Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Võ Văn Thưởng bắt tay các đại biểu tham dự buổi họp mặt truyền thống năm cánh quân trong chiến dịch Hồ Chí Minh chiều 27-4 - Ảnh: Quang Định |
Cuộc họp mặt truyền thống do Thành ủy TP.HCM và các ban ngành phối hợp tổ chức.
Những chiến binh oai hùng trên xe tăng năm xưa, nay có người phải ngồi xe lăn, người chống gậy và đa số tóc đã bạc trắng, đều không nén nổi niềm vui khi vào họp mặt trong phòng khánh tiết.
Với nhiều người trong số họ, đây mới chỉ là lần thứ hai đến hội trường Thống Nhất sau lần thứ nhất cách nay 40 năm.
Và cũng với nhiều người, phải qua đến năm bảy câu thăm hỏi mới nhận ra họ từng ở chung đơn vị trong những ngày máu lửa. “Là vì quân số của chúng tôi biến động liên tục, hao hụt rồi bổ sung hằng ngày. Chiến tranh khốc liệt lắm cháu ạ” - đại tá Hùng Kim Tình, cựu chiến binh Quân đoàn 1, giải thích.
Chiến tranh khốc liệt nên không ai có đủ lời để kể lại niềm vui bất tận khi hòa bình đến vào trưa 30-4 40 năm trước ấy.
Vui bất tận nhưng những quân nhân mang quân hàm đại tá trong cuộc họp mặt hôm nay lại không rời quân ngũ sau ngày thống nhất đất nước.
Tất cả họ đều đã tiếp tục lên đường đến biên giới phía Bắc, phía Nam, hải đảo, Trường Sa để bảo vệ Tổ quốc, sang nước bạn Campuchia chiến đấu cho nghĩa vụ quốc tế đến tận tuổi về hưu.
Thay mặt đồng đội, thiếu tướng Vũ Văn Thược, nguyên tư lệnh Quân đoàn 4, xúc động phát biểu:
“Hơn ai hết, cựu chiến binh Việt Nam rất tha thiết với hòa bình để toàn dân yên tâm xây dựng đất nước, tha thiết và quyết tâm bảo vệ những thành quả đã được các thế hệ cha ông xây dựng bằng máu xương và mồ hôi...”.
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải một lần nữa điểm lại cuộc hành quân thần tốc “một ngày bằng 20 năm” của năm cánh quân từ năm hướng tiến về Sài Gòn năm xưa. “Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng, đó là sự thành công do kết hợp đúng đắn, tuyệt đẹp giữa tổng tiến công và nổi dậy. Suốt ngày 29 đến 30-4, toàn thành phố đã có 107 điểm nổi dậy, chiếm giữ trụ sở hành chính cấp xã, phường trước khi Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Được lực lượng vũ trang tại chỗ hỗ trợ, nhân dân đã tự giải phóng các huyện lỵ Củ Chi, Hóc Môn, Gò Vấp, Thủ Đức, Bình Chánh; chiếm trụ sở hành chính các quận 3, 5, 8, 10, 11 và Tòa hành chánh tỉnh Gia Định, hai ty cảnh sát quận 3 và 5. Cờ sao tung bay trên các phố phường, xóm ấp, xác lập quyền làm chủ của quần chúng cách mạng cho đến khi lá cờ thống nhất phất phới bay trên nóc dinh tổng thống…”.
Ông cũng nhắc lại giai đoạn khó khăn sau hòa bình và những bước đột phá, tháo gỡ vướng mắc của TP. Ông Hải cũng điểm qua tình hình thế giới và khu vực thực tại, những khó khăn trên biển Đông...
Kết thúc bằng bài học “căn cứ lòng dân” trong kháng chiến, ông Lê Thanh Hải cam kết Thành ủy TP.HCM luôn chú trọng thực hiện chính sách thuận lòng dân, an dân, lắng nghe, thấu hiểu nhu cầu, nguyện vọng, giải quyết các vấn đề bức xúc của dân; mỗi cán bộ đảng viên nỗ lực rèn luyện đạo đức cách mạng, gắn bó máu thịt với nhân dân.
Ngồi nghe, nhiều cựu chiến binh lại gật đầu, đồng tình bảo: “Sáng nay báo đăng về cánh quân thứ 6 là đúng. Đó là dân. Nếu làm được như lời nói, không lo gì không được dân ủng hộ, không lo gì không đi đến được thắng lợi như chúng tôi ngày xưa”.
Gặp gỡ “hậu phương lớn” của các tướng lĩnh Nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, sáng 27-4 lãnh đạo TP.HCM có cuộc gặp gỡ thân nhân các tướng lĩnh đã từ trần. Ông Lê Thanh Hải - ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy TP - cùng các lãnh đạo TP chào đón, ân cần thăm hỏi phu nhân và thân nhân của các tướng lĩnh. Thay mặt lãnh đạo TP, ông Võ Văn Thưởng - ủy viên Trung ương Đảng, phó bí thư thường trực Thành ủy TP - bày tỏ sự kính trọng, quý mến, niềm tự hào đến phu nhân, thân nhân các tướng lĩnh. Phát biểu của ông Thưởng đặc biệt nhấn mạnh “dù trong hoàn cảnh nào, các dì, các chị luôn là hậu phương lớn, thắp thêm ngọn lửa, niềm tin, là chỗ dựa vững chắc để các sĩ quan, cán bộ, chỉ huy, những tướng lĩnh yên tâm công tác, lãnh đạo, chỉ huy các trận đánh thắng lợi...”. Góp phần làm nên bài ca chiến thắng đó là sự đóng góp to lớn, trực tiếp của các tướng lĩnh mưu lược, kiệt xuất; sự hi sinh thầm lặng, cao quý của những người mẹ, người vợ của các tướng lĩnh. * Cùng ngày, Quận ủy - UBND - Ủy ban MTTQ Q.Phú Nhuận tổ chức lễ khánh thành bia ghi công mặt trận cầu Kiệu nhân kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Bia ghi công có chất liệu đá granite được xây dựng trên diện tích 25,4m2, đặt ngay dưới chân cầu Kiệu đoạn đường Trường Sa thuộc P.2 nhằm tưởng niệm, ghi nhớ công ơn của đồng bào, chiến sĩ đã hi sinh trong trận đánh ở mặt trận cầu Kiệu trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp. * Tối 27-4, quận 2 (TP.HCM) tổ chức mittinh kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Phát biểu của bí thư Quận ủy quận 2 Nguyễn Văn Hiếu ôn lại những trang sử hào hùng, trong đó nêu bật ý nghĩa thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Vươn lên cùng TP.HCM, nhấn mạnh đến sự phát triển của quận 2 trong những năm qua, ông Hiếu cho biết nếu như ngày trước chỉ có con đường qua cầu Sài Gòn để vào trung tâm TP, bây giờ đã có thêm cầu Sài Gòn 2, có cầu Thủ Thiêm, có hầm vượt sông Sài Gòn, có cầu Phú Mỹ. Trong tương lai gần TP sẽ tiếp tục có một số cây cầu, cầu đi bộ nối quận 2 với trung tâm TP... * Ngày 27-4, tại trụ sở Hội Nhà báo TP.HCM, Bộ Thông tin - truyền thông phối hợp với UBND TP.HCM đã khai trương Trung tâm báo chí và ra mắt chuyên trang kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Phát biểu tại buổi lễ, ông Trương Minh Tuấn, thứ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông, cho biết trung tâm là đầu mối cung cấp thông tin, hình ảnh, âm thanh cho các phóng viên trong nước và nước ngoài liên quan đến các sự kiện diễn ra tại TP.HCM. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận