10/08/2017 08:58 GMT+7

'Cao tốc 10km/h' - viễn cảnh kẹt xe khu sân bay Long Thành

NGỌC ẨN - THU DUNG - HÀ MI
NGỌC ẨN - THU DUNG - HÀ MI

TTO - Tình trạng ùn tắc trên các tuyến đường ở khu vực dự án sân bay Long Thành đang khiến nhiều người lo ngại về một viễn cảnh "kẹt cứng" khi sân bay này đi vào hoạt động.

Kẹt xe nhiều giờ trên đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây - Ảnh: NAM TRẦN

Ở ngay nút giao lên cao tốc chỉ cần 2 chiếc container đi vào là các xe ùn tắc ngay

Ông Ngô Thế Ân (chủ tịch UBND huyện Long Thành, Đồng Nai)

Trong khi dự án sân bay Long Thành đang tiến hành các thủ tục để trình Quốc hội thì các tuyến đường ở khu vực dự án sân bay như cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, quốc lộ 51 đang bị ùn tắc. Điều này gây lo ngại về viễn cảnh kẹt xe khu vực sân bay Long Thành trong tương lai gần.

Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cho hay hiện tuyến đường cao tốc kết nối với quốc lộ 51 “ùn tắc với tần suất ngày càng nhiều và người tham gia giao thông đang bức xúc.

Đặc biệt vào những ngày cuối tuần, xe cộ ùn ứ hơn 1 tiếng đồng hồ ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dân, các doanh nghiệp vận tải”.

Đường cao tốc 10 km/h!

Theo ghi nhận của chúng tôi, tình trạng ùn xe thường xảy ra nhất vào những ngày cuối tuần.

Ở hướng từ TP.HCM đi Long Thành, khu vực trước và sau trạm thu phí Long Phước (Q.9) tập trung đông đúc ôtô, xe tải xếp hàng chờ lấy thẻ qua trạm thu phí, dòng xe kéo dài gần 5km trên đường cao tốc. Từng xe chậm chạp di chuyển nhích từng chút.

Một vài tài xế ôtô than thở: “Người dân đi cao tốc phải đóng phí cao mà tình trạng kẹt xe còn nghiêm trọng hơn đi đường bình thường. Rất nhiều tài xế xe hàng kêu khổ vì kẹt xe quá lâu nên việc giao nhận hàng cho khách lúc nào cũng chậm trễ”.

Ở hướng đi từ quốc lộ 51 về TP.HCM đang triển khai hệ thống thu phí khép kín, tài xế buộc phải thêm 1 lần dừng lại lấy thẻ ở đường dẫn vào cao tốc nên tình trạng ùn tắc giao thông càng nặng nề hơn.

Ông Nguyễn Văn Phú - một tài xế thường xuyên đi qua đoạn đường này - cho biết vào thứ bảy, chủ nhật phải mất cả tiếng mới có thể đi được đoạn đường ngắn 3km trên đường cao tốc.

Cứ qua khỏi trạm thu phí Long Phước lại xảy ra ùn tắc trên đoạn đường dẫn dài khoảng 4-5km.

Theo thiết kế, tốc độ xe lưu thông trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây là 120 km/h nhưng thực tế có lúc xe chỉ chạy được chừng 10 km/h!

Tình trạng ùn ứ, tắc đường còn xảy ra ngay đoạn đầu đường cao tốc ở địa bàn Q.2 tại nút giao An Phú (điểm gặp nhau của tuyến đường Lương Định Của, Mai Chí Thọ, Nguyễn Thị Định), vào các ngày thường đều bị kẹt xe vào giờ cao điểm, kéo theo đường cao tốc cũng bị ùn tắc.

Ông Trần Thanh Phong - một tài xế - cho biết trên đoạn này có ba chốt đèn đỏ với thời lượng luôn là 120 giây, đèn đỏ quá lâu nên xe luôn bị dồn ứ trước các chốt, dẫn đến tắc cả khu vực.

Kẹt xe trên đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây - Ảnh: HỮU KHOA
Đồ họa: V.CƯỜNG

Điều này gây lo ngại về viễn cảnh kẹt xe khu vực sân bay Long Thành trong tương lai gần.

Quá tải, trạm thu phí không hợp lý

Theo Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc VN (VEC E) thuộc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC), trong 6 tháng đầu năm nay lượng xe trên đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây tăng 17% so với cùng kỳ năm 2016.

Trong đó vào những ngày cuối tuần có đến 40.000 - 43.000 xe lưu thông/ngày, còn vào dịp Tết Nguyên đán 2017 có thời điểm đến 73.000 xe/ngày. Lượng xe quá lớn khiến đường cao tốc này gần như quá tải.

VEC E cho biết có 4 vị trí thường xuyên bị kẹt xe: tại nút giao thông An Phú (Q.2), tại nhánh D nút giao thông quốc lộ 51, tại nút giao quốc lộ 51 với đường cao tốc và tại trạm thu phí Long Phước.

Theo ông Nguyễn Viết Tân - giám đốc VEC E, ngoài những điểm kẹt xe trên còn có điểm kẹt xe ở cầu Long Thành.

Do lượng xe quá đông trên đường cao tốc (có 6 làn, trong đó có 2 làn dừng khẩn cấp) nên nhiều lái xe vi phạm chạy cả vào làn dừng khẩn cấp khi đến cầu Long Thành thì bị “thắt cổ chai” do mặt cầu được thiết kế cho 4 làn xe (không có 2 làn dừng khẩn cấp).

Trả lời PV Tuổi Trẻ về hiện trạng ùn tắc giao thông, ông Nguyễn Bôn - chánh văn phòng Ban an toàn giao thông tỉnh Đồng Nai - cho biết: “Tỉnh Đồng Nai đã cùng các đại diện quản lý đường cao tốc xác định được nguyên nhân gây kẹt xe là do bố trí vòng xoay, đặt trạm thu phí của đường cao tốc ở nút giao huyện Long Thành chưa hợp lý nên gây ùn tắc giao thông thường xuyên vào ba ngày cuối tuần”.

Giải pháp nào?

Đã có nhiều giải pháp kéo giảm kẹt xe trên đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây nhưng chưa được cơ quan chức năng và người dân đồng tình.

Chẳng hạn, cuối năm 2016 VEC đã đề xuất với Bộ GTVT cần giảm giá giờ thấp điểm và tăng phí đi giờ cao điểm để thu hút lượng xe đi giờ thấp điểm, giảm áp lực xe lưu thông trong giờ cao điểm.

Trao đổi với PV Tuổi Trẻ, ông Mai Tuấn Anh - chủ tịch hội đồng thành viên VEC - cho biết đến nay Bộ GTVT đã không đồng thuận với phương án tăng mức phí trong giờ cao điểm.

Tương tự, VEC E đề xuất khi áp lực xe từ quốc lộ 51 đổ về đường cao tốc hướng về TP.HCM quá đông thì lực lượng giao thông nên điều tiết xe về ngã ba Vũng Tàu đi về xa lộ Hà Nội. Thế nhưng nhiều chủ xe không đồng tình đường đi quá xa và cũng bị kẹt xe trên xa lộ Hà Nội.

Về biện pháp giải quyết kẹt xe tạm thời, ông Nguyễn Viết Tân cho biết làm thêm 4 làn thu phí tại trạm thu phí Long Phước, lắp đặt biển phân làn xe tải riêng, xe con riêng khi qua cầu Long Thành.

Cải tạo nút giao thông quốc lộ 51 theo hướng thu nhỏ đảo tròn, mở rộng nhánh A và xây thêm 1 làn thu phí tại nhánh A. Đồng thời mở thêm vị trí quay đầu xe tại km24+050 để điều tiết dòng xe...

Trả lời về ý kiến cho rằng bố trí chu kỳ đèn chưa hợp lý ở nút giao thông An Phú (Q.2) khiến dòng xe từ đường cao tốc về đường Mai Chí Thọ thường xuyên bị kẹt, ông Lê Minh Triết - giám đốc Trung tâm quản lý đường hầm sông Sài Gòn, đơn vị quản lý đèn tín hiệu nút giao thông An Phú - cho biết sẽ cho kiểm tra quản lý đèn tín hiệu.

Theo Sở GTVT, để giải quyết triệt để kẹt xe tại nút giao thông này, mới đây UBND TP.HCM vừa trình Bộ GTVT đầu tư giai đoạn 1 hơn 1.000 tỉ đồng xây dựng cầu vượt, hầm chui tại đây.

Tiến sĩ Vũ Anh Tuấn (Đại học Việt Đức):

Quá tải sớm do không lường trước phát triển

Ảnh: HỮU KHOA
 

Đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây là tuyến đường huyết mạch kết nối TP.HCM với các tỉnh miền Đông Nam Bộ.

Tuy nhiên khi thiết kế, nhà đầu tư đã không lường trước được sự phát triển nhanh chóng của đường này, dẫn đến tình trạng quá tải sớm như hiện nay, đường ùn tắc, kẹt xe thường xuyên.

Trong khi đó, chúng ta đang đẩy nhanh việc xây dựng sân bay Long Thành.

Như vậy, áp lực giao thông gia tăng, vấn nạn ùn tắc trên đường cao tốc, quốc lộ 51 và xung quanh sân bay Long Thành sẽ càng trầm trọng hơn bây giờ, thiệt hại về kinh tế rất lớn. Vì vậy, chúng ta cần sớm có biện pháp khắc phục tình trạng này.

Cụ thể, nhà đầu tư cần đẩy nhanh giai đoạn 2 của việc xây dựng cao tốc bằng việc mở rộng thêm làn đường, tỉnh Đồng Nai cần kiến nghị sớm triển khai xây dựng tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu để giảm tải cho quốc lộ 51, đồng thời triển khai các tuyến đường vành đai 3, vành đai 4... kết nối vào khu vực sân bay Long Thành...

Thiếu nguồn lực kết nối giao thông sân bay Long Thành

Trao đổi với Tuổi Trẻ về hệ thống giao thông kết nối sân bay Long Thành, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết đã quy hoạch đầy đủ.

Theo đó, sân bay Long Thành được kết nối vào đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, kết nối đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, kết nối với đường vành đai 4 TP.HCM, kết nối ngầm trước mặt nhà ga với tuyến đường sắt đô thị Thủ Thiêm - Long Thành, kết nối với đường sắt tốc độ cao TP.HCM - Nha Trang.

Đến thời điểm này, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã làm đến Dầu Giây, cách sân bay Long Thành 3km. Sau này xây sân bay sẽ làm đường kết nối với cao tốc.

Ông Mai Tuấn Anh cho biết VEC đang trình Bộ GTVT sớm chấp thuận chủ trương đầu tư xây đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. VEC đang chuẩn bị nguồn vốn đầu tư và vốn vay cho dự án này và dự kiến thời gian thi công 2 năm.

Có đường cao tốc này, lượng xe từ Bình Dương, Tây Ninh đi theo đường cao tốc này đến Vũng Tàu, giúp giảm bớt lượng xe trên đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Ông Anh cho rằng hiện nay dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành (Long An - TP.HCM - Đồng Nai) đang thi công và hoàn thành vào năm 2020 chắc chắn sẽ góp phần giảm áp lực cho đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Sau này có thêm đường vành đai 4 sẽ có nhiều hướng đến sân bay Long Thành.

Trong khi đó, về câu hỏi với tiến độ đầu tư các dự án đường bộ cao tốc chậm thì đến năm 2025 khi sân bay Long Thành hoạt động có đáp ứng được không, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng người trong ngành và ngoài ngành giao thông đều mong muốn làm nhanh hệ thống đường giao thông hiện đại, nhưng vấn đề là nguồn lực quốc gia có hạn nên không phải mong muốn làm là làm được ngay.

“Dù ai cũng mong muốn đầu tư nhanh nhưng việc đầu tư phụ thuộc vào nguồn lực quốc gia. Do nguồn lực có hạn nên phải tối ưu hóa đầu tư một số chỗ chứ không đầu tư được hết tất cả” - ông Đông giải thích.

Đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau 2020, sẽ nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - sân bay Long Thành với điểm đầu tại ga Thủ Thiêm nối đến sân bay Long Thành dài 37km.

Đồ họa: V.CƯỜNG

TUẤN PHÙNG - NGỌC ẨN

NGỌC ẨN - THU DUNG - HÀ MI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp