Năm nay có vẻ là một năm đặc biệt khi có nhiều bộ phim tranh giải được đánh giá khá cao và hầu như không có bộ phim nào bị giới phê bình la ó hoặc bị cho là thảm họa như vài năm trước (The Last Face của Sean Penn hay The Sea of Tree của Gus Van Sant chẳng hạn).
Ngoài những tác phẩm được đánh giá cao tuần đầu như Cold War của đạo diễn Ba Lan Pawel Pawlikowski, Ash Is Purest White của đạo diễn Trung Quốc Giả Chương Kha hay Shoplifters của đạo diễn Nhật Bản Hirokazu Koreeda...; một vài bộ phim xuất sắc càng về cuối càng lộ diện nhiều, ví dụ như Burning của đạo diễn Hàn Quốc Lee Chang-dong, Capernaum - một bộ phim hiện thực xuất sắc của nữ đạo diễn Li-băng Nadine Labaki hay The Wild Pear Tree, bộ phim tranh giải cuối cùng mới được trình chiếu ngày hôm qua (18-5) của đạo diễn Thổ Nhĩ Kỳ Nuri Bilge Ceylan.
Các thành viên nữ trong ban giám khảo Cannes 71 (từ trái sang): Khadja Nin, Lea Seydoux, Cate Blanchett, Ava Duvernay và Kristen Stewart chụp ảnh kỷ niệm trong ngày 8-5 - Ảnh: AP
năm nay, với phong trào nữ quyền #metoo và có đến 5 thành viên nữ trong Ban giám khảo (so với 4 nam thành viên), và do một nữ chánh chủ khảo cầm trịch là ngôi sao Cate Blanchett, có vẻ như sẽ là năm của nữ giới lên ngôi.
Chỉ có 3 bộ phim do nữ đạo diễn thực hiện trong tổng số 21 phim tranh giải Cành cọ vàng, nhưng kết thúc chặng đua, có 2 bộ phim do nữ đạo diễn thực hiện đang nằm trong "shortlist" giành giải Cành cọ vàng là Capernaum của đạo diễn người Li băng (Lebanon) Nadine Labaki và Lazzaro Felice của đạo diễn người Ý Alice Rohrwatcher.
Nên nhớ, trong lịch sử 70 năm của Cannes, mới chỉ có duy nhất một nữ đạo diễn đoạt giải Cành cọ vàng là bộ phim The Piano (1993) của nữ đạo diễn New Zealand Jane Campion.
Liệu Capernaum của nữ đạo diễn Li-băng Nadine Labaki có trở thành nữ đạo diễn thứ 2 đoạt giải Cành cọ vàng? Hãy chờ tới tối nay!
Capernaum mô tả về tình trạng đói nghèo, đơn độc của những đứa trẻ bị bố mẹ bỏ rơi hoặc bị đẩy vào cuộc sống hỗn tạp quá sớm.
Tác phẩm được xem là một câu chuyện ngụ ngôn về mặt chính trị với hầu hết các diễn viên nhí không chuyên kể câu chuyện về một đứa bé trai 12 tuổi khởi xướng một vụ kiện chống lại bố mẹ mình.
Một vài nhà phê bình đánh giá Capernaum gợi nhớ đến những kiệt tác của điện ảnh như Kẻ cắp xe đạp (1948) của đạo diễn Tân hiện thực Ý Vittorio de Sica hay 400 Blows (1959) của đạo diễn Làn sóng mới Pháp François Truffaut.
Buổi chiếu Capernaum kết thúc đã nhận được tới 15 phút vỗ tay của khán giả (dài nhất trong số các phim tranh giải Cành cọ vàng năm nay) và không chỉ lọt vào "shortlist" của Cành cọ vàng, bộ phim này thậm chí còn được xem là ứng cử viên sáng giá nhất của Oscar phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất năm 2019).
Một vài tác phẩm vượt trội khác nằm trong nhóm ứng cử viên sáng giá nhất tranh giải Cành cọ vàng (Palme D’or) hoặc Giải thưởng Lớn (Grand Prix) là Burning của Lee Chang-dong, Shoplifters của Hirokazu Koreeda, Cold War của đạo diễn Ba Lan Pawel Pawlikowski và rất có thể là The Wild Pear Tree của Nuri Bilge Ceylan.
Nuri Bilge Ceylan là vị đạo diễn người Thổ từng một lần đoạt giải Cành cọ vàng (The Winter Sleep, 2014), hai lần đoạt Grand Prix (Once Upon a Time in Anatolia, 2011 và Uzak, 2003) cùng một lần đoạt giải Đạo diễn xuất sắc (Three Monkeys, 2008 ).
Tác phẩm mới nhất của Nuri Bilge Ceylan dài tới 180 phút, tiếp tục là một bộ phim thách đố tính kiên nhẫn của người xem, nhưng đồng thời cũng chinh phục những nhà phê bình uy tín hay những khán giả đam mê dòng phim nghệ thuật về tính luận đề, chiều sâu nghệ thuật của nó.
The Wild Pear Tree là một trong 3 phim dự thi năm nay được cây bút phê bình uy tín của tờ The Guardian Peter Bradshaw chấm điểm tuyệt đối 5/5 sao (cùng với 2 bộ phim khác là Cold War của đạo diễn Ba Lan Pawel Pawlikowski và Dogman của đạo diễn Ý Matteo Garrone).
Thừa nhận chịu nhiều ảnh hưởng của hai nhà văn Nga vĩ đại là Chekhov và Dostoyevsky trong rất nhiều bộ phim trước và ngay cả ở tác phẩm mới này, The Wild Pear Tree là câu chuyện của một nhà văn trẻ trở về vùng quê nông thôn nơi anh sinh ra và đối mặt với những sự thật buồn thảm.
Bộ phim với những cảnh quay dài và góc máy rộng tuyệt hảo này mô tả những mối quan hệ khó nói thành lời và những định mệnh trùng hợp giữa cha và con trai, của tình trạng lưu vong và nỗi cô đơn, tuyệt vọng của con người khi trở về nơi chôn rau cắt rốn...
Điện ảnh châu Á chắc chắn không trắng tay
Có đến 6 bộ phim của điện ảnh châu Á có mặt trong danh sách 21 phim tranh giải Cành cọ vàng năm nay, một con số vượt trội.
Trailer phim Everybody knows
Hai bộ phim của hai đạo diễn kỳ cựu Iran: bộ phim mở màn liên hoan phim - Everybody Knows của Asghar Farhadi (đạo diễn 2 lần đoạt giải Oscar cho phim nước ngoài hay nhất trong 5 năm) và Three Faces của Jafar Panahi, vị đạo diễn bị chính quyền Iran bỏ tù và cấm làm phim trong vòng 20 năm nhận những phản hồi trái chiều của giới phê bình và có vẻ không nằm trong số danh sách các phim xuất sắc thuộc "nhóm trên".
Mọi chú ý hiện đang đổ dồn vào ba đạo diễn Nhật, Trung Quốc, Hàn tương ứng là Hirokazu Koreeda với Shoplifters, Giả Chương Kha với Ash Is Purest White và Burning của Lee Chang-dong.
Cả ba đạo diễn này đều có điểm chung là những tên tuổi quen thuộc ở Cannes, từng một vài lần đoạt các giải thưởng cá nhân nhưng chưa bao giờ chạm đến những giải thưởng quan trọng như Cành cọ vàng hay Giải thưởng Lớn. Liệu lần này, một trong ba số họ có chạm đến được giải thưởng cao nhất?
Hirokazu Koreeda được xem là một Ozu mới của điện ảnh Nhật Bản. Những bộ phim của ông chủ yếu là kể những câu chuyện gia đình, chủ đề sinh ly tử biệt hay những thân phận bên lề xã hội.
Nobody Knows (2004) và Like Father Like Son (2013) là hai trong số những bộ phim xuất sắc của ông về các chủ đề này từng đoạt giải tại Cannes trước đây (Nam diễn viên chính xuất sắc cho Nobody Knows và Giải của Ban giám khảo cho Like Father Like Son).
Shoplifters tiếp tục là một bộ phim khai thác những chủ đề này của Koreeda và ông đã đưa nó lên một tầm cao mới. Bộ phim được xem là xuất sắc nhất của ông trong sự nghiệp và được đánh giá là một tác phẩm cổ điển hiện đại.
Giả Chương Kha, vị đạo diễn của Thế hệ thứ 6 Trung Quốc tiếp tục khai thác thế mạnh hiện thực và những bí mật ẩn giấu của đất nước ông trong giai đoạn kinh tế phát triển như vũ bão và có thể cuốn phăng thân phận con người.
Nếu ở những tác phẩm thời đầu đưa tên tuổi của Giả Chương Kha ra thế giới như The World (2004), Still Life (2006, đoạt giải Sư tử vàng tại liên hoan phim Venice)... là những bộ phim nói về sự lạc lõng của những con người Trung Quốc hiện đại trong thời đại toàn cầu hóa thì ở những tác phẩm sau này như A Touch of Sin (2013, giải Kịch bản xuất sắc tại Cannes) và Moutains May Depart (2015, tranh giải Cành cọ vàng), những bộ phim của ông trở nên bạo liệt hơn và đề cập đến những chủ đề táo bạo như bi kịch, cái giá phải trả của những cá nhân nhỏ bé cho sự phát của xã hội.
Ash is Purest White tiếp tục khai thác chủ đề này, với một câu chuyện về tình yêu và bạo lực diễn ra trong khoảng thời gian từ 2001 đến 2017.
Zhaotao, vợ và đồng thời là "nàng thơ" xuất hiện trong tất cả các phim của Giả Chương Kha từ trước tới nay vào vai một người phụ nữ sẵn sàng đi tù thay cho người yêu mình, một tên cướp tỉnh lẻ luôn cho rằng anh ta là một con cá lớn phải vẫy vùng trong một cái ao nhỏ.
Cuối cùng, bộ phim lãng mạn có màu sắc hình sự và bí ẩn Burning của đạo diễn Hàn Quốc Lee Chang-dong, một trong ba bộ phim nhận số điểm cao nhất của các nhà phê bình và đang hy vọng giật một giải thưởng cao tại Cannes lần này sau nhiều năm điện ảnh Hàn Quốc không đạt được thành tựu gì nổi bật (kể từ Old Boy của Park Chan-wook đoạt Grand Prix tại Cannes năm 2003).
Burning là tác phẩm điện ảnh thứ 6 của Lee Chang-dong, một trong ba đạo diễn lớn nhất của điện ảnh Hàn Quốc hiện nay bên cạnh Park Chan-wook và Bong Joon-ho.
Sau 8 năm kể từ Poetry (giải Kịch bản xuất sắc tại Cannes 2010), Lee Chang-dong mới trở lại với bộ phim mới nhất, tác phẩm mà ông mất gần 20 năm để chuyển thể từ truyện ngắn của nhà văn Nhật Haruki Murakami.
Truyện ngắn của Haruki Murakami chỉ khoảng hơn 10 trang giấy (ông in lần đầu năm 1983 và sau đó được dịch ra tiếng Anh, in trên tờ The NewYorker năm 1992) nhưng được Lee Chang-dong chuyển thể thành một bộ phim dài tới 2 giờ 30 phút.
Bối cảnh của bộ phim được chuyển từ bối cảnh vùng ngoại ô nước Nhật thập niên 80 sang một thị trấn heo hút sát biên giới của Triều Tiên của thời hiện tại.
Câu chuyện phim xoay quanh một nhà văn trẻ, một cô gái quyến rũ có hành tung bí ẩn và một chàng thanh niên Seoul giàu có nhưng có một sở thích quái đản là... đốt nhà kho.
Mối quan hệ tay ba giữa họ mơ hồ và khó đoán định. Trong truyện ngắn của Murakami, họ thích nghe nhạc Jazz hay những tác phẩm cổ điển của Fred Astraire, Bing Crosby, Nat King Cole, Miles Davies lẫn Tchaikovsky hay Johann Strauss.
Và trong một lần gặp mặt, nghe nhạc và hút cần sa, trong lúc cô gái lăn ra ngủ, chàng thanh niên con nhà giàu ở Seoul tiết lộ với nhà văn trẻ ý thích kỳ quái của anh ta là đi phóng hỏa đốt những nhà kho của những người nông dân ở những vùng hoang vu hẻo lánh.
Ý thích kỳ quái này (phải chăng là chứng cuồng phóng hỏa - pyromaniac?) của anh ta khiến nhà văn trẻ tò mò và quyết định truy tìm những hành tung của anh ta, trong khi cô gái trẻ biến mất không tăm tích sau cuộc gặp gỡ tay ba giữa họ.
Đạo diễn Lee Chang-dong khó mà về tay không ở Cannes 2018
Với một câu chuyện khó để có thể nói là có cốt truyện hay kịch tính rõ ràng, bản chuyển thể của Lee Chang-dong lại được hầu hết giới phê bình ca ngợi vì sự thông minh và tinh tế trong cách kể chuyện của nó và đặc biệt là diễn xuất của ba diễn viên trẻ dưới khả năng chỉ đạo diễn xuất đỉnh cao không phải bàn cãi của Lee Chang-dong.
Những góc máy cầm tay chao đảo của Hong Kyung-pyo và phần nhạc nền gây ám ảnh của Mowg càng làm tăng hiệu ứng bí ẩn của bộ phim.
Với 3 bộ phim xuất sắc mang 3 phong cách khác nhau của 3 đạo diễn hàng đầu châu Á, tin rằng điện ảnh châu Á năm nay sẽ không về tay không tại Cannes.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận