ở giai đoạn tiếp theo. Cùng với đó, cần chọn nhà đầu tư và đơn vị thi công có năng lực, kinh nghiệm để quá trình xây dựng, quản lý vận hành và khai thác đạt hiệu quả cao, đáp ứng được nhu cầu người dân, sự an toàn nhất định.

Về lâu dài, các công trình đường cao tốc mới phải chú trọng đến vấn đề vốn, quy chuẩn kỹ thuật như đã nói ở trên. Ngoài ra, đường cao tốc sẽ hòa vào mạng lưới cao tốc Bắc - Nam. Chính vì vậy, phải có sự đồng bộ trong quy chuẩn làm đường cao tốc thì khi hoàn thiện mới vận hành trơn tru, đạt hiệu quả kết nối giao thông cao nhất.

Tài xế xe tải lấy khăn vải che biển số để đi lùi trên cao tốcTài xế xe tải lấy khăn vải che biển số để đi lùi trên cao tốc

Tài xế xe tải chạy 'lố', sau đó dùng khăn vải che biển số rồi đi lùi trên cao tốc Long Thành - Dầu Giây để vào quốc lộ 51, bị cảnh sát giao thông phát hiện, xử lý.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp