Thượng tá Khổng Ngọc Oanh - Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an - đã chia sẻ như vậy tại Hội nghị sơ kết, đánh giá tình hình triển khai thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về trẻ em, ngày 16-11.
Hình nộm phù hợp với trẻ bị tổn thương nặng, xấu hổ
Theo thượng tá Oanh, ngành công an đang nhân rộng mô hình Phòng điều tra thân thiện với trẻ em, người chưa đủ 18 tuổi và phụ nữ bị mua bán người. Việc này khắc phục câu chuyện người dân lưỡng lự, ngại ngần, dẫn tới các vụ xâm hại trẻ em tồn đọng, kéo dài.
Đại diện Cục Cảnh sát hình sự chia sẻ khi mới áp dụng, có nhiều ý kiến cho rằng ngành công an phức tạp hóa, “vẽ vời” mô hình. Tuy nhiên, ngành vẫn triển khai để bảo đảm quyền trẻ em, tránh tâm lý căng thẳng, tổn thương kép khi điều tra.
Phòng điều tra thân thiện thường đặt ở nơi yên tĩnh, ít người qua lại, không có tiếng ồn, có thể có lối đi riêng, diện tích tối thiểu 18m2, không đặt ở trại giam, trại tạm giam...
“Việc này tạo cho các em, người nhà khi làm chứng cảm thấy sự thân thiện, ấm áp, an toàn, không nghĩ đó là cơ quan cảnh sát, chúng tôi tạo ra không gian với màu sắc hài hòa, gần gũi”, ông bày tỏ.
Theo ông Oanh, việc mời người làm chứng đến cơ quan công an, trại tạm giam, tiếp xúc cán bộ mặc cảnh phục đúng luật song có thể ảnh hưởng tới tâm lý trẻ em.
Do vậy, tại Phòng điều tra thân thiện, cán bộ điều tra của ngành công an sử dụng hình nộm mô phỏng cơ thể người có đánh số các bộ phận như số 1 là ngực, số 2 là bộ phận sinh dục, số 3 là đùi…
Các em nhỏ tuổi, bị tổn thương nặng, quá xấu hổ khi gặp người lớn có thể chỉ vào để cán bộ điều tra, kiểm sát, luật sư ghi lại. Ngoài ra, cán bộ điều tra có thể mặc quần áo bình thường, ngồi trên bàn tròn nói chuyện, tạo không khí vui vẻ.
Nhiều việc phải làm để ngăn chặn xâm hại trẻ em
Đánh giá về mô hình này, Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam nêu rõ Phòng điều tra thân thiện là “điểm sáng” của ngành công an. Qua đó, trẻ em tránh tâm lý căng thẳng, không bị tái tổn thương khi tham gia công tác điều tra.
Theo ông Nam, để ngăn chặn xâm hại trẻ em, Tổng đài bảo vệ trẻ em 111 tiếp tục là kênh nhận tin báo mà còn tư vấn, hướng dẫn cho cán bộ cấp xã để hỗ trợ, bảo vệ trẻ em có nguy cơ xâm hại.
Người đứng đầu Cục Trẻ em nêu rõ sau COVID-19, các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em tại Thạch Thất (Hà Nội), Bình Thạnh (TP.HCM) để lại hậu quả nghiêm trọng.
Các vụ bắt cóc, tống tiền, giết trẻ em... vừa qua cũng ảnh hưởng đến mục tiêu phòng chống bạo lực xâm hại trẻ em giai đoạn 2020 - 2025 theo quyết định 1863 của Thủ tướng.
Ông Nam đề nghị các bên liên quan sớm triển khai nhiều giải pháp như mô hình dịch vụ bảo vệ trẻ em tích hợp, mở rộng mạng lưới bảo vệ trẻ em, truyền thông phòng ngừa xâm hại trẻ em…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận