Phóng to |
Nghe đọc nội dung toàn bài: |
Nội dung vở có khá nhiều cảnh "giường chiếu" và cụm từ "VMT" (vá màng trinh) mà trẻ em chưa nên xem và hiểu. Phải chăng đã đến lúc sân khấu cũng cần phân loại khán giả như phim ảnh bởi các cảnh "yêu đương như thật" đã xuất hiện ngày càng nhiều...
Hôn môi và... cởi áo
Nếu như trên phim ảnh, chuyện "yêu" đã từ lâu không còn kiểu dừng cảnh, cắt cảnh, lia máy ra chỗ khác để khán giả... tự hiểu nữa thì trên sân khấu đó vẫn là chốn dè dặt. Sân khấu chỉ dừng lại ở lời thoại, dáng vẻ, điệu bộ và giỏi lắm là một cái ôm, một nụ hôn nhẹ trên má đủ để khán giả hiểu đó là hai người đang yêu nhau. Nhưng đó là chuyện trước đây. Còn gần đây, chuyện "ước lệ tượng trưng" ấy đã bắt đầu nhường chỗ cho những pha nóng bỏng thật hơn, bạo dạn hơn.
NSƯT Trần Minh Ngọc (thành viên hội đồng phúc khảo sân khấu TP.HCM): Không cấm nhưng phải đẹp Quan điểm chung của hội đồng phúc khảo là không cấm những cảnh nóng trên sân khấu, nhưng chúng tôi sẽ góp ý để những cảnh ấy khi xuất hiện trước khán giả phải đẹp và không thô thiển quá mức. Cảnh hôn hít, âu yếm hay thậm chí là làm tình đều có thể đưa lên sân khấu được, miễn sao đạo diễn có đủ lý lẽ chính đáng để dựng. Hồi ở Nga, tôi từng được xem vở Ngôi sao trên bầu trời buổi sáng có cảnh khỏa thân hoàn toàn rất sốc nhưng khán giả dường như quên hết chuyện xác thịt mà chỉ cảm thấy rất xúc động, thấy cuộc đời của nhân vật ấy bắt buộc phải như thế. Sân khấu phương Tây rất phóng khoáng và họ có những lý do nghệ thuật để bảo vệ những phóng khoáng đó. Tuy nhiên, chúng ta vẫn là dân châu Á nên có những ước lệ cần phải sử dụng, có những thuần phong mỹ tục cần phải tôn trọng. Sân khấu chỉ là nơi gợi thôi chứ không đi sâu vào tả thực như phim ảnh. Chẳng hạn như trong vở Nhân danh công lý của sân khấu Phú Nhuận, có cảnh hãm hiếp được xử lý hơi tự nhiên chủ nghĩa khi nhân vật nữ bị kéo hẳn hai chân lên trên, chúng tôi đã trao đổi với đạo diễn Đức Thịnh để sửa lại cho đẹp hơn, chứ không "vùi dập" rồi triệt tiêu hẳn. |
Trong bộ ba vở kịch Thử yêu lần nữa, Màu của tình yêu và Cảm ơn mình đã yêu em, tình cảm của hai vợ chồng Hồng Phấn (NSƯT Thành Hội) và Bích Hồng (Hồng Ánh) được đạo diễn Ái Như chăm chút đến từng chi tiết nhỏ nhất. Trên sân khấu họ âu yếm, thương yêu, hôn nhau say đắm y như thật khiến khán giả cứ muốn tin rằng ngoài đời họ cũng là một cặp.
Trong vở Cõi tình của mùa tết 2005, nhiều khán giả của sân khấu 5B cũng rất bất ngờ khi thấy Mỹ Uyên cởi áo trên sân khấu, lộ hẳn tấm lưng trần trong cảnh người vợ đề nghị một lần ân ái cuối cùng trước lúc vào tù. Vở Hãy khóc đi em của sân khấu Idecaf lại là một cuộc gần gũi mãnh liệt, vỡ bờ giữa nhân vật Phương (NSƯT Thành Lộc) và người vợ (Thanh Thủy), khiến nhiều khán giả há hốc khi xem và cũng gây ra nhiều tranh luận...
Bây giờ những cảnh như vậy không còn là "hàng hiếm" của sân khấu nữa. Hầu như các vở mới đều ít nhiều có những pha nóng bỏng khi nói đến tình yêu với nhiều cung bậc: nụ hôn cuồng nhiệt của "người vợ ma" Thanh Vân; những động tác mơn trớn của Thành Hội và Lê Khánh trong Hồn Trương Ba da hàng thịt; những cảnh "thiếu vải" của Việt Hà (vở Khúc hát cuộc đời), Quỳnh Lam (Trinh nữ), Hòa Hiệp (Nhân danh công lý).
Cảnh yêu "như thật" cũng xuất hiện trong tác phẩm của đạo diễn gạo cội như Trần Ngọc Giàu với đoạn video clip của Tiết Cương và Xuân Thùy trong Quỉ, qua Thành Lộc với những cảnh trên giường trong Hợp đồng mãnh thú, cho đến cảnh tắm bên hồ sen trong tác phẩm đầu tay của đạo diễn trẻ như Hoàng Thúy (Cái lò gạch cũ),Thế Sơn (Lòng tin bị đánh cắp). Ngay cả một vở hài kịch ngắn của sân khấu Nụ Cười Mới với tên Nụ hôn, đạo diễn Hữu Lộc cũng yêu cầu các diễn viên phải... hôn thật nồng nàn!
Khó khi "vướng" cảnh nóng
Chuyện vở Trinh nữ - tác phẩm đầu tay của một đạo diễn trẻ còn chưa ra trường nhưng sáng đèn liên tục với những suất diễn kín rạp khiến người ta không thể phủ nhận sức hút của những cảnh yêu đương nóng bỏng trên sân khấu. Tình yêu và chuyện luyến ái luôn là một đề tài nóng được quan tâm và có sức lan tỏa.
Vấn đề là sân khấu không chỉ đơn thuần đi miêu tả lại cảnh làm tình một cách trần trụi mà phải thông qua đó để nói lên điều gì, đó có thể là kết quả của câu chuyện trước hay gửi đi những dự báo cho câu chuyện sau. Như trong Cái lò gạch cũ, cuộc hoan lạc của Chí Phèo và Thị Nở - hai kiếp người dưới tận đáy xã hội - đã thể hiện một sự mông muội và nổi loạn tất yếu. Những gì xảy ra trong đêm tân hôn (vở Trinh nữ) đã manh nha về một sự đổ vỡ niềm tin vốn được lỏng lẻo hàn gắn trước đó. Trong Hợp đồng hôn nhân, cô người yêu muốn dâng hiến tất cả cho người mình yêu, những "thủ đoạn lả lơi" được trưng ra như một dồn nén cuối cùng.
Tuy nhiên, nói thì dễ, làm quả là khó - đó là tâm sự chung của nhiều đạo diễn khi "vướng" cảnh nóng. Làm thế nào để những cảnh ấy không bị phản cảm, gợi dục, gây khó chịu cho khán giả và cả diễn viên khi thể hiện là điều luôn được cân nhắc. Đạo diễn Ngọc Tưởng phải thuyết phục hai cô diễn viên trẻ chưa lập gia đình Lan Phương và Quỳnh Lam chịu mặc áo da bó sát cơ thể trong Trinh nữ. Còn đạo diễn Công Ninh khi tập các cảnh nóng trong Cõi tình đã khuyến khích nhiều bạn diễn tới xem để lường trước phản ứng khán giả.
Đi đầu về số lượng những cảnh yêu trong các tác phẩm của mình, đạo diễn Ái Như luôn tự hỏi: cảnh đó có thật sự cần thiết cho nội dung vở diễn không? Đến lúc đó, có bắt buộc hai người phải ôm nhau, hôn nhau, âu yếm nhau không? Khi trả lời được thấu đáo những câu hỏi này, chị sẽ bắt tay vào dàn dựng và tin rằng diễn viên sẽ đồng cảm để thể hiện cho tốt, khán giả sẽ đồng cảm để đi cùng nhân vật.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận