Sĩ quan cảnh sát Michael Slager nã tám phát đạn vào lưng nạn nhân Walter Scott, sau đó tới còng tay ông dù ông nằm úp mặt bất động - Ảnh: Reuters |
Theo báo New York Times, sĩ quan da trắng Michael Slager, 33 tuổi, thuộc Sở Cảnh sát thành phố North Charleston, bang South Carolina, hiện đang bị giam giữ mà không được nộp tiền bảo lãnh để tại ngoại. Luật sư David Aylor, người trước đó đại diện cho Slager và hùng hồn khẳng định sĩ quan này “tự vệ”, đã bỏ rơi thân chủ của mình. “Tôi chẳng còn liên quan gì đến vụ án này nữa” - luật sư Aylor tuyên bố.
Các quan chức thành phố North Charleston cũng lên tiếng chỉ trích Slager. “Sai là sai. Nếu anh thực hiện một quyết định tồi tệ thì dù anh là thường dân hay có phù hiệu cảnh sát thì anh cũng sẽ phải chịu trách nhiệm với quyết định đó” - Thị trưởng North Charleston Keith Summey tuyên bố.
Giết người và dối trá
Vụ án xảy ra khi Slager chặn chiếc xe Mercedes-Benz của nạn nhân Walter Scott vì đèn sau của xe bị vỡ. Cũng giống như các vụ cảnh sát xả súng bắn người da đen ở Mỹ trước đây, Slager khẳng định “bị đe dọa tính mạng” và phải “tự vệ”. Slager mô tả ông Scott đã giằng khẩu súng gây tê trên người ông ta, buộc lòng ông ta phải rút súng bắn.
Sau đó, Sở Cảnh sát North Charleston (NCPD) ra tuyên bố khẳng định Slager đã tự vệ. Đại diện NCPD còn nhấn mạnh rằng sau khi ông Scott bị bắn, các sĩ quan cảnh sát có mặt tại hiện trường đã hô hấp nhân tạo để cứu ông.
Nhưng vài ngày sau, một người qua đường quay lại toàn bộ vụ việc bằng điện thoại di động đã gửi đoạn video đến báo New York Times.
Đoạn video không quay cảnh sĩ quan Slager và nạn nhân Scott gặp nhau như thế nào, mà bắt đầu từ cảnh ông Scott đang đứng sát Slager rồi bất ngờ bỏ chạy. Rồi sĩ quan này giương súng lên, nã liên tiếp bảy phát đạn rồi bắn thêm một phát nữa. Ông Scott đổ gục xuống.
Slager từ từ bước tới phía nạn nhân, dùng còng tay còng ông Scott. Khi đó ông nằm bất động, mặt úp xuống đất. Sau đó, Slager quay lại vị trí cũ nơi hai người đứng gần nhau, nhặt một vật gì đó rồi bước tới thả bên cạnh ông Scott. Các báo Mỹ cho biết đó chính là khẩu súng gây tê mà Slager nói rằng ông Scott giật từ người ông ta và đó là hành vi ngụy tạo bằng chứng.
Một số cảnh sát sau đó xuất hiện nhưng không hô hấp nhân tạo cho ông Scott. Chỉ có một sĩ quan đeo găng tay kiểm tra ông Scott.
Sau khi đoạn video xuất hiện trên mạng, Cơ quan Thực thi pháp luật South Carolina (SLED), Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) và Bộ Tư pháp đều tuyên bố mở cuộc điều tra vụ án.
Sẽ có biểu tình
Và mới đây Thị trưởng North Charleston Keith Summey cho biết nhà chức trách South Carolina quyết định truy tố Slager vì tội giết người. Ông Summey giải thích đoạn video chính là bằng chứng rõ ràng khiến nhà chức trách phải ra quyết định này. Cảnh sát trưởng North Charleston Eddie Driggers kể ông đã bật khóc khi xem đoạn video khủng khiếp trên.
Luật sư Chris Stewart, người đại diện gia đình nạn nhân Scott, cho rằng vụ án này không chỉ có màu sắc phân biệt chủng tộc. “Đó là hành vi thể hiện quyền lực. Gã cảnh sát đó nghĩ rằng hắn có thể giết người và thoát tội dễ dàng giống như nhiều vụ việc trong thời gian qua” - luật sư Stewart nhấn mạnh.
Thống đốc South Carolina Nikki Haley mô tả vụ xả súng của Slager là “không thể chấp nhận được” và cam kết nhà chức trách sẽ thực hiện cuộc điều tra một cách đầy đủ và minh bạch. Các bài báo đăng vụ án của Slager thu hút hàng nghìn bình luận của độc giả Mỹ. Nhiều người nhận định nếu không có đoạn video, chắc chắn Slager sẽ thoát tội giống như những cảnh sát xả súng giết người da đen trước đây.
Các tổ chức nhân quyền ở Mỹ kêu gọi người dân South Carolina giữ bình tĩnh. Những vụ cảnh sát xả súng bắn người da đen trước đây thường dẫn đến các cuộc biểu tình dữ dội. Theo Reuters, mới đây các nhà hoạt động vì nhân quyền ở South Carolina tuyên bố sẽ tổ chức biểu tình để phản đối sự hung bạo của cảnh sát.
Gia đình nạn nhân Scott cho biết sẽ đâm đơn kiện dân sự Slager, NCPD và chính quyền thành phố North Charleston vì đã vi phạm quyền dân sự của ông Scott.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận