Các nhà thùng nước mắm từng một phen lao đao với "tin đồn" nhiễm asen nghi do bị cạnh tranh không lành mạnh. Trong ảnh: một nhà thùng làm nước mắm truyền thống tại Phú Quốc - Ảnh: T.ĐỨC
Cụ thể, mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm quy định về cạnh tranh không lành mạnh là 2 tỉ đồng (mức phạt tối đa theo quy định hiện hành tại Nghị định 71/2014/NĐ-CP là 200 triệu đồng).
Mức phạt cao nhất này được áp dụng đối với tổ chức (doanh nghiệp) có hành vi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ. Mức phạt đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt áp dụng đối với tổ chức.
Các hành vi xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh, gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác có thể bị phạt đến 300 triệu đồng. Hành vi ép buộc trong kinh doanh, cung cấp thông tin không trung thực về doanh nghiệp khác có thể bị phạt tối đa 600 triệu đồng.
Nghị định mới giữ nguyên mức phạt tiền tối đa đến 10% tổng doanh thu trong năm tài chính liền kề trước năm thực hiện hành vi vi phạm đối với danh nghiệp có hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền trên thị trường liên quan.
Trong khi đó mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm quy định về tập trung kinh tế là 5% tổng doanh thu doanh nghiệp trong năm tài chính liền kề trước năm thực hiện hành vi vi phạm. Mức phạt tối đa hiện hành áp dụng với hành vi này là 10% tổng doanh thu doanh nghiệp trong năm tài chính liền kề trước năm thực hiện hành vi vi phạm.
Ngoài bị phạt tiền, tổ chức, cá nhân vi phạm trong từng trường hợp còn có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như: tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động từ 6-12 tháng; tịch thu tang vật vi phạm, phương tiện được sử dụng để vi phạm; tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm; thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp... và phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận