Thượng tá Lê Quang Thuấn
Thượng tá Lê Quang Thuấn, nói:
Cũng như nhiều địa phương trên cả nước, tại TP.HCM, khi đi làm nhiệm vụ gặp tình huống khẩn cấp, xe cứu hỏa phải sử dụng các quyền ưu tiên của mình để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ nhanh nhất. Chẳng hạn như đi vào đường ngược chiều, đường cấm, hoặc những nơi cần phải sử dụng quyền ưu tiên để thực thi chức năng, nhiệm vụ, được pháp luật quy định.
* Thưa ông, thực tế công tác chữa cháy ở TP.HCM, xe cứu hoả có thường xuyên phải đi ngược chiều? Có gặp những tình huống bị cản trở gây nguy hiểm cho xe cứu hỏa và xe khác?
- Nhìn chung, trong công tác PCCC, cứu nạn cứu hộ tại TP.HCM, xe cứu hỏa cũng thường xuyên sử dụng quyền ưu tiên khi đi vào đường cấm, đường ngược chiều…để làm nhiệm vụ và cũng có khó khăn nhất định.
Di chuyển xe cứu hỏa trong khu vực nội đô, thì quyền ưu tiên đi ngược chiều, đi đường cấm... còn hạn chế, khó khăn. Bởi mật độ phương tiện tham gia giao thông rất lớn, hay xảy ra ùn ứ và nhiều con đường nhỏ. Khi đó, người đi đường muốn tránh, nhường cho xe ưu tiên tiếp cận hiện trường nhanh nhất, nhưng chính bản thân họ cũng gặp khó.
Dù được ưu tiên nhưng xe chữa cháy không phải lúc nào cũng có thể di chuyển dễ dàng. Trong ảnh: Xe PCCC TP.HCM tại một cuộc diễn tập - Ảnh: LÊ PHAN
Riêng các tuyến đường vùng ven thông thoáng, đường ra vào cao tốc, nếu có sự cố thì xe cứu hỏa vẫn sử dụng các quyền ưu tiên để làm tốt nhiệm vụ. Nhìn chung người dân cũng hiểu biết pháp luật nên tránh, nhường đường, hỗ trợ không chỉ cho xe cứu hỏa, mà cho xe cấp cứu, xe CSGT… khi cần.
* Tài xế xe cứu hỏa tại TP.HCM, có khi nào phải đi ngược chiều vào đường cao tốc làm nhiệm vụ?
- Nếu nói thời gian qua, xe cứu hỏa tại TP.HCM chưa đi ngược chiều vào đường cao tốc làm nhiệm vụ thì hơi chủ quan. Nhưng có thể nhận định, trong trường hợp khẩn cấp, cần phải sử dụng quyền ưu tiên đi ngược chiều vào đường cao tốc để làm nhiệm vụ, thì xe cứu hỏa sẽ sử dụng quyền ưu tiên đó.
* Nếu đặt tình huống phải đi ngược chiều vào đường cao tốc để làm nhiệm vụ khẩn cấp thì phải đi thế nào cho an toàn, thưa ông?
- Nếu đặt tình huống như vậy và trong tương lai có thể xảy ra thực tế tình huống đó, thì để đảm bảo an toàn, xe ưu tiên phải kết nối, phối hợp với CSGT, ban quản lý đường cao tốc… có biện pháp hỗ trợ, can thiệp kịp thời, để xe cứu hỏa và các xe khác lưu thông an toàn. Chẳng hạn như cảnh báo, ra tín hiệu trước, trong và sau khi xe di chuyển tại khu vực hiện trường xảy ra sự cố và trên tuyến đường mà xe cứu hỏa di chuyển ngược chiều đến hiện trường.
* Thưa ông, tài xế xe cứu hỏa có được tập huấn lái xe trong điều kiện khó khăn như mưa bão, đi ngược chiều, đi đêm… ?
Hằng năm, lực lượng cơ sở trên nhiều khu vực đảm trách đều có kết hợp lực lượng của Cảnh sát PCCC TP.HCM, CSGT TP.HCM, chính quyền địa phương, công an phường, quận… để tổ chức diễn tập nhiều phương án, làm sao di duyển xe, đảm bảo nghiệp vụ dập tắt đám cháy, hoặc giải quyết an toàn một sự cố nào đó trong thời gian nhanh nhất. Kể cả những trường hợp khó khăn như trong đêm khuya, mưa bão, thiên tai, khu vực có đường cao tốc đi qua...
* Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm lái xe cứu hỏa, xe ưu tiên sao cho an toàn?
- Thứ nhất, đối với người lái xe, khi thực hiện nhiệm vụ, phải mở hết các thiết bị ưu tiên như đèn, còi hú, còi báo động, loa phát thanh một cách tối đa và thường xuyên trong quá trình di chuyển. Vì những tín hiệu ưu tiên đó, nó đã tác động đến người tham gia giao thông trên đường. Điều đó giúp cho người dân, người tham gia giao thông, phát hiện xe ưu tiên để tránh, nhường, có những hỗ trợ khác dù điều kiện đường thông thoáng hoặc ùn ứ.
Thứ hai, tại khu vực lân cận những hiện trường xảy ra sự cố, người dân không nên tụ tập đông, hiếu kỳ theo dõi, thực tế điều đó cản trở, ảnh hưởng đến công tác cứu hộ cứu nạn, PCCC. Bởi trong công tác cứu hộ cứu nạn, PCCC, khi tiếp cận hiện trường sớm nhất, sẽ hạn chế thiệt hại về người, tài sản và những mất mát khác...
* Xin cảm ơn ông!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận