27/08/2022 05:16 GMT+7

Cánh rừng Nguyễn Huy Thiệp ở bản Hua Tát

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Từ những tấm lòng dành cho Nguyễn Huy Thiệp, một cánh rừng đã thành hình ở Hua Tát, không chỉ bảo vệ môi trường, tạo sinh kế cho người dân mà còn gia tăng giá trị văn hóa cho nơi đây.

Cánh rừng Nguyễn Huy Thiệp ở bản Hua Tát - Ảnh 1.

Nguyễn Phan Bách (bìa phải), con trai Nguyễn Huy Thiệp, tham gia trồng rừng tưởng niệm bố tại Hua Tát - Ảnh: LÊ ĐỨC ANH

Hua Tát sau gần 40 năm Nguyễn Huy Thiệp rời đi rồi "đóng đinh" cái tên bản của người Thái đen ở Sơn La này vào văn chương nước Việt vẫn là một bản nhỏ nằm "trong thung lũng hẹp và dài, ba bề bốn bên là núi cao bao bọc", nhưng từ nay có lẽ sẽ bớt cô đơn bởi nơi ấy vừa có một cánh rừng mang tên Nguyễn Huy Thiệp được vun trồng từ tình yêu của người hâm mộ văn chương ông.

Ngày 26-8, giữa cơn mưa rừng xối xả, những ngọn gió Hua Tát và những mây mù đầy "không khí huyền thoại" hệt trong những truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, đoàn của Công ty TNHH Xã hội trồng và phục hồi rừng Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, bạn bè văn chương, cán bộ, bộ đội địa phương và người dân bản lên đồi trồng rừng.

9,7ha là đất rừng của 13 hộ dân bản Hua Tát (xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) được chọn để trồng cây mắc ca xen kẽ với cây bản địa trám đen, cây gỗ tếch bằng nguồn đóng góp từ chính những tấm lòng yêu quý văn chương và nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.

Rừng Nguyễn Huy Thiệp từ tấm lòng bạn đọc

Dự án bắt đầu nảy nở từ tháng 5-2021, nhân lễ 49 ngày mất của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Vợ chồng nhà giáo Nguyễn Nguyệt Cầm và Peter Zinoman - giáo sư sử học tại Đại học UC Berkeley, Hoa Kỳ, vốn là những người bạn văn chương rất nể trọng tài năng Nguyễn Huy Thiệp - đã có sáng kiến trồng một mảnh rừng ở bản Hua Tát để tưởng nhớ nhà văn tài năng. 

Từ sáng kiến này, những tấm lòng với văn chương, với Nguyễn Huy Thiệp đã tìm đến với nhau. Công ty trồng và phục hồi rừng Việt Nam đã tiếp nhận và tổ chức đấu giá bản in đầu tiên cuốn sách đầu tay của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, tác phẩm Tướng về hưu, với chữ ký của tác giả - món quà từ nhà sưu tập Nguyễn Duy Cường.

Ông Alex Thai - nhà Việt Nam học tại Hoa Kỳ, cũng là một người yêu văn tài Nguyễn Huy Thiệp - đã mua cuốn sách với giá 72 triệu đồng - bằng đúng số năm tại thế của nhà văn. Phiên đấu giá còn nhận được gần 30 triệu đồng của nhiều độc giả ủng hộ sáng kiến này. 

Từ những tấm lòng dành cho Nguyễn Huy Thiệp, một cánh rừng đã thành hình ở Hua Tát, không chỉ bảo vệ môi trường, tạo sinh kế cho người dân mà còn gia tăng giá trị văn hóa cho nơi đây.

Những người trồng rừng hy vọng cánh rừng vừa được trồng xuống từ bao nghĩa tình văn chương sẽ mang đến cho bản Hua Tát nghèo khó nhiều nhộn nhịp, tươi vui. Nó sẽ không còn cô đơn dằng dặc trong những cơn mưa rừng, những vạt "hoa cúc dại nở vàng đến nhức mắt" bên hồ nhỏ mỗi độ thu sang, trong những câu chuyện cổ ở bản về nỗi đau khổ của con người như nhà văn Nguyễn Huy Thiệp từng kể trong những áng văn chương của ông. 

Cánh rừng ấy sẽ thành một nơi chốn những người yêu văn chương tìm đến để gặp lại tác giả Muối của rừng, tìm về cái không khí huyền thoại mà nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã "bắt" được từ mảnh đất này mà mang ra thết đãi bạn đọc.

Cánh rừng Nguyễn Huy Thiệp ở bản Hua Tát - Ảnh 2.

Đoàn Hội Nhà văn Việt Nam đi trồng rừng tặng sách cho điểm Trường Hua Tát, mở đầu chương trình mang sách cho trẻ em vùng sâu vùng xa, trẻ em nông thôn của hội - Ảnh: T.ĐIỂU

Mối tình với Tây Bắc

Cũng tham gia chuyến trồng rừng này, con trai nhà văn Nguyễn Huy Thiệp - họa sĩ Nguyễn Phan Bách - đã khóc khi chứng kiến những tình cảm mà mảnh đất Mai Sơn dành cho bố mình. Các thầy cô đến từ điểm trường bản Hua Tát, Trường THPT Cò Nòi, Trường THPT Mai Sơn, Trường đại học Tây Bắc, các em học sinh, cán bộ, bộ đội địa phương yêu quý và tự hào về Nguyễn Huy Thiệp như thể ông chính là một người con tài năng của mảnh đất này. 

Ở đây ông mãi mãi được đón chào như quê hương mình. Thầy hiệu trưởng Trường THPT Cò Nòi còn xin bài phát biểu của chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều về Nguyễn Huy Thiệp ở Hua Tát để đọc cho học sinh toàn trường như một buổi học tập ngoại khóa.

5 năm trước, Nguyễn Huy Thiệp về đây gặp lại bao bạn bè cũ ở Trường Bổ túc Công nông nay đều là những ông bà già ưa sống bằng kỷ niệm một thời nghèo khó mà đầy ân tình. Trong đó có bà Khánh, người đồng nghiệp năm xưa nhà văn đã khiêng võng vượt suối trèo đèo đưa bà đi đẻ. 

Lần về thăm ấy, nhà văn già xúc động và hạnh phúc vô cùng, nên ông đã hát những bài ông yêu thích nhất cho bạn bè nơi đây nghe, một bài hát về núi rừng Tây Bắc: Tình ca Tây Bắc.

Nghe bố hát bài này trong video mà các thầy cô Trường đại học Tây Bắc làm để chào đón đoàn đến trồng rừng, Nguyễn Phan Khoa - con trai thứ của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp - xúc động kể đó là bài hát mà sinh thời bố mình thích nhất, cùng với bài Bài ca trên núi, lại cũng là một bài hát về núi rừng.

Nguyễn Huy Thiệp yêu và hàm ơn núi rừng Tây Bắc, như yêu mạch nguồn đã nuôi dưỡng lòng nhân ái và cho ông con mắt thấu suốt nhân gian, những thứ cần thiết để tạo nên một văn nhân. 

Đến lượt mình, ông cũng trả cho mảnh đất ấy thật xứng đáng, như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ nhân sự kiện trồng rừng: "Khi nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cầm bút viết về mảnh đất và con người ở chốn này thì tất cả bỗng trở nên kỳ ảo. Và cũng chính từ lúc đó, những ngọn gió Hua Tát như ngủ từ ngàn năm thức dậy và thổi qua những cánh rừng, những ngọn núi và thổi mãi về mọi nơi chốn".

Ông Thiều tin rằng, từ mảnh rừng Nguyễn Huy Thiệp, "mỗi cái cây mới mọc lên lại ngân vang những ngọn gió Hua Tát của một thời đại mới", thời đại mà người Hua Tát có thêm một của quý trong kho tàng văn hóa của mình: nhà văn Nguyễn Huy Thiệp và những áng văn chương giúp Hua Tát thành bất tử.

Sắp tới, một điểm "check-in" với cánh rừng tưởng niệm nhà văn Nguyễn Huy Thiệp ở Hua Tát sẽ được dựng lên cho người dân ghé thăm cái nơi chốn nghèo khó nhưng giàu tình người đã đắp bồi cho ông giáo Thiệp bề dày tri thức, tâm hồn nhạy cảm và lòng yêu thương con người sâu sắc để trở thành nhà văn xuất sắc trên văn đàn Việt Nam nửa cuối thế kỷ 20.

Nguyễn Huy Thiệp vẫn cô đơn cả khi được nhớ về Nguyễn Huy Thiệp vẫn cô đơn cả khi được nhớ về

TTO - Đọc cuốn sách mới nhất về nhà văn Nguyễn Huy Thiệp có tên Về Nguyễn Huy Thiệp mà nhóm biên soạn gọi là "như một nén nhang tưởng nhớ nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nhân 100 ngày ông đi xa", thấy Nguyễn Huy Thiệp vẫn cô đơn "cả khi chết đi rồi".

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp