08/11/2016 10:26 GMT+7

Cảnh sát cứu nạn cứu hộ - Kỳ 5: Trung tâm 114

THU AN - GIA MINH
THU AN - GIA MINH

TTO - 114, với người dân TP.HCM không còn là số điện thoại khẩn cấp báo riêng các vụ cháy, nổ, cứu nạn cứu hộ nữa, mà đã trở thành tổng đài chung cho các cuộc gọi khẩn cấp của TP.

*** Error ***
Một kíp trực xử lý thông tin khẩn cấp tại TT 114 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

“Trung tâm thông tin chỉ huy, thuộc phòng tham mưu, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC) TP.HCM có 18 cán bộ chiến sĩ, trong đó ba người là chỉ huy” - trung tá Đinh Văn Đạt, đội trưởng phụ trách Trung tâm thông tin chỉ huy (viết tắt TT), giới thiệu về đơn vị mang số điện thoại khẩn cấp 114.

Cảm giác có lỗi

“Anh em chiến đấu với các vụ cứu nạn, cứu hộ, cháy nổ ở bên ngoài, còn chúng tôi luôn phải căng như dây đàn, ngồi ở trung tâm tiếp nhận thông tin, điều động, xử lý, báo cáo...” - thượng úy Nguyễn Thị Mỹ Linh, phó đội trưởng phụ trách TT, chia sẻ về công việc các cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị mình.

Sinh ra ở Long An, ước mơ hành động như hiệp sĩ trong phim chống lại cái xấu, Linh nung nấu ý định xin vào ngành công an.

Năm 2008 trong dịp Cảnh sát PCCC TP.HCM tuyển dụng, Linh đã đăng ký và trúng tuyển. Linh làm việc tại nhiều bộ phận, tới năm 2012 mới về đội TT, bắt đầu với những trải nghiệm không thể nào quên.

Linh là người trực trong thời gian xảy ra vụ nổ tại nhà ông Phương “khói lửa” ở Q.3 (24-2-2013).

“Tôi nhận tin báo cháy lúc hơn 0g, điều động lực lượng tới hiện trường thì anh em báo về có cháy lớn, có cả nổ, làm bể kính, nứt nhà dân xung quanh. Phòng Cảnh sát PCCC Q.3 thấy vụ việc lớn quá, yêu cầu chi viện, báo có người bị kẹt trong đó.

12g30 khuya, hiện trường báo về có hai người chết, chú Dương (thiếu tướng Trần Triều Dương, nguyên giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM) nghe báo cáo vậy là tới hiện trường liền. Ở nhà trực trung tâm, cứ một hồi tôi lại nghe có người chết, một hồi lại nghe có người chết.

Trưa hôm sau mới tìm hết được người trong đống đổ nát đó, tổng cộng 11 nạn nhân tử vong. Mình trực ca đêm tới sáng không ngủ, sau khi làm báo cáo thì chuyển giao ca, lại tiếp tục lao vào việc khác”.

Chúng tôi ở trung tâm trực dù căng thẳng, mệt mỏi nhưng không nguy hiểm. Còn anh em trực tiếp đi cứu nạn cứu hộ thì khổ lắm

Thượng úy Nguyễn Thị Mỹ Linh

Theo lời Linh, trước khi xảy ra vụ nổ nhà ông Phương, Linh từng xử lý nhiều tin báo về cứu nạn, cứu hộ, tìm kiếm thi thể người chết đuối, mọi việc tương đối bình thường. Tuy nhiên, vụ việc có 11 người chết khiến Linh thường xuyên lo sợ, phập phồng, cảm giác kỳ lạ khó tả.

“Người trực phải nắm thông tin, điều động lực lượng, hướng dẫn đường đi, trụ nước, họng nước và nguồn nước gần hiện trường để lực lượng chiến đấu tác chiến nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Ngoài ra, người trực còn phải nắm tình hình hiện trường, báo cáo liên tục và cập nhật thông tin gần như tức thời. Công việc căng thẳng, tập trung cao độ nhưng điều quan trọng và ám ảnh mãi là tại sao trong ca trực của mình lại xảy ra vụ có nhiều người chết như thế?

Mình cứ bị cảm giác có lỗi, phải chịu trách nhiệm dù lý trí trả lời rằng vụ việc không liên quan tới cá nhân mình, đó chỉ là sự cố ngoài ý muốn” - Linh nói.

Căng thẳng

Có mặt tại TT nhiều ngày, chúng tôi chứng kiến những thời điểm cùng lúc có hàng chục cuộc điện thoại gọi tới tổng đài 114, các cán bộ, chiến sĩ trực không được ngừng tay, ngừng miệng trong nhiều giờ liên tục.

Trung tá Đạt cho biết hệ thống trung tâm chỉ huy vận hành theo hai ca trực/ngày, mỗi ca có ba người trực. Có tin báo tới, một người phải chuyên tâm về thông tin liên lạc vô tuyến, hữu tuyến.

Người nhận tin ghi vào sổ, xử lý trên hệ thống về địa điểm xảy ra, điều động lực lượng nào, số lượng bao nhiêu tới hiện trường.

Người thứ hai phải khai thác hệ thống cảnh báo cháy nhanh, kèm theo hướng dẫn về đường giao thông, nguồn nước gần đám cháy nhất để lực lượng chiến đấu tới vị trí cần thiết.

Một người khác nữa phải điều khiển hệ thống camera đặt trên cao của TP quay về hướng xảy ra cháy để phát hiện cột khói lớn hay nhỏ.

Từ đó đánh giá tình hình để điều động lực lượng cho hợp lý, rồi thông tin qua lại giữa lực lượng chiến đấu, chỉ huy hiện trường, lãnh đạo các cấp trong BGĐ và các cơ quan liên quan. Công việc luôn tay, vô cùng bận rộn.

Chiều 26-9-2016, trong trận mưa lịch sử gây ngập trên diện rộng, chúng tôi chứng kiến các cán bộ, chiến sĩ của TT hoạt động tối đa công suất. Sau khi trời mưa lớn, các cuộc gọi dồn dập khắp TP đổ về, đầu tiên là báo các vụ cháy dây điện, trụ điện ở nhiều điểm trong TP.

Ba cán bộ trực không đủ, thượng úy Linh phải ngồi vào bàn trực phụ dù không phải ca trực của mình. Họ điều động các đơn vị đi xử lý các điểm cháy dây điện, trụ điện xong thì bắt đầu tới tin báo ngập.

Tiếng chuông điện thoại liên tục đổ không lúc nào ngớt, cả bốn bàn trực đều làm việc hết công suất, vừa điều động tổ công tác này đi xong, lại trả lời cuộc gọi mới và tiếp tục điều động lực lượng khác tới hiện trường.

Chỉ trong vài giờ, gần 400 cuộc gọi đổ về TT. Ngoài các vụ cháy thì có tới hơn 40 điểm ngập trên toàn TP, từ trung tâm Q.1 tới các quận, huyện xa như Q.9, H.Nhà Bè. Các cuộc gọi chỉ giảm dần từ khoảng 22g tới 0g.

“Xong ca trực, các cán bộ, chiến sĩ mới ăn tối, mỗi người bê tô cháo mà “nuốt không vô” vì quá căng thẳng, mệt mỏi” - thượng úy Nguyễn Thanh Hiền, một trong các cán bộ trực, nói.

Thượng úy Linh cho biết: “Chúng tôi ở trung tâm trực dù căng thẳng, mệt mỏi nhưng không nguy hiểm. Còn anh em trực tiếp đi cứu nạn cứu hộ thì khổ lắm, vì lao vào lửa để cứu người, chữa cháy là hiểm nguy luôn rình rập, bất trắc có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Những lúc điều động anh em đi chữa cháy, cứu hộ các công trình sập, đổ hay lặn cứu người, tìm thi thể, chúng tôi trực ở nhà cứ thắt tim lại. Chỉ khi nào anh em báo hoàn thành nhiệm vụ, an toàn trở về mới thở phào nhẹ nhõm”.

Khốn khổ với tin báo giả

Những ngày có mặt tại TT, chúng tôi thường xuyên chứng kiến các cuộc gọi tới tổng đài 114 để... hỏi mua trứng, mua rau, trẻ em gọi tới trêu đùa, khóc cười, hò hét...

Trung tá Đinh Văn Đạt nói: “Tính trung bình cứ 1.000 cuộc gọi tới số 114 thì quá nửa là các cuộc gọi chọc phá, trêu đùa. Thành phần chọc phá, trêu đùa thì đủ loại. Thất tình gọi, say xỉn gọi, mất ngủ gọi, ở không rảnh muốn có người nói chuyện miễn phí cũng gọi...

Đáng buồn nhất là số lượng cuộc gọi chọc phá lên tới đỉnh điểm là dịp hè, khi các em học sinh nghỉ học.

Các em học sinh gọi cả trăm cuộc điện thoại để chọc phá, nhiều em còn sắp xếp kịch bản gọi tới số 114, sau đó đóng cảnh cháy giả, em thì hò hét kêu cháy, em thì kêu cứu, sau đó la hét cười rú lên.

Chúng tôi rất mệt mỏi và buồn về những trường hợp này. Nếu chặn số máy, khi có sự cố xảy ra các em không gọi được thì rất nguy hiểm, mà không chặn thì mỗi ngày chịu “tra tấn” như thế khủng khiếp vô cùng!".

* Kỳ cuối : Từ “biệt đội không tên” đến mô hình cả nước

--------

Các kỳ trước

>> Kỳ 1: 

>> Kỳ 2: 

>> Kỳ 3: 

>> Kỳ 4:  

THU AN - GIA MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp