06/11/2016 08:38 GMT+7

Cảnh sát cứu nạn, cứu hộ: Mong manh lằn ranh sinh tử

THU AN - GIA MINH
THU AN - GIA MINH

TTO - Các chiến sĩ cứu nạn, cứu hộ phải đối mặt rất nhiều sự cố, nhiều gian khổ, hi sinh...

Ông Nguyễn Ngọc Tốt đang kể về cái chết của liệt sĩ Bảy - Ảnh: Gia Minh
Ông Nguyễn Ngọc Tốt đang kể về cái chết của liệt sĩ Bảy - Ảnh: Gia Minh

Đang lặn sâu dưới 22m nước để tìm nạn nhân thì ống thở bình lặn bị nổ tung. Trong khoang tàu chật hẹp dưới sông sâu, thiếu ánh sáng, không còn dưỡng khí, cái chết cận kề chiến sĩ cứu hộ trong gang tấc. Đó chỉ là một trong nhiều sự cố, nhiều gian khổ, hi sinh mà các chiến sĩ cứu nạn, cứu hộ phải đối mặt.

 

Chia nhau sự sống

Trong cuộc đời chiến đấu cứu người của mình, có lẽ không bao giờ thượng sĩ Nguyễn Chí Thành quên được giây phút bị nổ ống thở bình lặn trong một ngày cuối năm 2014. Đó là lần lặn tìm một bé trai 3 tuổi bị tai nạn chìm tàu ở cảng ximăng Hà Tiên thuộc Q.Thủ Đức, TP.HCM.

Khi cùng đồng đội Huỳnh Văn Tuấn mò mẫm trong khoang tàu chìm ở độ sâu 22m thì ống thở bình lặn của Thành bị nổ, dưỡng khí trong bình lặn thoát hết ra ngoài. Khoang tàu tối và chật hẹp, không còn oxy để thở, lại bị tác động bởi một áp suất lớn, tình huống cực kỳ nguy hiểm, xoay trở để thoát kịp ra ngoài đối với Thành lúc đó là điều không tưởng.

Bằng sự bình tĩnh đã được trui rèn, Thành tìm cách tiếp cận, ra hiệu cho Tuấn. Hiểu ra sự cố khẩn cấp, trong tích tắc Tuấn quyết định chia sẻ khí thở, chia sẻ ngay sự sống cho đồng đội. Bằng các tín hiệu “bóp tay”, Tuấn, Thành đã luân phiên thở bằng bình thở duy nhất còn lại của Tuấn và tìm cách len lỏi vượt qua các chướng ngại vật, đưa nhau thoát khỏi khoang tàu để trồi lên trên mặt nước.

Tuấn nói về công việc hiểm nguy, sống chết của mình và đồng đội như một sự hiển nhiên, bằng một chất giọng Nam bộ đặc sệt, giản dị:

“Mỗi lần đi cứu nạn là mỗi lần đối mặt với hiểm nguy. Mỗi vụ cứu nạn, cứu hộ là một câu chuyện khác nhau với những tình huống cần xử lý không cái nào giống cái nào. Không chỉ cứu người sống, suốt ngày còn đi tìm người chết.

Bạn bè không làm nghề này, không hiểu hết việc mình làm, hay nói tôi làm nghề không giống ai. Biết là “không giống ai”, nhưng cứ nghĩ tới người được mình cứu, nghĩ tới niềm vui, niềm an ủi của thân nhân nạn nhân, mình lại lao vào làm”.

Nhiều lần thoát chết

Ông Nguyễn Ngọc Tốt vừa về hưu (người làm nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn trước năm 1975 tại Sở cứu hỏa Đô Thành Sài Gòn cũ, sau này được lưu dụng lại) được coi là người thầy không giáo án của lực lượng cứu nạn cứu hộ TP.

Trải qua hai giai đoạn lịch sử, hơn 40 năm cống hiến trong lĩnh vực cứu nạn, cứu hộ, ông vẫn miệt mài làm công tác đào tạo hết thế hệ này tới thế hệ khác theo nghiệp cứu nạn cứu hộ mà không có bằng cấp chuyên môn chính quy nào.

Kể về ông, từ người lính, cán bộ tới lãnh đạo Cảnh sát PCCC, cứu nạn, cứu hộ TP.HCM đều một mực kính trọng, khâm phục về sự tận tâm, tận lực, sẵn sàng hi sinh, nhiều lần chết hụt khi làm nhiệm vụ của ông.

Đại úy Tuấn, một trong các thế hệ học trò của ông Tốt, kể: “Đó là một lần làm nhiệm vụ hỗ trợ cơ quan điều tra tìm tang vật vụ án. Ông Tốt được cử xuống một giếng nước sâu ở H.Hóc Môn, nơi nghi ngờ nạn nhân bị giết nhiều ngày trước đó và vứt thi thể xuống để phi tang. Khi xuống giếng sâu hàng chục mét, ống dẫn khí bị gấp lại, làm mất hơi khiến ông phải hít một hơi khí ngoài.

Giếng sâu, thi thể nạn nhân phân hủy sinh ra chất cực độc, ông ngất xỉu ngay lập tức. May mắn là đồng đội phía trên phát hiện ông không còn liên lạc bằng dây nên lập tức kéo lên, hô hấp nhân tạo một hồi lâu ông mới tỉnh lại. Đúng là cái chết đi qua đường tơ kẽ tóc! Mà ông Tốt không chỉ một lần chết hụt”.

Một trong những vụ “chết hụt” mà “nạn nhân” không cảm nhận được rõ ràng bằng đồng đội là vụ của trung úy Võ Thành Công, công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM năm 2015. Đồng đội của Công kể năm 2011, tổ của Công lặn tìm nạn nhân trong con tàu biển bị chìm ở cửa biển Cần Giờ.

Tàu chỉ chìm phần ca bin, phần mũi vẫn nổi trên mặt nước. Gần con tàu chìm là một con tàu khác đang neo đậu. Đêm tối, do nước chảy quá mạnh, con tàu đang đậu bị đứt dây neo, trôi dạt về phía tàu chìm - nơi nhóm thợ lặn đang làm việc.

Phát hiện nguy hiểm, chỉ huy đứng trên mũi tàu chìm đã giật dây cảnh báo nguy hiểm, yêu cầu lên khỏi mặt nước gấp. Công báo cho hai đồng đội lên trước, Công lên sau. Hai đồng đội của Công vừa lên mặt nước thì con tàu đã tiến sát. Những người ở trên phải gấp rút hỗ trợ, kéo dây đưa Công lên.

Bàn chân Công vừa rút khỏi khe hở thì hai con tàu va vào nhau. “Nếu lúc đó lên không kịp, chắc chắn con tàu sẽ nghiền nát cơ thể Công với sức nặng hàng ngàn tấn” - một đồng đội của Công nói.

Hỏi Công về vụ “chết hụt”, Công chỉ nhỏ nhẹ: “Lúc đó ở dưới nước cũng không cảm nhận hết mọi tình huống nguy hiểm, nếu thiếu may mắn, có thể tôi đã chết. Làm việc trên bờ có thể nhìn thấy, chủ động, còn dưới nước không thấy gì, mạng sống mong manh lắm!”.

Vợ của liệt sĩ Bảy (nằm) vẫn được các đồng đội của chồng đến thăm và giúp cất lại ngôi nhà - Ảnh: Gia Minh
Vợ của liệt sĩ Bảy (nằm) vẫn được các đồng đội của chồng đến thăm và giúp cất lại ngôi nhà - Ảnh: Gia Minh

Liệt sĩ thời bình

Hồi tưởng về những năm mới thống nhất đất nước, ông Nguyễn Ngọc Tốt nhắc về người thầy của mình - liệt sĩ Nguyễn Văn Bảy (sinh năm 1929, hi sinh năm 1979) với sự kính trọng.

Ông Tốt kể: “Bữa đó nhằm một ngày giữa tháng 5-1979, chúng tôi được điều động đi lặn tìm khẩu súng tang vật mà hung thủ bắn chết vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga hơn một tháng trước đó khai vứt xuống chân cầu Bình Lợi.

Tôi, anh Ngô Văn Út, anh Võ Quang Hà và chú Bảy thay nhau lặn tìm khẩu súng. Sau nhiều lần lặn chưa có kết quả, tôi và anh Út lên khỏi mặt nước nghỉ ngơi để chú Bảy và anh Hà xuống tìm tiếp. Hai người lặn xuống chưa lâu, đột nhiên mặt nước bùng lên một đám bọt lớn. Sự cố rồi! Không còn liên lạc được qua dây với hai người bên dưới.

Anh em trên bờ nhận định có lẽ những trái nổ sót lại từ trước chiến tranh đã phát nổ. Biết là có thể còn nguy hiểm, nhưng mọi người xác định nhiệm vụ lúc này là phải lặn tìm đồng đội. Khi chúng tôi lặn xuống, cả thầy Bảy và anh Hà đều đã hi sinh. Chúng tôi ôm từng đồng đội trong tay đưa lên bờ. Đó là một mất mát quá lớn, không ai có thể ngờ tới”.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy (52 tuổi, con gái liệt sĩ Bảy) rưng rưng nước mắt khi nhớ về cha mình: “Ba tôi lúc sinh thời hiền lắm. Ngoài việc hết mình với công việc, về tới nhà là giúp mẹ làm việc nhà, chăm con, ai nhờ cái gì cũng giúp mà không bao giờ nề hà việc khó khăn hay đòi hỏi thù lao.

Ba tôi mất đi quá bất ngờ, một mình má nuôi dạy chín người con với biết bao cực khổ, nhọc nhằn. Khi ba tôi mất đi, ngôi nhà này ẩm thấp, lụt lội, hôi thối ghê lắm. Nhờ sự quan tâm của các chú, các anh chị PCCC giúp đỡ tiền bạc, chăm lo sửa được ngôi nhà khang trang thế này để má con tôi ở.

Giờ, hằng năm các chú, các anh ở PCCC và cứu nạn, cứu hộ đều qua thăm, tặng quà vào các dịp lễ, tết và ngày thành lập lực lượng, chúng tôi thấy ấm lòng và hạnh phúc lắm!”.

Vinh quang là gì?

“Nơi nào cực khổ nơi đó có vinh quang”, đại úy Huỳnh Văn Tuấn nhắc lại lời của ông Trần Triều Dương, nguyên giám đốc CS PCCC TP.HCM. Rồi Tuấn lý giải một cách đơn giản: “Vinh quang là niềm tự hào được mang niềm vui, niềm hạnh phúc đến cho nhân dân, góp phần bảo đảm cho xã hội ngày một an toàn, hạnh phúc”.

_____________

Kỳ tới: Nghe kẻng là đi

THU AN - GIA MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp