Điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Đa khoa Bình Dương - Ảnh: ĐÌNH TRỌNG
Đối với SXH luôn có hai vấn đề chính: ngoài việc tuyên truyền cho người dân biết phải lật úp tất cả dụng cụ chứa nước, che đậy và diệt loăng quăng, bản thân người dân cũng phải chủ động phòng tránh muỗi đốt. Đặc biệt, khi bị sốt phải được khám để phân loại xem trường hợp nào điều trị ở nhà, trường hợp nào cần thiết phải vào viện, tránh tình trạng người dân tự ý mua thuốc hay truyền dịch điều trị tại nhà.
Ông Hoàng Đức Hạnh
Số ca mắc SXH của cả nước đến nay đã cao gấp hơn 3 lần cùng kỳ năm 2018, đã có 16 trường hợp tử vong.
Đỉnh điểm SXH ở Hà Nội
Ông Hoàng Đức Hạnh, phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết trong những ngày qua thời tiết mưa rất nhiều, đây là điều kiện thuận lợi cho loăng quăng phát triển, nếu không quyết liệt, số ca mắc SXH sẽ tiếp tục tăng lên.
Ông Nguyễn Nhật Cảm, giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, cho biết toàn thành phố đã có 2.260 ca mắc SXH. Hà Nội chưa có trường hợp tử vong nhưng số ca sốt tập trung ở các quận nội thành, các huyện ven, vùng ven như Thanh Oai, Hoài Đức, Thanh Trì và vùng đang đô thị hóa cao.
Tại huyện Thanh Oai, nơi có số người mắc SXH cao nhất Hà Nội với gần 30 ca trong một tuần, lãnh đạo huyện Thanh Oai cho biết toàn huyện đã ghi nhận 23 ổ dịch, đã có 148 bệnh nhân mắc SXH, tăng gấp 10 lần so với cùng thời điểm tháng 8-2018. Hiện 17 ổ dịch được khống chế, còn 6 ổ dịch đang hoạt động tại các xã Phương Trung, Cự Khê, Cao Viên, Bình Minh, riêng xã Phương Trung và Bích Hòa có số ca cộng dồn cao.
Không còn diễn biến theo chu kỳ
Ông Đặng Quang Tấn, phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cũng cảnh báo sau những ngày mưa nhiều, đặc biệt là khu vực phía Nam lúc nắng lúc mưa, những ngày tới thật sự là cao điểm SXH.
"Năm nay có một khác biệt, đó là ở các nước trong khu vực hầu hết đều tăng số ca mắc SXH, trong đó có Việt Nam" - ông Tấn nói.
Theo ông Tấn, dịch SXH hiện nay không còn diễn biến theo chu kỳ mà xuất hiện quanh năm, với những diễn biến khó lường. Vì thế, cần tuyên truyền rõ để người dân tự giác diệt loăng quăng, bọ gậy, phòng chống muỗi đốt.
Lưu ý, bệnh SXH do virút Dengue gây ra với 4 type được ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Cả 4 type gây bệnh này đều gặp ở Việt Nam và luân phiên gây dịch. Do miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng type, cho nên một người có thể mắc SXH đến lần thứ 2 hoặc thứ 3, thậm chí có thể mắc đến lần thứ 4. Đáng lưu ý những lần mắc sau thường nặng hơn lần mắc trước.
"Bộ Y tế đã có chỉ thị gửi các tỉnh tăng cường tuyên truyền phòng chống SXH, trong đó đề nghị các tỉnh triển khai ngay các chiến dịch diệt loăng quăng, bọ gậy, lật úp các dụng cụ chứa nước. Nếu không giải quyết triệt để các ổ chứa nước đọng, vẫn còn loăng quăng, bọ gậy thì chỉ sau vài ngày lại có đợt muỗi mới, như vậy rất khó cho việc phòng chống SXH" - ông Tấn cho hay.
Cả nước có gần 130.000 ca mắc SXH
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong những tuần gần đây, số ca mắc SXH ghi nhận trên địa bàn cả nước tăng từ 5.000-10.000 ca bệnh/tuần.
Cục Y tế dự phòng cũng cho biết từ đầu năm đến nay, cả nước đã có gần 130.000 trường hợp mắc SXH, trong đó có 16 trường hợp tử vong.
So với cùng kỳ năm 2018, số ca mắc SXH tăng hơn 3 lần, tăng nhanh tại các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ.
Khi SXH không được dùng kháng sinh
GS.TS Nguyễn Văn Kính - giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư - đặc biệt lưu ý khi bị SXH, tuyệt đối không được dùng kháng sinh.
"Nhiều người nghĩ dùng kháng sinh nhằm làm yếu virút, nhưng không đúng. Hơn nữa, trong SXH máu bị cô đặc, dùng nhiều kháng sinh bao vây sẽ làm cho nồng độ kháng sinh máu cao, dễ gây biến chứng" - GS Kính lưu ý.
Về đặc điểm dịch tễ, theo GS Kính, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, bệnh SXH đã thay đổi nhiều so với trước. Nếu như trước đây bệnh chủ yếu xuất hiện ở các khu vực có mùa mưa kéo dài, nhiệt độ cao, nay bệnh đã xuất hiện khắp cả nước, xuất hiện quanh năm.
"Phần lớn trường hợp tử vong là do bệnh nhân chủ quan, đến viện muộn. Đặc biệt, nếu bệnh SXH xuất hiện ở những người đã có sẵn bệnh như đái tháo đường, bệnh tuyến giáp... hay phụ nữ có thai, diễn tiến bệnh thường khá nặng, đòi hỏi phải xử lý đặc biệt, điều trị sớm" - GS Kính cho hay.
Cũng theo GS Kính, do miễn dịch cộng đồng kém nên nếu như trước đây số ca mắc chủ yếu là trẻ em, thì hiện nay cả trẻ em và người lớn đều mắc.
"Đặc biệt, trong quá trình điều trị bệnh nhân, chúng tôi nhận thấy cần có sự thay đổi phác đồ điều trị SXH đối với người lớn, người mắc bệnh mãn tính.
Để phù hợp với nhiều biến đổi của bệnh SXH thời gian gần đây sau khi lấy ý kiến giới chuyên môn, hiện phác đồ cập nhật điều trị bệnh SXH Dengue ở người lớn đã được trình Bộ Y tế.
Phác đồ này sẽ đặc biệt chú ý đến SXH ở người cao tuổi, phụ nữ mang thai và những người có sẵn bệnh lý nền để việc điều trị SXH ở nhóm bệnh nhân này đạt kết quả tốt nhất" - ông Kính cho biết.
GS.TS Nguyễn Văn Kính khuyến cáo: SXH ở người lớn có thể sinh ra các biến chứng xuất huyết tiêu hóa, suy gan, suy thận, rối loạn đông máu... Do đó, khi nghi ngờ bị SXH, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị tại nhà.
Và "khi đã được chẩn đoán mắc SXH nhưng không phải nhập viện, bệnh nhân cần tuyệt đối tuân thủ các khuyến cáo trong việc điều trị SXH tại nhà" - ông Kính nói.
Lập nhiều đoàn kiểm tra
Ông Đặng Quang Tấn cho biết trước diễn biến dịch SXH, Bộ Y tế đã thành lập 8 đoàn công tác đi kiểm tra việc phòng chống dịch ở 16 tỉnh, thành trọng điểm.
"Bộ Y tế cũng đã làm việc với các tập đoàn nhà mạng, đề nghị hỗ trợ nhắn tin tự động tới các thuê bao để tuyên truyền về phòng chống SXH" - ông Tấn cho hay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận