18/01/2024 10:59 GMT+7

Cao tốc, cầu lớn miền Tây sẵn sàng, cả Đồng bằng sông Cửu Long rạo rực làm ăn

Đầu năm mới 2024, liên tục các tuyến cao tốc và cầu lớn tại miền Tây được đưa vào sử dụng tạo ra hấp lực mới đón nhiều nhà đầu tư, mở ra nhiều cơ hội làm ăn lớn.

Giao thông đi trước, kinh tế theo sau. Cầu Mỹ Thuận 2 mở ra cơ hội đưa các dự án mới về miền Tây - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Giao thông đi trước, kinh tế theo sau. Cầu Mỹ Thuận 2 mở ra cơ hội đưa các dự án mới về miền Tây - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Tôi rất tâm đắc với câu nói "Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau". Nhưng hiện nay tôi nghe rất nhiều người dân Đồng bằng sông Cửu Long nói với nhau rằng "Bây giờ muốn đi nhanh và xa thì phải đi cao tốc". Cầu Mỹ Thuận 2 góp phần đáp ứng ước mong đó.
Ông Nguyễn Văn Vĩnh (chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang)

Giao thông đi trước, kinh tế theo sau, các công trình giao thông hình thành đang tạo ra đột phá cực lớn với vùng đất đồng bằng. Việc đi lại thuận lợi, thời gian rút ngắn, doanh nghiệp có thêm nhiều cơ hội đầu tư.

Đầu tư mở rộng sản xuất, tuyển công nhân trở lại

Tin vui đến với người dân miền Tây khi những ngày cuối năm 2023, tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 được đưa vào sử dụng, giúp kết nối TP.HCM với TP Cần Thơ thuận lợi hơn. Thời gian đi từ TP.HCM đến Cần Thơ rút ngắn còn khoảng 2 giờ thay vì 3 đến 4 giờ như trước đây.

Đường thông thoáng, thuận lợi không những giúp người dân đi lại dễ dàng mà còn mở ra nhiều cơ hội làm ăn mới cho doanh nghiệp. Theo ông Hồ Quốc Lực - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta: "Hạ tầng giao thông như mạch máu, khi mạch máu được khơi thông thì cơ thể mới khỏe mạnh.

Chúng tôi là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu tôm mạnh ở Đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2023, công ty xuất khẩu tôm đạt trên 210 triệu USD.

Ngoài ra còn có vùng nuôi tôm nguyên liệu ở thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) với diện tích trên 550ha. Khi giao thông kết nối, đi lại thuận lợi, doanh nghiệp chúng tôi rất phấn khởi, tự tin đầu tư mở rộng sản xuất".

Không chỉ những tuyến cao tốc mới được đưa vào sử dụng, hiện nay ở nhiều địa phương tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang rầm rộ triển khai các dự án làm đường mới, mở rộng đường hiện hữu, xóa cầu hẹp, làm cầu mới...

Ông Lực cho rằng chưa bao giờ ở Đồng bằng sông Cửu Long vấn đề hạ tầng được quan tâm và đầu tư nhanh với số tiền lớn như giai đoạn hiện nay.

Nhiều công trình giao thông huyết mạch kết nối vùng đã được đưa vào sử dụng.

Còn các công trình giao thông trọng điểm khác đang làm cũng được Chính phủ, địa phương cam kết mạnh mẽ, thúc đẩy tiến độ để sớm đưa vào sử dụng trong thời gian tới.

"Đáng lẽ điều này đến sớm hơn chục năm thì diện mạo đồng bằng sẽ khởi sắc hẳn. Nhưng chúng ta biết nguồn lực quốc gia có hạn, hiện trạng bây giờ cũng là một tin vui, niềm hân hoan không nhỏ cho người đồng bằng.

Riêng với các doanh nghiệp, hạ tầng giao thông kết nối sẽ giúp giảm thời gian, chi phí cho hoạt động vận chuyển, tăng sức cạnh tranh", ông Lực nói.

Nắm bắt những lợi thế khi đường sá thông suốt, nhiều doanh nghiệp đã đón đầu mở rộng sản xuất ngay những ngày đầu năm 2024.

Ông Nguyễn Quốc Linh (Tiền Giang) cho hay trong những năm qua ngành may mặc bị ảnh hưởng nặng nề do tình hình tiêu thụ trên thế giới bị chậm lại. Xưởng sản xuất quần áo, ba lô túi xách của ông cũng không ngoại lệ khi phải cắt giảm nhân công, đóng cửa 1 xưởng.

"Việc đóng cửa xưởng không phải vì không có nguồn hàng mà do đường sá đi lại khó khăn, việc chở nguyên liệu, thành phẩm chiếm một phần lớn chi phí. Nhưng hiện nay cao tốc đã về tận nơi, ngay đầu năm 2024 tôi đã xây dựng lại xưởng và tuyển công nhân chuẩn bị làm lại" - ông Linh nói.

Giao thông đi trước, kinh tế theo sau. Cầu Mỹ Thuận 2 mở ra cơ hội đưa các dự án mới về miền Tây - Ảnh: CHÍ QUỐC

Giao thông đi trước, kinh tế theo sau. Cầu Mỹ Thuận 2 mở ra cơ hội đưa các dự án mới về miền Tây - Ảnh: CHÍ QUỐC

Làn sóng đầu tư mới

Đi kèm với những khởi sắc về hạ tầng giao thông, một số tỉnh tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu đón nhận những làn sóng đầu tư mới.

Ông Ngô Thanh Toàn - phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Sóc Trăng - nói rất phấn khởi khi vào những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024 số doanh nghiệp đăng ký mới tăng mạnh với trên 110 doanh nghiệp.

Đặc biệt, sau khi cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ được khai thác, kết nối toàn tuyến, rút ngắn thời gian từ TP.HCM đi các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đã đến Sóc Trăng khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Ông Toàn nói những ngày đầu năm mới 2024, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng đã tiếp nhiều tập đoàn, nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tỉnh tìm cơ hội, hợp tác làm ăn.

Theo ông Toàn, hiện nhiều đường kết nối Đồng bằng sông Cửu Long đang được quan tâm đầu tư, trong đó phải kể đến là cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; cao tốc Cần Thơ - Cà Mau; mở rộng quốc lộ Nam sông Hậu và cảng biển Trần Đề - Sóc Trăng. Sóc Trăng cũng đang triển khai nhiều khu, cụm công nghiệp... nên kỳ vọng sắp tới sẽ thu hút nhiều doanh nghiệp đến đầu tư.

"Không chỉ trải thảm kêu gọi doanh nghiệp, Sóc Trăng còn mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính.

Lãnh đạo tỉnh còn yêu cầu các sở, ngành ngoài nghiên cứu thực hiện những ưu đãi theo quy định, cần đề xuất, hiến kế thêm cơ chế đặc thù, linh hoạt vì lợi ích chung, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp hoạt động, giải quyết việc làm, hạn chế tình trạng người dân bỏ xứ đi làm ăn xa", ông Toàn nói.

Theo ông Lữ Quang Ngời - chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, tuyến đường bộ cao tốc đoạn qua tỉnh Vĩnh Long có 2 dự án gồm cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2.

Hai dự án đưa vào sử dụng góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông, hệ thống vận tải, logistics khu vực. Qua đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất tốt hơn, thu hút đầu tư vào các vùng đã quy hoạch phát triển sản xuất kinh doanh, các khu, cụm công nghiệp.

Đối với Vĩnh Long, hai dự án này khi đưa vào khai thác, bên cạnh việc giúp giảm áp lực của cầu Mỹ Thuận hiện hữu và giao thông quốc lộ 1 qua tỉnh, còn giúp giảm chi phí logistics, rút ngắn thời gian vận chuyển từ TP.HCM về Vĩnh Long.

"Thời gian tới, tỉnh Vĩnh Long sẽ tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội của địa phương, trong đó tập trung đầu tư phát triển, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật (giao thông, thủy lợi...).

Đặc biệt là ưu tiên xây dựng trục động lực, các tuyến đường chính, các tuyến đường liên kết vùng để tăng tính kết nối với tuyến cao tốc và từng bước hình thành, phát triển hai hành lang kinh tế của tỉnh (hành lang kinh tế dọc sông Hậu, hành lang kinh tế dọc sông Tiền). Qua đó, sẵn sàng đón thêm nhiều nhà đầu tư mới" - ông Ngời nói.

Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ dài 23km, đi qua tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ dài 23km, đi qua tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Cần chính sách ưu đãi, nhân lực cao

Trong khi đó, nói rõ hơn về những kỳ vọng thu hút các dự án lớn, ông Lê Quốc Phong - bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp - cho biết: "Thời gian qua hạ tầng giao thông tại địa phương đang được tập trung thúc đẩy, hoàn thiện.

Cao tốc Cao Lãnh - An Hữu đang đẩy nhanh tiến độ thi công, khi đưa vào sử dụng sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ TP.HCM đến Đồng Tháp còn khoảng hai giờ.

Hệ thống giao thông thủy, với hai bến cảng nằm bên bờ sông Tiền giúp vận chuyển hàng hóa thuận tiện ra Biển Đông và Campuchia.

Cùng với đó là những chính sách ưu đãi, thủ tục hành chính nhanh chóng... đang mở rộng cửa chào đón nhà đầu tư".

Ông Phong cho biết thời gian qua tỉnh đã triển khai nhiều dự án để đón nhà đầu tư với nhiều khu, cụm công nghiệp như Tân Kiều, Tân Lập, Trường Xuân, Quảng Khánh, Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Đồng Tháp.

Ông Mizushima Kozo - chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.HCM - cho rằng khi các doanh nghiệp đang dịch chuyển đầu tư ra khỏi thị trường Trung Quốc và đi tìm thị trường mới, có hơn 1.000 doanh nghiệp đang đầu tư tại các tỉnh thành phía Nam.

"Để thu hút doanh nghiệp Nhật Bản, Đồng Tháp cần có hai yếu tố quan trọng là hạ tầng giao thông liên kết với thành phố lớn; có chiến lược về nguồn nhân lực, trọng tâm là nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực cấp quản lý", ông Kozo nói.

Cao tốc, cầu lớn miền Tây sẵn sàng, cả Đồng bằng sông Cửu Long rạo rực làm ăn- Ảnh 11.

Đồng bằng sông Cửu Long còn cần phải làm những gì?

Ông Nguyễn Phương Lam, giám đốc VCCI chi nhánh Đồng bằng sông Cửu Long, cho rằng cao tốc kết nối từ TP.HCM tới Cần Thơ đã giải quyết gần như một nửa chặng đường và cơ bản đạt được các vấn đề yêu cầu của sự phát triển ở miền Tây.

Cùng với việc hoàn thành các dự án hạ tầng giao thông, các tỉnh ĐBSCL cần nhanh chóng triển khai quy hoạch tích hợp để chuẩn bị địa điểm, mặt bằng, nguồn nguyên liệu, nhân lực... nhằm thu hút các nhà đầu tư đến làm ăn.

Cùng với giao thông, việc xây dựng hạ tầng khu công nghiệp và logistics, các địa phương phải làm song hành. "Hai cái này sẽ giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến đây nhiều hơn. Nó sẽ giải quyết việc làm, tăng tỉ lệ tốc độ tăng trưởng của các địa phương", ông Lam nhận định.

Ông Lam cũng cho biết đã làm việc với tập đoàn lớn thứ hai của Nhật Bản về logistics, đó là Tập đoàn SENKO, và chắc chắn họ sẽ đầu tư tại miền Tây.

Đồng thời Cơ quan Xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) đã từng gửi thông điệp "trong 5 năm tới ĐBSCL là tâm điểm của các nhà đầu tư Hàn Quốc". Đó là cơ hội của các địa phương miền Tây.

Đối với nhà đầu tư Nhật Bản, ông Lam cho rằng những vấn đề lớn của miền Tây đã đủ sức hấp dẫn họ. Tuy nhiên, cũng như nhà đầu tư Nhật, các nhà đầu tư Hàn Quốc đề nghị làm sao thủ tục hành chính cho nhanh gọn, càng nhanh càng tốt. Nhà đầu tư sẽ nhìn thấy cơ hội, hạ tầng phát triển đến đâu thì nhà đầu tư sẽ đến đó.

"Đối với một địa phương, hiện nay cái lớn nhất là những chính sách ưu tiên và hỗ trợ doanh nghiệp. Nhà đầu tư cần sự cam kết thông suốt, chứ hiện nay có tình trạng lãnh đạo cam kết nhưng các cơ quan chuyên môn lại có góc nhìn khác khiến doanh nghiệp bối rối" - ông Lam phân tích.

Trong khi đó, ông Phạm Duy Tín - trưởng Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ - cho biết VSIP Cần Thơ sẽ thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ, giải quyết nhu cầu việc làm cho người dân địa phương và các tỉnh lân cận. "Người lao động của địa phương đang làm việc tại các tỉnh thành xa quê có cơ hội quay về làm việc", ông Tín nói.

Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ đã ký kết hợp tác với Trường đại học Nam Cần Thơ để đào tạo, cung ứng nguồn lao động chất lượng, trong đó có Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ.

Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Cần Thơ cũng đang thống kê lại nhu cầu sử dụng lao động tại Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ và triển khai đến các trường đại học để đào tạo, giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ giai đoạn 1 sẽ giải quyết việc làm cho 20.000 - 30.000 lao động - Ảnh: LÊ DÂN

Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ giai đoạn 1 sẽ giải quyết việc làm cho 20.000 - 30.000 lao động - Ảnh: LÊ DÂN

VSIP Cần Thơ tạo việc làm cho 20.000 - 30.000 người

Một dự án khu công nghiệp lớn được xem là dự án tạo động lực cho Cần Thơ và ĐBSCL là Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ.

Dự án được thực hiện bởi ba nhà đầu tư là Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - công ty cổ phần, Công ty liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore và Công ty cổ phần Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore.

Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất Cần Thơ, để đón đầu thu hút làn sóng nhà đầu tư vào Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ khi cao tốc từ TP.HCM về Cần Thơ liền mạch, UBND TP Cần Thơ đã chỉ đạo các nhà thầu thi công gấp rút hoàn thiện mặt bằng xây dựng giai đoạn 1 quy mô rộng hơn 293ha tại huyện Vĩnh Thạnh, nhờ vậy đến nay đã giải phóng mặt bằng được hơn 207ha.

Cũng theo Trung tâm Phát triển quỹ đất Cần Thơ, giai đoạn 1 của VSIP Cần Thơ có tổng vốn đầu tư hơn 3.717 tỉ đồng, khi đi vào hoạt động sẽ giải quyết việc làm cho 20.000 - 30.000 lao động.

Dự án khởi công tháng 9-2023, dự kiến quý 3-2024 sẽ bàn giao cho các nhà đầu tư thứ cấp triển khai các dự án xây dựng nhà máy. Đến nay đã có hàng chục doanh nghiệp ký biên bản ghi nhớ thuê đất với các ngành nghề dịch vụ kho bãi, thiết bị y tế, thực phẩm, cơ khí chính xác... với tổng vốn đầu tư hàng trăm triệu USD.

Đường về miền Tây đã gần hơnĐường về miền Tây đã gần hơn

Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, khu vực các tỉnh miền Tây được quy hoạch sáu tuyến cao tốc với tổng chiều dài khoảng 1.166km, quy mô 4-6 làn xe.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp