Bạn đọc JJ Nguyen bình luận xót xa về cảnh hoang tàn, đổ nát không thể tưởng tượng nổi của Hãng phim truyện Việt Nam, khi NSND Trà Giang ghé thăm lại đơn vị được coi là cánh chim đầu đàn của điện ảnh nước nhà.
Trách nhiệm của ai?
Chứng kiến cảnh khuôn viên Hãng phim truyện Việt Nam xuống cấp trầm trọng, các phòng chức năng đóng cửa ngưng hoạt động nhiều năm nay, bạn đọc Anh Thư ví von: "Nó giống như một tổ ong, khi bị rút hết mật thì cái tổ chẳng có ý nghĩa gì!".
Bạn đọc Minh Khoa nói thẳng: "Cha chung không ai khóc, xuống cấp là do các ban lãnh đạo của Hãng phim truyện Việt Nam. Nhìn thực sự quá lãng phí!".
Trong khi đó, bạn đọc Trung Quang cho rằng vì không có sự trân trọng điện ảnh nên hãng phim mới bị bỏ hoang như vậy.
"Quá lãng phí đất đai, tài sản của nhà nước, nhân dân, ai chịu trách nhiệm đây?" - bạn đọc Hanh Nguyen hỏi.
Ngoài nỗi bức xúc trước cảnh hoang tàn của Hãng phim truyện Việt Nam, nhiều bạn đọc không khỏi luyến tiếc với đơn vị đại diện cho điện ảnh cách mạng một thuở.
"Nhà tôi ở gần đó. Hãng phim của những bộ phim đi vào lòng người một thời giờ có thể nói là gần như không còn nữa. Có những bộ phim đã hình thành nhân cách, đạo đức của tôi, một phần nào giúp tôi không nghiện ngập, cờ bạc... Lắm lúc xem lại vẫn dâng trào cảm xúc với những nhân vật trong phim" - bạn đọc Nguyễn Tiến Hùng bày tỏ.
Nhìn cảnh hoang tàn mà xót xa, bạn đọc Dân nuối tiếc: "Trong chiến tranh ác liệt, thiếu thốn trăm thứ, máy móc thiết bị, lạc hậu... điện ảnh cách mạng Việt Nam đã sản xuất nhiều phim tài liệu, phim truyện để đời, kinh điển... Vậy mà hàng chục năm qua, điện ảnh Việt Nam có đủ con người, trang thiết bị tốt nhưng đã làm được gì?".
Tồn tại hay không tồn tại?
Bàn về số phận và tương lai của Hãng phim truyện Việt Nam, bạn đọc Pham Van Binh có ý kiến: "Đã đến lúc xem lại vai trò của Hãng phim truyện Việt Nam có cần tồn tại hay không trong nền kinh tế thị trường.
Theo tôi, vẫn cần một hãng phim nhà nước nhưng với quy mô vừa phải, làm phim với kinh phí hoàn toàn do nhà nước đảm bảo. Mỗi năm chỉ cần làm từ 1-2 bộ phim nói về lịch sử, còn lại liên kết với các nhà làm phim tư nhân giỏi làm phim giải trí... Như vậy lấy doanh thu cái này bù cái kia để hãng tồn tại và phát triển".
Bạn đọc Tân Tân Văn cho rằng "đã là kinh tế thị trường thì cái gì thị trường không ưng, ắt phải bị đào thải. Cái gì của thị trường thì trả lại cho thị trường, khi đó lợi ích kinh tế còn nhiều hơn cho đất nước".
Nhắc lại chuyện cũ để nói đến hiện trạng phim ảnh hôm nay, bạn đọc Ne Na Pham bày tỏ: "Nói đi cũng phải nói lại chút. Hồi xưa lâu lâu lại được xem phim truyện của Hãng phim truyện Việt Nam thấy hay và thích thú lắm. Còn bây giờ toàn xem phim mì ăn liền, những phim mang tính kinh điển chả thấy đâu.
Vậy nếu hãng phim truyện tồn tại mà không có phim truyện để xem thì có nên tồn tại? Mà đã không có phim thì lấy đâu ra kinh phí xây sửa nơi hãng phim cư trú?
Thời kinh tế thị trường, làm ăn cái gì cũng phụ thuộc vào đầu ra của sản phẩm, mà sản phẩm có sự cạnh tranh rất mạnh, đó là chất lượng của nó. Nếu chất lượng kém, chẳng ai xem, chất lượng cao, người xem rất đông".
Trăn trở hơn, bạn Việt Hà mong muốn: "Chính phủ cần sớm có kế hoạch xây dựng lại Hãng phim truyện Việt Nam từ đống hoang tàn này để Hãng phim truyện Việt Nam phát triển hiện đại và là niềm tự hào của điện ảnh Việt Nam trong công cuộc xây dựng phát triển đất nước ngày nay".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận