30/06/2015 07:30 GMT+7

Cảnh sát biển VN bắt cướp biển - Kỳ 5: Những chuyện chưa kể

MY LĂNG - MINH PHƯỢNG
MY LĂNG - MINH PHƯỢNG

TT - Sau khi lên tàu cảnh sát biển (CSB) 4034, lần lượt 11 tên cướp biển được cho đi tắm, cấp quần áo mới. Trên tàu CSB có hai phòng giam.

Cảnh sát biển khống chế bọn cướp ngay khi đưa lên tàu CSB 4034 - Ảnh: Đức Định
Cảnh sát biển khống chế bọn cướp ngay khi đưa lên tàu CSB 4034 - Ảnh: Đức Định

Tất cả được đưa vào hết hai phòng, khóa cửa, bên ngoài có hai chiến sĩ cầm súng canh gác. 100% quân số trên tàu vẫn luôn trong tâm thế cảnh giác.

Ngay sau khi bắt gọn 11 tên cướp biển, Cục CSB Việt Nam đã nhanh chóng liên hệ với các tổ chức chống tội phạm quốc tế để xử lý theo pháp luật.

Ở lại... dò mìn

18g30 ngày 22-11, tàu CSB 4034 chạy ở tốc độ cao nhất xuyên đêm tối hướng về đất liền. Đúng 20g, tàu CSB 4034 đưa 11 tên cướp về đến quân cảng Vùng CSB 3 (Vũng Tàu). Trên cảng đã tập trung sẵn tất cả các xe nghiệp vụ, đội nghiệp vụ, lực lượng chuyên ngành.

Không kịp nghỉ ngơi, chỉ huy Vùng CSB 3 phối hợp với công an, bộ đội biên phòng cấp tốc lấy lời khai ngay trong đêm. 11 tên cướp biển đều mang quốc tịch Indonesia.

Hai tên lớn nhất 45 tuổi. Tên nhỏ nhất 23 tuổi. Đến 3g sáng 23-11, 11 tên cướp đã được bàn giao cho Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục điều tra.

Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm kể: “Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, tôi xin ý kiến của Bộ Quốc phòng cho phép hai tàu ở lại làm công tác dò mìn tàu Zafirah để đảm bảo an toàn đến mức tối đa.

Mình chỉ sợ tàu này đưa vào ngay, nhỡ bị bọn cướp biển cài mìn, đặt bom nổ chậm, tàu nổ thì rất nguy hiểm. Hai là lúc ấy anh em vẫn nghi rằng trên tàu Zafirah vẫn còn một tên đang trốn”.

Tàu 4031, 9001 nhận lệnh tiếp tục ở lại hiện trường để quan sát, bảo vệ tàu bị cướp. Một tổ trinh sát đặc nhiệm được lệnh đột nhập vào các phòng, khoang máy và kiểm tra kỹ từng ngóc ngách. Kết quả kiểm tra cho thấy đúng là không có tên cướp thứ 12. Súng, dao, kiếm... cũng không được tìm thấy.

“Thông tin từ thuyền trưởng tàu Zafirah khai rằng bọn cướp có vũ khí nhưng sau này khi mình khám không có. Phải nói thật như thế này, tội tàng trữ vũ khí hoặc sử dụng vũ khí để cướp biển rất nặng. Cho nên tôi tin bọn cướp biển đã vứt đi khi biết không thể chạy thoát” - thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm nói.

Đến 7g sáng hôm sau, thuyền trưởng, máy trưởng và một thuyền viên Zafirah đã được đưa trở lại tàu để trông coi và khắc phục sự cố máy móc. Nhưng trái ngược với sự vui mừng, họ tỏ ra rất lo sợ vì cảm thấy không an toàn.

Trong tâm trí mọi người lúc đó đều nghĩ vẫn còn một tên lẩn trốn và có thể bọn cướp đã cài mìn hẹn giờ. Lãnh đạo Vùng CSB 3 linh động cho hai tàu CSB nép sát bên tàu Zafirah để làm công tác bảo vệ và trấn an tâm lý cho ba thủy thủ tàu bạn.

Biết tàu Zafirah đã cạn nguồn lương thực, các chiến sĩ CSB VN chủ động cung cấp thực phẩm tươi cho họ. Hai tàu còn mời các thuyền viên này dùng chung bữa cơm thân mật.

“Thuyền trưởng Sann Wannaung đặc biệt cảm kích sự tận tâm, thân thiện của các chiến sĩ CSB Việt Nam. Họ rất xúc động trước sự giúp đỡ hết mình và tình cảm thân thiện của mình” - thuyền trưởng Lê Hải Trường kể.

Đến 5g sáng 23-11, sau khi mọi công tác kiểm tra đều khẳng định đã an toàn, biên đội tàu CSB 4031 và 9001 được lệnh lai dắt tàu Zafirah về khu vực bãi Trước (TP Vũng Tàu).

Do máy móc trên tàu Zafirah bị trục trặc nên một nhóm chiến sĩ CSB đã chủ động sang tàu giúp thuyền trưởng, máy trưởng khắc phục sự cố.

Các cán bộ chiến sĩ của hai tàu CSB còn sang giúp thuyền trưởng và máy trưởng làm dây để tàu 9001 kéo về Vũng Tàu. Đến 11g30 trưa 23-11, tàu CSB 9001 đã lai kéo tàu Zafirah về bờ và cập cảng tại Vùng CSB 3 lúc 16g30 ngày 23-11.

“Khi mình giữ được tàu này thả neo, dừng máy tại vị trí thì bạn bè, CSB quốc tế đã điện chúc mừng rồi. Lúc đó, định vị trên vệ tinh đã khẳng định tàu mất tích họ đang theo dõi chính xác đang nằm tại tọa độ đó.

Điện từ Trung tâm Thông báo cướp biển (IMB) cũng cho biết tàu hiện đã được lực lượng CSB Việt Nam phát hiện và kiểm soát có độ chính xác rất cao là tàu MT Zafirah” - thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm kể.

Chiến công của lực lượng CSB Việt Nam là một thành tích xuất sắc, có tầm ảnh hưởng quốc tế rất lớn. Đây là lần đầu tiên Việt Nam đối diện trực tiếp với bọn cướp biển và cũng là lần đầu tiên phải nổ súng thẳng vào cabin để trấn áp tội phạm.

“Cái đặc biệt của mình là không nổ súng tiêu diệt nhưng vẫn bắt gọn được 11 tên - thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm nói - Trên thế giới, khi bọn cướp ngoan cố, họ sẽ tiêu diệt bằng vũ khí, hỏa lực. Với vụ tàu MT Zafirah, lần đầu tiên trên thế giới bắt được trọn bọn cướp biển mà không phải tiêu diệt một tên nào.

Bạn bè cảnh sát quốc tế rất ca ngợi CSB Việt Nam có trách nhiệm, rất dũng cảm, phương pháp của mình làm lại rất lạ...”.

Áp giải bọn cướp biển về Vũng Tàu lúc 21g - Ảnh: Đức Định
Áp giải bọn cướp biển về Vũng Tàu lúc 21g - Ảnh: Đức Định

Xử lý thế nào?

Việc xử lý 11 tên cướp biển mang quốc tịch Indonesia như thế nào cũng là một vấn đề nan giải. Một cuộc họp đã được tổ chức ngay ngày hôm sau, ngày 24-11, giữa Bộ Công an, Biên phòng, CSB, Viện KSND tối cao, Cục Hàng hải.

Cuối cùng, cuộc họp kết thúc với hai luồng ý kiến khác nhau. Một số đồng ý phải khởi tố hình sự và dẫn độ về Indonesia. Nhưng ý kiến còn lại không nhất trí khởi tố hình sự mà đề xuất xử phạt hành chính, trục xuất về Indonesia.

Nhóm ý kiến thứ nhất cho rằng hành vi phạm tội của bọn cướp biển là rõ. Việc đưa các đối tượng cướp biển là người nước ngoài ra xử lý trước pháp luật Việt Nam là hoàn toàn phù hợp, không trái với luật pháp quốc tế và pháp luật Việt Nam (như ý kiến đồng thuận của Interpol, Cục Hàng hải quốc tế...).

Nhóm ý kiến thứ hai cho rằng không khởi tố hình sự nhóm cướp biển trên mà đề xuất xử phạt hành chính rồi trục xuất về Indonesia. Lý do: việc xét xử cướp biển rất khó do Việt Nam chưa có luật nào (kể cả luật hình sự) để áp dụng truy cứu, xét xử.

Thêm nữa, Việt Nam chưa có kinh nghiệm với các vụ việc này cộng thêm tâm lý lo ngại sợ các tàu biển Việt Nam sẽ bị trả thù khi đi qua vùng biển Indonesia.

Riêng đoàn cán bộ CSB vẫn giữ nguyên quan điểm của mình: cần phải khởi tố vụ án, khởi tố bị can và dẫn độ về Indonesia để truy cứu trách nhiệm hình sự.

Lập luận của CSB là nhóm cướp biển đã thực hiện hành vi phạm tội: đã đột nhập lên tàu, bắt cóc tàu hòng chiếm đoạt tài sản và đẩy thủy thủ xuống biển, đe dọa nghiêm trọng đến mạng sống của chín thủy thủ.

Hành vi phạm tội của bọn cướp biển rõ ràng, phạm tội có mục đích, có kế hoạch và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi bắt cóc tàu.

Vì đây là vụ việc phức tạp liên quan đến nhiều yếu tố nước ngoài, cuối cùng Bộ Công an quyết định phải tổ chức một cuộc họp cấp cao hơn để gút lại phương án xử lý.

Trong khi đó, 11 tên cướp biển đang được quản lý tại đồn biên phòng 518 (TP Vũng Tàu). Dù đang phạm tội nhưng bọn chúng được chăm sóc, đối đãi chu đáo. Bọn cướp biển được tự nấu ăn theo sở thích, văn hóa, chơi thể thao mỗi ngày...

Đến ngày 12-4-2013, tại trụ sở Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đoàn cảnh sát Indonesia và Lãnh sự quán Indonesia tại TP.HCM có buổi làm việc với các cơ quan chức năng Việt Nam.

Ngày hôm sau, ngày 13-4, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đưa 11 đối tượng trong vụ cướp tàu Zafirah đến sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) chuyển giao cho cơ quan chức năng Indonesia dẫn độ về nước xử lý theo pháp luật Indonesia.

_________________

Kỳ tớiĐi tìm tàu “mù”

MY LĂNG - MINH PHƯỢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp